Ông Morales: ‘Họ trả 50.000 USD để bắt tôi’
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Sputnik, Tổng thống bị phế truất của Bolivia, ông Evo Morales cho biết, những người đối lập đã rao giá 50.000 USD để bắt ông.
Ngày 23-11, hãng thông tấn Sputnik (Nga) đã đăng tải bài phỏng vấn Tổng thống bị lật đổ của Bolivia, ông Evo Morales, về những nhận định của ông xung quanh tình hình chính trị tại La Paz và những thông tin về việc ông xin tị nạn chính trị ở Mexico.
Ông Morales cũng nói về những dự định hiện có, bao gồm cả ý định trở về Bolivia và lo lắng cho cuộc xung đột có thể kéo dài và trở thành nội chiến ở quê nhà.
Tổng thống bị phế truất của Bolivia, ông Evo Morales. Ảnh: AP
Trong các câu hỏi xung quanh cảm nhận của ông Morales về những mối đe dọa khi ông còn ở Bolivia, Tổng thống bị phế truất cho biết ông đã nhận được cảnh báo về những dấu hiệu an ninh bất thường. Ngay sau ngày bầu cử là ngày 20-10, những cuộc bạo loạn đã diễn ra ở thủ đô La Paz khi các tòa nhà chính quyền và các điểm bỏ phiếu bị đốt phá.
Video đang HOT
Ông đã gọi cuộc đảo chính là biểu hiện của chính sách “phân biệt chủng tộc, gây hấn và bạo lực”, và sau đó đã đạt tới mức “phát-xít”. Đó là khi người phản đối đã tấn công vào những người dân bản địa ủng hộ ông và những người đại biểu cho người dân Bolivia và đốt bỏ lá cờ đã được Hiến pháp Bolivia công nhận.
Ông cho biết thêm, ông cảm thấy đau lòng trước thông tin đã có 32 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình từ sau hôm bầu cử, trong khi đó, khi ông còn tại quyền, không có ai bị bắn chết cả. Ông cũng đã cố gắng liên lạc để nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế nhưng không thành công.
Ngày 9-11, trong chuyến công tác đến miền trung đất nước, một nhân viên an ninh đã cho ông xem tin nhắn với nội dung mà ông nhớ là: “Hãy đưa ông Evo cho chúng tôi và anh sẽ nhận được 50.000 USD”. Người này cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại với nội dung tương tự.
Chuyến bay của ông sang Bolivia cũng gặp phải một số khó khăn. Trước đó, ông phải sống trong rừng cùng với những người ủng hộ của mình. Lực lượng cảnh sát đã được bố trí quanh sân bay. Người ủng hộ ông, khoảng từ 6.000 đến 7.000 người, đã tập trung ở nhiều nơi trong sân bay để bảo vệ ông khỏi một cuộc bắt cóc có thể xảy ra.
Đặc biệt, ông Morales nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong những diễn biến chính trị xảy ra ở La Paz. Ngoại trưởng Bolivia Diego Pary đã nhận được cuộc gọi từ phía Mỹ, đề xuất có thể đưa ông Morales đến bất cứ đâu ông muốn, miễn là ông từ chức. Nhưng nhà lãnh đạo Bolivia không thể tin được đề nghị đó, cho rằng nơi mà ông đến trên một chuyến bay của Washington chỉ có thể là nhà tù ở Guantanamo. Cùng với đó, ông còn cáo buộc Brazil, Chile và Mỹ đã lập các nhóm vận động, mua phiếu bầu để chống lại mình.
Trả lời về những dự định chính trị của mình, ông Morales ước có thể “trở về Bolivia ngay ngày mai”. Ông mong muốn chính quyền lâm thời ở La Paz có thể đảm bảo an toàn để ông trở về nước sớm nhất có thể. Nhưng ông cũng nhấn mạnh mục đích trở về là để ổn định tình hình đất nước, và ông sẽ làm tất cả vì điều đó.
Ngoài ra, ông cũng yêu cầu chính quyền mới phải đảm bảo an toàn cho cả những quan chức đã buộc phải từ chức và những người ủng hộ mình. Ông mô tả việc người biểu tình bị thiệt mạng trong một tháng qua có thể bị truy tố vì “tội ác chống lại loài người”.
Đất nước cũng đang đứng trước nguy cơ nội chiến, ông nói. Lực lượng cánh hữu của bà Anez đang làm ngơ trước những hành động “thảm sát và diệt chủng”. Xung đột có thể kéo dài hơn, nên cần ngay lập tức chấm dứt điều đó.
Nói về khả năng giúp đỡ hoặc can thiệp từ cộng đồng quốc tế, ông Morales tuyên bố ủng hộ mọi nỗ lực đối thoại qua các trung gian hòa giải quốc tế. Ông chưa có thông tin nào về sự can thiệp quân sự của nước ngoài, nhưng tin chắc rằng điều đó luôn nằm trong kế hoạch của nhiều nước.
Ở cuối bài phỏng vấn, ông nhấn mạnh mong muốn thay đổi cho một Bolivia tốt đẹp hơn, một Bolivia của người dân bản địa và của các phong trào xã hội. Ông cũng kêu gọi các lực lượng, nhất là quân đội và cảnh sát, phải tuân thủ các chuẩn mực về nhân quyền để bảo vệ người dân.
VĂN KIẾM
Theo plo.vn
Chính phủ lâm thời Bolivia tìm hướng hạ nhiệt căng thẳng
Ngày 22/11, chính phủ lâm thời của Bolivia tuyên bố kế hoạch tổ chức đối thoại với người biểu tình với hy vọng đạt được một thỏa thuận "nhằm bình ổn" quốc gia rơi vào khủng hoảng này, sau nhiều tuần hỗn loạn khiến hàng chục người thiệt mạng.
Người dân tham gia cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống Bolivia Evo Morales tại La Paz. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo Bộ trưởng Bộ Công trình công cộng Bolivia Yerko Nunez, sự kiện này sẽ được tổ chức vào 20h00 ngày 23/11 giờ GMT (3h00 ngày 24/11 - giờ Việt Nam) tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Lapaz. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nunez nhấn mạnh: "Cả hai bên đều muốn bình ổn đất nước".
Trước đó, ngày 15/11 vừa qua, Chính phủ của Tổng thống tạm quyền ở Bolivia Jeanine Anez đã bắt đầu các cuộc đàm phán với đảng Phong trào Tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS) của cựu Tổng thống Evo Morales nhằm đem lại hòa bình cho đất nước.
Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình kêu gọi phục chức cho ông Morales. Tuy nhiên, bà Anez khẳng định ông Morales sẽ không tham gia bất cứ cuộc bầu cử mới nào, bởi hiến pháp nước này giới hạn một tổng thống chỉ được tại vị hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Bolivia đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng dẫn tới việc ông Morales phải tuyên bố từ chức tổng thống sau 14 năm cầm quyền và sang Mexico tị nạn chính trị. Ông khẳng định mình là nạn nhân của một cuộc đảo chính và buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước. Ông cũng cho biết sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cùng với nhân dân Bolivia để giữ lại những thành quả mà chính phủ của ông đã tạo dựng được trong hơn 1 thập niên qua.
Theo Phương Hồ (TTXVN)
Cựu TT Bolivia tiết lộ bị tướng quân đội ám sát hụt trên trực thăng Tổng thống vừa bị lật đổ của Bolivia, Evo Morales, tiết lộ sự cố với chiếc phi cơ mà ông đi hồi tháng trước là một "âm mưu ám sát" và điều này "không còn phải nghi ngờ gì nữa". Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với RT, ông Morales cho biết chiếc trực thăng đã gặp sự cố cơ học xảy ra...