Ông Nguyễn Sự đề xuất giải pháp để Đà Nẵng giữ lại 1000 ha rừng Sơn Trà
Theo ông Nguyễn Sự, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chỉ là hội nghề nghiệp nên tiếng nói chỉ ở mức độ nào đó. Để giữ được Sơn Trà thì người lên tiếng phải là lãnh đạo Đà Nẵng. Nếu lãnh đạo TP chính thức lên tiếng thì việc thay đổi quy hoạch khả thi tới 80%.
Tối 12/5, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hội An, đã gọi điện cho PV Infonet bày tỏ những bức xúc trước thái độ của đoàn công tác Tổng cục Du lịch tại buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhằm giải quyết những kiến nghị của Hiệp hội này liên quan đến “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″.
Theo ông Nguyễn Sự, để giữ được Sơn Trà thì lãnh đạo TP Đà Nẵng phải chính thức lên tiếng! (Ảnh: HC)
PV Infonet cũng đã phỏng vấn ông Nguyễn Sự về giải pháp để Đà Nẵng có thể giữ được tối đa diện tích rừng Sơn Trà.
PV: Theo ông, sau những kiến nghị của Hiệp hội Du lịch và một số nhà khoa học thì bước tiếp theo Đà Nẵng nên làm gì để giữ lại tối đa diện tích rừng Sơn Trà?
Ông Nguyễn Sự: Theo tôi, nói một cách nghiêm túc, nếu chỉ một mình Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đứng ra thì không ổn. Hiệp hội là hội nghề nghiệp, họ có tiếng nói đấy nhưng chỉ mức độ nào đó thôi. Ở đây, người ra tay phải là lãnh đạo TP Đà Nẵng. Họ phải ngồi nghe lại, mời tất cả các chuyên gia trở lại, công bố công khai có tất cả bao nhiêu dự án ở Sơn Trà đã cho rồi, bao nhiêu dự án đã và đang xây dựng, bao nhiêu dự án có đất nhưng chưa xây dựng…
Công bố công khai cho người ta biết để họ hiến kế cho mình. Trước hết, mình nghe người ta nói cái đã. Và theo tôi, quan điểm ưu tiên số một là phải giữ cho được Sơn Trà. Dứt khoát đó là quan điểm không thể thay đổi. Không thể để một nghìn mấy ha rừng trên Sơn Trà biến thành bê tông cốt thép được. Nhưng giữ bằng cách nào?
Theo tôi, cái gì người ta đã làm, đã xây dựng, đã hoạt động rồi thì phải chấp nhận cho họ chứ không thể phá được, vì phá ra không biết bao nhiêu là tiền của mà không giải quyết được vấn đề gì hết, vì rừng cũng đã phá rồi.
Vậy thì khoanh lại bao nhiêu dự án đã làm rồi. Còn bao nhiêu dự án đã cấp đất mà chưa làm thì nên dừng lại, không cấp đất nữa.
Dừng lại, mời người ta tới thỏa thuận. Nếu đã cấp dự án, ai rút thì rút, có gì thiệt hại trong quá trình đầu tư thì mình bồi thường vì nói gì thì nói, nhà nước cấp phép cho người ta mà. Còn lại nên động viên họ vì cái chung, rút về dưới đất liền, tìm chỗ nào đó cấp lại cho họ.
Theo tôi biết thì trên Sơn Trà có dự án gần 300ha nhưng hiện nay chưa xây dựng gì hết. Chỉ là đất đai thôi thì mình thỏa thuận với họ, tất nhiên vì cái chung họ phải chấp nhận chứ. Hay khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, họ mới làm một phần thôi thì khoanh vùng phần họ đã làm, còn phần chưa làm thì thu hồi…
Làm cách đó, chí ít cũng lấy lại được 1.000ha của Sơn Trà. Giữ nguyên như ban đầu thì không được nhưng chí ít cũng lấy lại được 1.000ha, mà giữ được chừng đó diện tích rừng thì lớn biết bao nhiêu mà kể. Đồng thời tổ chức lại du lịch Sơn Trà theo hướng hòa nhập, hòa đồng với tự nhiên, không nên xây dựng thêm bất cứ thứ gì trên đó.
Như vậy, không phải không có cách giải quyết bài toán đặt ra. Vấn đề là lãnh đạo Đà Nẵng phải nhất quán từ bên Đảng lẫn bên chính quyền. Thực ra bây giờ nói lỗi về những gì đang diễn ra ở Sơn Trà là của các lãnh đạo đương nhiệm của TP là không đúng. Mình phải công bằng chỗ này chứ cứ đổ hết cho anh em hiện nay là không đúng.
Video đang HOT
Nhưng có một điều là trách nhiệm của họ phải giải quyết việc này, thấy không hợp lý thì phải giải quyết, chứ không phải vì ngại, không phải vì thế này thế kia mà không giải quyết. Như vậy là rất nguy hiểm, là nát Sơn Trà mà sau này họ sẽ trở thành tội đồ thiên cổ đấy!
Theo quan điểm của tôi thì hướng giải quyết là như vậy. Sở dĩ tôi nói điều này vì bây giờ tôi là người đã rời khỏi “rừng” rồi, đã đứng ngoài bìa rừng nên mình nhìn vào mình thấy rừng, còn anh em đương chức đang ở trong rừng nên có khi không thấy rừng mà chỉ thấy cây này to, cây kia nhỏ. Tôi đã rời khỏi cuộc chơi này, đứng ngoài nhìn vào nên thấy rõ hơn. Tôi đã từng đi trong rừng rồi nên tôi biết và phân tích cho anh em đương nhiệm có thể nhìn nhận thêm.
PV: Tại văn bản số 3206 ngày 3/4, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao cho Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về Khu du lịch quốc gia Sơn Trà theo quy định; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo ông, trước những phản ứng của dư luận hiện nay thì TP Đà Nẵng nên ứng xử như thế nào?
Ông Nguyễn Sự: Tôi không biết trước khi Tổng cục Du lịch vào làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì họ hay Bộ VH-TT-DL có làm việc với lãnh đạo TP hay chưa. Nhưng theo tôi, trước khi làm việc với Tổng cục Du lịch hay Bộ VH-TT-DL thì lãnh đạo Đà Nẵng nên mời các chuyên gia, các hội nghề nghiệp, các ngành lại để nghe người ta nói, như tôi đề cập hồi nãy. Sau đó, lãnh đạo TP mời Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch vào làm việc dù họ chủ trì, nói rõ quan điểm của TP Đà Nẵng hiện nay và đề nghị họ điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Mặc dù quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt nhưng sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì phải xới tung quy hoạch đó lên lại, xem có còn hợp lý không, phù hợp không? Bất hợp lý chỗ nào? Cái gì cần để, cái gì cần bỏ, hoặc là phải bỏ hết cả cái quy hoạch đó… cho “ra ngô ra khoai” mới gọi là thực hiện ý kiến chỉ đạo vừa rồi của Thủ tướng.
Khi lãnh đạo Đà Nẵng chính thức lên tiếng thì tôi bảo đảm việc thay đổi quy hoạch khả thi tới 80%. Địa phương không đồng ý cái đó thì không làm được. Dù bộ ngành đồng ý nhưng địa phương thấy không được, dân tình không đồng thuận thì bộ cũng chịu. Nên quan trọng bây giờ là chỗ địa phương, là tiếng nói của lãnh đạo TP Đà Nẵng, chứ Hiệp hội Du lịch chỉ mang tính nghề nghiệp, tham gia ý kiến với tính cách phản biện xã hội và nói lên lòng dân, lòng của mọi người đối với việc quy hoạch này. Tại sao anh không thèm nghe tiếng nói của dân?
PV: Có một điều rất lạ là trong khi Hiệp hội Du lịch, các nhà khoa học cũng như công luận lên tiếng sôi sục thì phía chính quyền TP Đà Nẵng lại gần như không có động thái gì đáng kể. Ông nghĩ gì về việc này?
Ông Nguyễn Sự: Đó cũng là vấn đề. Liệu có quan chức nào của Đà Nẵng đang có biệt thự trên Sơn Trà hay không? Theo tôi biết thì hiện nay ở Sơn Trà có một số dự án đã được cấp đất nhưng chưa đụng đậy gì, chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư thì không việc gì chính quyền Đà Nẵng không làm việc được với họ để thu hồi. Nhà đầu tư chỉ tốn chi phí đất đai thì bây giờ mình đổi lại cho họ đất dưới này thôi.
Nếu quyết tâm thì vẫn làm được, vấn đề là đang “vướng” cái gì?
Tôi nghĩ bây giờ Đà Nẵng nêu đưa thẳng vấn đề này ra tập thể Ban Thường vụ để bàn cho ngã ngũ. Nếu có vị quan chức hoặc cựu quan chức nào của Đà Nẵng có đất trên đó thì khuyến cáo họ chủ động rút đi, còn nếu cán bộ ở dưới có đất thì đền bù cho họ rút. Có như vậy thì mới giải quyết được vấn đề. Hay nói cách khác, không phải không có cách để giải quyết chuyện Sơn Trà, vấn đề là quyết tâm của Đà Nẵng đến đâu, có để mình bị vướng víu gì hay không thôi!
PV: Xin cảm ơn ông đã dành cho Infonet cuộc trao đổi đầy tâm huyết này!
Được biết, chiều 12/5 (một ngày sau khi đoàn công tác của Tổng cục Du lịch làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và bị dư luận phản ứng mạnh mẽ), Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ này vào làm việc với UBND TP Đà Nẵng theo chương trình công tác của Bộ về tình hình văn hóa, thể thao, du lịch ở các địa phương.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị Bộ VH-TT-DL sớm có ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Tuy nhiên trong phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện không có bất cứ câu nào đề cập đến Sơn Trà, dù đây đang là vấn đề nổi cộm!
(Theo Infonet)
Ông Nguyễn Sự:Tôi nổi điên vì phát biểu của lãnh đạo Tổng cục Du lịch về Sơn Trà
"Thấy thái độ và phát biểu của đoàn công tác Tổng cục Du lịch khi họp giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà mà tôi tức ngược lên tới ngực!" - ông Nguyễn Sự nói đầy bức xúc.
"Đọc bài trên Infonet, thấy thái độ của ông Hà Văn Siêu và đoàn công tác của Tổng cục Du lịch khi họp giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về quy hoạch Khu du lịch quốc gia ở Sơn Trà, thêm câu phát biểu họ không cần thấy Voọc chà vá chân nâu nhưng quy hoạch của họ vẫn tốt mà tôi tức ngược lên tới ngực!" - Đó là câu mở đầu của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hội An (Quảng Nam) khi gọi điện cho PV Infonet lúc 6h10 tối 12/5.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hội An (Ảnh: HC)
Ông cho hay, mấy tháng qua ông theo dõi rất sát các diễn biến chung quanh vụ 40 móng biệt thự ở khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa cũng như quy hoạch khu du lịch quốc gia ở Sơn Trà. Tuy nhiên ông đã từ chối đề nghị phỏng vấn của khá nhiều báo, vì ông nghĩ mình ở Hội An, không nên can thiệp vào việc của Đà Nẵng. Nhưng đến khi đọc bài tường thuật buổi làm việc của Tổng cục Du lịch với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chiều 11/5 thì ông không thể im lặng được nữa mà gọi điện cho PV Infonet bày tỏ bức xúc:
Ông Nguyễn Sự: Tôi đọc bài báo mà muốn nổi điên với thái độ của ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng như đoàn công tác đi theo ông. Đó là thái độ mà tôi cho là rất không được, không chỉ coi thường những người của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đang ngồi dự họp mà còn coi thường cán bộ, nhân dân Đà Nẵng, coi thường những ai yêu mến và biết trân quý báu vật Sơn Trà.
"Quy hoạch của chúng tôi là đúng quy trình, các anh có nói gì thì cũng không điều chỉnh!" - Phát biểu như thế là rất coi thường. Quy trình là do anh đặt ra chứ ai? Tôi nói ở đây là nói về bản chất vấn đề chứ anh đừng đem cái quy trình của anh ra nói với tôi. Mà bản chất vấn đề ở đây là gì? Là anh ứng xử với tự nhiên, ứng xử với vùng đất và con người chứ đừng nói chuyện quy trình. Quy trình là chuyện hành chính của các anh, còn anh hiểu gì về biển, hiểu gì về rừng Sơn Trà mà anh dám nói quy hoạch của anh là đúng quy trình?
Anh quy hoạch cái gì mặc kệ anh, nhưng anh hiểu gì về dân Đà Nẵng, về sự phát triển của Đà Nẵng, cũng như Sơn Trà mà anh làm kiểu đó? Mọi thứ quy hoạch có phải nhất nhất đều trúng hết đâu. Dù với động cơ trong sáng đến mức độ nào đi nữa thì quy hoạch cũng không phải là trúng hết. Sai thì phải sửa.
Đây đâu phải là đất đai, rừng núi của cá nhân anh mà anh muốn quy hoạch kiểu gì thì quy hoạch!
Chưa kể quy hoạch đâu phải là cái gì bất biến. Quy hoạch chỉ mang tính định hướng, có khi chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định, do những giới hạn về tầm nhìn khi tiến hành quy hoạch. Và khi thấy có bất hợp lý thì phải điều chỉnh ngay quy hoạch đó. Tư duy quy hoạch là phải như vậy, chứ không phải theo kiểu đã quy hoạch rồi là giữ nguyên, có nát bét ra cũng cứ để im như vậy.
Quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể chỉ mang tính định hướng, chỉ khi nào quy hoạch 1/1000 mới mang tính định lượng. Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà mới là quy hoạch tổng thể nên định hướng hoàn toàn có thể thay đổi, điều chỉnh nếu không phù hợp chứ không có vấn đề gì hết. Nguyên tắc là như vậy!
PV Infonet: Với câu nói "Chúng tôi không cần thấy Voọc chà vá chân nâu nhưng bản quy hoạch của chúng tôi vẫn tốt!", có thể thấy quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà do Tổng cục Du lịch chủ trì và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện được tiến hành hời hợt và thiếu trách nhiệm!
Ông Nguyễn Sự: Đúng vậy! Nhưng nói về Sơn Trà thì không chỉ có loài Voọc chà vá chân nâu mà theo tôi còn phải thấy điều lớn hơn kia. Rừng Sơn Trà có gần 1.000 loại cây đặc hữu và 1.000 loài động vật sống ở đó. Mọi loài động, thực vật ở Sơn Trà, dù con Voọc chà vá chân nâu hay con khỉ, con trăn... thì đều tạo ra sự cân bằng sinh thái cho môi trường sống và sự phát triển của cả vùng Bắc sông Thu Bồn, bao gồm cả Đà Nẵng và Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam).
Thứ hai, bản thân rừng Sơn Trà là "máy điều hòa" khí hậu cho cả TP Đà Nẵng. Cùng với núi Hải Vân thì vào mùa lạnh, rừng Sơn Trà còn có chức năng ngăn không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào. Mùa hè, rừng Sơn Trà cũng giúp Đà Nẵng bớt nóng vì che chắn gió Lào từ ngoài đèo Hải Vân đổ vào. Nếu không có mũi Sơn Trà và Cù lao Chàm thì gió nóng, gió lạnh thổi tốc luôn cả Đà Nẵng, Hội An. Như vậy, nếu cày hết rừng Sơn Trà thì hủy diệt môi trường sống của cả vùng Bắc sông Thu Bồn chứ không riêng gì bán đảo Sơn Trà hay TP Đà Nẵng.
Điểm thứ ba càng lớn hơn, xét cho cùng thì Sơn Trà là một trong những "linh khí" của Đà Nẵng và Quảng Nam. Hiện dư luận đang nói nhiều về Voọc chà vá chân nâu, đây là một loài linh trưởng rất đẹp, có nguy cơ bị tuyệt chủng nên được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam để bảo vệ.
Nhưng Sơn Trà không chỉ có Voọc chà vá mà Sơn Trà còn có hàng loạt vấn đề lớn. Trong đó có vấn đề quốc phòng an ninh, chiến lược phòng thủ quốc gia. Không chỉ trong thời kỳ hiện nay mà bất cứ với thời kỳ nào thì Sơn Trà cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, là nơi trấn ải trong chiến lược phòng thủ ở Biển Đông của đất nước này.
Còn xét về mặt kinh tế, hiện có một loạt dự án, cứ cho là 20 dự án, lên Sơn Trà. Số dự án đó lên, ngoài việc phá rừng ra thì ai là người hưởng lợi từ Sơn Trà? Chỉ có 20 dự án đó hưởng lợi thôi. Đưa tất cả các dự án đó lên Sơn Trà thì chỉ nộp thuế, còn toàn bộ tiền lãi họ bỏ túi hết, dân không được hưởng một cái gì, mà cũng không ai lên được Sơn Trà cả vì các dự án đó chiếm hết rồi.
Còn nếu giữ được Sơn Trà và tổ chức du lịch theo kiểu sinh thái, gần gũi thiên nhiên, bảo vệ môi trường thì nhân dân Đà Nẵng sẽ hưởng lợi. Tức là du khách ở dưới này, lên Sơn Trà ngắm cảnh, thưởng ngoạn một ngày đêm gì đó rồi quay xuống. Như vậy thì người dân bán được chai nước, gói thuốc, miếng ăn, xe taxi chở được, xe ôm chở được...
Nếu Sơn Trà bị cày trụi thì không chỉ dân Đà Nẵng mà dân Hội An, Điện Bàn cũng "chết" theo. Còn giữ được Sơn Trà với các loài động, thực vật ở đó, khách đến ngủ ở Hội An một ngày, chạy lên tham quan Sơn Trà thì còn quay về ở Hội An thêm được một ngày nữa. Nếu các dự án chiếm hết trên đó thì lấy chỗ đâu cho họ lên? Cũng như có Cù lao Chàm thì khách đến Đà Nẵng, ra Cù lao Chàm ở một ngày, tối vô Đà Nẵng ở lại để mai ra sân bay. Như vậy Đà Nẵng cũng hưởng lợi, nếu không có Cù lao Chàm thì Đà Nẵng đâu có được thêm ngày khách đó.
Nên tôi nói vấn đề Sơn Trà là vấn đề của cả vùng Bắc sông Thu Bồn là vì vậy. Và xét về góc độ kinh tế thì tôi thấy việc đưa hàng loạt dự án du lịch lên Sơn Trà cũng là một sai lầm, mà phải để Sơn Trà cho cộng đồng hưởng lợi từ tài nguyên của trời đất ban tặng cho họ chứ không phải ban tặng cho nhà đầu tư mấy dự án đó.
(Trong cuộc điện thoại cho PV Infonet tối 12/5, ông Nguyễn Sự còn đề xuất một số giải pháp để TP Đà Nẵng có thể giữ được Sơn Trà. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi ở phần sau).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu xem xét quy hoạch Sơn Trà thực sự khoa học và cầu thị
Ngày 12/5, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL và UBND TP Đà Nẵng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khẩn trương xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị đối với kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng; kịp thời thông tin đầy đủ cho công luận và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/5.
Được biết, "Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Tổng cục Du lịch chủ trì, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch là đơn vị thực hiện. Quy hoạch này được tiến hành từ năm 2013 và đến ngày 9/11/2016 thì chính thức ban hành theo Quyết định 2163/QĐ-TTP của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký.
Ngày 21/3, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh có văn bản 21-3/CTHHDLĐN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại quy hoạch này. Ngày 3/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng, giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về Khu du lịch quốc gia Sơn Trà theo quy định; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng xem xét.
Ngày 11/5, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu dẫn đầu đoàn công tác của Tổng cục Du lịch vào làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng để giải quyết các kiến nghị nêu trên. Tuy nhiên đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã "cấm cửa" báo chí tham dự đưa tin về cuộc họp, dù vấn đề Sơn Trà đang rất nóng, được dư luận Đà Nẵng cũng như cả nước hết sức quan tâm.
Bình luận về việc này, ông Nguyễn Sự cho rằng, nếu Tổng cục Du lịch làm việc một cách đường đường chính chính, quang minh chính đại và quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà thực sự đúng đắn thì không việc gì phải "cấm cửa" báo chí. Thay vào đó, họ phải mời báo chí cùng tham dự để qua đó công bố rộng rãi cho công luận biết về sự đúng đắn của mình.
Theo ông Nguyễn Sự, việc Tổng cục Du lịch "cấm cửa" báo chí là cách hành xử rất ấu trĩ và thô thiển, khiến dư luận không khỏi đặt vấn đề quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà được thực hiện vì lợi ích nhóm nhằm đưa một số tập đoàn kết hợp với quan chức lên "chiếm cứ" ở Sơn Trà; hoặc Tổng cục Du lịch đã nhận ra những sai lầm trong quy hoạch này nhưng không dám chính thức thừa nhận mà vẫn tỏ thái độ rất kẻ cả khi làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Do vậy ông Nguyễn Sự cho rằng, việc các thành viên Thường trực Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng không ký biên bản buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng cục Du lịch chiều 11/5 là đúng. Thậm chí, nếu là ông thì ông đã bỏ về giữa chừng để phản đối kiểu làm việc của đoàn công tác Tổng cục Du lịch, chứ không đợi đến khi tuyên bố kết thúc cuộc họp.
Theo infonet
Phó thủ tướng yêu cầu xem xét 'thực sự khoa học' quy hoạch Sơn Trà Trong văn bản gửi Bộ Văn hóa và Đà Nẵng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khẩn trương xem xét kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng. Ngày 12/5, Văn phòng Chính phủ gửi thông báo đến Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND TP...