Ông Nguyễn Thiện Nhân ‘đặt hàng’ thanh niên TP HCM giám sát môi trường, đô thị
Bí thư TP HCM gợi ý thanh niên thành phố cùng xây dựng một hệ thống thông tin để giám sát các vấn đề môi trường, đô thị, giao thông.
Mở đầu buổi gặp gỡ giữa với hơn 80 thanh niên tiêu biểu của TP HCM sáng 21/5, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị những người có mặt thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ để nắm được những vấn đề đời sống, xã hội được quan tâm nhất.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đối thoại với đại biểu thanh niên TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.
Với câu hỏi “bạn hãy chọn 5 vấn đề gây bức xúc nhất hiện nay của người dân thành phố”, hơn 70% đại biểu chọn ô nhiễm môi trường và kẹt xe gia tăng, hơn 45% bức xúc vấn đề quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập.
Bày tỏ sự đồng cảm với đại biểu thanh niên, ông Nhân khẳng định đây chính là những bức xúc của hàng triệu người dân và là trăn trở của lãnh đạo thành phố.
Ông cho rằng, tài sản lớn của TP HCM là con người, đặc biệt là giới trẻ với sự sáng tạo dồi dào. Do đó, ông muốn những người trẻ thành phố cùng thực hiện một hệ thống thông tin giám sát vấn đề môi trường, đô thị.
Theo ông Nhân, thay vì đặt các camera khắp nơi để quan sát việc thu gom rác thải, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ môi trường thì mỗi thanh niên với một chiếc điện thoại thông minh có thể làm được việc này.
“Nếu thấy xe chở rác ô nhiễm, sai quy định hoặc những nơi xả thải gây mùi hôi, người dân phàn nàn thì thanh niên có thể nhắn tin, chụp ảnh báo ngay về trung tâm xử lý”, ông gợi ý.
Trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và lĩnh vực khác cũng thể thực hiện cách giám sát tương tự. Riêng lĩnh vực giao thông, Bí thư TP HCM gợi ý tạo ra một ứng dụng trên di động để mọi người có thể cung cấp, chia sẻ cho nhau hình ảnh, dữ liệu trên các tuyến đường giúp hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông.
Video đang HOT
“Bằng những con người đó, có sức khỏe, có phương tiện, công nghệ thì sẽ giúp cho mọi việc tốt hơn”, Bí thư TP HCM tin tưởng.
Trước ý kiến của nhiều thanh niên cho rằng, lãnh đạo thành phố cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, người đứng đầu Thành ủy TP HCM tiếp thu và hứa sẽ “cố gắng tối đa”. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính sẽ được chú trọng với phương châm lấy thước đo là sự hài lòng của người dân.
Ngoài ra, thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất để người trẻ sử dụng tối đa khả năng, sức sáng tạo của mình đóng góp cho sự phát triển chung. Bên cạnh việc phát triển kinh tế – xã hội, thành phố sẽ dành sự quan tâm đến phát triển văn hóa, đồng thời tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, ông Nhân khẳng định.
TS Trần Hữu Lộc (Đại học Nông lâm TP HCM) muốn thành phố tạo môi trường tương tác giữa những nhà khởi nghiệp trẻ. Ảnh: Mạnh Tùng.
Đối thoại với Bí thư TP HCM, nhiều đại biểu trẻ là cán bộ, giảng viên, doanh nhân… bày tỏ mong muốn thành phố sẽ là môi trường tốt nhất để hàng triệu thanh niên cống hiến sức trẻ.
TS Trần Hữu Lộc (giảng viên Đại học Nông lâm) cho rằng, ở Việt Nam, từ khâu ý tưởng đến việc triển khai có khoảng cách rất lớn do thiếu vốn, hạ tầng. Ông đề nghị thành phố cần tháo gỡ những rào cản để giới trẻ có cơ hội cống hiến, tạo môi trường nghiên cứu khoa học, tương tác hỗ trợ giữa những nhà khởi nghiệp trẻ.
Cùng bàn về khía cạnh “rào cản”, Nguyễn Thanh Huyền (sinh viên Đại học Quốc tế – ĐHQG TP HCM) cho biết sinh viên hiện có nhiều ý tưởng khởi nghiệp nhưng khó hiện thực vì vướng các thủ tục. Nữ sinh này muốn thành phố tạo môi trường khởi nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp ngay trong nhà trường.
“Cần đưa chương trình giáo dục khởi nghiệp vào trường phổ thông từ cấp 2, cấp 3 để khi lên đại học, sinh viên có ý tưởng tốt hơn. Nhà nước nên có hỗ trợ về vốn và hỗ trợ về chuyên gia tư vấn phát triển ý tưởng khởi nghiệp”, Thanh Huyền đề xuất. Nữ sinh này cũng muốn TP HCM trẻ hóa bộ máy nhà nước đồng thời phát triển giáo dục đào tạo quản lý nhà nước ở các trường đại học.
Trong lĩnh vực văn hóa, nghệ sĩ Trần Nhật Minh (Nhà hát nhạc – vũ – kịch TP HCM) lo lắng trước thực trạng chất lượng giáo dục văn hóa – nghệ thuật ngày càng đi xuống, các chương trình giải trí trong tình trạng hỗn loạn. Điều này làm thay đổi xu hướng thẩm mỹ, thưởng thức văn hóa của giới trẻ.
Ông Minh đề nghị lãnh đạo thành phố triển khai các chương trình giáo dục âm nhạc, nghệ thuật cho thanh niên, đồng thời chú trọng tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật có giá trị cho giới trẻ.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Bí thư Nhân: 'Xây dựng TP.HCM như thung lũng Silicon'
Trong buổi gặp gỡ với đại diện thanh niên thành phố, tân Bí thư Thành uỷ TP.HCM nhận được nhiều câu hỏi băn khoăn về vấn đề khởi nghiệp.
Sáng 21/5, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của đại diện thanh niên thành phố.
Đến tham dự có hơn 80 tri thức trẻ làm việc tại các lĩnh vực khoa học, xã hội, kinh tế, bao gồm: Giảng viên, giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức, bác sĩ, nghệ sĩ, vận động viên, lực lượng vũ trang, doanh nhân.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều đại biểu chia sẻ những băn khoăn làm thế nào để thành phố phát triển đồng bộ.
Giảng viên Đại học Nông Lâm TP.HCM Trần Hữu Lộc đề xuất xây dựng mô hình thung lũng Silicon. Trong đó đặc biệt chú trọng tạo môi trường nghiên cứu khoa học, tương tác hỗ trợ các nhà khởi nghiệp trẻ, kết nối các nhà đầu tư và lãnh đạo với thế hệ thanh niên.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tại buổi giao lưu với đại biểu thanh niên TP.HCM. Ảnh: Hải An.
Cùng quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, đại biểu Nguyễn Thanh Huyền, sinh viên Đại học Quốc tế, nhấn mạnh thành phố cần đẩy mạnh ý tưởng khởi nghiệp cho thế hệ trẻ ngay từ cấp THCS, THPT.
Nữ sinh ngành Kinh tế gợi ý thành phố quảng bá cơ hội và lộ trình nghề nghiệp cho sinh viên, đơn giản hoá thủ tục khởi nghiệp, thường xuyên kết nối lãnh đạo với người trẻ, hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp.
Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TP.HCM hiện có hơn 2,8 triệu thanh niên sống, đồng nghĩa với 2/3 giá trị kinh tế của thành phố do thanh niên mang lại.
Bí thư khẳng định trong thời gian tới sẽ xây dựng TP.HCM thành không gian khởi nghiệp như thung lũng Silicon. Trước hết, bí thư gợi ý lập nhóm "Sáng kiến tuổi trẻ TP.HCM".
Sinh viên Đại học Quốc tế Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ băn khoăn về vấn đề khởi nghiệp. Ảnh: Hải An.
Mỗi trường Đại học đăng ký là một tụ điểm giao lưu thanh niên. Từ đó, các nhà lãnh đạo dễ dàng lắng nghe được ý kiến của người trẻ, đồng thời thanh niên cũng quan tâm đến việc làm thế nào để đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Bên cạnh đó, tại buổi gặp gỡ, những vấn đề "nóng" như giao thông công cộng, đường sắt trên cao, môi trường,... cũng được đề cập tới.
Mở đầu buổi gặp mặt, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân hỏi các đại biểu: "Những ai ở đây sử dụng smartphone?". Sau đó, ông đề nghị mọi người dùng điện thoại di động thực hiện một cuộc khảo sát nhanh. Sau khi truy cập trang web, mọi người trả lời 6 câu hỏi có nội dung tìm hiểu những thành tựu nổi bật của thành phố, các vấn đề gây bức xúc cho người dân trong quá trình phát triển như: Môi trường, ùn tắc giao thông, quy hoạch xây dựng, tội phạm, tham nhũng,... Bên cạnh đó, những người tham gia khảo sát cũng có thể đề xuất quan điểm, góp ý với lãnh đạo thành phố.
Theo Ngân Giang (Zing)
Gần 800 tấn rác được Hà Nội thu dọn sau bão số 1 Nhằm khắc phục hậu quả sau cơn bão số 1, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã huy động hơn 850 công nhân cùng các phương tiện thiết bị khẩn trương thu dọn đất, rác, cành, lá cây, dây điện... Tính đến 17h chiều nay (29/7), đơn vị đã thu gom được 773 tấn rác. Gần 800 tấn...