Ông Huỳnh Văn Nén còn bản án oan sai khác
Được cơ quan tố tụng Bình Thuận xin lỗi trong 2 vụ án oan và sắp đến sẽ bồi thường nhưng hiện tại ông Huỳnh Văn Nén đang tiếp tục kêu oan về một bản án khác. Đó là bản án 2 năm tù tội “cố ý hủy hoại tài sản của công dân”…
Cái cớ bắt giam 17 năm trước
Chính ông Cao Văn Hùng (điều tra viên chính vụ “kỳ án vườn điều” và “vụ án bà Bông”) mới đây có thừa nhận rằng, sau khi xảy ra vụ án bà Bông bị sát hại, công an Bình Thuận lúc đó đã họp, quyết định bắt giữ ông Huỳnh Văn Nén về tội “cố ý hủy hoại tài sản của công dân”, nhưng để điều tra về tội “giết người” và “cướp tài sản”.
Ông Huỳnh Văn Nén đang tiếp tục kêu oan cho 1 bản án khác
Có thể lúc đó, cơ quan công an chưa có bằng chứng về hành vi phạm tội của ông Nén trong vụ án “bà Bông”, nên lấy cớ về hành vi “hủy hoại tài sản” để bắt ông nhằm điều tra…
Đáng nói hành vi “hủy hoại tài sản…” của ông Nén xảy ra gần 1 năm trước đó, thể hiện qua 2 vụ việc.
Vụ thứ nhất khoảng tháng 6/1997, ông Nén thực hiện hành vi đốt căn chòi lá của ông Trần Bổ. Theo đó khi nhậu với nhau, giữa ông Nén và ông Bổ có mâu thuẫn cự cãi, vì ông Bổ cho rằng, ông Nén uống rượu…hồ đồ nên ông này bỏ về nhà.
Nửa đêm, ông Nén đến căn chòi lá, nơi ông Bổ đang ngủ, dùng bật lửa châm vào vách lá gây cháy rồi bỏ về nhà một người bạn gần đó ngủ. Căn chòi bùng cháy, ông Bổ thoát ra ngoài, hô hoán cùng nhiều người ứng cứu nhưng chòi lá bị cháy hoàn toàn.
Công an xác định vụ đốt căn chòi lá này, ông Nén gây thiệt hại cho ông Bổ 1 triệu đồng.
Vụ thứ hai xảy ra khoảng tháng 10/1997, khi ông Nén đốt nhà ông Trịnh Văn Thảo ở địa phương. Lúc này ông Thảo và ông Nguyễn Văn Bình có nhậu chung rồi xảy ra mâu thuẫn. Ông Thảo có dùng tay đánh ông Bình.
Sau đó ông Nén được ông Bình kể lại sự việc, liền cầm dao tìm ông Thảo…đánh bênh vực bạn nhưng không gặp. Ông Nén đã mua 1 bó nhang, cầm đến nhà ông Thảo, buộc vào vách nhà, bật lửa đốt nhang gây cháy nhà.
Phút thảnh thơi của ông Nén
Video đang HOT
Cáo trạng truy tố vụ việc này, ông Nén gây thiệt hại cho ông Thảo 500 ngàn đồng.
Vì sao ông Nén kêu oan bản án 2 năm tù?
Đáng nói sau khi xảy ra 2 vụ việc kể trên, các ông Trần Bỏ và Trịnh Văn Thảo không có đơn tố cáo gì đối với ông Nén. Gần 1 năm sau, sau khi xảy ra vụ án “bà Bông”, công an Bình Thuận lật lại 2 vụ việc này, lấy cớ bắt ông Nén để điều tra về hành vi “giết người”, “cướp tài sản”.
Đến nay khi ông Nén được giải oan trong 2 vụ án “kỳ án vườn điều” và “vụ án bà Bông” đại tá Phạm Thật – phó giám đốc công an Bình Thuận vẫn giữ quan điểm: ông Nén chỉ bị oan sai 15 năm 6 tháng 11 ngày tù. Về bản án 2 năm tù tội”cố ý hủy hoại tài sản của công dân” là hoàn toàn không oan sai.
Phiên tòa diễn ra cuối tháng 8/2000, cơ quan tố tụng “gộp” vụ “hủy hoại” và “vụ án bà Bông” trong cùng phiên xử, tuyên phạt ông Nén bản án tổng hợp là chung thân, trong đó có 2 năm tù về tội “hủy hoại”.
Thế nhưng vì sao bản án 2 năm tù tội “hủy hoại tài sản” lại có dấu hiệu oan sai?
Xác nhận với VietNamNet, ông Trần Bổ và ông Trịnh Văn Thảo đều cho biết, sau khi ông Nén thực hiện các hành vi trên và cho đến nay, các ông hoàn toàn không có đơn tố cáo hay yêu cầu bồi thường gì.
Ông Trịnh Văn Thảo và đơn xác nhận về việc, ông Huỳnh Văn Nén đốt căn nhà lá của ông xảy ra tháng 10/1997
Ông Trần Bổ kể, năm 1998, công an có tìm đến tận nhà ghi lời khai về việc ông Nén đốt căn chòi lá. Ông Bổ cho biết căn chòi lá có giá trị khoảng 200 – 300 ngàn đồng. Lúc đó hoàn toàn không có Hội đồng giám định tài sản thiệt và đến nay ông Bổ không hiểu vì sao trong hồ sơ kết tội ông Nén, căn chòi lá của ông có giá trị 1 triệu đồng?
Ông Bổ cũng khẳng định trước tòa, đây căn chòi rách, ngay sau khi xảy ra vụ việc, ông và ông Nén có thỏa thuận với nhau rồi, khi nào ông đốn lá về dựng lại chòi thì ông Nén qua giúp một tay lợp lại, coi như anh em xong việc, không vướng mắc gì nhau.
Ông Bổ không yêu cầu bồi thường gì nhưng không hiểu vì sao, trong bản án lại đề cập: “Ông Trần Bổ yêu cầu ông Nén phải bồi thường thiệt hại”?
Tương tự ông Thảo cũng nói rằng, khi ông Nén đốt chòi của ông, thực chất là chỉ cháy bén vào vách nhà, chứ hoàn toàn không gây cháy nhà. Đến giờ ông không thể hiểu được vì sao công an xác định đó là “cháy nhà” và không qua giám định nhưng ra kết luận thiệt hại của ông là 500 ngàn đồng?
Các luật sư đồng hành cùng ông Nén cho biết, bản án 2 năm tù của ông Nén tội “cố ý hủy hoại tài sản của công dân”, có dấu hiệu oan sai.
Theo Đàm Đệ
Vietnamnet
Ai dám chắc những can phạm chết trong trại giam không bị oan, sai?
Ai dám chắc những can phạm tự sát, chết trong trại giam không bị oan, sai? Cần làm rõ trách nhiệm của trại giam khi để xảy ra những trường hợp chết như vậy vì biết đâu trong đó có oan, sai và đó là hình thức để che đậy sai phạm - Đại biểu Nguyễn Thị Khá băn khoăn.
Sáng 5/6, Quốc hội thảo luận về báo cáo kết quả giám sát tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự.
Nhà chùa còn để oan Thị Kính, vua Lê xử oan Nguyễn Trãi nữa là...
Không bất ngờ khi quá nửa ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận đến từ các đại biểu trong ngành công an hoặc đã từng công tác trong ngành.
Tán thành những phân tích của đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội về việc một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng oan, sai là do giai đoạn điều tra có nhiều thiếu sót, sai phạm, trong đó có vấn đề báo động là hiện tượng bức cung, nhục hình, một số đại biểu đã góp thêm những chứng cứ cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) nhận xét, dù bức cung nhục hình chỉ là số ít nhưng dù thế cũng phải chấm dứt ngay vì nó ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, quyền con người và niềm tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bà Liên dẫn chứng vụ 7 thanh niên bị bắt giam oan, bị nhục hình trong vụ án giết người, cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) bình luận, con số thống kê trong số 71 vụ oan, sai chỉ có 15 vụ thuộc trách nhiệm của CQĐT nhưng số vụ can phạm tự sát, chết trong trại do đau bệnh, do đánh nhau... vẫn có tới 78 vụ.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh).
"Ai chắc được là những trường hợp chết này không có những người bị oan, sai? Cần làm rõ trách nhiệm của trại giam khi để xảy ra những trường hợp chết như vậy vì biết đâu trong đó có oan, sai và đó là hình thức để che đậy sai phạm" - bà Khá nói.
Đáp lại những ý kiến này, các đại biểu công tác trong ngành công an cho rằng, nói oan, sai do bức cung, nhục hình trong quá trình tạm giam, tạm giữ, điều tra là chưa thuyết phục. Còn việc CQĐT áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ hình sự nhiều nhưng sau đó lại chuyển sang xử lý hành chính không thể xem là sai phạm mà đó là biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đấu tranh với tội phạm, chặn khả năng người phạm tội bỏ trốn...
Đại biểu Thích Thanh Quyết chia sẻ với các cơ quan tố tụng: "Oan, sai là khó tránh, trong xã hội, nhà nước nào cũng có. Sáng suốt như vua Lê mà còn xử oan cho công thần Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi Viên, nhà chùa có Phật bà nghìn mắt nghìn tay mà vẫn để Thị Kính oan đến lúc chết nữa là...". Số vụ oan sai trong 3 năm chỉ là 71 vụ (tương đương 0,02%), theo đó, đại biểu đánh giá là không nghiêm trọng.
Kiên quyết loại bỏ điều tra viên dùng nhục hình
Ngược lại, luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TPHCM) lại quả quyết, án oan, sai là nghiêm trọng. Ông Nghĩa phân tích ở khía cạnh, hệ thống cơ quan tố tụng không thể tự phát hiện, giống như lỗi của hệ thống phòng cháy mà không thể báo cháy nhưng khi hoả hoạn xảy ra, CQĐT không cháy mà người vô tội bị thiêu.
Hệ thống kiểm tra chéo giữa cơ quan điều tra - VKS - toà án có hiệu lực không cao, có tình trạng xuê xoa cho nhau, thoả thuận kiểu "người không phạm đến ta, ta không phạm đến người", có những án vẫn tổ chức họp án thống nhất trước giữa các cơ quan, việc định tội một con người vẫn theo kiểu "trọng cung hơn trọng chứng".
Ông Nghĩa dẫn chứng vụ Hồ Duy Hải, hiện trường phạm tội trong đêm, đến sáng vẫn còn nguyên nhưng việc khám nghiệm hời hợt, lấy dấu vân tay sai lệch, mẫu máu, mẫu tóc cũng thu thập, giám định cẩu thả dẫn đến làm oan một con người.
Đại tướng Trần Đại Quang khẳng định, nhờ các biện pháp áp dụng, số vụ án oan, sai đều giảm hàng năm.
Nêu ý kiến giải trình thêm trước Quốc hội, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Công an khẳng định Bộ đã quán triệt đến tất cả các đơn vị các biện pháp chống oan, sai với phương châm nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình.
Tướng Quang khẳng định, nhờ các biện pháp áp dụng, số vụ án oan, sai đều giảm hàng năm. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công an cũng xác nhận, điều tra hình sự vẫn còn sai sót, thậm chí vẫn còn bức cung nhục hình làm ảnh hưởng đến uy tín các cơ quan tốt tụng, gây bức xúc trong xã hội.
Với những cán bộ điều tra dùng nhục hình, quan điểm của Bộ Công an là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, từ tháng 1/2011 đến nay, đã có 20 cán bộ chiến sĩ công an bị khởi tố xử lý về việc xâm phạm các hoạt động tư pháp.
Trở lại với ví dụ đại biểu đã nêu về vụ bắt giam oan 7 thanh niên ở Sóc Trăng năm 2013, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết, từ Phó GĐ công an tỉnh kiêm Thủ tưởng cơ quan điều tra, Phó trưởng CA thị xã Vĩnh Châu... đến cán bộ điều tra đều bị xử lý từ miễn nhiệm bãi nhiệm cách chức đến buộc chuyển khỏi cơ quan điều tra.
"Chúng tôi nhận thức, biện pháp ngăn chặn cơ bản hàng đầu là đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, chấp hành đẩy đủ quy định nghiệp vụ bên cạnh công tác thanh tra kiểm tra, chủ động phát hiện sớm sai phạm để chặn từ đầu những dấu hiệu làm oan, sai. Chúng tôi cũng yêu cầu các Thủ trưởng CQĐT các cấp chấn chỉnh nghiêm những trường hợp cán bộ điều tra vu phạm, kiên quyết điều chuyển người sai phạm trong điều tra khỏi ngành, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình" - Bộ trưởng Công an trình bày trước Quốc hội.
P.Thảo
Theo dantri
"Được" 52 ngày tù vì đưa người bị tai nạn giao thông vào bệnh viện Một đời người có thể đã mất nếu em vì "tù oan" mà bỏ lở kỳ thi tốt nghiệp, vì đâu mà Tòa án nhất quyết nói không với đề nghị của công an tỉnh về việc cho Thiện được tạm hoãn thi hành án để tham gia kỳ thi quan trọng nhất trong suốt 12 năm học tập của em? Sự việc...