Ông Nguyễn Đức Chung gửi bản giải trình hơn 100 trang trước phiên phúc thẩm
Từ trại tạm giam, ông Nguyễn Đức Chung – cựu chủ tịch thành phố Hà Nội – đã gửi đến Tòa án cấp cao bản giải trình đơn kháng cáo dài hơn 100 trang, đưa ra nhiều luận điểm để tiếp tục kêu oan.
Ông Nguyễn Đức Chung trong phiên tòa sơ thẩm – Ảnh: NAM ANH
Ngày 14-6, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã nhận được bản giải trình đơn kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung. Bản giải trình này được ông Chung gửi đi từ trại tạm giam của Bộ Công an.
Cựu chủ tịch Hà Nội đưa ra nhiều luận điểm tiếp tục kêu oan, trước khi phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của ông trong vụ mua chế phẩm Redoxy – 3C sẽ diễn ra ngày 20-6 tới.
Trong bản giải trình, ông Chung cho rằng tòa cấp sơ thẩm đã “ra quyết định tuyên án oan” đối với ông.
Cụ thể, ông Chung đưa ra nhiều căn cứ cho rằng Công ty Thoát nước Hà Nội đã thực hiện việc mua chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch sông hồ trên địa bàn thủ đô đúng quy định pháp luật, không gây thiệt hại ngân sách.
Theo cựu chủ tịch Hà Nội, Công ty Thoát nước không thể tự đàm phán mua chế phẩm từ công ty của Đức, mà phải làm thủ tục lựa chọn nhà thầu trong nước bán Redoxy-3C cho UBND thành phố để xử lý nước hồ ô nhiễm.
Cũng giống như quá trình trả lời thẩm vấn tại phiên tòa sơ thẩm, trong bản giải trình ông Chung tiếp tục khẳng định không có văn bản, tài liệu nào thể hiện việc ông chỉ đạo cấp dưới phải mua chế phẩm thông qua “công ty gia đình”.
“Việc các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này dùng lời khai, dùng lời nói chỉ đạo không bằng văn bản để kết tội cho tôi hoàn toàn trái với các quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật công chức, viên chức và quy chế làm việc của UBND.
Video đang HOT
Nguyên tắc bất di bất dịch là chỉ sau khi có ý kiến chỉ đạo trực tiếp, phải có văn bản chỉ đạo hoặc thông báo ý kiến chỉ đạo của tôi thì Công ty Thoát nước và các đơn vị, cá nhân có nhiệm vụ liên quan đến việc mua Redoxy-3C mới có căn cứ để thực hiện. Có nói thế nào thì nói nhưng chưa có văn bản chỉ đạo của chủ tịch UBND TP thì các cá nhân, đơn vị được giao không có căn cứ để thực hiện”, ông Chung đưa ra lập luận trong bản giải trình.
Cá chết hàng loạt ở hồ Tây do ô nhiễm khiến TP Hà Nội phải mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một trong những luận điểm mới được ông Chung đưa ra là quá trình mua chế phẩm trên “không gây thất thoát tài sản nhà nước”.
Theo đó, 4 quyết định đặt hàng của Công ty Thoát nước về việc cung ứng dịch vụ xử lý ô nhiễm nước hồ, duy trì chất lượng nước cho UBND thành phố Hà Nội được ký có tổng số tiền hơn 308 tỉ, với 9 huyện là hơn 3 tỉ. Trong khi đó tổng số tiền mua Redoxy-3C là hơn 167 tỉ.
Theo ông Chung, lấy số tiền dự toán trừ đi số tiền đã mua chế phẩm thì Công ty Thoát nước còn lại “khoản lợi nhuận” hơn 144 tỉ.
“Toàn bộ số tiền lợi nhuận này vào Công ty Thoát nước vẫn là công ty 100% vốn sở hữu của thành phố nên không có chuyện thất thoát tài sản”, ông Chung khẳng định trong bản giải trình.
Ngoài ra ông Chung còn cho rằng Công ty Arktic (bị cáo buộc là “công ty gia đình” ông Chung) đã đàm phán được với công ty của Đức để giảm giá mua chế phẩm. Từ đó giá bán cho Công ty Thoát nước cũng được giảm nên đơn vị này “được lợi 50 tỉ” vì được mua chế phẩm với giá thấp.
Cựu chủ tịch Hà Nội cũng phủ nhận các cáo buộc từ cơ quan tố tụng cho rằng Arktic là “công ty gia đình” của ông.
Trước đó, đầu tháng 12-2021, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp với bản án trước, ông Chung bị phạt 13 năm tù.
Theo bản án sơ thẩm, quá trình chỉ đạo, xử lý khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ tại Hà Nội, ông Chung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C phải thông qua Công ty Arktic để tạo lợi nhuận cho công ty này, vốn là công ty của gia đình ông.
Việc đưa thương vụ mua chế phẩm xử lý nước ô nhiễm về “công ty sân nhà” của ông Chung đã mang lại lợi ích không chính đáng cho Công ty Arktic (gia đình ông Chung sở hữu 40% vốn điều lệ).
Với đặc quyền cung cấp độc quyền chế phẩm Redoxy-3C cho Hà Nội, từ 2016 – 2019, Công ty Arktic đã ký 15 hợp đồng bán tổng cộng 489 tấn chế phẩm làm sạch nước cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Arktic mua lượng chế phẩm này từ Hãng Watch Water với giá 115 tỉ đồng, sau đó bán lại với giá 151 tỉ đồng, hưởng lợi 36,1 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đức Chung đủ sức khỏe hầu tòa ngày mai
Luật sư cho biết cựu Chủ tịch Hà Nội có bệnh trong người nhưng đủ sức khỏe để tham gia tranh tụng.
Ông Chung còn gửi đơn kiến nghị nhiều nội dung liên quan vụ án.
Ngày 10-12/12, TAND Hà Nội lên kế hoạch xét xử ông Nguyễn Đức Chung (54 tuổi, cựu Chủ tịch UBND Hà Nội) cùng 2 bị cáo khác liên quan vụ mua hóa chất Redoxy 3C trái quy định gây thiệt hại hơn 36 tỷ đồng.
Bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Arktic) hầu tòa với vai trò đồng phạm của ông Chung về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Chia sẻ với Zing, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho ông Chung) cho biết sức khỏe của cựu Chủ tịch Hà Nội "ổn định, bình thường".
"Ông Chung vẫn có bệnh trong người nhưng đủ sức khỏe để tham gia tranh tụng ngày mai", luật sư Tú nói.
Ông Nguyễn Đức Chung (trái), Nguyễn Trường Giang (giữa) và Võ Tiến Hùng.
Ngoài ra, người bào chữa cho biết từ nơi tạm giam, ông Nguyễn Đức Chung có đơn gửi Chánh án TAND Hà Nội để trình bày một số quan điểm liên quan vụ án.
Trong đơn, ông Chung nói bản thân không đồng tình với việc cơ quan tố tụng quy kết sai phạm từ vụ mua bán Redoxy 3C đã gây thiệt hại cho UBND Hà Nội hơn 36 tỷ đồng. Bị cáo phủ nhận cáo buộc "chỉ đạo ông Võ Tiến Hùng phải mua Redoxy 3C thông qua Công ty Arktic".
Cựu Chủ tịch Hà Nội còn nêu nhiều quan điểm khác, trong đó có việc không đồng ý với nội dung cáo trạng quy kết bị cáo vi phạm Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 về việc "người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp".
Ông Chung lý giải vợ ông là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa làm giám đốc công ty TNHH từ năm 1995 và kinh doanh hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng. Ông không trực tiếp quản lý, cấp phép kinh doanh hóa chất này, không có quyền trực tiếp mua Redoxy 3C như cáo trạng nêu.
Cuối đơn, bị cáo kiến nghị cơ quan tố tụng trưng cầu giám định để xác định thiệt hại của vụ án, đánh giá hiệu quả hoặc tác hại của việc dùng Redoxy 3C...
Hà Nội sử dụng chế phẩm Redoxy 3C từ năm 2016. Ảnh: N.H.
Theo cáo trạng, tháng 8/2016, ông Chung ban hành thông báo số 308 để chỉ đạo đàm phán mua độc quyền Redoxy 3C từ Công ty Watch Water (ở Đức). Sau đó, ông Chung lại nói với Võ Tiến Hùng không mua hóa chất của hãng với giá 8,5 Euro/kg mà yêu cầu mua qua Công ty Arktic với giá 295.000-326.000 đồng/kg.
Thực hiện chỉ đạo, Võ Tiến Hùng nói với cấp dưới ký 15 hợp đồng mua Redoxy 3C với đối tác Arktic khi chưa được UBND thành phố phê duyệt.
Ông Nguyễn Trường Giang tiếp nhận chỉ đạo của ông Chung để hợp thức hóa việc phân phối độc quyền Redoxy 3C, cùng bà Hoa mua, bán phần vốn góp của Công ty Arktic lòng vòng, không rõ ràng để che giấu các sai phạm của Giang và ông Chung.
VKS nhận thấy quá trình điều tra, ông Chung không thừa nhận sai phạm. Song ông Chung có nhiều thành tích trong công tác, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nên đề nghị xem xét đánh giá trong quá trình xét xử.
Chất lượng gần 490 tấn Redoxy 3C Hà Nội mua về xử lý ao hồ ra sao? Hà Nội đã bỏ ra số tiền hơn 167 tỷ đồng để mua 489.080 kg chế phẩm Redoxy 3C để làm sạch môi trường nước ở các ao hồ. Bộ Công an cho biết, không xác định được hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm này. Như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất...