Ông Huỳnh Văn Nén có phải trở lại trại giam?
“Khi nghe công an bảo vào đón em tôi, tôi cứ quýnh lên, bật khóc lúc thấy em tôi bước ra”, khóe mắt bà Huỳnh Kim Ngân – chị ruột ông Huỳnh Văn Nén – ngân ngấn nước.
Ông Huỳnh Văn Nén chia sẻ với bà Nguyễn Thị Tiến – em vợ ông, cũng là một người bị án oan trong “ vụ án vườn điều”. Ảnh: Nguyễn Đình Quân
Nước mắt mừng tủi
Bà Ngân kể, chiều 21.10, đại tá Cao Đăng Nguyên- Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận – điện thoại cho vợ chồng bà Ngân, bảo làm đơn xin bảo lãnh cho ông Huỳnh Văn Nén tại ngoại để chữa bệnh. Đêm hôm đó vợ chồng bà thao thức không ngủ được, vừa hy vọng vừa lo lắng.
Chiều 22.10, vợ chồng bà Ngân cùng ông Nguyễn Thận – nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh (nay xã Tân Minh tách thành thị trấn Tân Minh, xã Tân Phúc và xã Tân Đức, huyện Hàm Tân) đến Trại tạm giam, Công an tỉnh Bình Thuận để đón ông Nén.
Căn nhà vợ con ông Nén đang ở tại khu phố 2, thị trấn Tân Minh tuềnh toàng chỉ có tường gạch thô, mái tôn dột. Nhưng theo ông Nén, sau 17 năm 5 tháng 5 ngày ở trong 4 bức tường phòng giam, nay được hưởng cảm giác tự do trong căn nhà của mình là diễm phúc lớn. Khoảng hai tuần trước, ông được cán bộ Trại tạm giam bảo làm đơn xin tại ngoại.
Sáng 22.10, một lần nữa ông được bảo làm đơn xin tại ngoại. Đến khoảng 16h20 cùng ngày, ông vừa ăn cơm xong thì có cán bộ nói thu xếp đồ đạc. Lúc đầu, ông cứ nghĩ là lại sắp chuyển đi chỗ khác. Khi nghe nói được về, ông bàng hoàng phát run, ra đến cổng trại ông xin “anh trật tự” hai điếu thuốc, hút hết hai điếu mà vẫn chưa hết run. “Ở trong trại lâu quá rồi, ra cuộc đời gặp được chị gái và anh rể, gặp được thầy Thận tôi quá vui, càng run nữa”.
Video đang HOT
Bố ông Huỳnh Văn Nén (ngồi giữa) luôn tin con mình vô tội, bìa phải là ông Nén.
Ông Nén đang kể về giây phút được ra khỏi trại giam thì chị Nguyễn Thị Tiến, em vợ ông từ Bình Dương về, ào chạy vào ôm lấy ông. Trong “vụ án vườn điều” oan sai mà ông Nén và 9 người nữa ở đại gia đình bên vợ ông là bị can, bị cáo, chị Tiến bị giam 5 năm.
“Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau này, anh ơi. Em ở tù 5 năm đã quá đau, quá tủi, quá ê chề, mà anh ở tận hơn 17 năm” – chị Tiến vừa nói vừa khóc.
Ông Nén tin mình không phải trở lại trại giam
Ông Nén cho phóng viên xem chân có vết sẹo dài.
Từ năm 2000, cụ Huỳnh Văn Truyện – bố đẻ ông Huỳnh Văn Nén đã kiên trì, quyết liệt đi nhiều nơi kêu oan cho con trai. Tối 22.10 nghe tin ông Nén được tạm tha, dù đã 91 tuổi, sức khỏe kém, cụ Truyện vẫn một mình từ huyện Thới Bình (Cà Mau) lặn lội bắt xe đò ra thị trấn Tân Minh. Vui vì được gặp con trai, nhưng cụ Truyện tỏ ra không bằng lòng với việc ông Nén chỉ được tạm tha. Theo cụ, cơ quan pháp luật cần có văn bản khẳng định ông Nén bị oan, còn tạm tha tức là vẫn cho rằng ông Nén có tội…
“Tôi đã đặt chân về nhà thì chắc ăn trăm phần trăm tôi được ở nhà luôn, vì có nhân chứng vật chứng chứng minh tôi vô tội”, ông Nén nói. Theo ông Nén, ngoài nhân chứng về sự ngoại phạm của ông, còn có một chứng cứ pháp lý nữa để khẳng định ông không phạm tội giết bà Bông.
Tại hiện trường bà Bông bị giết ngày 23.4.1988, cơ quan điều tra thu thập được dấu chân của hai người, kích thước khác dấu chân của ông Nén. Đây là một cơ sở để cho rằng ông Nén không phải là thủ phạm giết bà Bông.
Tuy nhiên, theo ông Nén, còn có một bằng chứng mạnh mẽ hơn nữa. Trước khi bà Bông bị giết, ông Nén từng bị đá cứa rách gan bàn chân phải, phải khâu 5 mũi và để lại vết sẹo dài.
Những dấu chân của ông Nén mà cơ quan điều tra trực tiếp lấy đều có vết này, nhưng những dấu chân ở hiện trường không có. Ông Nguyễn Thận cũng tin rằng, các cơ quan pháp luật có thẩm quyền sẽ sớm tuyên ông Nén vô tội, để ông không phải quay lại trại giam.
Diễn biến chính vụ án Huỳnh Văn Nén – Ngày 23.4.1998: Xảy ra vụ án mạng tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Nạn nhân là bà Lê Thị Bông bị giết tại nhà (siết cổ bằng sợi dây), hung thủ cướp đi một chiếc nhẫn vàng. – Ngày 17.5.1998: Nghi can Huỳnh Văn Nén bị Công an tỉnh Bình Thuận bắt giữ, lý do trong một cuộc nhậu ông Nén nói bô bô chính ông Nén sát hại bà Bông. – Ngày 31.8.2000: TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội giết người, 3 năm tù về tội cướp tài sản, 2 năm tù về tội cố ý hủy hoại tài sản, tổng hợp hình phạt tù chung thân. – Ngày 3.9.2000: UBND xã Tân Minh nhận đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Phúc Thành. Theo đó, hung thủ giết bà Bông cướp 1 chỉ vàng là hai đối tượng nghiện ngập, trộm cắp trong xã, Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt (nay Việt đã chết, còn Thọ lập tức rời khỏi địa phương từ khi xảy ra vụ án bà Bông). – Ngày 12.12.2000: Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, vì xác định đơn kháng cáo của Huỳnh Văn Nén quá hạn. – Ngày 24.10.2014: Viện trưởng Viện KSND Tối cao ký kháng nghị, đề nghị TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm. – Ngày 12.11.2014: TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cao, tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án. – Ngày 6.1.2015: Công an tỉnh Bình Thuận tiếp nhận hồ sơ vụ án, phục hồi điều tra, tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam ông Nén. – Ngày 22.10.2015: Viện KSND tỉnh Bình Thuận thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ông Nén được tại ngoại để hầu tra, do sức khỏe kém và có người nhà bảo lãnh. Sau gần 17 năm rưỡi bị tù giam, lần đầu tiên ông Nén được tự do. Đ.A.T (tổng hợp)
Theo Nguyễn Đình Quân (Tiền Phong)
Khuất tất động trời vụ án Huỳnh Văn Nén
Diễn biến vụ án Huỳnh Văn Nén cho thấy có dấu hiệu hàm oan rất rõ, với những nét tương tự như vụ án Nguyễn Thanh Chấn.
VKSND Tối cao kháng nghị điều tra lại vụ án Huỳnh Văn Nén.
Thứ nhất, bị can Huỳnh Văn Nén liên tục kêu oan, không nhận tội, mặc dù ông Nén hiểu rõ nếu tiếp tục "kêu" như vậy, ông sẽ bị quy là "không chịu ăn năn hối cải", nguy cơ phải chấm dứt cuộc đời trong nhà tù.
Thứ hai, sau hơn 16 năm ông Nén thụ án tù giam, Viện KSND Tối cao vẫn mạnh dạn ra kháng nghị, và TAND Tối cao chấp nhận hủy án để điều tra lại. Hiện trường không còn, vật chứng không thu giữ được, 16 năm nhân chứng có còn ai nhớ chuyện năm nào...
Dễ thấy việc điều tra lại chỉ có thể củng cố thêm những tình tiết có lợi cho lời kêu oan của ông Nén - công việc mà lẽ ra các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận phải làm từ 16 năm trước.
Thứ ba, đó là đơn tố giác của một nhân chứng khẳng định thủ phạm là người khác, không phải ông Nén. Đơn này chưa được giải quyết theo đúng thời hạn, thủ tục pháp luật. Và việc kháng nghị để điều tra lại vụ án Huỳnh Văn Nén (chính xác hơn là điều tra lại vụ án sát hại bà Bông) chính là cơ hội để xác minh làm rõ đơn tố giác tội phạm của nhân chứng có căn cứ hay không.
Có chứng cứ gỡ tội cho ông Nén!
Đây không phải vụ án quả tang, mà là vụ án truy xét. Theo hồ sơ, tuy ông Nén khai nhận tội, song CQĐT không thu giữ được phương tiện gây án (sợi dây dù dùng để siết cổ bà Bông), cũng không thu giữ được vật chứng vụ cướp là chiếc nhẫn 1 chỉ vàng. Chứng cứ để buộc tội chủ yếu là lời khai nhận tội của ông Nén, nhưng những lời khai này mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn cả với lời khai của các nhân chứng.
Khi lời khai không khách quan, tài liệu khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường càng phải được chú trọng. Dấu chân tại hiện trường to nhỏ khác nhau cho phép nhận định thủ phạm có ít nhất hai người. Điều đặc biệt là cả hai dấu chân đó đều không phù hợp với kích thước bàn chân ông Nén. Lẽ ra ông Nén phải được loại khỏi danh sách nghi can ngay từ khi đó!
Câu hỏi đặt ra, vì sao những tình tiết gỡ tội cho ông Nén lại bị dễ dàng bỏ qua? Việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án ông Nén diễn ra vào thời điểm chưa có các Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Với các vụ trọng án ngày đó, CQĐT thường chủ quan, nóng vội, "bắt nhầm hơn bỏ sót"; viện kiểm sát và tòa án hầu như chỉ truy tố, xét xử theo hồ sơ, trọng cung hơn trọng chứng. Chẳng may có người bị hàm oan, cũng hầu như không có cơ chế để giải oan cho họ.
Việc thay đổi biện pháp ngăn chặn vừa được thực hiện đối với bị can Nén là hết sức cần thiết. Vấn đề dư luận đặt ra: CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận cần khẩn trương xác minh đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Phúc Thành; nếu thấy có căn cứ, cần khởi tố vụ án để điều tra. Theo đúng quy định tố tụng, vụ án đó cần được nhập với vụ án ông Nén. Và lẽ dĩ nhiên, nếu quá trình điều tra không tìm được chứng cứ mới theo hướng cột tội ông Nén, cần đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nén càng sớm càng tốt.
Kiểm sát chặt quá trình điều tra Trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề Quốc hội sáng 23.10, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết cơ quan này đang kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra, giải quyết vụ án Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận).Theo ông Bình, hiện Bộ Công an đang tiến hành điều tra lại, làm rõ vụ án. "Họ đang làm tích cực đấy và tôi thấy là hiệu quả", ông Bình nói.
Theo Văn Kiên (Tiền Phong)
'Chuyện lạ' kỳ án Huỳnh Văn Nén Lúc 17 giờ 30 chiều 22.10, sau 17 năm, 5 tháng ngồi tù về tội giết người, cướp của, bị can Huỳnh Văn Nén, lần đầu tiên được tại ngoại. Giây phút đầu tiên ông Nén được tại ngoại sau 17 năm, 5 tháng ngồi tù Khoảnh khắc hiếm hoi khi ông Nén bước ra khỏi cổng Trại tạm giam Công an Bình...