Ông Khuất Việt Hùng: Đi xe đạp, đỡ tắc đường
Theo ông Khuất Việt Hùng, trong điều kiện mật độ giao thông cao tại các TP lớn, đi xe đạp cũng có thể là một lựa chọn để đỡ tắc đường hơn.
Đi xe đạp để đỡ tắc đường
Sáng 28/9, tại hội thảo “Khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia (UB ATGT QG) cho biết, hiện nay rất nhiều người dân đang đi xe đap, từ nông thôn đến thành thị.
“Lợi ích của xe đạp thì hầu như ai cũng biết. Thứ nhất là có lợi sức khỏe. Thứ hai là không phát thải gây ô nhiễm môi trường. Thứ ba là tiết kiệm chi phí, chiếm diện tích ít. Nhất là trong điều kiện mật độ giao thông cao tại các thành phố lớn thì đi xe đạp cũng có thể là một lựa chọn để đỡ tắc đường hơn.
Tuy nhiên xe đạp cũng có nhược điểm là đi chậm, đạp nhiều thì mỏi, đặc biệt phải sử dụng năng lượng của bản thân. Ngoài ra khi đi xe đạp, người sử dụng còn phải chịu ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết như nắng, mưa, bụi bặm…”, ông Hùng khẳng định.
Ông Khuất Việt Hùng tại hội thảo sáng 28/9. Ảnh: Báo giao thông
Theo ông Hùng, từ khi còn công tác tại trường Đại học giao thông Vận tải ông đã sử dụng xe đạp để đi làm. Hiện nay dù bận rộn hơn với các công việc tại UB ATGT QG nhưng phương tiện này vẫn là lựa chọn số 1 của ông.
“Trước đây con tôi còn nhỏ nên việc sử dụng xe đạp đi làm cũng hạn chế hơn. Khi đó thông thường tôi chỉ đạp xe tập thể dục vào buổi sáng rồi về dùng xe máy, có hôm đi taxi đưa con đi học. Thời gian gần đây, con tôi nói rằng cháu đã lớn và có thể tự đi xe đạp để đến trường, bố không phải đón nữa. Bây giờ tôi đi xe đạp đến cơ quan nhiều hơn. Quãng đường chỉ khoảng 2 km. Khi đi công tác xa thì sử dụng xe cơ quan để đi.
Một phần vì thấy đi được, một phần tôi thấy đi xe đạp thì tiết kiệm cho xã hội, không gây ô nhiễm môi trường, thoải mái về tinh thần, tâm lý nên vẫn đều đặn hàng ngày. Đương nhiên đôi khi hơi bụi một tí nhưng mình có thể khắc phục bằng cách đeo khẩu trang”, ông Hùng chia sẻ.
Video đang HOT
Khuyến khích đi xe đạp cự ly phù hợp
Ông Hùng cho biết, ở cơ quan do điều kiện của mỗi người khác nhau, có người phải sử dụng xe máy để đưa đón con đi học, có người nhà cách cơ quan 15-20 km nên chưa có nhiều người dùng phương tiện xe đạp để đi làm.
“Có anh chánh văn phòng, thỉnh thoảng đạp xe đi cùng với tôi. Rồi văn phòng ủy ban tôi cũng thành lập một câu lạc bộ, vào buổi sáng chủ nhật tất cả cùng đạp xe xung quanh bờ Hồ rồi sau đó có thể ăn sáng, uống cà phê cùng nhau”, ông Hùng chia sẻ.
Phó Chủ tịch chuyên trách UB ATGTQG cho rằng, hiện nay người Việt quá phụ thuộc vào xe máy, có khi quãng đường ngắn chừng 200m cũng đi xe máy. Điều này vừa không tốt cho sức khỏe mà có thể gây ra TNGT và ô nhiễm môi trường. Vì thế ông Hùng cho rằng ở những cự ly ngắn, phù hợp, hoàn toàn có thể sử dụng xe đạp làm phương tiện cá nhân.
“Yêu cầu tất cả mọi người chuyển từ xe máy sang xe đạp thì cũng vô lý. Chúng ta không nên cực đoan hóa, tuyệt đối hóa cái gì cả. Ở đây chúng ta nên xác định sử dụng xe đạp cho những chuyến đi phù hợp ở cự li ngắn từ 4-5 km. Ngoài ra ở những nơi giao thông mật độ cao, tốc độ khoảng 30 km trở lại thì xe đạp đi cùng các phương tiện khác không nguy hiểm, an toàn và thậm chí nhanh hơn. Một tuần bạn di chuyển khoảng 20 chuyến nhưng chỉ cần 4-5 chuyến đi xe đạp. Như thế cũng rất tốt rồi”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới, chính phủ cũng đang khuyến khích người dân sử dụng xe đạp để thân thiện với môi trường. Một đất nước ngay gần Việt Nam là Trung Quốc cũng có 1 giai đoạn cấm xe đạp. Tuy nhiên, sau khi thấy rằng việc này không phù hợp thì người ta bắt đầu khuyến khích sử dụng trở lại.
“Xe đạp là một phương tiện để chúng ta lựa chọn. Tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh mà có chuyến chúng ta đi xe đạp, có chuyến cần thiết đi ô tô, đi xe bus hay xe máy… Khi chúng ta có một chiến lược về tổ chức giao thông để hỗ trợ thêm cho giao thông xe đạp thì sẽ có nhiều người sử dụng phương tiện này hơn”, ông Hùng nêu quan điểm.
Theo Đất Việt
Hạn chế sử dụng xe cơ giới cá nhân ở Hà Nội: Giờ mới làm là hơi muộn!
"Dự thảo đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội" dù có thể là hơi chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, nhưng rất cần thiết. Tôi mong rằng Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp thu, cân nhắc kỹ lưỡng để có được sự đồng thuận của nhân dân".
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - trao đổi với PV Dân trí về dự thảo Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội" đang có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
- Dự thảo Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội có nội dung nổi bật là đề xuất hạn chế ô tô con theo giờ và "cấm" xe máy. Từ góc độ đại diện cơ quan tham mưu cho Chính phủ về an toàn giao thông, ông nhìn nhận như thế nào về chủ trương này của Hà Nội?
Giải pháp giảm sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhiều năm nay Hà Nội đã triển khai, đó là cách Hà Nội tiếp cận chứ không phải chỉ là cấm.
Lộ trình dự kiến là từ năm 2020 sẽ bắt đầu thực hiện nhằm siết chặt quản lý phương tiện cơ giới cá nhân ở tuyến phố nào, khu vực nào, trong khung giờ nào, phân luồng ra sao, bãi đậu xe ở đâu, tổ chức kết nối giữa bãi đậu xe và dịch vụ vận tải công cộng thế nào, rồi tần suất và chất lượng dịch vụ vận tải công cộng... Những nội dung này cần phải có kịch bản chi tiết và phải lập các dự án cụ thể.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
- Trước đó, Hà Nội tính "cấm" hẳn xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội, trong khi đó người dân ngoại tỉnh đang làm việc và sinh sống ở Hà Nội rất lớn đã khiến nhiều hiều người cho rằng đó là phân biệt đối xử. Ông nghĩ gì về điều này?
Tôi không thích dùng từ cấm phương tiện cá nhân, bởi điều đó tác động không tích cực đến nhiều người. Về ý tưởng cấm phương tiện cơ giới cá nhân có biển số ngoại tỉnh trước rồi tiến tới cấm xe có biển số Hà Nội, tôi cho rằng điều này không phù hợp về mặt xã hội.
Tôi cho rằng đây chỉ là ý tưởng của tư vấn và tôi nghĩ rằng Sở GTVT Hà Nội sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trình để có được sự đồng thuận của nhân dân. Tôi tin UBND thành phố Hà Nội sẽ không ưu tiên thực hiện theo ý tưởng này.
- Nhiều ý kiến cho rằng cốt lõi vấn đề ùn tắc là do quy hoạch. Nếu như quy hoạch đô thị tốt, trường học, bệnh viện được di dời và những tòa cao ốc với hàng nghìn căn hộ không tiếp tục mọc lên giữa trung tâm thành phố thì Hà Nội không chật chội và ùn tắc như bây giờ. Hà Nội chỉ tính chuyện cấm xe mà không xét tới quy hoạch là chưa thỏa đáng, thưa ông?
Đề án chưa đề cập đến việc điều chỉnh sử dụng đất. Nhưng chúng ta không nên hiểu điều chỉnh sử dụng đất chỉ là di dời bệnh viện và trường học ra ngoài trung tâm thành phố, ở đây còn có câu chuyện về việc phân tích, tính toán nhằm giúp người dân đang sinh sống và kinh doanh trong khu vực dự kiến sẽ thực hiện quản lý giao thông đô thị có phương án chuyển đổi loại hình hoạt động.
Nếu Đề án được duyệt, Hà Nội sẽ bắt đầu cấm xe máy từ năm 2020
Đề án cũng cần bổ sung các giải pháp quản lý giao thông của phương thức vận tải hàng hoá phục vụ xây dựng và nhu cầu ăn ở của người dân. Hình thành các trung tâm logistics và chuỗi phân phối trong đô thị là cực kỳ cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của vận tải hàng hóa dễ gây ùn tắc giao thông.
- Theo ông, Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội có khả thi không?
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và gia tăng dân số nhanh chóng dẫn đến sự bùng nổ về nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá tại Hà Nội, hầu hết nhu cầu đi lại của người dân đều sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là mô tô, xe máy, trong khi năng lực kết cấu hạ tầng có tăng nhưng không đáp ứng được thì ùn tắc giao thông là tất yếu và ngày càng phức tạp.
Dự thảo đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội" dù có thể là hơi chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 148/TTg-KTN ngày 27/1/2014, nhưng rất cần thiết. Tôi đánh giá cao là việc Sở Giao thông vận tải Hà Nội lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà chuyên môn và người dân từ sớm.
Theo tôi, Đề án nên bổ sung cả giải pháp truyền thông trong Đề án này. Bởi nếu người dân được thông tin đầy đủ là những chuyến đi đang sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân như hiện nay sẽ được chuyển sang sử dụng phương tiện khác thông suốt hơn, tiện lợi và giảm được ùn tắc giao thông hơn thì người dân sẽ hiểu và tin rằng quản lý giao thông không phải là làm cho họ không đi được mà là giúp họ đi lại thông minh hơn.
Tôi tin rằng với tinh thần cởi mở, lắng nghe một cách cầu thị, lần lấy ý kiến này sẽ giúp Sở Giao thông vận tải hoàn thiện Đề án sát với thực tiễn hơn, đặc biệt là sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn của người dân trước khi trình UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt và thực hiện.
- Xin cảm ơn ông!
Châu Như Quỳnh ( thực hiện)
Theo Dantri
TS. Lương Hoài Nam: Cần 3 tỷ USD cho đề xuất hạn chế và cấm xe máy thành công "Theo tính toán sơ bộ của tôi, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi nơi cần có khoảng 30.000 xe buýt để thay thế hết được xe máy, với tiền đầu tư chỉ khoảng 3 tỷ USD, gồm xe buýt lớn (80-130 khách) chạy trên các phố lớn và xe buýt mini (dưới 30 khách) chạy gom khách từ các phố nhỏ...