Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp tục dự phiên tòa Huyền Như
Sáng 16-1, ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban Nội chính Trung ương tiếp tục có mặt tại TAND TP.HCM để theo dõi diễn biến xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo 4.000 tỉ đồng.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa – Ảnh: Quang Định
Xác nhận với Tuổi trẻ ông Nguyễn Bá Thanh cho biết ông tiếp tục theo dõi diễn biến của phiên tòa với phần trình bày của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nguyên đơn dân sự, bị hại trong vụ án. Sáng nay, các luật sư tiếp tục đã đưa ra bằng chứng cho thấy số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt là tiền của VietinBank.
Kiến nghị thu hồi 3.000 tỉ đồng tiền vật chứng
Trong phần trình bày trước tòa, các luật sư tiếp tục đưa ra những bằng chứng cho rằng Huyền Như chiếm đoạt tiền là tiền của VietinBank. Đồng thời các luật sư cũng phản bác ý kiến của đại diện VKS trước đó cho rằng hành vi thực hiện hợp đồng không diễn ra tại VietinBank nên không hợp pháp, các nguyên đơn dân sự, bị hại trong vụ án đã ham lãi suất cao mà bị Huyền Như lừa.
Luật sư Đặng Ngọc Châu, bảo vệ quyền lợi cho công ty bảo hiểm Toàn Cầu cho rằng 17 hợp đồng của các nhân viên công ty này ký với VietinBank là hợp pháp với con dấu và chữ ký của VietinBank. Chỉ đến khi vụ án này bị khởi tố Toàn Cầu mới biết đây là hợp đồng giả. Luật sư Châu cũng khẳng định, toàn bộ số tiền gửi của Toàn Cầu vào VietinBank đến thời điểm này vẫn chưa được trả một đồng lãi nào theo quy định của Nhà nước chứ đừng nói đến lãi suất ngoài quy định vậy nên không thể khẳng định Toàn Cầu ham lãi suất cao mà bị Huyền Như lừa.
Luật sư Châu cũng cho biết việc cơ quan điều tra và VKS khẳng định Huyền Như đã đưa tiền chênh lệch lãi suất cho một nhân viên của Toàn Cầu là không có căn cứ mà chỉ dựa vào lời khai một phía của Huyền Như và những người giúp việc cho Huyền Như.
Luật sư Châu cũng cho rằng, số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt là 4.000 tỉ đồng thì có đến 3.000 tỉ được mang đi trả nợ lãi suất cao. “Đây là số tiền phạm pháp bởi vậy cần phải được thu hồi để đảm bảo thi hành án, tôi không hiểu tại sao cơ quan điều tra và VKS không nhắc gì đến việc thu hồi số tiền này?”, luật sư Châu kiến nghị với HĐXX.
Khách hàng được VietinBank trả lãi trước khi bị Huyền Như rút tiền
Là người bảo vệ quyền lợi cho Công ty An Lộc (bị thiệt hại 170 tỉ đồng tiền gửi vào VietinBank), luật sư Vũ Viết Vạn Xuân nói hợp đồng của An Lộc ký với VietinBank có con dấu và chữ ký của ông Trương Minh Hoàng – đại diện cho VietinBank xác nhận hợp đồng này được thoả thuận qua điện thoại, xác nhận qua Fax, bởi thời điểm làm hợp đồng lãnh đạo của An Lộc đi vắng nhưng đã chỉ đạo nhân viên chuyển 170 tỉ vào tài khoản của An Lộc tại VietinBank. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện Huyền Như đã giả mạo con dấu và chữ ký của An Lộc để chiếm đoạt 170,35 tỉ đồng.
Video đang HOT
“Số tiền 350 triệu so với vụ án này thật quá nhỏ bé nhưng nó lại là một chứng cứ hết sức quan trọng, quyết định đến bản chất giao dịch giữa VietinBank và An Lộc vì số tiền 350 triệu đồng này là tiền lãi không kỳ hạn phát sinh trên tài khoản tiền gửi của An Lộc tại VietinBank. Đó là chứng cứ không thể chối cãi thể hiện việc VietinBank đã thực hiện nghĩa vụ trả lãi đối với số tiền mà An Lộc đã gửi. Vậy tại sao VKS lại cho rằng giao dịch giữa VietinBank và An Lộc chưa phát sinh hiệu lực?”. Luật sư Xuân chất vấn.
Luật sư cũng khẳng định việc An Lộc chuyển tiền và VietinBank trả lãi hoàn toàn thoả mãn quy định về hình thức của giao dịch dân sự theo Bộ luật dân sự. Việc có trở ngại khách quan dẫn đến việc An Lộc chưa ký hợp đồng tiền gửi không hề ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của VietinBank và An Lộc. Thực tế giao dịch đó vẫn diễn ra hoàn toàn hợp pháp, cả VietinBank và An Lộc đều nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.
Luật sư cũng cho rằng cáo trạng của VKSND Tối cao xác định Huỳnh Thị Huyền Như là cán bộ tín dụng, giữ chức quyền trưởng phòng giao dịch VietinBank, chi nhánh Điện Biên Phủ nên phải xác định rõ Huyền Như là người lao động, VietinBank là người sử dụng lao động. Để có thể “rút ruột” êm xuôi số tiền khổng lồ này, Huyền Như đều đứng trên danh nghĩa là người của Ngân hàng VietinBank.
Theo điều 618 Bộ luật dân sự 2005 quy định về việc bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao” luật sư Xuân đề nghị HĐXX xem xét, buộc VietinBank trả cho An Lộc số tiền là 184 tỉ đồng cả gốc và lãi.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần trình bày của đại diện VietinBank và luật sư bảo vệ VietinBank.
Theo Tuổi Trẻ
2 điểm đáng suy nghĩ về tấm biển kỳ thị tại Bắc Kinh
"Trước những sự việc như thế này, lịch sử càng đòi hỏi ở chúng ta sự tỉnh táo. Và tôi thấy vui, thấy tự hào vì người dân Việt Nam đã phản ứng rất văn minh. Điều đó thể hiện phẩm chất chính trị của cả một dân tộc".
Bàn về sự việc một nhà hàng tại Bắc Kinh (Trung Quốc) treo tấm biển kỳ thị người Việt Nam, ông Phạm Nguyên Long - nguyên nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á - Viện Khoa học xã hội Việt Nam - nêu quan điểm:
"Tôi thấy có 2 điểm đáng suy nghĩ:
Đây là một hiện tượng tự phát được duy trì lâu dài, không phải chủ trương của nhà nước, nhằm miệt thị người dân các nước Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Nó tái lập lại ký ức đau buồn của chính người Trung Quốc những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ngay trong các tô giới thuộc lãnh địa một số nước phương tây ở Thượng Hải: "Ở đây, cấm người Trung Quốc và chó". Vấn đề cần đặt ra là tại sao đến thế kỷ 21 này lại tái xuất hiện hành vi kỳ thị dân tộc đáng phỉ báng như vậy?
Liệu có phải sự lặp lại tư tưởng của những kẻ thực dân mà người Anh áp dụng với người Trung Quốc? Có nhà phân tích cho rằng, điều này không chỉ thể hiện tư tưởng bá quyền nước lớn mà cao hơn nữa, đó là tư tưởng thực dân ở một số người dân Trung Quốc.
Giả định đó đúng đến đâu, ta phải trả lời vấn đề thứ 2: Vì sao một hiện tượng tự phát lại được duy trì lâu dài và theo một số thông tin là không phải cá biệt? Và tại sao Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng như Tổng lãnh sự quán Trung Quốc chưa có những trả lời một cách thỏa đáng...".
Tấm biển hiệu kỳ thị treo trên cửa sổ của một nhà hàng ở Bắc Kinh được viết song ngữ Hoa - Anh: "Nhà hàng chúng tôi không tiếp nhận người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó" - Ảnh: AFP
PV: Từng có ý kiến nói rằng, chúng ta không thể chống con sào xuống Thái Bình Dương để đẩy con thuyền Việt Nam ra xa khỏi Trung Quốc. Hai nước Việt - Trung trở thành láng giềng là sự ấn định của tạo hóa, lịch sử, không thể thay đổi được. Chúng ta không có cách nào khác là chấp nhận vị trí địa lý mình có, từ đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, có lợi cho hai bên. Nhưng dường như những hình ảnh như vậy đang đẩy những người Việt Nam vốn dành nhiều tình cảm cho Trung Quốc ra xa khỏi đất nước này...
Ông Phạm Nguyên Long: Trước những sự việc như thế này, lịch sử càng đòi hỏi ở chúng ta sự tỉnh táo. Và tôi thấy vui, thấy tự hào vì người dân Việt Nam đã phản ứng rất văn minh. Dân ta không vì thế mà có hành động trả đũa hẹp hòi, cũng không vì thế mà đập phá đồ đạc, cơ sở làm ăn kinh tế chính đáng của người dân nước họ. Điều đó thể hiện phẩm chất chính trị cao đẹp của một dân tộc.
Việc áp dụng một lối ngôn từ thế kỷ 19, đã bị cả nhân loại khinh miệt ngay giữa thế kỷ 21 chỉ càng khiến cho những người văn minh thấy rõ bản chất vấn đề.
Tinh thần yêu nước cháy bỏng được hun đúc qua hàng ngàn năm giữ nước thường được thể hiện mạnh mẽ mỗi khi lòng tự tôn dân tộc bị tổn thương. Nhưng mọi hành vi, cho dù xuất phát từ những động cơ rất trong sáng, nhưng vô hình chung tạo ra sự phân tâm hoặc bất ổn xã hội, gây trở ngại cho việc củng cố tiềm lực, triển khai chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa đều có thể làm cho sức mạnh dân tộc bị suy yếu, chỉ có lợi cho những người muốn thấy một đất nước Việt Nam yếu và chia rẽ. Đó là chưa kể một số kẻ mưu toan "đục nước béo cò", lợi dụng nhiệt huyết của các tầng lớp nhân dân để phục vụ cho những tính toán riêng của họ.
Cùng nêu lại 2 nhận định cá nhân mà tôi đã nêu ở trên để nói rằng, ở đây dường như có một toan tính nhằm thử thách nhân dân Việt Nam, trước sự phẫn nộ ấy sẽ phản ứng ra sao, sẽ ngả về "ai"? Nhận thức rõ điều đó để vượt qua, kiên định con đường mà hàng nghìn năm qua, dân tộc ta đã lựa chọn để giữ vững phẩm giá dân tộc.
Đứng trước việc làm này, ta phải trả lời một cách khôn ngoan: dùng những phần tử đem tư tưởng thực dân, hiếu chiến để chia rẽ mối quan hệ Việt - Trung là một điều sai lầm hoàn toàn.
Việt Nam luôn coi Trung Quốc là bạn, cũng như Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các cường quốc trên thế giới. Chúng ta lấy sức mạnh của thời đại để duy trì mối quan hệ Việt - Trung.
Tôi tin, người dân Philippines và Nhật Bản cũng coi những hành động xấc láo kể trên là tầm thường. Những âm mưu mang tư tưởng thực dân hiếu chiến, nhằm chia rẽ ấy sẽ bị thất bại hoàn toàn.
Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Việt - Trung sẽ như thế nào? Làm cách nào để có thể tiếp tục duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước?
Tương lai phát triển quan hệ Trung - Việt sẽ vẫn ở tình trạng như hiện nay... Trong thời gian tới, tình hình tại Biển Đông vẫn sẽ ở trong tình trạng lúc dịu, lúc căng thẳng.
Rõ ràng, lợi ích dân tộc còn khác nhau trong vấn đề Biển Đông, phải thẳng thắn nhìn nhận như vậy.
Mặt khác, cục diện khu vực, thế giới có những bước chuyển dịch, nổi bật là sự gia tăng can dự của các nước lớn ở khu vực có chiều hướng cứng rắn hơn, xuất phát từ lợi ích bản vị, thậm chí có những xung đột về lợi ích. Đỉnh cao của xung đột là thỏa hiệp, mà sự thỏa hiệp nếu có giữa các nước lớn thường là trên lưng các nước nhỏ hơn. Nhận thức rõ điều đó để ta giữ cho được độc lập, tự chủ, không để các nước khác thỏa hiệp trên lưng chúng ta.
Chúng ta vẫn giữ mối quan hệ chính trị tốt đẹp để làm cầu nối với Trung Quốc và người Việt Nam kiên quyết không "qua cầu rút ván". Nhưng trong hành động cụ thể thì phải đấu tranh từng bước một.
Giữ được điều đó, trong quan hệ quốc tế, chính nghĩa kiên quyết thuộc về chúng ta.
Chúng ta nói chúng ta thể hiện thiện chí với Trung Quốc và mong muốn hòa bình. Trước hết hãy nghĩ đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: "Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy trí nhân để thay cường bạo".
Vì vậy, chúng ta vẫn giữ 16 chữ vàng, 4 tốt mà chính Trung Quốc đề ra để kiên quyết duy trì phương sách thương lượng hòa bình giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực.
Mình càng tỏ ra thiện chí bao nhiêu thì mình càng được các nước trên thế giới ủng hộ bấy nhiêu. Chúng ta đang thể hiện lương tri của thời đại: hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển. Và đó cũng là sức mạnh của thời đại.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri
Đài Loan tuyên bố tập trận bắn đạn thật trên đảo Ba Bình Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan hôm nay 1/3 cho biết sẽ tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật vào tháng tới ở đảo Ba Bình, đảo lớn nhất trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo Ba Bình nhìn từ trên cao. Hãng thông tấn AFP dẫn nguồn Lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho...