“Ông ngoại tuổi 30″ Trịnh Thăng Bình và câu chuyện đằng sau một “cậu ấm” sành điệu, chẳng áp lực lo cơm áo gạo tiền
Trong sự nghiệp, Trịnh Thăng Bình cho mình là ca sĩ nhận được nhiều lời từ chối nhất, có cơ hội cũng chỉ là người thay thế, nên những gì ở hiện tại, anh rất trân trọng.
Khi biết vai điện ảnh đầu tay “Ông ngoại tuổi 30″ nhận được phản hồi tích cực từ khán giả, Trịnh Thăng Bình thở phào: “Giờ ra đường đi đâu nghe người ta gọi mình là “ông ngoại”, thấy vui vui. Thành công này có thể chưa so sánh được với ai, nhưng ít ra mình cũng tạo được dấu ấn trong lòng người xem. Không có một sự nỗ lực nào là phung phí cả, đúng không?”.
Trước khi đến với “Ông ngoại tuổi 30″, Trịnh Thăng Bình từng đi casting nhiều phim khác nhau, nhưng liên tục bị từ chối vì gương mặt bị đánh giá là không phù hợp với điện ảnh. Số lần đó đếm không xuể, đến mức anh cũng chẳng còn trông mong gì. Thế rồi trong lúc chẳng còn hy vọng gì, cơ hội đến, và anh nắm lấy. Trịnh Thăng Bình nghĩ cuộc đời mình dường như chỉ toàn là những điều ngược lại với mong đợi: khi tưởng là cơ hội, thì bỗng có biến cố; khi cùng đường tuyệt vọng nhất thì lại cánh cửa mới mở ra.
10 năm làm nghệ thuật, hành trình mà Trịnh Thăng Bình đã đi qua, bề nổi có thể là hình ảnh một “cậu ấm” sành điệu và “ăn may” với những bản hit, chẳng lo áp lực cơm áo gạo tiền. Nhưng đằng sau đó, lại là một câu chuyện dài mà anh luôn cảm ơn vì đã cho mình vấp ngã để biết đứng dậy là thế nào.
“Ê Bình, mày hát hay quá, hay đi làm ca sĩ đi?” - câu nói của cô bạn cùng lớp cứ văng vẳng trong đầu Trịnh Thăng Bình nhiều ngày sau đó. Và chẳng ngờ, nó lại là chìa khóa mở ra cánh cửa nghệ thuật mang tên Trịnh Thăng Bình. Trước đó, anh chỉ nghĩ lớn lên mình sẽ trở thành cầu thủ bóng đá.
Tuổi 15 của Trịnh Thăng Bình cũng như những đứa bạn cùng trang lứa khác: cắp sách đến trường mỗi ngày và không có dự định gì cho tương lai. Bình thường, anh có thói quen chép lời bài hát vào sổ tay ngồi trong lớp hát vu vơ. Mỗi lần học xong thì cùng nhóm bạn trong lớp rủ nhau đi hát karaoke. Đến ngày nghe câu nói bất ngờ kia từ cô bạn, mọi chuyện bắt đầu thay đổi.
Lúc đó anh cũng không định nghĩa được làm ca sĩ là phải làm gì, làm như thế nào? Sau khi tìm hiểu, anh xin gia đình đi học luyện thanh. Học ở Nhạc viện thành phố một thời gian, anh nghỉ ngang vì không hiểu gì cả. Một lần, khi biết trong xóm có ông anh nọ đam mê làm ca sĩ chuẩn bị đăng ký thi một khóa đào tạo hát ở Nhà văn hóa Thanh Niên, Trịnh Thăng Bình cũng đi theo tham gia. Cuối cùng, anh may mắn được nhận vào. Tóc Tiên, Minh Hằng cũng từng học lớp đó.
Thời gian đầu khi nói gia đình rằng mình muốn học hát, mẹ anh hoài nghi, chỉ nghĩ con đi giao lưu, tham gia các hoạt động nghệ thuật cho vui thôi. Về sau, khi được đi diễn nhiều và được trụ lại ở một trong những nhóm nhạc tốt nhất của trường thời điểm ấy, anh dần thuyết phục được người nhà ủng hộ mình.
“Con muốn được tham gia vào nhóm nhạc, nhưng lệ phí là 50 triệu…” – Trịnh Thăng Bình lấy hết can đảm xin mẹ một số tiền khá lớn tính tại thời điểm đó, để tham gia vào một nhóm nhạc hoạt động chuyên nghiệp hơn. Nhóm nhạc này vừa có thành viên rời nhóm và cần kiếm người thay thế. Họ ngỏ lời với Trịnh Thăng Bình rằng mọi thành viên trong nhóm đều cần phải đóng khoản tiền như vậy để đầu tư. Vì thương con, mẹ anh chấp nhận bỏ ra khoản lệ phí này.
Lúc đó, anh không biết, đây lại là cú vấp ngã đầu đời của mình…
Khoảng thời gian tham gia vào nhóm nhạc này với Trịnh Thăng Bình là giai đoạn đầy gian nan. Anh vừa đi học, vừa phải tranh thủ giờ nghỉ là lao vào tập luyện với nhóm và không được phép về nhà mà phải ở nhà chung. Mỗi sáng mở mắt dậy từ 6 giờ là chạy từ quận 9 về trung tâm cho kịp giờ học. Tan học lại chạy ngược về nhà chung để tập luyện. Tập xong đến giờ mọi người ăn trưa thì anh lại tranh thủ chạy về trường để học tiếp ca chiều. Ngày tháng học cấp 3 đó, mỗi ngày anh chỉ được ăn đúng một bữa tối là đàng hoàng. Còn lại đa phần vừa chạy xe vừa “gặm” bánh mì cho kịp giờ vì đầu tấp mặt tối cả ngày không có thời gian ăn uống.
Ở nhà chung, anh toàn bị ăn hiếp. Quần áo thì bị người khác tự ý lấy mặc. Tiền sinh hoạt mẹ gửi thì bị các anh lấy tiêu hết sạch. Nếu đi học mà về trễ giờ tập luyện thì bị phạt trừ tiền. Cuối tháng chia tiền đi diễn ra đã không được bao nhiêu mà còn bị âm, phải đóng thêm vào. Sự hắt hủi, bị xem như “cơn rơi”, như một đứa ăn theo nhóm… khiến anh bị căng thẳng kinh khủng, nhưng lại không dám nói ra với gia đình vì sợ bị trách móc những câu như “Đã nói mà không nghe”.
Video đang HOT
Một hôm, anh trốn về nhà, đóng kín cửa, chỉ ngồi một góc và khóc tức tưởi. Tay bóp cuộn tròn chiếc móc áo bằng sắt trong uất ức. Khi mẹ anh phát hiện ra vấn đề, bà không cho con tham gia nhóm nhạc nữa và bỏ số tiền 20 triệu đồng để đền hợp đồng. Trịnh Thăng Bình không dám nhìn vào ai trong nhà. Anh thấy có lỗi.
Từ khi rời khỏi nhóm nhạc đó, anh không liên lạc lại với họ. Sau này, anh mới biết được là sau mình còn có một vài người khác cũng được mời thay thế vào vị trí đó và cũng bị lừa gạt tiền bạc, trong đó có Quốc Thiên.
Mấy tháng sau, Trịnh Thăng Bình tiếp tục việc học tại trường Sân khấu Điện ảnh. Một ngày nọ, anh tình cờ gặp Lưu Minh Tuấn của nhóm La Thăng và được ngỏ lời mời vào nhóm thay thế thành viên Liêu Anh Tuấn vừa rời khỏi. Họ từng gặp nhau tại các lớp học ở Nhà văn hóa Thanh Niên trước đây.
Vào nhóm, anh cùng các thành viên hùn vốn mỗi người hết 15 triệu để làm lại từ đầu về âm nhạc, trang phục. Tất cả đều rõ ràng trong chuyện tiền nong để bắt đầu lại sự nghiệp ca hát của nhóm một cách tử tế nên gia đình anh cũng an tâm. Sau khoảng 2 tháng, số tiền bỏ ra đã được thu hồi lại.
“Em muốn nghỉ để phát triển sự nghiệp riêng” – hoạt động ở La Thăng được 1 năm 10 tháng, Trịnh Thăng Bình bất ngờ mở lời với trưởng nhóm. Anh muốn tách ra hoạt động riêng. Lưu Minh Tuấn giận anh một thời gian rất lâu.
Khi đó, mặc cho bị nghĩ là ham hát solo nên rời nhóm, anh cũng không thể can đảm nói hết suy nghĩ thật bên trong. Rằng nhóm La Thăng sẽ tốt hơn khi không có anh, hai thành viên kia đang hoạt động rất tốt, còn anh chỉ làm nền chứ không có cơ hội nào khác. Rằng anh đang sợ phải sống trong nỗi ám ảnh giống như ngày xưa ở nhóm nhạc cũ, một lần nữa trở thành kẻ sống bám víu vào sự thành công của người khác. Rằng anh muốn tự xây dựng tương lai riêng bằng chính đôi tay của mình, cho người ta biết mình là ai…
Anh sợ không ai hiểu được tâm tư ấy.
Rời La Thăng, Trịnh Thăng Bình bắt đầu tự mình loay hoay với số tiền tiết kiệm ít ỏi để tiêu xài lặt vặt. Anh không biết phải làm gì tiếp theo trong cuộc đời của mình. Anh không có một mối quan hệ nào trong nghề để làm việc cả. Nhiều người khuyên anh đi mua bài hát của nhạc sĩ nào nổi tiếng để có hit. Cũng có người nói phải kiếm bầu show, kiếm ai quản lý vì thời điểm năm 2008, bầu show là người thao túng, muốn đi hát được thì phải thông qua họ.
Trịnh Thăng Bình nghĩ: “Mình có tiền chưa chắc đã mua được những ca khúc hay, vì thiếu gì người còn có tiền nhiều hơn mình, họ đã đặt hàng những nhạc sĩ nổi tiếng từ trước rồi. Nếu muốn tồn tại, mình cần có sự đặc biệt. Đó là những ca khúc do mình sáng tác”. Anh quyết định chuyên tâm lao đầu vào học đàn, tự viết nhạc, tự chuẩn bị dần cho album. Đó cũng là một cách tiết kiệm chi phí.
Không được mời đi diễn, anh sống bằng tiền đóng phim. Trong vòng 8 tháng, anh ký hợp đồng đóng liên tục ba bộ phim truyền hình. Phim đầu tiên là một vai phụ với cát-sê 15 triệu đồng. Phim thứ hai được đóng vai chính nên số tiền cao hơn. Tổng số tiền tiết kiệm, anh vét sạch để làm album đầu tay, phần còn lại được gia đình hỗ trợ. Mất một năm trời, album đầu tay “Trịnh Thăng Bình” ra đời.
Sau khi ra mắt làm album, anh gửi tặng các bầu show đồng thời xin đi hát để quảng bá cho sản phẩm của mình. Nhưng không ai cho anh cơ hội vì đơn giản là họ không thích, thậm chí là anh xin hát miễn phí. Lúc đó có một chương trình rất nổi tiếng mà giới trẻ rất thích, anh đến gặp người phụ trách biếu quà cáp để được lên sân khấu. Quà thì họ nhận và hứa cho anh diễn, nhưng giờ cuối lại đổi ý.
Trong bộ đồ đẹp và chỉn chu nhất mình có thể chuẩn bị được tại thời điểm đó, anh khóc như một đứa trẻ trên đường về.
Nản chí, trong chuyến sang New Zealand thăm chị gái, Trịnh Thăng Bình ngỏ ý xin ở lại làm phục vụ bàn và làm thêm kiếm tiền đi học, không muốn về Việt Nam nữa vì thấy sợ và nản chí. Anh chấp nhận mình như một kẻ bại trận bỏ trốn sau tất cả mọi thứ. Gia đình đồng ý và xem như anh sẽ ở lại luôn. Một đêm, bỗng chị gái gọi anh ngồi xuống nói chuyện. “Ngày xưa em đã cãi lời gia đình lựa chọn con đường này, bây giờ em phải là người thực hiện nó đến cùng. Quay lại đối diện và chinh phục nó đi” – nói rồi chị đuổi anh về nước.
Nếu không có những lời nói thẳng thừng đó, thì sau đó sẽ không có bản hit “Lời chưa nói” phát hành trên thị trường, sẽ không có những show diễn mời anh biểu diễn, và sẽ không có những đồng nghiệp tìm đến anh mua bài.
Gom góp đủ tiền, Trịnh Thăng Bình tiếp tục ra mắt album thứ hai. Album đó được nhiều người biết đến hơn với những ca khúc hit như “Đã biết ngày hôm qua”, “Đã lâu không gặp”. Năm đó, anh được bình chọn là một trong những ca sĩ trẻ triển vọng. Đó cũng là lúc mà ác mộng tiếp theo ập đến trong đời anh…
Gia đình Trịnh Thăng Bình đối diện với nguy cơ phá sản ở thời điểm anh bắt đầu chớm nở trong sự nghiệp. Hai năm trước đó, những khó khăn bắt đầu xuất hiện khiến việc kinh doanh tiệm cận đến thời kỳ suy tàn, nhưng mẹ anh cố cầm cự, cho đến khi không nổi nữa. Gia đình đóng cửa công ty.
“Đã dồn hết tiền làm album rồi, trong tay chẳng còn gì ngoài danh hiệu Ca sĩ trẻ triển vọng và khoản nợ do vay tiền làm album. Liệu người ta có mời mình đi hát không?” – Anh sợ hãi nghĩ.
Sau đó anh quyết định gia nhập vào công ty giải trí WEPRO với hy vọng phát triển hơn trong một tập thể mạnh, kiếm được tiền giúp đỡ cho gia đình. Nhưng mọi thứ không được như mong muốn. Hoạt động hầu như bị đóng băng, anh bắt buộc phải ở công ty chờ đợi, sống trong một khoảng thời gian 6 tháng không có thu nhập. Mọi hoạt động của anh trong thời gian đó chỉ là viết nhạc, sản xuất nhạc cho các nghệ sĩ khác. Số tiền bán nhạc cũng không đủ để bươn chải, lo cho cuộc sống của bản thân và không để mình trở thành gánh nặng của gia đình.
Một buổi sáng khi tôi thức dậy, Trịnh Thăng Bình mở ví và thấy mình chỉ còn đúng 5000 đồng, không đủ tiền để mua hộp cơm ăn. Anh phải mượn tiền một người em làm chung studio để đủ mua một hộp cơm 20 nghìn ăn ngày hôm đó. Anh rơi và tâm trạng bế tắc khi gia đình mỗi ngày đều đối mặt với những sóng gió quá lớn mà bản thân lại không giúp được gì.
Sau 9 tháng ở WEPRO, anh xin anh Quang Huy rời khỏi công ty. Đây cũng là điều tiếc nuối nhất của Trịnh Thăng Bình.
“Bình cho anh thêm 1 – 2 tháng nữa. Anh set-up xong mọi thứ là em sẽ có một sân chơi lớn. Anh biết là em đang có một khoảng thời gian khó khăn, anh luôn sẵn sàng hỗ trợ em. Tiền diễn của em, em cứ lấy, công ty sẽ không thu về. Chủ yếu là em ở lại làm việc với công ty thôi” - Quang Huy nghĩ đến một viễn cảnh lớn lao hơn nên cần thời gian để sắp xếp, trong khi Trịnh Thăng Bình đang ở giai đoạn nước sôi lửa bỏng cần tiền để trang trải, không thể kiên nhẫn đợi thêm nên vẫn giữ ý định rời khỏi. Lúc lựa chọn chia tay WEPRO, anh không trách móc, chỉ tiếc là hoàn cảnh thực tế của bản thân không cho phép và duyên số chưa đưa được mọi thứ đi đến đúng thời điểm.
Sau thời gian đó, anh ra mắt “Người ấy” và mọi thứ dần thay đổi.
“Người ấy” thành công. Trịnh Thăng Bình có nhiều show hơn nhưng lại bắt đầu nhận thêm những công việc khác như sản xuất chương trình, tổ chức sự kiện để đem đến thêm nguồn thu nhập cho mình. Hơn ai hết, lúc đó anh biết rằng mình bắt buộc phải làm mọi thứ có thể để giúp đỡ cho gia đình.
Anh vừa đi hát, vừa tổ chức chương trình lưu diễn “New Hits”. Chương trình này cũng là ước mơ từ hồi trẻ của Trịnh Thăng Bình. Ngày xưa vì từng xin đi diễn miễn phí ở những chương trình ca nhạc mà không được, nên anh muốn tổ chức sự kiện như vậy để tạo cơ hội cho những nghệ sĩ có khả năng mà không được biết đến. Dù trên vai có gánh nặng tiền bạc nhưng ở thời điểm đó, anh rất vui vì làm mọi thứ liên quan đến âm nhạc.
Công việc bận rộn, cộng thêm bị stress về tiền bạc… dần khiến bản thân anh bị cuốn đi, đánh mất một Trịnh Thăng Bình nghệ sĩ trong âm nhạc mà chỉ còn lại một Trịnh Thăng Bình bị áp lực bởi những con số kinh tế. Nhiều lúc làm chương trình, đứng trong cánh gà nhìn đồng nghiệp biểu diễn trên sân khấu, anh thèm tìm lại cảm giác được lên hát như ngày xưa. Nhưng anh chấp nhận đánh đổi, xem như đi một phép thử nữa để biết điều gì là phù hợp với mình. Sau này nhìn lại, đó vẫn là khoảng thời gian anh mâu thuẫn với bản thân nhất.
Cuối năm 2017, khi mọi thứ quanh cuộc sống anh về lại khuôn khổ, gia đình cũng vực dậy mạnh mẽ bằng sự cố gắng của các thành viên, Trịnh Thăng Bình bắt đầu nhận ra mình cần làm âm nhạc một cách tử tế và cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật. “Mày cần được trở lại là chính mình. Mày không quan tâm đến tiền nữa, mày cần sự nghiệp của mình, cần một Trịnh Thăng Bình trong âm nhạc ở cái thời vô tư chỉ cần viết ra những ca khúc hay cho bản thân mình, không cần tính toán tới những con số” – Trịnh Thăng Bình tự nhủ.
Anh quyết định dẹp hết các công việc khác để tập trung vào âm nhạc của mình. Vừa lúc đó, bộ phim “Ông ngoại tuổi 30″ đến. Ước mơ điện ảnh của anh đã được đánh thức. Cảm giác của anh trong âm nhạc cũng dần dần trở lại. Khi mọi cánh cửa mở ra, anh không muốn từ chối bất kỳ cơ hội nào mà mình đã từng chờ chúng trong quá khứ. “Trong sự nghiệp, có thể nói tôi là ca sĩ nhận được nhiều lời từ chối nhất, có cơ hội cũng chỉ là người thay thế, nên những gì ở hiện tại, tôi trân trọng lắm”, anh nói.
30 tuổi, 10 năm lăn lộn trong nghề, Trịnh Thăng Bình đã đối mặt với đủ những cú vấp ngã để học được hai từ “bình tĩnh” là như thế nào. Anh cũng có những lần bỏ cuộc, làm lại, rồi thất bại, rẽ hướng, rồi quay về. Hành trình dài không tìm được lời giải đáp cho câu hỏi “ Nếu không làm nghệ thuật thì mình sẽ là ai, làm gì?” – đã khiến Trịnh Thăng Bình tự nhủ rằng “Mình sẽ đi với nó đến cuối đời”.
Theo Trí Thức Trẻ
Han Sara tự viết lời Hàn, cover hit "Tâm sự tuổi 30" của Trịnh Thăng Bình đầy cảm xúc
Clip cover ca khúc "Tâm sự tuổi 30" phiên bản tiếng Hàn đầy cảm xúc vừa được Han Sara đăng tải trên trang facebook cá nhân.
Trên trang facebook cá nhân, Han Sara đã đăng tải clip cover cực tình cảm ca khúc "Tâm sự tuổi 30" với phần lời được viết lại sang tiếng Hàn còn giai điệu vẫn giữ nguyên tinh thần phiên bản gốc. Kèm theo đó, nữ ca sĩ cũng chia sẻ dòng trạng thái đầy hóm hỉnh: " 17 tuổi mà hát bài của chú 30 tuổi. Bài này Sara mới viết lại lời Hàn hôm qua luôn vì quá thích. Chắc là chú Bình sẽ không chê đâu".
Han Sara cover "Tâm sự tuổi 30" bằng tiếng Hàn Quốc
Han Sara
Những lời khen của khán giả dành cho phần cover của Han Sara.
"Tâm sự tuổi 30" là bản OST nhẹ nhàng của bộ phim "Ông ngoại tuổi 30" do Trịnh Thăng Bình sáng tác và tự thể hiện. Ca khúc được khán giả chú ý nhờ phần lời ý nghĩa, bám sát vào nội dung phim, góp phần tăng cảm xúc cho khán giả khi theo dõi ngoài rạp. Tính tới thời điểm hiện tại, MV "Tâm sự tuổi 30" đã chạm mốc gần 5 triệu lượt xem sau 2 tuần ra mắt.
MV "Tâm sự tuổi 30" - Trịnh Thăng Bình
Theo Trí Thức Trẻ
Vpop tuần qua: Ồn ào "thảm họa Vpop" Zero 9, Giọng hát Việt 2018 trở lại với dàn HLV gây tranh cãi Nhóm Zero9 ra mắt, Nam Em mở lại MV, chương trình Giọng hát Việt 2018 chính thức công bố dàn HLV...là những sự kiện đáng chú ý của Vpop trong tuần đầu tiên của tháng 4. Bên cạnh đó, những ca khúc nhạc phim Pop-ballad vẫn đang chiếm ưu thế khi nhận được nhiều tình cảm từ khán giả. Nhóm Zero9 ra mắt:...