Ông lão 4 lần khoác long bào đi cày
Từng bước chậm rãi, song dứt khoát, ông Đinh Trọng Tế (84 tuổi) bắt đầu tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày những thửa ruộng đầu tiên trong năm mới ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Đã 84 tuổi nhưng cụ Tế vẫn khỏe mạnh và tinh anh. Ảnh: Văn Định.
Nhiều năm nay người dân trong vùng mỗi dịp đầu xuân thường kéo đến xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, xem lễ hội tịch điền. Không chỉ cầu một năm mưa thuận gió hòa, họ còn muốn được xem ông cụ 84 tuổi đóng giả vua đi cày.
Đã bước qua tuổi bát tuần nhưng cụ Tế vẫn khỏe mạnh và tinh anh. Hàng ngày, cụ thức dậy từ sớm để luyện tập động tác đi đứng, cử chỉ thật nhuần nhuyễn chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu năm sắp tới gần. Kể từ năm 2009 lễ hội tịch điền được khôi phục đến nay, năm nào cụ Tế cũng đứng ra nhận trọng trách của cả làng là đóng giả vua đi cày.
Cụ Tế kể, xuân 2009, bô lão trong làng họp bàn tìm ra người phù hợp đóng giả vua đi cày là cụ Ngụy Nguyên Chiều (82 tuổi). Đến ngày tổng duyệt (25 tháng chạp), cụ Chiều đổ bệnh rồi 10 ngày sau qua đời. Việc chuẩn bị đã gần như tươm tất, nhưng ban tổ chức vẫn “rối như tơ vò” vì chưa tìm được ai thay thế. Lúc này cụ Tế tự ứng cử. Thấy thế nhiều người cười nhạt vì lo cụ không làm nổi. Con cháu ra sức khuyên cụ từ bỏ ý định vì sợ “đắc tội với bề trên”.
4 lần khoác long bào đóng giả vua đi cày, ông Tế chia sẻ: ‘Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi’. Ảnh: Văn Định.
“Trước tới nay tôi chưa bao giờ tin vào chuyện bị bề trên ‘vật’ cả”, cụ Tế khẳng định. Đọc nhiều sổ sách ghi chép nên phần nào cụ nắm được các nghi thức, phong tục lễ hội thời xưa. Để mọi người tin tưởng, cụ diễn vài bước cơ bản và được vỗ tay tán thưởng. Muốn cho động tác nhuần nhuyễn, nhiều hôm cụ thức tập cả đêm. Có hôm đang ngủ tay cụ vẫn giơ lên trời khiến cụ bà giật mình gọi dậy.
Ngày hội diễn ra, được khoác trên mình tấm long bào, đeo mặt nạ đóng giả vua, cụ Tế run run lo lắng. Sau một hồi lấy lại bình tĩnh, cụ bước chậm rãi song dứt khoát, một tay cầm roi, một tay giữ tay cày rồi thúc trâu cày thẳng tắp. Phía sau là đoàn người đi vãi hạt giống để cầu một năm mùa màng bội thu.
Video đang HOT
Sau màn đóng giả vua đi cày thành công, cụ Tế tiếp tục được ban tổ chức tin tưởng giao trọng trách đóng vua vào năm sau. Năm 2011, khi gần đến lễ hội thì cụ ngã bệnh rồi nằm liệt giường. Người được lựa chọn thay thế là cụ Phạm Lương Bì (74 tuổi). Điều lạ là mới tập dượt được vài ngày thì cụ Bì lại ngã bệnh rồi không thể tham gia. Gần đến ngày hội, cụ Tế tỉnh dậy quyết đóng vua đi cày bằng được.
Để có sức khỏe và những đường cày thẳng tắp, hàng ngày cụ Tế vẫn chăm chỉ tập thể dục. Ảnh: Văn Định.
Trải qua 4 lần khoác áo vua, đến nay dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng hàng ngày cụ vẫn đạp xe hàng chục cây số, có bận còn đạp sang Hưng Yên, Nam Định để rèn luyện sức khỏe. Con cái nhiều lần khuyên cha nghỉ ngơi tuổi già nhưng cụ nhất quyết không nghe.
Có nhiều thành tích trong việc xây dựng và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của quê hương, nhiều năm qua cụ Tế được UBND tỉnh Hà Nam trao tặng bằng khen. Nói về dự định sắp tới, cụ ông cười hiền nói: “Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi”.
Ông Lê Thế Quân, Phó bí thư xã Đọi Sơn cho biết, lễ hội tịch điền được tổ chức từ mùng 5 đến 7 tháng giêng hàng năm. Đến nay việc đóng vua đi cày đều do ông Đinh Trọng Tế đảm nhận và làm rất tốt. “Chính quyền và nhân dân xã Đọi Sơn luôn đề cử ông Tế gánh vác trọng trách này cho tới khi ông không làm được nữa”, ông Quân nói thêm.
Sử sách ghi lại, lễ hội tịch điền lần đầu tiên diễn ra vào thế kỷ thứ 10 ở tỉnh Hà Nam, quê hương của vua Lê Đại Hành. Mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành cùng bá quan văn võ đi cày ruộng ở xã Đọi Sơn rồi thấy dưới đất một chiếc chum vàng. Một năm sau vua đi cày ở Bàn Hải thì bắt được một chiếc chum bạc. Từ đó những thửa ruộng này được nhà vua đặt tên là Kim Ngân Điền (ruộng của vua) nay thuộc xã Đọi Sơn, Duy Tiên.
Hàng năm cứ mỗi dịp đầu xuân, nhà vua lại xắn long bào cùng văn võ bá quan xuống đồng cày ruộng cầu cho dân chúng no ấm, hạnh phúc. Lễ hội này được duy trì qua nhiều thế kỷ nhưng đến đời vua Khải Định thì dần mai một. Năm 2009, nhằm lưu giữ những phong tục truyền thống bị đánh mất, lễ hội tịch điền được khôi phục và tổ chức tại xã Đọi Sơn. Việc quan trọng nhất là cử ra người đóng giả vua để tái hiện lại cảnh đi cày.
Theo VNE
Bệnh tật bủa vây gia đình nghèo ở Hà Nam
Bà nội bị tâm thần, bố mù lòa, vợ bị ung thư tuyến giáp, con gái mắc u máu khiến anh Hoàng Văn Cường ở xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam) chỉ biết lao đi làm kiếm tiền lo viện phí và cái ăn, nhưng chẳng bao giờ đủ.
Chị Tâm tranh thủ xát ít gạo để các bà nội, bố mẹ chồng và ba đứa con có cái ăn trong những ngày vợ chồng chị lên Hà Nội điều trị. Ảnh: Văn Định.
Sắp tới ngày hẹn lên bệnh viện xạ trị cho vợ là Trần Thị Tâm (33 tuổi), anh Cường lại như ngồi trên đống lửa vì chưa biết xoay đâu ra tiền. Khi bố bận đi vay tiền, mẹ xát gạo cho ông cháu ở nhà có cái ăn, ba đứa con chị Tâm thơ thẩn chơi quanh ngôi nhà cấp bốn dột nát.
Xạ trị về, sức khỏe khá hơn, chị Tâm lại đi lấy tôm, tép của những người cất vó ở ao hồ về bán kiếm đồng ra đồng vào. Bữa cơm của gia đình bệnh tật ấy lúc nào cũng chỉ có cơm chan vội với bát canh rau hái ngoài vườn. Bữa nào cải thiện mới có thêm con cua được người cất vó thương tình cho.
Chị Tâm chia sẻ, nếu để mình chồng kiếm cơm nuôi 8 miệng ăn và tiền thuốc men cho vợ con thì không đành lòng. Nhắc đến chồng, người phụ nữ già hơn so với tuổi 30 nước mắt ngắn dài lăn trên gò má gầy sạm.
Đầu năm 2011, chị Tâm khó chịu, đau ốm triền miên. Đi khám chị mới biết bị ung thư tuyến giáp. Trải qua 3 lần mổ để kéo dài sự sống nhưng bệnh của chị không thể chữa khỏi. Cứ 3 tháng, vợ chồng lại lên Hà Nội xạ trị một lần. Mỗi lần điều trị hết một tuần, thậm chí cả tháng, chi phí hết hơn 10 triệu đồng. Anh Cường lại chạy ngược xuôi vay lãi để đưa vợ đi viện. Tiền sinh hoạt, tiền thuốc cho con và cả chi phí xạ trị cho chị Tâm khiến kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ.
Bệnh tật nhưng bé Ngọc luôn là học sinh tiên tiến. Ảnh: Văn Định.
Nhà chị Tâm có 8 nhân khẩu thì 5 người ốm đau, bệnh tật. Vợ chồng chị sinh được 3 người con, cháu thứ hai Hoàng Thị Ngọc bị u máu bẩm sinh. Vừa sinh ra, bé Ngọc bị khối u máu to bằng ngón cái trên tay phải. Do con quá nhỏ nên mãi khi cháu hơn một tuổi, vợ chồng chị mới đưa lên Bệnh viện Nhi mổ. Sau lần ấy u máu mọc lại và ngày một to lên. Không có tiền, chị Tâm và chồng chỉ dám lấy thuốc cho con uống đều đặn hàng tháng.
Có lúc u to bằng quả sung khiến bé Ngọc thường xuyên đau ốm. Mỗi khi trở trời, Ngọc lại kêu đau, không chịu ăn khiến anh chị Tâm đứng ngồi không yên. 8 tuổi nhưng bé Ngọc nhỏ hơn so với các bạn cùng trang lứa và chỉ nặng 19 kg.
Người mẹ buồn rầu cho biết: "Bác sĩ bảo nếu mổ thì sau khối u máu lại mọc chỗ khác, không bao giờ hết được. Nhưng nếu không mổ, u ngày một to và nguy hiểm đến tính mạng. Cháu ăn được bao nhiêu nuôi cục máu ấy hết. Vì thế, cháu cần được điều trị lâu dài và chi phí khá tốn kém".
Nguồn thu duy nhất của cả nhà chỉ có 4 sào ruộng. Là thợ cả nên tiền công xây dựng của anh Cường mỗi ngày được 100.000 đồng. Số tiền ít ỏi ấy chẳng thấm vào đâu khi người cha già mù lòa chỉ quanh quẩn trong nhà còn mẹ ốm yếu quanh năm, vợ con lại bệnh tật. Bà nội anh Cường đã ngoài 90 tuổi thi thoảng lên cơn tâm thần lại bỏ đi. Thấy bố mẹ và anh chị quá vất vả, em gái anh Cường thi thoảng đón bà nội về trông coi mỗi khi chị Tâm đi viện.
"Với tôi, vợ con là thứ tài sản vô giá, bằng mọi cách tôi cũng phải gắng gượng để lo mọi thứ. Nếu phải bán cả gia sản để cứu được vợ con tôi cũng cam chịu, còn người thì còn của, mất người thì mất hết tất cả", anh Cường tâm sự.
Chỉ lên trần nhà, anh Cường phân trần, trận bão Sơn Tinh cuối tháng 10 vừa qua cuốn bay cả ngói khiến mưa dột hắt cả vào trong. Không có tiền sửa sang lại nên anh chỉ dám lấy áo mưa bịt tạm. Ngôi nhà từ thời ông bà để lại vì khó khăn nên gia đình cũng không có tiền tu sửa. "Cũng may là cả gia đình 8 người vẫn còn chỗ chui ra, chui vào lúc gió mưa", anh Cường nói.
Bố mẹ bận đi vay tiền, xát gạo, ba chị em Ngọc chơi đùa cùng nhau. Ảnh: Văn Định.
Sau lần trị xạ cho vợ, anh bảo sẽ gắng dành dụm rồi vay mượn thêm tiền để sớm đưa bé Ngọc đi khám lại. Nhiều lúc nhìn con đau ốm, anh không kìm được nước mắt. Giờ đây, số tiền vay mượn anh em, hàng xóm để mổ và chữa bệnh của cả 2 mẹ con chị Tâm đã ngoài 50 triệu đồng, số tiền quá lớn đối với anh chị khi cái đói nghèo và bệnh tật cứ bủa vây từng ngày.
Ông Trần Quốc Thắng, Phó chủ tịch xã Tiên Phong cho biết, gia đình anh Cường nhiều năm là hộ nghèo. "Nhà anh Cường có bố mẹ già và bà nội năm nay ngoài 90 tuổi, bản thân chị Tâm lại bị ung thư, cháu Ngọc bị u máu bẩm sinh nên kinh tế vô cùng khó khăn. Địa phương chúng tôi cũng thường xuyên quan tâm nhưng cũng chỉ được phần nào", ông Thắng cho hay.
Theo VNE
Gặp cụ ông 4 lần khoác Long bào đi cày trong lễ hội Tịch Điền Sau nhiều năm mai một, năm 2009, lễ hội Tịch Điền đã được khôi phục lại tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Kể từ đó, đã 4 lần cụ Đinh Trọng Tế (84 tuổi) vinh dự khoác lên mình chiếc long bào đi cày. Theo sử sách ghi lại, lễ hội Tịch Điền lần đầu tiên được diễn ra vào...