Ông nghị chuyên “tay bo” với bộ trưởng
ĐBQH Ngô Văn Minh
Chất “Quảng Nôm” bộc trực không lẫn vào đâu trong cách chọn vấn đề, hỏi xoáy nếu có bộ trưởng nào trót nói quanh. Muốn tìm ĐBQH Ngô Văn Minh trong giờ giải lao ở nghị trường hẳn phải quan sát ở các nhóm đại biểu đang bị cánh phóng viên “quây” kín.
‘Châm ngòi’ tranh luận
Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 13/11/2012 căng như dây đàn bởi màn đối thoại vô tiền khoáng hậu về an toàn đập thủy điện Sông Tranh giữa Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và ĐBQH Ngô Văn Minh. Ông Minh thậm chí còn nói thẳng “khi nghe Bộ trưởng nói yên tâm thì dân hoàn toàn không yên tâm. Chính câu trả lời của Bộ trưởng đã cho thấy sự không yên tâm”.
Vị ĐBQH Quảng Nam vốn đã theo đuổi ráo riết vấn đề an toàn đập thủy điện Sông Tranh ngay từ khi sự cố xảy ra và tận cho đến lúc kết thúc kỳ họp thứ 4 QH khóa 13.
Trước đó, chính ông Minh là người “châm ngòi” cuộc tranh luận nóng bỏng tại phiên điều trần của Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường QH với các cơ quan chức năng. Ông đã không ngại nói thẳng “nếu các lãnh đạo khẳng định an toàn thì xin mời về ở xem có thấy an toàn không?”. Thời điểm đó, tin về những trận động đất cường độ ngày một tăng được truyền thông đăng tải mỗi ngày.
Và cũng chính ông, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng đã quyết liệt nêu ba câu hỏi “đánh” trúng trọng tâm vấn đề, rồi không ngần ngại tranh luận “tay bo” với Bộ trưởng cũng như Chủ tịch Quốc hội để truy cho đến cùng câu trả lời. Hiếm khi nào giữa phiên truyền hình trực tiếp trên nghị trường mà ĐB lại quyết liệt với trưởng ngành như vậy.
Hoạt động trong QH từ khóa 12, song phải đến nhiệm kỳ lần này, cái tên Ngô Văn Minh mới thực sự làm nóng nghị trường bởi những truy vấn đến cùng mỗi phiên chất vấn và bởi những chia sẻ, bình luận ngoài lề quanh các vấn đề dân sinh bức xúc.
Video đang HOT
Chính vị đại biểu Quảng Nam là tác giả của phát ngôn đanh thép “phê” chuyện phạt xe chính chủ là “một chủ trương thiếu thực tiễn của những người ngồi trên trời làm chính sách. Những chính sách không khả thi, không phù hợp tâm tư nguyện vọng của nhân dân”. Ông Minh cũng nhiều lần nêu ý kiến về các vấn đề nóng như lãi suất ngân hàng, bổ nhiệm Dương Chí Dũng, hoặc đề xuất phải xử tội tham nhũng như tội phản quốc…
Chất “Quảng Nôm” bộc trực, thẳng thắn không lẫn vào đâu trong từng cách chọn vấn đề, cách tranh luận, thậm chí là hỏi vặn, hỏi xoáy nếu có vị bộ trưởng nào trót nói quanh, nói vòng.
Không ‘cài cắm’ lợi ích cá nhân
Muốn tìm ông Ngô Văn Minh trong giờ giải lao họp QH hẳn phải quan sát ở các nhóm đại biểu đang bị cánh phóng viên “quây” kín. Không trả lời tất cả các chủ đề nhưng gặp đúng vấn đề nóng, nhất là những chuyện bất cập thì bao giờ vị ĐBQH Quảng Nam cũng có những lời bình luận sắc cạnh, vạch mặt chỉ tên đúng bản chất sự việc chứ không bao giờ là kiểu nước đôi để ai muốn hiểu thế nào cũng được mà không làm ai phật lòng.
Giải thích cho những phát biểu nghe cứ “tưng tửng” mà rất thấm thía, ông Minh nói “đó đều là những vấn đề lớn của dân, của nước, được đông đảo cử tri quan tâm”.
Ông tâm niệm, hễ phát biểu ở QH là phải khách quan, không cài cắm lợi ích cá nhân vào.
“Nếu có đưa lợi ích cá nhân thì cũng ở giới hạn hợp lý và với mức độ có thể chấp nhận được. Chẳng hạn tôi theo đuổi vấn đề thủy điện Sông Tranh 2 bởi đó là mối quan tâm của cá nhân tôi, nhưng lại xuất phát từ ý thức trách nhiệm của tôi với cử tri Quảng Nam chứ không phải vì lợi ích riêng”, ông Minh giải thích.
Theo ông, cử tri rất “tinh”. Nên hễ ai cứ chăm chăm cài cắm lợi ích cá nhân của riêng mình vào mỗi ý kiến ở nghị trường thì dân sẽ nhận ra ngay.
Khi được hỏi “truy” các bộ trưởng đến tận cùng như vậy có phải vì yêu, ghét, ông Minh cho hay “yêu, ghét là chuyện không tránh khỏi”. “Nhưng không phải yêu ghét theo kiểu tình cảm cá nhân. Mà là yêu ghét dựa trên cung cách, thái độ làm việc của từng người. Những vị bộ trưởng phát biểu có trách nhiệm cao, đàng hoàng thì mình nghe và quý trọng họ ngay chứ”, ông Minh lý giải.
Nên trong hội trường, không phải phiên họp nào ông cũng phát biểu. Nhưng hễ đã đến những phiên quan trọng, chất vấn hoặc chủ đề nóng là bảng điện tử sẽ hiển thị cái tên Ngô Văn Minh. Có lẽ, cử tri đã bắt đầu có thói quen chờ đợi mỗi lần thấy cái tên quen thuộc này, như đã từng đón đợi các phát ngôn ấn tượng của những ĐBQH có tiếng khác.
ĐBQH Ngô Văn Minh sinh năm 1959, là ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.
Theo 24h
Chủ tịch nước: Coi chừng "chạy" tín nhiệm
Coi chừng sẽ có tình trạng "chạy" phiếu, tức là vận động phiếu nháy nháy, móc ngoặc với nhau, được anh được tôi - Chủ tịch nước bày tỏ.
Ngày 15/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có buổi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3 và 4 TP.HCM để tiếp tục lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng cũng như đơn thư của người dân trước những việc lớn của đất nước, nhất là để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tới đây.
Tránh loại "dân chủ giả dối"
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri thể hiện hoan nghênh trước việc Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các nhân sự cấp cao. Tuy nhiên, cử tri đề nghị việc làm này phải minh bạch, công khai, tránh để lợi ích cá nhân chi phối.
"Chúng tôi không chỉ mong đợi việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mà còn quan tâm ở chỗ chọn ra, đánh giá đúng cán bộ có đức có tài để quản lý, lãnh đạo đất nước, chứ không phải chọn ra người không làm được việc", cử tri đề nghị.
Cử tri Nguyễn Linh (phường 4, quận 3) bày tỏ với Chủ tịch nước: "Nhiều bộ trưởng trước Quốc hội nhận lỗi, nhưng khi hỏi sẽ giải quyết khắc phục thế nào lại nói "cả hệ thống chính trị phải vào cuộc". Chúng tôi rất bất bình trước việc này".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đưa các vụ tham nhũng nổi cộm ra xử triệt để từ A-Z
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, việc cử tri quan tâm đặc biệt đến vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm và xem đây là chủ trương đúng đắn mới chỉ "được một vế". Theo ông, điều hết sức lo lắng là làm sao cho việc bỏ phiếu tín nhiệm có hiệu quả và cũng chưa thấy cử tri "trách móc gì cả".
"Coi chừng bỏ phiếu là đi chạy, đi vận động, sẽ có tình trạng chạy phiếu tức là vận động phiếu, mà vận động ở đây là vận động nháy nháy, móc ngoặc với nhau, được anh được tôi. Đó là chuyện không lành mạnh. Phải bỏ phiếu trung thực, ông tốt thì phiếu nhiều, ông xấu thì phiếu ít hoặc không phiếu. Vận động được kiểu đó thì hay quá", Chủ tịch nước nói.
Chính vì lo lắng như vậy nên Chủ tịch nước cũng khẳng định rằng, sẽ hết sức lưu ý những vấn đề này trong quá trình triển khai lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm để làm sao cho cuộc bỏ phiếu này thực chất và đánh giá đúng cán bộ lãnh đạo tài đức vẹn toàn.
"Nãy giờ, có đồng chí nào đó nói danh sách ứng cử ông nào ông nào, số mấy số mấy... Như thế còn gì nữa đâu mà bầu cử, dẹp đi cho khỏi tốn tiền của của nhân dân. Không được làm vậy, phải để người ta lựa. Không được để tình trạng số 1, số 3, số 5 đâu nhé. Đó là loại dân chủ giả dối", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói tiếp về việc cử tri lo lắng tình trạng không minh bạch trong bỏ phiếu tín nhiệm.
"Đầu voi đuôi chuột, mất lòng tin ghê gớm"
Cử tri cũng đề nghị phải xử lý thật nghiêm những người tham nhũng, để thất thoát tài sản. Đồng thời phải tăng cường kiểm tra giám sát trong Đảng, khi kỷ luật cần thực hiện nghiêm để làm gương, cần nhìn thẳng vào sự thật, tránh căn bệnh thành tích nặng nề.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Đảng và Nhà nước đang hoàn thiện tổ chức bộ máy Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, tiếp tục sửa luật phòng chống tham nhũng để có những chuyển biến thật sự trong nhiệm kỳ Quốc hội này.
"Một điểm nữa Trung ương 4 có nói mà làm chưa nhiều là mang ra xử một số vụ án chưa triệt để. Những năm gần đây dư luận trong dân chưa hài lòng. Đầu voi đuôi chuột, mất lòng tin ghê gớm. Phải đưa ra một vài vụ nổi bật, cả nước rất chú ý, làm cho triệt để từ A-Z...", Chủ tịch nước khẳng định.
Theo 24h
Quốc hội sẽ dành nửa ngày để lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (QH) diễn ra từ ngày 20.5 - 18.6.2013, QH sẽ dành nửa ngày để thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn. Trong 22 ngày rưỡi diễn ra kỳ họp, QH sẽ dành 15 ngày xem xét các dự án luật như...