Ông Kim Jong-un có thể đã lên đường đến Singapore bằng máy bay Trung Quốc
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã lên một máy bay của hãng hàng không Air China vào sáng sớm nay 10/6 để bay tới Singapore chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Yonhap cho biết.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, một máy bay của Air China được nhìn thấy cất cánh từ sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc 4h18 sáng nay 10/6 và hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) lúc 7h20 cùng ngày.
Điều này làm dấy lên đồn đoán, đây có thể là chiếc máy bay đón ông Kim Jong-un tới Singapore. Các nguồn tin trước đó cho biết, ông Kim Jong-un sẽ đáp máy bay tới Singapore vào cuối giờ chiều hôm nay.
Máy bay xuất hiện ở sân bay Bình Nhưỡng là một chiếc Boeing 747-4J6, do Air China vận hành và chuyên để phục vụ các quan chức cấp cao của Trung Quốc, trong đó có cả Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tổng thống Trump cũng đã rời hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada và đang trên đường tới Singapore. Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên dự kiến sẽ có các cuộc gặp riêng với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trước khi tiến hành hội nghị thượng đỉnh vào ngày 12/6 tại đảo Sentosa.
Minh Phương
Theo Dantri
Tổng thống Hàn Quốc nỗ lực vượt qua "vết xe đổ" trong quan hệ liên Triều
Liệu Tổng thống Moon Jae-in có thể vượt qua "vết xe đổ" của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm và xây dựng mối quan hệ hòa hoãn với Triều Tiên? Chính quyền đương thời của Hàn Quốc đang nỗ lực đi tìm lời giải cho câu hỏi này.tên lửa
Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trò chuyện tại khu phi quân sự liên Triều (Ảnh: New York Times)
Video đang HOT
Lần gần đây nhất khi đảng chính trị theo đường lối tự do lên nắm quyền tại Hàn Quốc, ông Moon Jae-in đã chứng kiến cấp trên của ông, khi đó là cố Tổng thống Roh Moo-hyun, đi qua Khu phi quân sự liên Triều để sang lãnh thổ Triều Tiên vào năm 2007. Cố Tổng thống Roh đã dự hội nghị thượng đỉnh với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un, và ra một tuyên bố hòa bình chung cùng những lời hứa hẹn viện trợ "hậu hĩnh" giữa hai nước.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, cũng chính ông Moon Jae-in đã chứng kiến các thỏa thuận này bị hủy bỏ bởi tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc - người mong muốn xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush. Khi đó, ông Bush đã liệt Triều Tiên vào nhóm "trục ma quỷ" cùng một loạt các nước mà Washington cho là mối đe dọa nguy hiểm tới an ninh thế giới.
10 năm sau đó, khi bước chân vào Nhà Xanh và trở thành nhà lãnh đạo Hàn Quốc, ông Moon Jae-in không muốn lặp lại những thất bại của các chính quyền tiền nhiệm. Ông chấp nhận "đặt cược" sự nghiệp chính trị của mình khi sẵn sàng đóng vai trò là bên trung gian, kết nối hai nhà lãnh đạo khó đoán, trong đó một bên là Mỹ - quốc gia đồng minh và là nhà bảo trợ lâu năm của Hàn Quốc và bên còn lại là Triều Tiên - nước láng giềng luôn ở trong tình trạng đối đầu căng thẳng.
Bài học từ quá khứ
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 2 diễn ra từ ngày 2-4/10/2007 giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tại thủ đô Bình Nhưỡng. (Ảnh: Reuters)
Giữ cương vị Chánh Văn phòng dưới thời chính quyền cố Tổng thống Roh Moo-hyun từ năm 2003-2008, ông Moon Jae-in không trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán với Triều Tiên và cũng không đi cùng phái đoàn của ông Roh tới Bình Nhưỡng để dự hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 10/2007. Tuy nhiên, ông Moon đã giúp cố Tổng thống Roh tổ chức hội nghị này.
Theo cây bút Choe Sang-hun của New York Times, ông Moon Jae-in chắc chắn sẽ rút ra được những bài học từ các hội nghị thượng đỉnh trước đó để tìm ra giải pháp cho sáng kiến hòa bình, vốn không hề dễ dàng, trên bán đảo Triều Tiên.
Bài học đầu tiên đó là, việc đưa ra những khoản viện trợ hào phóng để làm chất xúc tác cho tiến trình cải thiện quan hệ liên Triều dường như không phải là phương án khả thi nếu Mỹ vẫn không "xuống thang" với Bình Nhưỡng trong vấn đề vũ khí hạt nhân.
Bài học thứ hai là, bất kỳ thỏa thuận nào với Triều Tiên phải được đưa ra và thực hiện trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ lãnh đạo của cả Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ. Điều này để đảm bảo rằng các thỏa thuận, nếu có đạt được với Bình Nhưỡng, sẽ không bị "chết yểu" trong quá trình chuyển giao quyền lực giữa các chính quyền mới và cũ tại Mỹ và Hàn Quốc. Kịch bản này từng xảy ra đối với thỏa thuận năm 2007 và các thỏa thuận trước đó.
"Nếu chúng ta nhìn lại, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tốc độ", Tổng thống Moon Jae-in nói với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp hôm 27/4 tại khu phi quân sự liên Triều - nơi chia tách biên giới hai nước.
Tại cuộc gặp này, Tổng thống Moon đã hối thúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhanh chóng đạt được thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau.
"Chúng ta phải rút ra những bài học từ quá khứ", ông Moon nói với ông Kim.
Vai trò kết nối
Tổng thống Moon Jae-in bắt tay người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Hàn Quốc hồi tháng 11/2017 (Ảnh: New York Times)
Tổng thống Moon Jae-in, 65 tuổi, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước khi hai nhà lãnh đạo đồng ý gặp nhau tại làng đình chiến Panmunjom ở khu phi quân sự liên Triều - nơi hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa diễn ra. Cuộc gặp Trump - Kim được xem là thắng lợi lớn cho Tổng thống Moon - người từng chứng kiến những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử giữa hai đất nước trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Moon Jae-in từng là lính nghĩa vụ của đơn vị nhảy dù tinh nhuệ Hàn Quốc vào năm 1976 - thời điểm các binh sĩ Triều Tiên sát hại hai lính Lục quân Mỹ vì cố tình tỉa cây bạch dương che tầm nhìn tại Panmunjom. Vụ việc này đã thổi bùng lên căng thẳng giữa Mỹ - Triều và đơn vị của ông Moon sau đó đã được điều tới Panmunjom để chặt cây bạch dương này trong chiến dịch mang tên "Paul Bunyan".
Cho tới tận tuần trước, chuyến đi duy nhất của ông Moon Jae-in tới Triều Tiên là vào năm 2004 khi ông đưa mẹ tới tham gia sự kiện đoàn tụ và gặp lại người em gái lần đầu tiên sau chiến tranh Triều Tiên. Đây là sự kiện do chính phủ tổ chức nhằm giúp đỡ gia đình bị ly tán trong chiến tranh có cơ hội gặp lại người thân. Bản thân ông Moon cũng được sinh ra tại một trại tị nạn trong giai đoạn chiến tranh, sau khi cha mẹ ông rời quê hương Triều Tiên và lên một tàu chở hàng của Hải quân Mỹ.
Tổng thống Moon Jae-in lựa chọn cách tiếp cận với Mỹ khác so với chính quyền Roh Moo-hyun. Ông Moon cho rằng chính quyền Roh Moo-hyun thất bại trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình với Triều Tiên một phần vì không thuyết phục được cựu Tổng thống Bush ủng hộ tiến trình này. Là nhà lãnh đạo cứng rắn và thẳng thắn, ông Roh từng tuyên bố không muốn "quỵ lụy người Mỹ".
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2017, ông Moon cho thấy cách tiếp cận tỉ mỉ và gần gũi hơn với Mỹ. Ông đã tham vấn Nhà Trắng trong các vấn đề ngoại giao liên quan tới Triều Tiên và công khai ca ngợi Tổng thống Trump là người tạo ra những bước đột phá như hiện tại. Ông Moon khẳng định Tổng thống Trump xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình.
Rút kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ, Tổng thống Moon dường như đã nhận thấy sự cần thiết của việc đưa Mỹ vào tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông Moon nhận ra rằng, các cố Tổng thống Roh Moo-hyun và Kim Dae-jung đều thất bại khi không thể thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí gây tranh cãi dù Seoul đưa ra những khoản viện trợ hào phóng.
Trong cuộc gặp với tại Panmunjom, ưu tiên lớn nhất của Tổng thống Moon là thuyết phục nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên rằng ông Kim Jong-un có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn bằng cách đạt được thỏa thuận với Mỹ nhằm tái thiết nền kinh tế, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Hàn Quốc muốn sớm có kết quả cụ thể
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về các nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn - Triều (Ảnh: Reuters)
Mặc dù hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều được nhìn thấy vui vẻ nắm tay nhau khi bước qua đường ranh giới tại cuộc gặp lịch sử, song cả Tổng thống Moon lẫn các trợ lý của ông đều nhận thấy rằng họ đang gánh trên vai một sứ mệnh khó khăn, và phải hối thúc ông Kim Jong-un nhanh chóng ký kết cũng như thực thi một thỏa thuận với Mỹ trong lúc ông Trump vẫn còn tại nhiệm.
"Tôi mới đang ở năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Tôi hy vọng chúng ta có thể duy trì tốc độ này trong suốt nhiệm kỳ của tôi", Tổng thống Moon nói với ông Kim Jong-un.
Sự vội vã của nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong việc đạt được một thỏa thuận sớm với Triều Tiên bắt nguồn từ những bài học trong quá khứ.
Vào năm 1994, Triều Tiên và Mỹ từng đạt được thỏa thuận đầu tiên về việc dỡ bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Washington khi đó đã đưa ra đề xuất viện trợ năng lượng và hứa sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao cũng như kinh tế với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, thỏa thuận này sau đó đổ vỡ do sự chậm chạp của Mỹ vì Washington lúc đó nghĩ rằng chính quyền Triều Tiên sẽ không thể tồn tại lâu sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong khi đó, Triều Tiên bí mật lên kế hoạch làm giàu uranium để nuôi tham vọng một ngày nào đó sẽ tự sản xuất một quả bom nguyên tử.
Tới năm 2000, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã có chuyến đi đến Bình Nhưỡng và gặp ông Kim Jong-il, mở ra thời kỳ hòa dịu trong quan hệ liên Triều. Sau đó, các hoạt động đầu tư và thương mại giữa hai nước nở rộ và các gia đình ly tán trong chiến tranh cũng được đoàn tụ.
Ông Kim Jong-il quyết định cử trợ lý thân tín là Phó Nguyên soái Jo Myong-rok tới Nhà Trắng để mời cựu Tổng thống Bill Clinton tới thăm Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Clinton đã không thực sự nỗ lực để tạo ra bước đột phá về ngoại giao trong những ngày tháng cuối nhiệm kỳ. Nhà lãnh đạo Mỹ khi đó không tới Triều Tiên như lời mời mà chỉ cử Ngoại trưởng Madeleine Albright đi thay.
Sau khi cựu Tổng thống Bush lên nắm quyền vào năm 2001, quan hệ Mỹ - Triều ngày càng xấu đi. Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
"Sau khi rời Nhà Trắng, ông Clinton tới thăm Seoul và nói với Tổng thống Kim Dae-jung về sự nuối tiếc của ông. Ông Clinton nói rằng nếu có thêm một chút thời gian tại nhiệm, ông có thể đã thay đổi tình hình trên bán đảo Triều Tiên", Lim Dong-won, cựu trợ lý của Tổng thống Kim Dae-jung, nói.
Sau ông Kim Dae-jung, cố Tổng thống Roh Moo-hyun vẫn nỗ lực giữ bầu không khí hòa dịu với Triều Tiên cho tới khi đạt được thỏa thuận năm 2007, trong đó hai nước giảm căng thẳng quân sự và tăng hợp tác kinh tế. Tuy vậy, thỏa thuận này được ký 4 tháng trước khi ông Roh hết nhiệm kỳ và nhanh chóng bị đổ vỡ dưới thời tổng thống kế nhiệm, ông Lee Myong-bak.
Hiện tại, "nước cờ" của Tổng thống Moon Jae-in dường như đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân Hàn Quốc. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Moon tăng vọt, trong đó 9/10 người Hàn Quốc đánh giá hội nghị thượng đỉnh vừa qua với Triều Tiên là một bước đi thành công.
Thành Đạt
Theo Dantri
Chiêm ngưỡng dàn xe sang hộ tống hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều Bên lề hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4, dàn xe hộ tống Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng gây sự chú ý đặc biệt. Theo Korea Heral, đoàn xe hộ tống Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gồm 13 xe ô tô và chỉ có duy nhất ô tô dành cho cảnh sát là do hãng...