Ông lão, cụ bà U80 Việt Nam nổi danh toàn cầu
Tên tuổi của nhiều ông già, bà lão Việt không chỉ nổi danh trong nước mà còn được thế giới biết đến bởi tài kinh doanh, sự yêu nghề, gây dựng nên những thương hiệu nức tiếng.
Lão bà bán bánh mì Hội An nức tiếng 5 châu
Nhiều khách Tây khi đến Hội An không thể nào quên được hương vị của chiếc bánh mì ở tiệm bánh mì của cụ Nguyễn Thị Lộc (80 tuổi).
Quán nằm dưới mái hiên nhỏ hẹp, chỉ đủ kê hai chiếc bàn. Trước tủ kính là tên quán bằng tiếng Tây “Madam Khanh – The Banh mi Queen” viết bằng giấy, dán dưới tủ kính. Cụ Lộc cho hay, cái tên quán là do khách nước ngoài đến ăn và đặt, chứ cụ không biết tiếng Anh, tiếng Pháp. “Mấy cô phiên dịch đi với đoàn khách Tây bảo “The Banh mi Queen” có nghĩa là “Nữ hoàng bánh mì”, cụ nói.
Cụ Lộc tự tay làm bánh mì bán cho khách mỗi ngày
Khách Tây sau khi ăn bánh mì của cụ Lộc đã viết hàng trăm bức thư khen ngợi
Trên vách che làm bếp, nơi cụ bà đứng chiên trứng mỗi ngày, có đến cả trăm tờ giấy viết tay của khách nước ngoài ngợi ca, cảm ơn cụ đã cho họ ăn ổ bánh mì “ngon chưa từng thấy”. Tất cả đều khẳng định bánh mì Madam Khanh ngon nhất và rẻ nhất trên thế giới, chỉ với 20.000 đồng Việt Nam.
Bánh mì Madam Khanh được xếp hạng thứ 7 của TripAdvisor về các món ngon ở Hội An
Trên diễn đàn du lịch nổi tiếng TripAdvisor, hàng trăm du khách ghé tiệm Madam Khanh cũng không tiếc lời khen. Du khách bình chọn “The Banh mi Queen” xếp hạng thứ 7 về tiện ích, giá rẻ, ngon và an toàn trong số hàng trăm nhà hàng, tiệm ăn uống tại phố cổ Hội An.
Lão ông 90: ‘Phù thủy’ cocktail số 1 Việt Nam
Năm 12 tuổi, ông Nguyễn Xuân Ra (Đà Nẵng) vô Sài Gòn sống nhờ người chú. Để có tiền trang trải việc học, ông chú xin cho ông chân chạy bàn trong một nhà hàng người Pháp. Từ một cậu bé chạy bàn, ông Ra bắt đầu làm quen với pha chế cocktail mà người phương Tây thường uống.
Tủ rượu pha chế coctail Việt Nam của ông Ra
Video đang HOT
Sau đó, ông đi bộ đội, khi đất nước thống nhất về làm chủ xưởng thuốc lá, rồi làm Hiệu trưởng Trường Cơ khí Công nhân 455 Cách mạng tháng Tám – TP.HCM. Nhưng nghiệp pha chế rượu vẫn đeo bám ông cả đời. Đến năm 1996, ông xin nghỉ để hành nghề pha chế cocktail. Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông tham gia giảng dạy ở nhiều trường ĐH, CĐ, nghiệp vụ du lịch, các khóa đào tạo nghề cocktail cho các khách sạn, resort, bar,… trong và ngoài nước.
Ông Ra giới thiệu về cách pha chế coctail Việt Nam tại phòng làm việc.
Đến nay, sau hơn 30 năm sống chết với cocktail, khi đã ở tuổi 91, ông đã biên soạn 21 đầu sách về pha chế rượu. Nhiều lứa học trò gọi ông là “Đại lão phù thủy” cocktail Việt Nam.
Chính tay ông và học trò của mình đã chế biến hàng trăm loại cocktail thơm ngon từ các loại rượu mùi “made in Vietnam”. Mới đây, để chào mừng vịnh Hạ Long được bầu chọn vào top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, ông đã sáng tạo 2 loại cocktail mang tên “Kỳ quan Hạ Long” và “Hạ Long ngày nay”, giá chỉ 20.000 đồng/ly.
Bà chủ tiệm bánh Như Lan: 40 năm nức tiếng Sài thành
Những năm đầu thập niên 70, bánh mì là một món ăn rất phổ biến. Bánh mì thường chế biến theo kiểu Pháp; tuy ngon nhưng cứng và hơi mặn; ăn kèm với xúp, thịt, cá hoặc dùng không nhưng chưa hợp gu người Việt. Là người yêu thích hương vị bánh mì từ nhỏ, sau này lại lấy ổ bánh mì làm kế sinh nhai, Nguyễn Thị Dậu quyết tâm xây dựng thương hiệu bánh mì riêng của mình – “thương hiệu bánh mì Như Lan”.
Đó là loại bánh mì đặc ruột vỏ giòn, trông cứng cáp bên ngoài nhưng lại mềm xốp bên trong. Ổ bánh mì Như Lan to, tròn khác hẳn ổ baguette mình thon dài ngoằng của Pháp.
70 tuổi, bà Dậu – chủ tiệm bánh Như Lan – vẫn bình thản giữa những tin đồn
Gia vị sử dụng đã giảm bớt độ mặn vì theo bà, người Việt quen dùng bánh mì với các loại nước thịt, nước phở, sữa,… nên hương vị bánh mì Như Lan thích hợp với thói quen ẩm thực VN hơn. Chính công thức này đã làm nên cột mốc thương hiệu bánh mì Như Lan trong suốt 40 năm qua.
Bao năm sau những tin đồn về cuộc tình với ca sĩ Mỹ Tâm, sang Campuchia đánh bạc thua đến độ bán cả tiệm bánh, bà chủ tiệm bánh Như Lan vẫn bình thản đếm tiền giữa những tin đồn động trời về mình.
Ông vua xích lô “Không lo âu”
Ông Đỗ Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ xích lô Du lịch Sans Souci, 65 tuổi, vẫn ngỡ nghề phu xe như một cơ duyên. Vốn sinh ra trong một gia đình trí thức, mơ ước của cậu bé Thư là được trở thành một thầy giáo. Năm 1981, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm với tấm bằng giỏi. Song, nhiều năm mong ngóng chờ đợi, ông vẫn không nhận được hồi âm nào từ phía Sở Giáo dục.
Ông Đỗ Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ xích lô Du lịch Sans Souci
Ông làm đủ nghề để mưu sinh. Ban ngày thầy giáo trẻ vận sơ mi đi dạy, ban đêm đội mũ lụp xụp đạp xích lô. Rồi gánh nặng cơm áo gạo tiền, chẳng còn cách nào khác, ông đánh cược cuộc đời với nghề xích lô. Từ những chiếc xích lô chở đồ, vợ chồng ông Thư quyết tâm đầu tư mua một chiếc xích lô mới để chở khách tham quan quanh phố cổ.
Trong số các hãng xích lô ở Hà Nội, hãng xích lô Sans Souci Sarl là phương tiện “đặc nhiệm” chuyên phục vụ người nước ngoài
Từ năm 1994 trở đi, số lượng xích lô không ngừng tăng từ 5 lên 15 chiếc và đến nay là hơn 100 chiếc. Năm 2008, Công ty TNHH dịch vụ xích lô du lịch Sans Souci Sarl chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Sans Souci Sarl – “Không lo âu” là câu nói cửa miệng của người Pháp. Ông rất thích cái tên này và nó nhanh chóng có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo Hạnh Nguyên/Vietnamnet
'Xích lô'... Nguyễn Bá Thanh
Gần 12 năm trước, Đội xích lô du lịch TP.Đà Nẵng ra đời từ chủ trương của ông Nguyễn Bá Thanh. Chủ trương này không chỉ giải quyết việc làm cho người nghèo, mà còn xóa bỏ tình trạng chèo kéo khách, giành giật mối chạy xe, vốn gây nên hình ảnh xấu cho TP Đà Nẵng.
Hình ảnh những chiếc xích lô đẹp đẽ, bắt mắt góp phần quảng bá du lịch Đà Nẵng
Nhận không gần 1 lượng vàng
"Xích lô... Nguyễn Bá Thanh" là tên mà các thành viên trong Đội xích lô du lịch đặt thân thương cho đội mình. Vì từ chủ trương của ông Thanh, đội xích lô này ra đời cách đây 12 năm đã giải quyết việc làm cho 70 người đàn ông thất nghiệp, trong khi họ là trụ cột của những gia đình nghèo, đông con, thân nhân nhiều bệnh tật mà không tìm ra sinh kế.
Như ông Bùi Quang Gia (55 tuổi), trước đây làm đủ nghề nhưng không đủ nuôi vợ và 2 con. Năm 2003, ông Gia được nhận vào Đội xích lô du lịch và thoát nghèo nhờ chủ trương này.
Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng tổ 3 đội xích lô nhớ lại, sau khi đi bộ đội về, ông Minh làm công nhân đến năm 2003 thì nghỉ do thu nhập bấp bênh. Lúc bấy giờ đang thất nghiệp thì ông hay tin ông Nguyễn Bá Thanh chủ trương thành lập Đội xích lô du lịch, nhằm giải quyết việc làm cho người thất nghiệp, đồng thời xây dựng hình ảnh Đà Nẵng, thành phố du lịch văn minh, thân thiện với du khách.
Thấy tiêu chí ưu tiên người thất nghiệp, bộ đội xuất ngũ, hộ nghèo, từng đạp xích lô và yêu thích công việc này đều phù hợp nên ông nộp đơn đăng ký. Sau 2 tháng trải qua nhiều đợt phỏng vấn, xác minh của địa phương và các ban ngành, 70 người trong đó có ông Minh được chọn, nhận xe tại Nhà máy cơ khí ô tô (cũ).
Đội xích lô này ra đời tháng 9.2003, xuất quân hoành tráng tại Nhà hát Trưng Vương TP.Đà Nẵng. Đặc biệt ở chỗ, toàn bộ 70 chiếc xe đều do ngân sách đặt đóng và cấp cho thành viên.
"Trị giá chiếc xe hồi đó (2003) là 4,5 triệu đồng, tương đương 1 lượng vàng, người không biết thì thấy chiếc xích lô là bình thường, nhưng có rơi vào hoàn cảnh như tui, hồi trẻ cả 3 cha con đạp chung 1 chiếc xích lô cũ kỹ, thì mới quý tài sản mà thành phố trao tặng để làm cần câu cơm này", ông Minh kể.
Ông Nguyễn Văn Minh (người đầu tiên) trong một chương trình quảng bá sản phẩm bằng xe xích lô
Các thành viên chỉ cần cam kết không được bán xe, nếu không hành nghề nữa thì trả lại cho thành phố, mỗi năm thành phố tổ chức hai đợt kiểm tra định kỳ bảo dưỡng, còn lại các thành viên tự chủ động quản lý, sử dụng.
Lo tết cho anh em
Mặc dù thu nhập từ nghề đạp xích lô không cao, nhưng việc làm ổn định và sự hỗ trợ của thành phố khiến các thành viên rất tâm huyết và gắn bó với nghề.
Trước đây, nghề đạp xích lô ở Đà Nẵng đã tồn tại từ lâu nhưng chủ yếu là chở hàng, phương tiện cũ kỹ. Việc cho ra đời Đội xích lô du lịch với giàn xe bằng inox sáng choang, sạch sẽ, mái che tươm tất đã tạo nên diện mạo mới. Các thành viên đồng phục áo mũ gọn gàng, được đào tạo ngoại ngữ góp phần giữ gìn hình ảnh du lịch Đà Nẵng với du khách quốc tế, đặc biệt là dẹp nạn chèo kéo khách du lịch.
"Từ trước đến nay thành phố cũng đã tổ chức 3 đợt học ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật cho 70 thành viên, tuy không chuyên sâu nhưng chúng tôi cũng nắm được các câu giao tiếp căn bản, thể hiện lòng hiếu khách và thân thiện, đại diện cho hình ảnh du lịch thành phố" , ông Minh nói.
Đội xích lô du lịch còn nhận rước dâu
Ông Nguyễn Bá Thanh trong những lần đi tiếp xúc trò chuyện với bà con Đà Nẵng
Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Văn Tiến, 60 tuổi, thành viên Đội xích lô du lịch Đà Nẵng: "Từ 2007, hằng năm, cuối năm anh xem xích lô xe thồ của chú thường nhận được số tiền trợ cấp của thành phố 250.000 đồng/người ủng hộ để ăn tết, chủ trương của thành phố đưa ra, anh em chú rất biết ơn ông Nguyễn Bá Thanh đã giúp cho công việc làm ăn và hằng năm hỗ trợ số tiền này".
Còn theo ông Nguyễn Văn Minh: "Thu nhập từ nghề xích lô dù không cao nhưng vẫn đỡ hơn nghề công nhân trước đây, giờ giấc chủ động, siêng đạp thì nhiều tiền, trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng cũng đủ trang trải cho gia đình mà điều làm chúng tôi cảm động là sự quan tâm của thành phố, lãnh đạo đã không quên bọn tôi, tạo điều kiện để nuôi vợ con".
Những ngày nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh bị bệnh, mọi người ai cũng rất quan tâm và trông ngóng, ai cũng dành những lời chúc tốt lành đến vị lãnh đạo từng rất sâu sát và có nhiều hỗ trợ đến người lao động nghèo.
Ông Nguyễn Văn Tiến, 60 tuổi, thành viên Đội xích lô du lịch Đà Nẵng: "Chúng tôi cũng có đọc báo biết được tình hình sức khỏe bác Thanh, lo lắng lắm. Mong ông sớm hồi phục".
Còn ông Nguyễn Hoàng Lâm (52 tuổi) chỉ mong: "Mình biết thì cũng chỉ để trong lòng và mong ông Thanh khỏi bệnh".
Những lời cầu mong của các thành viên đội xích lô đã không thể thành sự thật. Ông Nguyễn Bá Thanh đã chia tay họ mãi mãi!
Bài, ảnh: Nguyễn Tú
Theo Thanhnien
Những kiểu xe chống lụt chỉ có ở Thái Lan Từ xe hai bánh, tuk tuk, xe bán tải hay xích lô qua bàn tay khéo léo biến thành những chiếc xe di chuyển trong vùng lụt lội đầy sáng tạo và độc đáo. Xe máy 3 và 5 bánh Chiếc xe xuất hiện tại Thái Lan khi đang di chuyển qua nước ngập. Xe có thiết kế 3 bánh với 2 bánh...