Ông Lê Văn Cuông: Từng có lợi dụng chất vấn để tiêu cực và vận động hành lang
“Hoạt động trả lời chất vấn cần được nhìn nhận khách quan, thông qua hình thức lấy phiếu đánh giá. Đây là căn cứ chỉ rõ trách nhiệm người đứng đầu”.
LTS: Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, Quốc hội dự kiến dành hai ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo đó, tất cả các thành viên Chính phủ đều phải có mặt trong thời gian Quốc hội chất vấn.
Điểm khác trong chất vấn tại kỳ họp này là Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, xung quanh lĩnh vực họ phụ trách. Nội dung chất vấn sẽ theo hướng tổng thể…
Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; công tác giám sát nghị quyết Quốc hội, vẫn là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm.
Xung quanh vấn đề này, hôm 20/10, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
PV: Ông đánh giá như thế nào về những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội trước đây?
Ông Lê Văn Cuông: Theo dõi các phiên chất vấn trước đây, có thể nhận thấy, không ít thành viên Chính phủ khi trả lời chất vấn thường quanh co, câu giờ, không đi vào thực tế vấn đề cần trả lời.
Lại có trường hợp Đại biểu Quốc hội mơ hồ về vấn đề mình chất vấn, hay họ chỉ hỏi cho xong chuyện, cho hết trách nhiệm rồi để đó.
Tôi sợ rằng, nếu cứ thực hiện cách chất vấn, trả lời chất vấn như cũ, thì trách nhiệm của người trả lời chất vấn sẽ khó được làm rõ.
Video đang HOT
Ông Lê Văn Cuông (ảnh: Báo Tuổi trẻ).
Thay vào đó, người ta sẽ đùn đầy trách nhiệm cho nhau, hoặc đưa ra những lý do không thuyết phục, giải thích cho những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nghị quyết của Quốc hội.
Mặt khác, công tác giám sát và hiệu quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội trong thời gian vừa qua chưa thật sự rõ nét.
Trách nhiệm liên đới trong việc chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu vẫn còn chung chung…
Tại kỳ họp lần này, Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn bất cứ thành viên Chính phủ nào xung quanh lĩnh vực họ phụ trách… Ông đánh giá như thế nào về điểm mới, sự khác biệt này?
Ông Lê Văn Cuông: Đây là việc làm chưa có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội nước ta.
Tôi rất đồng tình, ủng hộ sự mạnh dạn của Quốc hội trong việc đổi mới về mặt tư duy chất vấn, trả lời chất vấn.
Trong các kỳ họp trước đây, ai trả lời chất vấn và vấn đề chất vấn đều biết trước. Nhưng tại kỳ họp này, người trả lời chất vấn sẽ không biết đại biểu hỏi nội dung gì? Ai là người phải trả lời chất vấn?
Do đó, việc thay đổi hoạt động chất vấn và trả lời chất
vấn sẽ xóa đi sự nhàm chán, tạo nên không khí sôi động tại nghị trường, khi các thành viên được chất vấn sẽ phải trả lời chất vấn tại chỗ.
Sự đổi mới trong hoạt động chất vấn trả lời chất vấn cũng đòi hỏi sự bản lĩnh, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong việc tự đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, thời gian vừa qua.
Do đó, báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội cần đi thẳng vào vấn đề, nhìn nhận đúng sự thật để việc chất vấn và trả lời chất vấn đạt được chiều sâu.
Không ít kỳ họp, Bộ trưởng khi trả lời chất vấn hứa giải quyết những tồn tại thuộc thẩm quyền quản lý, nhưng ít người thực hiện hết được lời hứa đó. Vậy theo ông, có nên “chấm điểm” Bộ trưởng và các thành viên khác chính phủ, từ đó làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn?
Ông Lê Văn Cuông: Tất nhiên là cần thiết.
Tôi lấy ví dụ, bao nhiêu năm chúng ta lên án vấn nạn vật tư trong nông nghiệp kém chất lượng, nhưng vấn đề vẫn chưa được xử lý triệt để, khiến dư luận bức xúc.
Tuy nhiên việc quy trách nhiệm, xử lý trách nhiệm vẫn chưa rõ ràng. Cuối cùng người dân vẫn là đối tương chịu thiệt thòi nhất.
Vừa rồi trong quá trình giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân, tôi cũng đề nghị cần một chế tài đủ mạnh để quy trách nhiệm khi người đứng đầu ngành không thực hiện đúng lời hứa.
Theo đó, hiệu quả, sự thuyết phục trong quá trình trả lời chất; vấn đề thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, cần được nhìn nhận khách quan, thông qua hình thức lấy phiếu đánh giá, “chấm điểm” của các Đại biểu Quốc hội.
Từ đó để cử tri biết lãnh đạo ngành đã thực hiện tốt hay không tốt lời hứa của mình.
Nếu trường hợp, vấn đề chất vấn lặp lại nhiều lần qua nhiều kỳ họp, nhưng việc thực hiện không có chuyển biến, thì phải xem xét trách nhiệm, cách thức xử lý cán bộ…
Theo ông, làm sao để hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn cũng như việc giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội phát huy hiệu quả hơn nữa tại các kỳ họp Quốc hội tới đây?
Ông Lê Văn Cuông: Chất vấn và trả lời chất vấn thực chất nhằm làm rõ nguyên nhân của những yếu kém tồn tại trong quá trình chỉ đạo, điều hành…
Từ đó xác định trách nhiệm của những người có liên quan, đồng thời đưa ra giải pháp để khắc phục hạn chế…
Thực tế, tại nhiều kỳ họp trước đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vẫn còn biểu hiện “tiêu cực”, có biểu hiện của việc “vận động hành lang”, hoặc đại biểu vì mối quan hệ, nể nang nên chất vấn hời hợt, làm không đúng với trách nhiệm của mình.
Do đó, để chất vấn và trả lời chất vấn đạt hiệu quả cao, trước hết, Đại biểu Quốc hội phải thực sự vì nước vì dân.
Hiệu quả của hoạt động chất vấn phụ thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, kỹ năng chất vấn của Đại biểu Quốc hội.
Theo đó, để vấn đề chất vấn đi vào chiều sâu, cần “truy” tới cùng sự việc chứ không phải đặt câu hỏi cho xong, rồi người ta muốn trả lời ra sao thì tùy.
Ngoài ra, sự điều hành của Quốc hội cũng hết sức quan trọng. Quốc hội nên tỏ thái độ rõ ràng trước những câu hỏi chất vấn lan man, trả lời chất vấn không rõ ràng, né tránh…
Căn cứ vào trả lời chất vấn, Quốc hội cần chỉ rõ những yếu kém, tồn tại trong quá trình thực hiện nghị quyết, quy trách nhiệm cụ thể…
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
Theo giaoduc