Ông Nguyễn Bắc Son gạch bỏ, sửa chữa gì ở quyết định giao Mobifone mua AVG?
Quyết liệt chỉ đạo Mobifone mua AVG, ông Nguyễn Bắc Son đã sửa lại tờ trình, bút phê giao Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký quyết định.
Bị can Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra đại án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG và đề nghị truy tố 14 bị can với 3 tội danh: “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”; “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”.
Trong đại án này, Cơ quan điều tra xác định, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son là người chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Bắc Son khai do có quen biết với Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nghe nhìn Toàn cầu (AVG) từ trước. Sau khi Mobifone có văn bản về đầu tư dịch vụ truyền hình, ông Son đã giới thiệu cho Mobifone mua AVG.
Khi Mobifone có báo cáo Bộ Thông tin và truyền thông về dự án, Vụ Quản lý doanh nghiệp có phiếu trình, ông Son biết đây là dự án nhóm A, có quy mô trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son vẫn giao ông Phạm Đình Trọng, Vụ Quản lý doanh nghiệp của Bộ chủ trì cuộc họp với Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc Mobifone và đại diện AVG để thống nhất giá mua gần 8.900 tỷ vào ngày 2/10/2015.
Ngày 28/10/2015, ông Nguyễn Bắc Son ký văn bản 209/BTTTT-QLDN gửi Thủ tướng Chính phủ, kèm theo Báo cáo đánh giá dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone do ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng ký. Văn phòng Chính phủ đã ký văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính tham gia ý kiến về dự án này. Sau khi hai Bộ cho ý kiến, ngày 14/12/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng chấp thuận về mặt chủ trương cho Mobifone mua AVG.
Nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Bắc Son biết đây không phải quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Nhưng ông Son xác định, đến đầu năm 2016, ông kết thúc nhiệm kỳ công tác và thôi chức bộ trưởng, nên vẫn quyết liệt chỉ đạo cấp dưới triển khai ngay dự án và đảm bảo hoàn thành trong năm 2015.
Cụ thể, ngày 21/12/2015, ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp đã có Phiếu trình số 380/PTr-QLDN cùng Dự thảo Quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình, nêu rõ: “Bộ TT&TT không có chức năng và điều kiện để xác định lại giá mua, hiệu quả của dự án… Văn phòng Chính phủ đã xin ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng hai Bộ cũng không có ý kiến về nội dung này…giao Hội đồng thành viên Mobifone chịu trách nhiệm quyết định về giá mua”. Ông Nguyễn Bắc Son đã sửa tờ trình này, gạch bỏ nội dung “giao HĐTV Mobifone chịu trách nhiệm quyết định giá mua”. Tại Điều 2 dự thảo quyết định, ông Son gạch “Quyết định giá mua”. Sau đó, ông Son bút phê giao ông Trương Minh Tuấn, khi đó là Thứ trưởng, ký quyết định số 236 phê duyệt dự án để Mobifone mua cổ phần của AVG.
Quá trình điều tra, ông Son thừa nhận sai phạm trong việc chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án khi Thủ tướng chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa có ý kiến về 4 kênh tần số, giá mua và hiệu quả đầu tư dự án chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, làm rõ. Ngoài ra, ông Son đã chỉ đạo ông Lê Nam Trà ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG vào chiều 25/12/2015.
Động cơ dẫn đến các sai phạm là do ông Nguyễn Bắc Son mong muốn thực hiện dự án trước khi nghỉ hưu để tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ công tác của mình, mặt khác muốn Mobifone và AVG phải “nhớ đến tên Son”.
Sau khi hoàn thành dự án, Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng ông Nguyễn Bắc Son tại số 36C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đưa cho ông Son 3 triệu USD. Sau khi nhận tiền, ông Son khai đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H., khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000-400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.
Ngoài ra ông Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận, vào dịp lễ, tết, ông Son đã nhận tiền của ông Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc Mobifone, cụ thể 200 triệu đồng dịp 30/4/2015. Ông Son cũng nhận 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Mobifone dịp Tết âm lịch 2016.
Quỳnh Anh
Theo baogiaothong
Thương vụ MobiFone mua AVG: Công lý phải bình đẳng với tất cả mọi người
Trong thương vụ MobiFone mua AVG, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm và công lý phải được bình đẳng với tất cả mọi người.
Video: Vi phạm của ông Trương Minh Tuấn trong thương vụ MobiFone mua AVG
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra về thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty AVG.
Kết quả điều tra mới nhất cho thấy, 2 cựu lãnh đạo Bộ thông tin và Truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã nhận hơn 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch HĐQT công ty AVG để đẩy nhanh dự án. Hơn 3 triệu USD (gần 70 tỷ) đó là số tiền mà các bị can trong vụ án gọi là "cảm ơn bằng vật chất".
Điều dư luận quan tâm, liệu đây có phải là khoản tiền hối lộ duy nhất? Hơn 3 triệu USD có thu hồi được hay không và thu hồi bằng cách nào? Phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về nội dung này.
TS Nguyễn Sĩ Dũng.
- Ông có bất ngờ không khi nghe tới con số hơn 3 triệu USD mà 2 cựu lãnh đạo Bộ TT&TT đã nhận được từ ông Phạm Nhật Vũ trong thương vụ MobiFone mua AVG?
Trước khi có kết luận của cơ quan điều tra, thông tin này đã được "đồn đại" trong dư luận xã hội, nên tôi không quá bất ngờ.
- Trong số hơn 3 triệu USD, riêng bị can Nguyễn Bắc Son đã khai nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ với ý nghĩa "cảm ơn bằng vật chất". Kết quả điều tra cũng cho thấy, ông Son nhận khoản tiền này khi nhiệm kỳ làm Bộ trưởng sắp kết thúc với ý muốn tạo dấu ấn cho MobiFone. Ông có bàn luận gì về tính thời điểm trong trường hợp này?
Công lý phải được thực thi, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm không chỉ ở đầu hay cuối nhiệm kỳ
TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Đúng là khi chuẩn bị sắp kết thúc, người ta muốn có một cái gì đó để lại tiếng thơm cho đời. Nhưng ở đây, không phải là dấu ấn như vậy.
Thương vụ này không tạo nên kỳ tích cũng như đóng góp gì đó cho xã hội một cách vượt trội. Để hạn chế những việc này, công lý phải được thực thi, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm không chỉ ở đầu hay cuối nhiệm kỳ. Bởi vì công lý phải được bình đẳng với tất cả mọi người.
- Từ một "xác chết", AVG đã được thổi giá thành khối tài sản trị giá hơn 8.500 tỷ đồng. Từ lời khai của Phạm Nhật Vũ, mới có khoảng 100 tỷ đồng được dùng để cảm ơn lãnh đạo Bộ TT&TT và bộ sậu của MobiFone. Dư luận đặt câu hỏi, liệu hơn 7.000 tỷ đồng tiền vốn nhà nước đã đi về đâu. Ông có chung mối quan tâm này không?
Tôi cũng có chung suy nghĩ, nếu mới chi khoảng 100 tỷ đồng tiền cảm ơn thì hơn 7.000 tỷ đồng kia đi đâu? Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Nếu câu hỏi này không được trả lời rõ ràng thì mọi sự nghi ngờ vẫn còn đó!
- Theo kết luận điều tra, sau khi nhận 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son đã đưa tiền cho con gái trong nhiều lần, nhưng không có tài liệu chứng minh sự đưa-nhận này. Ông có bàn luận gì về cách thức tẩu tán tài sản tham nhũng kiểu như vậy?
Đưa cho con gái thì không nhất thiết phải có chứng từ nên bây giờ muốn có chứng từ đã chuyển cho con gái thì rất khó.
Cách dùng người nhà để đứng tên các tài sản bất động sản, đất đai... là một cách để che dấu tài sản và họ sẽ không khai những cái đó.
Đó là một trong những thủ thuật mà rất nhiều người lợi dụng để tẩu tán tài sản, tránh bị phát hiện và cũng tránh phải kê khai tài sản mà Luật phòng chống tham nhũng đã đặt ra.
- Trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ, dù tòa công bố lời khai của Nguyễn Văn Dương đã đưa hối lộ cho ông Phan Văn Vĩnh - cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng C50. Tuy nhiên, trong vụ này, không có ai bị truy tố về các tội liên quan đến hối lộ. Từ thực tế các vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn được xét xử trong thời gian gần đây, ông có cho rằng, khuôn khổ pháp lý hiện vẫn còn quá nhiều kẽ hở?
Nếu có những lời khai như vậy, nhưng hoạt động điều tra không tìm thấy chứng cứ thì năng lực điều tra có thể cần phải tăng cường. Điều băn khoăn là sự việc tương đối rõ nhưng không tìm được chứng cứ.
- Nhận thức được số tiền đã nhận là hưởng lợi bất chính nên ông Nguyễn Bắc Son xin nộp lại hơn 500 triệu đồng, ông Trương Minh Tuấn xin nộp hơn 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Dư luận cho rằng, số tiền các ông ấy nộp lại là quá ít so với số tiền hơn 3 triệu USD đã nhận hối lộ. Ông có bàn luận gì về câu chuyện này?
Pháp lý có điều khoản của Luật Hình sự, nếu người phạm tội chủ động nộp lại 3/4 tài sản nhận hối lộ thì được giảm án.
Số tiền ông Son xin nộp lại là quá ít so với số tiền ông ấy đã nhận hối lộ. 3/4 số tài sản mà ông Son đã nhận phải là 45 tỷ thì phải hoàn trả lại. Anh vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý, bị trừng trị theo quy định của pháp luật thì đó mới là công lý.
- Vụ án đang được mở rộng điều tra trong khi Đảng ta đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Ông có kỳ vọng gì trong việc điều tra, xét xử đại án này?
Vụ án này thể hiện rất rõ "không có vùng cấm", bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý, đặc biệt là cấu thành tội tham nhũng thì đều bị nghiêm trị.
Thông điệp rõ nhất là cán bộ ở cấp gì, giữ chức vụ gì thì đều phải giữ gìn, tuân thủ pháp luật, không được tham nhũng.
Với thông điệp "không có vùng cấm", pháp luật được áp dụng triệt để thì sự răn đe sẽ cao hơn.
Nguồn: VOV.VN
Thất thoát hàng chục nghìn tỷ nhìn từ sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn Nói về việc hai cựu Bộ trưởng Bộ TTTT ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. TS Nguyễn Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, cho rằng suốt thời gian dài chúng ta đã giao quyền và tài sản của Nhà nước không đúng người khiến hàng chục nghìn tỷ của dân chảy vào...