Ông Nguyễn Đức Chung không được tại ngoại: Tội chiếm đoạt bí mật Nhà nước nghiêm trọng mức nào?
Theo luật sư, Cơ quan Điều tra xác định hành vi vi phạm pháp luật của bị can Nguyễn Đức Chung là nghiêm trọng, nên không cho thay đổi biện pháp ngăn chặn là đúng pháp luật. Còn việc xác định tội danh gì, như thế nào thì còn phải chờ kết luận điều tra và truy tố của Cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian tới.
Mới đây, Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã nhận đơn đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa bị tạm giam để điều tra liên quan 3 vụ án.
“Qua điều tra và trao đổi với Viện Kiểm sát, thấy tội chiếm đoạt bí mật nhà nước là nghiêm trọng nên trước mắt chưa giải quyết thay đổi biện pháp ngăn chặn”, ông Xô nói.
Ông Nguyễn Đức Chung không được tại ngoại chữa bệnh.
Ông Xô khẳng định, Cơ quan An ninh điều tra sẽ phối hợp cơ quan y tế khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho ông Chung trong trại tạm giam.
Ông Xô cho biết, sức khỏe của ông Chung theo báo cáo của Cơ quan điều tra là bình thường trong điều kiện mới. Việc điều tra hiện vẫn đang được tiếp tục, liên quan tới 3 vụ án và nếu có liên quan sẽ tiếp tục điều tra thêm.
Trước đó, đã có đề nghị cho ông Chung được tại ngoại để chữa bệnh ung thư.
Liên quan đến việc này, luật sư Bùi Quốc Tuấn – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định hiện hành của Bộ Luật Hình sự năm 2015, thì tội phạm nghiêm trọng được quy định tại khoản 2 điều 9 Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo đó tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn, mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 3 năm đến 7 năm tù.
Video đang HOT
Luật sư Bùi Quốc Tuấn – Đoàn luật sư TP.HCM.
“Việc xác định tội phạm nghiêm trọng trong Bộ Luật Hình sự 2015 là dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt, nếu như một người phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là từ trên 3 năm đến 7 năm tù thì người này phạm tội nghiêm trọng”, luật sư Tuấn nói.
Theo vị luật sư, điều 9 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định rõ, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tội phạm được phân thành bốn loại, ngoài tội phạm nghiêm trọng nêu trên, còn có các loại tội phạm khác.
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 7 năm đến 15 năm tù.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
“Cơ quan Điều tra xác định hành vi vi phạm pháp luật của bị can Nguyễn Đức Chung là nghiêm trọng, nên không cho thay đổi biện pháp ngăn chặn là đúng pháp luật, xác định tội danh gì, như thế nào còn phải chờ kết luận điều tra và truy tố của Cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian tới”, vị luật sư phân tích.
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 2 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tướng Tô Ân Xô: 'Ông Nguyễn Đức Chung sức khoẻ bình thường trong điều kiện mới'
Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, theo báo cáo của cơ quan an ninh điều tra, sức khoẻ của ông Nguyễn Đức Chung "bình thường trong điều kiện mới".
Chiều 2/10, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9, trả lời câu hỏi của báo chí về việc ông Nguyễn Đức Chung có đơn xin tại ngoại để điều trị bệnh, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho hay: " Theo báo cáo của cơ quan an ninh điều tra, ông Chung sức khoẻ bình thường trong điều kiện mới".
Liên quan đến đơn của gia đình ông Nguyễn Đức Chung xin thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Chung để điều trị bệnh, tướng Xô cho biết, cơ quan điều tra đang xem xét. Tuy nhiên tội "Chiếm đoạt tài liệu bị mất nhà nước" có tính chất rất nghiêm trọng nên hiện cơ quan điều tra chưa giải quyết việc thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông Chung.
" Cơ quan điều tra đã phối hợp với cơ quan y tế khám, chữa bệnh cho ông Chung trong thời gian tạm giam", tướng Xô nói.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an.
Trước đó, ngày 18/9, luật sư Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội, Đoàn luật sư TP.HCM (bào chữa cho ông Nguyễn Đức Chung) cho biết: Ông Nguyễn Đức Chung hiện đang bị ung thư, gia đình ông Chung đang làm thủ tục để ông được áp dụng biện pháp tại ngoại. Bởi trong trại tạm giam khó đáp ứng được các yêu cầu về thuốc và thiết bị y tế để chữa bệnh.
Ông Nguyễn Đức Chung hiện bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.
Ngoài ra, ông Chung còn bị điều tra trong 2 vụ án khác là "Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn và thương mại Nhật Cường và vụ án "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Tranh cãi gay gắt về tội danh, tiền thiệt hại trong vụ án tham ô tài sản Luật sư cho rằng cơ quan công tố thiếu căn cứ khi quy kết tội danh "Tham ô tài sản", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với những bị cáo gây ra thiệt hại hàng trăm tỉ đồng ở Công ty Lương thực Trà Vinh Chiều 26-9, phiên tòa xét xử vụ án tham ô, cố ý làm trái quy...