Ông Nguyễn Thanh Hóa mắng cấp dưới khi được cảnh báo game bài Rikvip
“Khi tôi yêu cầu anh Hóa cho CNC dừng hoạt động này lại vì nó tiềm ẩn nguy cơ vi phạm, anh Hóa cứ bảo không vi phạm, không việc gì phải dừng. Có lần anh còn quát mắng tôi”, nhân chứng Lục trình bày.
Cuối phiên xét xử buổi chiều 20/11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ đã mời ông Nguyễn Huy Lục (Trưởng phòng Tham mưu C50, đang bị đình chỉ công tác) và ông Hoàng Xuân Phóng (Trưởng phòng 2 – C50, nay là Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao) lên để đối chất với bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Ông Phóng và ông Lục trước đây đều là cấp dưới của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Cả hai cũng từng được cơ quan điều tra mời tới để lấy lời khai.
Người đầu tiên được HĐXX gọi lên đối chất là ông Hoàng Xuân Phóng, trong khi ông Lục được cho vào phòng cách ly nhằm đảm bảo sự khách quan. Phía bục bị cáo, ông Nguyễn Thanh Hóa xin được ngồi để nghe trình bày cũng như trả lời.
Ông Phóng (áo trắng) và ông Lục được mời tới đối chứng. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Ông Phóng nói cuối năm 2015, Phòng 2 phát hiện công ty CNC của Nguyễn Văn Dương phát hành game bài Rikvip trá hình nghi vấn đánh bạc.
“Sau khi nghe báo cáo từ cán bộ của tôi, tôi có báo cáo miệng lại với anh Hóa. Anh Hóa có nói là đây là công ty bình phong của Cục nên sẽ báo cáo lãnh đạo Tổng Cục và lãnh đạo Bộ”, ông Phóng nói.
Sau nhiều lần đề xuất bằng miệng, giữa năm 2016, ông Phóng báo cáo lại bằng văn bản số 229. Từ thông tin này, cựu Cục trưởng C50 đã làm văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ.
Ngay sau đó, HĐXX đã chuyển qua hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hóa về lời khai của ông Phóng, bị cáo đã ngay lập tức phủ nhận. “Lời trình bày của anh Phóng là không đúng sự thật”, bị cáo Hóa nói.
“Không có văn bản nào anh Phóng báo cáo cho tôi, khi tôi yêu cầu anh Phóng phải phân tích cho tôi những tác hại của những con game bài và thống kê những con game bài để tôi gửi lên Tổng cục thì mới có văn bản 229, còn cá nhân anh Phóng để mà gửi cho tôi thì không có văn bản nào. Văn bản gửi lên Tổng cục cho anh Vĩnh ký là tôi yêu cầu”.
Ông Hóa nói, sau khi ông Phan Văn Vĩnh ký đã giao lại cho Phòng 2 chỗ ông Phóng làm việc để gửi lên Bộ nhưng đã không làm. “Như tôi đã báo cáo, việc báo cáo bằng miệng tôi chỉ nghe anh Lục nói thôi, chứ không từ anh Phóng”, bị cáo Hóa nói.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Thanh Hóa trên bục khai báo. (Ảnh: Phạm Chiểu)
Về phía ông Phóng, sau khi nghe lời khai từ phía ông Vĩnh, ông Phóng vẫn giữ nguyên lời khai của mình lúc trước rằng có báo cáo bằng miệng với ông Hóa.
“Tôi có báo cáo về việc game bài Rikvip có dấu hiệu, nhưng theo quy định thì chỉ khi nào cấp trên đồng ý chúng tôi mới cho xác minh tiếp còn lúc đầu chỉ dừng báo cáo ở việc dấu hiệu tổ chức đánh bạc”, ông Phóng cho biết.
Cũng theo ông Phóng, thời điểm ông gửi văn bản thì ông Hóa lại giao cho cấp phó ký để báo cáo Bộ. “Theo tôi nhớ thì Bộ với Tổng cục yêu cầu Cục trưởng phải trực tiếp báo cáo, còn sau đó anh Hóa có làm hay không thì tôi không rõ”, ông Phóng nói.
HĐXX sau đó mời ông Nguyễn Huy Lục lên để đối chất. Ông Lục nói: “Cuối năm 2015 được bổ nhiệm về C50 làm trưởng phòng tham mưu, cuối năm nên nhiều việc, phải tới đầu năm 2016, tôi mới xem hồ sơ về quản lý công ty CNC. Sau khi tôi đọc, thì thấy trong báo cáo của CNC có một báo cáo nêu là CNC hiện đang kinh doanh game đổi thưởng. Sau đó tôi tự tìm hiểu trên mạng thì thấy công ty này kinh doanh game Rikvip. Theo nhận thức pháp luật thì tôi thấy game này có biểu hiện hoạt động tổ chức đánh bạc”.
Với vai trò tham mưu, ông Lục sau đó có nhiều lần báo cáo Cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa về game bài Rikvip. “Có khi tôi báo cáo với riêng anh Hóa, nhưng cũng có khi báo cáo cùng với những người khác”, ông Lục trình bày. Nhưng ông Hóa phân tích lại, khẳng định hoạt động của Rikvip không vi phạm pháp luật.
“Khi tôi yêu cầu anh Hóa cho CNC dừng hoạt động này lại vì nó tiềm ẩn nguy cơ vi phạm, anh Hóa cứ bảo không vi phạm, không việc gì phải dừng”, nhân chứng Lục nói.
Sau đó, Trưởng phòng Tham mưu tiếp tục báo cáo Cục trưởng C50 về hoạt động của game bài Rikvip. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hóa nhiều lần gạt đi và vẫn cho rằng “game đó có vi phạm gì đâu”. “Có lần anh còn quát mắng tôi”, ông Lục nói.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về lời trình bày của ông Lục, ông Nguyễn Thanh Hóa xác nhận, ông Lục có báo cáo mình về hai cổng game bài của CNC không có phép, trước khi một thứ trưởng Bộ Công an có văn bản yêu cầu báo cáo việc này.
Về việc biết CNC là công ty nghiệp vụ của C50 từ khi nào? Ông Lục nói sau khi xem văn bản 158 mới biết. Trước đó, ông chỉ nghe anh em trong đơn vị nói. Cùng trả lời câu hỏi này, ông Phóng nói, biết CNC là công ty bình phong từ năm 2011. Ông nói có lần C50 tổ chức cuối năm có mời ông Dương đến dự.
Trong phiên xét xử hôm nay, trước bục khai báo, ông Nguyễn Thanh Hóa liên tục phủ nhận việc ký kết nhằm biến công ty CNC của Nguyễn Văn Dương trở thành công ty bình phong của C50. Ông Hóa cũng có nhiều lời khai vòng vo, thay đổi so với lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra.
VIỆT AN – TÙNG LÂM
Theo VTC
Cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa phủ nhận vai trò bình phong của CNC
"Nhiều người hiểu lầm CNC là công ty bình phong, nhưng đây chỉ là công ty phục vụ công an khi cần thiết", bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai.
Sáng 20/11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục phiên xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ đồng trên mạng internet liên quan đến 2 cựu tướng công an.
Sau phần xét hỏi cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, tới lượt bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, C50) được HĐXX gọi lên xét hỏi.
Trên bục khai báo, khi được hỏi về mối quan hệ với bị cáo Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho biết ông quen Dương trong một trường hợp đặc biệt.
"Năm 2010, tôi được gặp Nguyễn Văn Dương trong một trường hợp rất đặc biệt là khi tôi đi lễ hội đền Trần. Xe của bạn tôi lúc đó bị công an Nam Định bắt vì đậu sai chỗ. Và mọi người đều bảo là có Dương rất thân với Giám đốc Công an tỉnh Nam Định nên có thể xin được.
Tôi sau đó đã đến nhờ và cuối cùng đã xin được xe, nếu không có Dương thì chúng tôi chắc không về được", bị cáo Hóa khai.
Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương trên bục khai báo sáng 20/11. Ảnh: Phạm Chiểu)
Được bổ nhiệm làm Cục trưởng C50 năm 2009, Nguyễn Thanh Hóa khai đơn vị của ông ban đầu chỉ có hơn 30 người, có chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao. Do điều kiện không cho phép, cùng việc bị lãng quên nên đến 2011, C50 chưa thành lập được công ty bình phong.
Sau đó, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa khai cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã gợi ý với bị cáo về việc thành lập công ty bình phong. "Tôi nhớ có lần anh Ngọ hỏi tôi rằng C50 có chức năng bình phong hay không? Tôi bảo vâng", bị cáo Hóa khai.
Lúc đầu cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đã đề nghị cho cháu về làm công ty bình phong của C50. Tuy nhiên, ý định này không thành khi Nguyễn Thanh Hóa nói người cháu này không có khả năng làm doanh nghiệp, ông Ngọ đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương.
"Sau khi tôi nói cháu anh không có khả năng làm doanh nghiệp được thì anh nói có Dương ở UDIC được không. Tôi nói vâng nhưng sau đó lãng quên vì không mặn mà", ông Hoá khai.
Video: Nguyễn Thanh Hóa khen Phan Văn Vĩnh hết lời, nói gặp Nguyễn Văn Dương trong hoàn cảnh đặc biệt
Theo bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, trong một lần tình cờ, ông Hóa gặp ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Dương ở hành lang trụ sở Tổng cục Cảnh sát. Ông Hoá được ông Vĩnh giới thiệu Dương làm công ty bình phong và bảo ông Hoá làm tờ trình.
"Lúc đó tôi không hiểu vì lực lượng cảnh sát không có bình phong. Tôi họp đơn vị và thống nhất thành lập, giao trưởng phòng tham mưu đi tìm hiểu", ông Hóa khai.
Tiếp tục trả lời câu hỏi của HĐXX, Nguyễn Thanh Hóa khai sau khi được phê duyệt chủ trương lập công ty nghiệp vụ cho C50, ông cùng cấp dưới ký văn bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương. Về việc ký bản ghi nhớ với CNC vào ngày 10/10/2011, ông Hóa nhấn mạnh là ghi nhớ không phải thỏa thuận.
Theo ông Hoá, CNC hoạt động theo luật doanh nghiệp, chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật. CNC chỉ hóa trang nghiệp vụ khi cần thiết, chỉ sử dụng Dương khi cần. C50 không bao giờ hướng dẫn Dương điều tra tội phạm.
"Chúng tôi không có văn bản nào hướng dẫn anh Dương nghiệp vụ. Nhiều người hiểu lầm đây là công ty bình phong nhưng đây không là gì cả mà chỉ phục vụ công an khi cần thiết", ông Hóa khai.
Ông Hóa sau đó nói, dù CNC không phải công ty nghiệp vụ của C50 nhưng vẫn thường xuyên gửi báo cáo, nhưng ông không hồi âm.
"Họ gửi báo cáo chúng tôi cũng giống như quần chúng nhân dân gửi báo cáo, không riêng CNC. Nếu có dấu phạm tội chúng tôi sẽ điều tra chứ không phải CNC là cơ sở của C50", ông Hóa khai.
VIỆT AN - TÙNG LÂM
Theo VTC
CNC: Công ty "bình phong" cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ chính thức bị rút giấy phép Công ty CNC chính là mắt xích quan trọng giúp hai "trùm cờ bạc" Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc thông qua các game bài trá hình thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng. Ông Phan Văn Vĩnh (trái) và Nguyễn Văn Dương Ngân hàng Nhà nước đã chính thức rút giấy phép hoạt động trung gian...