Ông già Noel 4 ngày kiếm được 190.000 đồng, tối ngủ vỉa hè
Không phải nơi đâu cũng toàn lấp lánh niềm vui, không phải dịch vụ nào “ăn theo” ngày lễ lớn cũng hốt bạc. Ở Sài Gòn hoa lệ, có một “ông già Noel” lang thang trên đường phố, tối ngủ vỉa hè để kiếm vài chục nghìn đồng cho cuộc sống mưu sinh.
Sài Gòn những ngày cận kề Giáng Sinh, đường phố dường như cũng tấp nập, lấp lánh hơn. Một buổi sáng ngang qua đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM), tôi bỗng thấy một người mặc bộ đồ ông già Noel đã sờn cũ, dính vài vết mực đi trên đường. Khá tò mò, tôi dừng lại hỏi chuyện, biết tên anh là Nguyễn Văn Cường (44 tuổi, quê ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).
Ông già Noel Nguyễn Văn Cường. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Anh Cường kể, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ mất sớm lại không có vợ con, nên anh bươn trải mưu sinh, nay nơi này, mai nơi khác. Cách đây 3 năm, anh được nhà thờ cho bộ đồ ông già Noel để biểu diễn văn nghệ, anh rất thích nên dùng xong là giặt sạch rồi cất cẩn thận.
Ngày thường, anh Cường làm nghề bán vé số tại Đồng Nai, bưng đồ cho quán ăn trong xóm. Năm ngoái, có người mách nên anh quyết định bắt xe đò từ Đồng Nai lên Sài Gòn, hóa trang thành ông già Noel và chụp hình cùng khách. Suốt mấy ngày lang thang “hành nghề”, anh kiếm vỏn vẹn 400.000 đồng, chẳng đáng là bao nhưng với anh đó cũng là một khoản thu nhập giúp trang trải cuộc sống.
Mỗi khi có khách đi qua, anh Cường đều nói: “Xin chào” hoặc “Hello”. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Năm nay, anh quyết định xuống sớm hơn, mà ngặt nỗi tiền đi xe đò còn chẳng có. Thấy hoàn cảnh tội nghiệp, hàng xóm mới dúi cho anh 100.000 đồng để làm lộ phí đi đường.
Trả tiền xe rồi, trong túi còn mấy đồng lẻ, anh chẳng dám mua gì ăn nên anh gắng nhịn đói, tối thì ngủ vạ vật trên vỉa hè gần Nhà thờ Đức Bà. Mấy ngày ở Sài Gòn tấp nập, anh cứ lang thang từ Nhà thờ sang công viên Lê Văn Tám, tối thì ngủ ngay tại vỉa hè.
“Bụi đời quen rồi, mới đầu ngủ vỉa hè còn bị đuổi nhưng rồi họ thương nên không đuổi nữa. Tôi ở đây cũng được bà con hỏi nhiều, tôi nói tùy tâm, 5.000, 10.000 đều được. Riêng ông bà già, tôi chỉ lấy 5.000/3 tấm. Cũng có nhiều khách chụp xong rồi bỏ đi, hi hữu có ông khách Hàn Quốc cho 500 đồng, tôi tính đem về làm đồ cổ”, anh Cường hài hước nói.
Video đang HOT
Bộ đồ ông già Noel khá nóng trong thời tiết của Sài Gòn nhưng anh Cường vẫn rất thích. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Đối với anh Cường, được mọi người quan tâm, cho tiền chụp hình thì mừng, nếu không cho, anh cũng không hề tỏ thái độ bực bội. Dù rằng, 4 ngày ở Sài Gòn chỉ kiếm được vỏn vẹn có 190.000 đồng.
Đoạn đang ngồi nói chuyện, có bác xe ôm đến đưa cho anh bịch đồ ăn. Anh Cường vừa nhận vừa cảm ơn rối rít, niềm vui ánh lên trên khuôn mặt khắc khổ.
“Mấy hôm xuống Sài Gòn mà nhiều người biết tôi khó, họ cho đồ ăn, nước uống… Có cô bán vé số cứ dúi vào tay cái bánh, tôi nói thôi cô để lại dùng, thì cô nói không cầm là cô giận nên tôi đành nhận. Nói thế chứ tôi không thích đi xin, ngó thấy làm được việc gì, tôi vẫn gắng làm”, anh Cường nói chắc nịch.
Ông già Noel tỏ ra rất vui vẻ khi được tặng quà. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Tôi hỏi thành phố rộng lớn thế này, việc không thiếu, sao anh không thử xin một công việc khác cho thu nhập tốt hơn, anh Cường bần thần bảo, bản thân anh đã nhiều bệnh lại không biết chữ, chỉ viết được mỗi tên mình. Có bận anh xin làm bảo vệ ở quán ăn, khách sạn nhưng họ đều từ chối vì thấy anh thấp bé quá.
Năm 2007, anh bị bệnh gan tưởng chết, may sau đó được mách bài thuốc uống rồi khỏi. Nhiều người cũng hỏi anh sao không kiếm mối nào mà cưới vợ đi, anh chỉ cười bảo: “Không lo nổi thân mình thì lo được cho ai”.
Bữa trưa đạm bạc ngay bên vỉa hè của anh Nguyễn Văn Cường. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Một mình ở Sài Gòn nhộn nhịp, anh Cường vẫn lạc quan kể tôi nghe về những vị khách dễ mến mà anh gặp, những người nghèo khổ giống như anh nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ miếng cơm, ngụm nước.
Anh còn nhớ như in dịp Giáng Sinh năm ngoái được lên sân khấu nhảy cùng ca sĩ Sơn Tùng MTP. Nói rồi anh bỗng hát vài câu trong ca khúc Em của ngày hôm qua, dù câu đúng, câu sai lộn xộn nhưng đủ để tôi thấy sự lạc quan của “ông già Noel” đặc biệt này.
Quá trưa, dù anh Cường đã đứng rất lâu bên đường, vẫy tay chào mọi người, nhưng số người dừng lại chụp ảnh chỉ lác đác. Anh Cường mở hộp xôi vừa được cho ra ăn tạm lấy sức cho “ca” làm việc buổi chiều tại một địa điểm khác.
Trước khi tạm biệt tôi, anh nói kết thúc lễ Giáng Sinh, anh sẽ ở Sài Gòn thêm 2 ngày rồi về lại Đồng Nai trông nom nhà cửa.
“Nói là nhà nhưng hư, dột hết rồi, có cái tivi thì cũ quá, giờ không xem được nữa. Dù thế nào, tôi vẫn về, còn lo chuyện hương khói cho ba mẹ. Tôi nhớ mẹ lắm, mấy chục tuổi rồi, nhưng hễ nghe bài hát nào về mẹ là nước mắt tôi lại chảy dài…”, anh Cường nói rồi hòa vào dòng người tấp nập trên phố.
Theo danviet.vn
Sơn La: Trồng dâu tây bán tết, nông dân Cò Nòi thắng lớn
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến tết âm lịch, anh Nguyễn Văn Cường, bản Xuân Quế (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) lại tất bật với công việc chăm sóc vườn dâu tây trên 7.000m2 đất vườn đang đâm hoa kết trái.
Anh Cường cho biết: "Tôi trồng dâu tây cũng được 1 thời gian khá dài, mỗi năm vườn dâu tây của gia đình bán trong dịp tết cho lãi gần 400 triệu đồng".
Công việc chăm sóc dâu tây tưởng chừng như đơn giản, nhưng để dâu tây phát triển xanh tốt, cho quả chất lượng cao, anh Cường phải bỏ thời gian và công sức rất lớn trong quá trình chăm sóc, tưới tiêu, bón phân theo quy trình nghiêm ngặt. Vì vậy mà vườn dây tây của gia đình anh năm nào cũng tươi tốt và cho quả sai trĩu.
Vào những ngày cuối năm, anh Cường lại tất bật chăm sóc vườn dâu đang ra hoa kết trái bán để bán cho khách hàng dịp tết.
Anh Cường chia sẻ về cơ duyên đến với cây dâu tây: "Thời gian trước, tôi chỉ trồng ngô nuôi lợn kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng thị trường lúc đó mỗi lúc một khó khăn. Ngô bán ra thì mất giá, tiền đầu tư phân giống nhiều hơn tiền bán bắp, lợn thì cũng trong tình trạng xuống giá trầm trọng, thu nhập gia đình rất bấp bênh. Tôi phải vay mượn khắp nơi để trả lãi ngân hàng và tiền phân bón".
Để vườn dâu phát triển, anh Cường lắp đặt hệ thống tưới nước và lên luống trồng rất bài bản.
"Để tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tôi xuống huyện Mộc Châu học hỏi mô hình trồng dâu tây của các nhà vườn lớn ở đó. Nhận thấy cây dâu có thể giúp gia đình tôi thoát khỏi khó khăn và cho lãi cao, tôi tiếp tục vay tiền Ngân hàng mua cây giống, đầu tư hệ thống nước tưới tự động, lên luống đất trồng dâu tây trên 7.000m2 đất vườn".
Trong quá trình làm vườn dâu tây, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm nên phải lên mạng internet, đọc sách, báo tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho dâu tây. Sau 1 thời gian trồng, vườn dâu tây của gia đình luôn phát khỏe mạnh và sinh trưởng rất tốt"- Nguyễn Văn Cường cho biết thêm.
Những quả dâu tây trong vườn anh Cường đang bắt đầu chín đều, để phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết cận kề.
Hiện nay, 7.000m2 vườn dâu tây của anh Cường được trồng theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu nên chất lượng quả rất bảo đảm yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với đặc điểm quả đỏ, mọng, thơm ngon, giống dâu tây HaNa của gia đình anh Cường được nhiều khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao. Hàng năm cứ đến giáp Tết âm lịch, rất đông khách hàng và tiểu thương ngoài huyện, thành phố đến tận vườn gia đình ông đặt hàng trước.
Từ khi anh Cường trồng dâu tây trên diện tích 7.000m2 đất vườn, thu nhập của gia đình ngày càng tăng cao.
Theo kinh nghiệm của anh Cường, trồng dâu tây khâu đặc biệt quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của dâu dây, đó chính là khâu chọn giống. Cây giống phải khỏe mạnh mới có khả năng đề kháng bệnh cao. Khi làm đất phải đảm bảo độ tơi xốp, bón phân đúng liều lượng theo từng giai đoạn phát triển của cây...
Trong quá trình chăm sóc dâu tây, người trồng phải dùng các loại phân đầu trâu, vi sinh và phân hữu cơ kết hợp với phân chuồng tưới cho cây trồng. Mỗi ngày anh tưới nước từ 2 - 3 lần cho vườn dâu tây, tùy theo điều kiện thời tiết. Bảo đảm được các yếu tố trên, cây dâu tây sẽ sinh trưởng và cho quả đều hơn.
Hằng năm cứ đến tết âm lịch, nhiều người tiêu dùng đến tận vườn anh Cường để mua dâu tây.
Trao đổi với Dân Việt, anh Nguyễn Văn Cường, cho biết: Từ khi chuyển sang trồng dâu tây, tôi chưa bao giờ phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm. Cứ đến ngày cần kề tết nguyên đán thì rất đông người dân trong xã và khách hàng ở các huyện đến mua dâu tây làm quà biếu người thân và bạn bè. Năm nay thời tiết ủng hộ, vườn dâu tây đều ra hoa kết trái rất đều, hứa hẹn sẽ là 1 năm bội thu.
Tôi trồng dâu tây không dùng chất bảo quản và hóa học, nên chất lượng quả luôn đảm bảo, đây chính là lý do sản phẩm của gia đình thu hoạch đến đâu là bán hết đến đó. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi có lãi gần 400 triệu đồng từ dâu tây, cuộc sống ngày càng sung túc hơn".
Theo Danviet
Ông Đoàn Ngọc Hải bán điện thoại, đồng hồ xịn để lo cho người vô gia cư Ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã nhờ một cửa hàng ở khu vực trung tâm TPHCM bán hai vật dụng cá nhân từng gây xôn xao dư luận một thời là điện thoại Vertu cùng chiếc đồng hồ "siêu sang" và ông muốn dành số tiền trên mua một căn nhà nhỏ cho những người vô gia...