Ông Nguyễn Bá Thanh với học sinh, sinh viên chậm tiến
Trong thời gian giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh có nhiều cuộc trò chuyện, động viên, khuyên răn giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Ông Thanh từng chia sẻ: “Cứ mỗi sáng, cầm tờ báo lên đọc tôi lại cảm thấy đau nhói vì ở đâu đó lại xảy ra tình trạng thanh thiếu niên cướp của giết người. Ở Đà Nẵng không “ nóng” nhưng tình trạng trên vẫn có và đang tiềm ẩn nguy cơ”.
Các thanh thiếu niên chậm tiến tham quan trại giam. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trong những năm qua, tôi đã nhiều lần gặp gỡ, đối thoại với thanh thiếu niên hư. Trung bình cứ 10 em thì có 5 em tiến bộ. Số còn lại thì không chịu “tiến” mà đang muốn vào nhà đá. Là con cháu mình cả nên xót lắm! Nhưng biết làm thế nào được. Động viên không được thì mở rộng trại giam Hòa Sơn ra để đón mấy ông cụ non ấy vào ở cho xã hội được yên”.
Trong buổi nói chuyện với thanh niên chậm tiến, ông Thanh đã dành hơn 3 giờ để khuyên răn các em. Ông không lấy vai trò của người đứng đầu thành phố để răn đe, mà ông nói chuyện thân thiện, gần gũi như một người cha, người chú.
Ông chân thành nói: “Hồi chú đi học phải nhịn ăn, viết bút bằng tre cũng ráng. Giờ các cháu được sung sướng mà không học nổi thì quá kém!”.
“Ở đời không ai không có sai lầm. Không phải dũng khí là vung nắm đấm hay vác dao ra xử”.
“Rồi các em sẽ thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè dè bỉu: Hui, cha mi là thằng cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn rồi”.
Ông Nguyễn Bá Thanh nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng động viên các em thiếu niên chậm tiến cố gắng phấn đấu để tiến bộ.
Bên cạnh đó ông còn ví von con trâu có sừng nhọn, mỗi lần húc nhau lòi ruột ra. Con người ta có ý chí, có ý thức nên không thể vì chuyện gì cũng vác dao ra đâm chết người.
Nếu các em học không nổi thì chuyển sang học nghề, để biết đổ mồ hôi nước mắt kiếm tiền là gì. Đừng để nhàn cư vi bất thiện.
Tại một cuộc họp Hội đồng Nhân dân thành phố, khi bàn về lệnh cấm sử dụng Internet quá khuya trong các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, vì xảy ra nhiều tệ nạn xã hội do thanh niên tụ tập đêm khuya chơi các trò chơi bạo lực, một lãnh đạo Sở Thông tin truyền thông Đà Nẵng báo cáo lệnh cắt Internet từ 23h đến 5h sáng đang chờ phê duyệt và thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin – Truyền thông.
Video đang HOT
Ông Thanh ngay lập tức yêu cầu: “Tôi yêu cầu các ông phải làm ngay lập tức, tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Ở đây tôi to hơn các ông, nếu có ai cắt chức tôi sẽ là người mất chức trước. Những việc thấy có lợi cho dân, cho nước thì phải làm ngay chứ chờ đợi đến bao giờ”.
Với sự nghiệp “trồng người”, ông Bá Thanh luôn đau đáu về chất lượng giáo dục đào tạo, về môi trường sư phạm của từng mái trường. Ông đã từng yêu cầu trích ngân sách thành phố hàng với số tiền không hề nhỏ chỉ để cải tạo, xây nhà vệ sinh cho các trường. Trường nào để nhà vệ sinh mất vệ sinh thì chính hiệu trưởng phải chịu kỷ luật. Ông nhấn mạnh, môi trường học đường mất vệ sinh, hôi rình thì dạy chất lượng sao được.
Cho đến giờ, nhiều người vẫn không quên nhắc lại buổi dự giờ rất lạ của ông Bá Thanh. Ông đột ngột xuống một trường THPT vào loại có tiếng của thành phố, yêu cầu hiệu trưởng đưa ngay xuống một lớp đang có giờ dạy môn Văn. Không thông báo cho giáo viên, học sinh. Không thủ tục giới thiệu. Không xếp ghế ngồi riêng, hiệu trưởng chỉ đưa ông xuống gần đến lớp rồi về làm việc. Chỉ mấy phút quan sát ông phát hiện nhiều vấn đề, ông nghiêm khắc phê bình nhà trường về công tác giảng dạy.
Ông bảo, dạy Văn là dạy làm người, vậy mà trong giờ dạy Văn cô giáo cứ mải mê thao thao giảng, còn học sinh có nghe, có ghi chép hay không cũng không biết, ông chỉ ra trong lớp bao nhiêu học sinh chép bài, bao nhiêu học sinh không mang sách, bao nhiêu học sinh nói chuyện không nghe giảng…
Cũng từ đó mà người dân Đà Nẵng gọi ông là “Nhà giáo dục”. Ông gần gũi, bình dị đến mức đời thường. Bởi thế, ông được nhiều người dân yêu mến, kính trọng như người thân trong gia đình.
Ông Nguyễn Bá Thanh sinh năm 1953 ở xã Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng.
Ông từng giữ các vị trí như Phó Bí thư Huyện ủy Hòa Vang; Giám đốc Nông trường Chè Quyết Thắng; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam – Đà Nẵng.
Năm 1996, ông giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Năm 2003, ông Thanh được bầu làm chức Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Thanh được phân công giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương vào năm 2012.
Theo Thanh Nga
Tấm gương/Tiền phong
Gặp Nữ sinh của sự kiện 9-1-1950
Đỗ Thị Kim Chi, cô nữ sinh Áo tím là nhân chứng cách đây 65 năm sự kiện học trò Trần Văn Ơn bị bắn do xuống đường biểu tình đòi thả 5 học sinh trường Pétrus Ký. Bà Chi là một trong số 5 học sinh bị bắt. Năm nay bà đã 86 tuổi.
Tuy bị bệnh nằm một chỗ đã 17 năm nay nhưng bà vẫn minh mẫn khi nhắc nhớ về một thời hoạt động thuở thiếu nữ hào hùng, sôi nổi đầy nhiệt huyết của mình cách đây 65 năm về trước.
Bà Đỗ Thị Kim Chi - Ảnh nhân vật cung cấp
Bà đã kể lại cho Phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM những ngày Sài Gòn sục sôi xuống đường biểu tình mà bà là một trong những nữ sinh của phong trào học sinh, sinh viên ngày đó.
Hoạt động trong trường Áo tím
Tôi được bà Hồ Thị Chí, vợ ông Hà Huy Giáp giác ngộ tham gia vào Phụ nữ Tiền phong rồi Phụ nữ Cứu quốc khi đang học năm thứ tư (lớp 9 bây giờ) trường Collège des jeunes filles (Gia Long - nay là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - PV). Sau đó, Hội Phụ nữ Cứu quốc do bà Hồ Thị Chí phụ trách giới thiệu tôi sang Hội Học sinh Việt Nam.
Tháng 9- 1947, lần đầu tiên thành lập chi bộ học sinh. Thành bộ Việt Minh (lúc đó đồng chí Nguyễn Thọ Chân làm Thường vụ) quyết định cử chị Bảy Chí và anh Phùng Lượng, cán bộ chuyên công tác học sinh của Đảng, đã từng bị tù bảy năm ở Côn Đảo, trước năm 1945, thành lập Hội Học sinh. Từ là đoàn viên của Hội Phụ nữ Cứu quốc, tôi đã chuyển qua công tác Hội Học sinh. Có hai tổ chức, một là Hội Học sinh Việt Nam do Thanh niên cứu quốc (Thành Đoàn bây giờ) phụ trách, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và thứ hai là Nam Thanh đoàn do Đảng Dân chủ lãnh đạo nhưng hoạt động yếu hơn.
Tháng 11- 1947 tôi được kết nạp Đảng tại một căn nhà của một công nhân ở xóm Bàn Cờ. Tôi tham gia vào chi bộ của học sinh và là ủy viên Tài chính, phụ trách trường Gia Long.
Tôi tổ chức được một số học sinh lớp 7, lớp 8. Mỗi lớp có từng tổ. Chủ trương lúc bấy giờ là nhân ngày lễ, ngày tết, hay sinh nhật Bác 19-5 treo cờ, rải truyền đơn tuyên truyền. Luân chuyển nhau báo Cảm Tử, Chống xâm lăng, Tin Đến...cho học sinh để cùng nhau đọc.
Bà Đỗ Thị Kim Chi (bên trái) tại căn cứ Chiến khu D - Ảnh nhân vật cung cấp
Hai lần bị địch bắt
Trong đợt đấu tranh vào tháng 5-1948 của Hội Học sinh Sài Gòn chào mừng ngày Quốc tế Lao động (1-5) và ngày sinh nhật Bác (19-5), tôi bị bắt cùng anh Nguyễn Ngọc Hà và một số đồng chí cốt cán của phong trào. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nếm mùi tra tấn của bọn mật thám bót Catinat. Tôi bị chúng đổ nước và đánh đập khắp người, tôi nghĩ đến Paven trong tiểu thuyết Người mẹ và Thép đã tôi thế đấy mà chị Bảy Chí đã cho tôi mượn đọc. Hình ảnh Paven giúp tôi giữ khí tiết, không khai báo tên ai. Ra khỏi phòng tra tấn, tôi gặp anh Hà, thở hổn hển, đầu cổ ướt nhẹp, chắc cũng vừa bị đổ nước.
Đó là lần tôi bị bắt lần 1 vào tháng 5-1948 do một anh rải truyền đơn bị lộ, bị bắt. Chúng nó trùm bao bố đánh đau quá. Anh khai tôi. Ngoài tôi còn có một số anh em khác, trong đó có con của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng là học sinh mới 17 tuổi nên tụi nó cũng coi thường. Bị đánh đập tí, gia đình chạy lo nên đến 7-1948 được thả.
Ra khỏi nơi khủng khiếp ấy (bót Catinat-PV), nói thật khi đó tôi cũng bị dao động, ngần ngại trước những gian khó chờ đợi trước mắt nếu tiếp tục công tác, nhưng suy nghĩ lại, mình là đảng viên, không thể bỏ cuộc được. Mình tự động viên, củng cố tinh thần và tiếp tục hoạt động.
Năm học sinh bị bắt (Đỗ Thị Kim Chi, Nguyễn Tấn Phát, Nguyễn Kim Khánh, Nguyễn Đăng Tự và Nguyễn Đăng Nhiễu) khi được thả ra đã đến viếng mộ anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Ơn - Ảnh nhân vật cung cấp
Cuối năm 1948, anh Phùng Lượng được chuyển ra khu, tôi bắt liên lạc với hai anh Đỗ Ngọc Thạnh (Ba học sinh) và Trần Huỳnh Long, những đảng viên thuộc nhóm cán bộ học sinh nồng cốt được kết nạp đảng đầu tiên của phong trào (nhóm này còn có anh Nguyễn Ngọc Hà, sau khi bị bắt cùng tôi vào tháng 5-1948 ở Catinat, đã bị gia đình thúc ép và tổ chức đồng ý cho đi Pháp tiếp tục học và xây dựng phong trào Việt kiều yêu nước bên đó).
Tôi thi tốt nghiệp cấp 2 xong, chuyển qua trường Pétrus Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong). Thời điểm đó Pétrus Ký chỉ là trường dành riêng cho nam. Năm tôi học là một trong những nữ sinh đầu tiên của một lớp học duy nhất dành riêng cho nữ (lớp có 30 học sinh nữ) Ban Tú tài. Ở trường cũng có những anh học trên tôi một lớp có tổ chức Hội Học sinh.
Năm 1949, đang hoạt động tại trường thì bị bắt lần 2 vào tháng 11-1949 đến 2-1950 được thả.
Nhân chứng của ngày học sinh-sinh viên 9-1
Cũng năm 1949, nữ sinh trường cùng với nam sinh trường Pétrus Ký tổ chức bãi khóa kỷ niệm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23-11) dẫn đến việc trường bị nhà cầm quyền cho đóng cửa.
Đám tang Trần Văn Ơn tại trường Pétrus Ký - Ảnh Tư liệu
Khi học ở Pétrus Ký tôi cùng anh Nguyễn Tấn Phát, Hồn Thanh ra báoChim Xanh... Chúng tôi bị bắt ngày 1-11-1949 do sự cố tên Loan, vốn là giao liên đưa đón anh chị em ra bưng dự lớp huấn luyện vào tháng 8-1949. Tôi cũng vinh dự được đi bưng tham gia trại do Thanh niên Cứu quốc Nam bộ tổ chức, đóng trên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp giữa Đồng Tháp Mười. Từ trại đó, tên Loan đã biết mặt hết anh chị em, không biết vì lý do gì quay ra phản. Cấp trên phân công chị Kim Khánh (trường Huỳnh Khương Ninh) thay thế, phụ trách việc đem tài liệu từ khu vào thành cho Hội học sinh thì bị bắt. Kim Khánh bị đánh đau nên khai ra chúng tôi. Đây là lấn thứ hai tôi bị bắt vào bót Catinat.
Sự kiện ngày 9-1-1950, là ngày hơn 2.000 học sinh biểu tình đòi thả chúng tôi. Tôi là một trong năm học sinh bị bắt. Ngoài tôi còn có Nguyễn Tấn Phát, Nguyễn Kim Khánh, Nguyễn Đăng Tự và Nguyễn Đăng Nhiễu. Từ việc năm học sinh chúng tôi bị bắt nên xảy ra sự kiện học sinh Trần Văn Ơn biểu tình lấy thân mình che chở cho các em nên Ơn bị địch bắn hy sinh. Trần Văn Ơn học sau tôi hai lớp. Đám tang của Trần Văn Ơn có hơn nửa triệu người tham gia.
Sau đó, tôi được biết chính Ngôn, cô nữ sinh Gia Long, đã thay mặt toàn thể nữ sinh Sài Gòn đọc điếu văn trong đám tang Trần Văn Ơn đầu tháng 1 năm đó giữa Sài Gòn.
Mấy tháng sau đám tang Trần Văn Ơn, chúng tôi mới được thả ra. Việc đầu tiên khi chúng tôi được tự do là đến viếng mộ Trần Văn Ơn như thầm trả ơn Ơn đã dũng cảm hy sinh để chúng tôi được tự do... Nay chỉ còn mình tôi, có người mất như Nguyễn Tấn Phát, có người bỏ cuộc.
Theo Nguyễn Tý
Pháp luật Tp HCM
Thưởng Tết tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như thế nào? Hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán. Các tập đoàn, tổng Cty nhà nước vừa công bố các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2014. Trong đó có đơn vị công bố khoản tiền thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) khá cao; nơi lại cho biết không có gì vì làm ăn thua lỗ. Năm nay, Tập...