Ông Du “cò” vang danh một thời ở đội bóng Công an Hà Nội
Ông Trần Đình Du có biệt danh sân cỏ là Du “cò”. Khi áp sát tiền đạo đối phương, cặp chân dài của ông xỉa vào bóng luôn nhanh hơn đội bạn một nhịp khiến những lần băng cắt của ông luôn hiệu quả.
Phần nữa, ông cao nhưng gầy, dáng mỏng cơm trông giống cò hương nên có biệt danh là “cò”.
Ông là thế hệ thứ 2 của đội bóng đá Công an Hà Nội (CAHN). Thế hệ đầu tiên của CAHN đa phần là các cầu thủ từng đá ở đội Cảnh binh Hà Nội và Hoàng Diệu thời Pháp còn tạm chiếm như các ông Nghẽn, Luyến, Thưởng, Tòng…
Khi đội CAHN bổ sung lực lượng, ông Trần Đình Du cùng với các ông Tô Hiền, Đoàn Sơn, Vũ Văn Hạc, Nguyễn Văn Thọ, Tô Giới Pháp, Nguyễn Văn Đài… được tuyển mộ và trở thành nòng cốt đội bóng Thủ đô vang bóng một thời.
Ông Trần Đình Du (ngồi giữa) và đội hình các cựu cầu thủ CAHN
Năm 1960, Trường huấn luyện với đội bóng đá thực chất là Đội tuyển Quốc gia được thành lập, đội CAHN đã đóng góp nhiều tuyển thủ như các ông Lưu Đình Tòng, Phan Đức Âu và kế tiếp là các ông Tô Hiền, Trần Đình Du, Đoàn Sơn, Nguyễn Văn Hai (Hai “voi”), Từ Như Hiển…
Ông Trần Đình Du là cầu thủ “Vừa hồng vừa chuyên”, tham gia cấp ủy trong chi bộ Đảng của đội bóng CAHN. Trước mỗi trận derby của thành phố, khi Ban lãnh đạo hỏi trạng thái sẵn sàng của các cầu thủ, luôn là ông Du “cò” đứng bật dậy, xung phong vào đội hình xuất phát của trận đấu. Những ngày xa xưa ấy, các HLV hay có những “chiêu” khích quân như vậy.
Suốt những năm 60, ông Du “cò” và ông Hai “voi” là cặp trung vệ ăn ý của đội bóng CAHN.
Ông Du “cò” giải nghệ sớm theo yêu cầu của lãnh đạo để đi học nghề huấn luyện bóng đá tại nước bạn Hung-ga-ri. Về nước, ông tham gia Ban huấn luyện đội CAHN rồi đội Xây dựng Hà Nội. Chính ông là người đã góp ý với Sở TDTT Hà Nội cho làm những bảng báo hiệu thay cầu thủ theo cách ông thấy bên Hung-ga-ri.
Trên sân Hàng Đẫy những ngày đấy, người hâm mộ thấy ông Du “cò” bước ra cạnh sân giơ bảng báo hiệu thay người, ai cũng trầm trồ thích thú khi bóng đá Việt Nam đã có những thay đổi theo kịp với thế giới.
Ở đội CAHN và XDHN, những đàn em, học trò của ông Trần Đình Du chấp hành những cải cách lối đá theo hướng ông học ở châu Âu đã đành, nhưng đặc biệt là ai cũng thán phục ông về cách sống, về tính cách “Anh hai” ở người thuần Hà Nội như ông. Tận những năm cuối đời, ông vẫn giữ tính cách đấy khi tham gia sinh hoạt trong Hội cựu cầu thủ CAHN. Với ông, đã chơi là hết mình và mình lớn tuổi hơn thì phải chơi theo kiểu đàn anh, cho bọn trẻ nó phục.
Ông có tài lẻ là bắn súng. Đi học ở Hung-ga-ri, mọi người mang về vật dụng sinh hoạt để dễ “quy ra tiền”. Riêng ông mang súng hơi để rảnh rỗi là đi bắn chim, bắn vịt trời.
Hồi bao cấp, ông Lê Nghĩa (kiêm nhiệm phụ trách đội bóng) hưởng lương Phó giám đốc Sở Công an Hà Nội, nhưng kinh tế gia đình luôn bị thâm hụt vì bạn bè đông, hay đến xin vé bóng đá. Tiêu chuẩn vé mời có hạn mà người xin quá đông. Có người nghĩ chỉ một cái vé nên không tiện thanh toán tiền, khiến người được ông Lê Nghĩa cho vé thì khoan khoái, nhưng vợ con ông Lê Nghĩa lại tái tê vì quỹ lương của ông bị “bào mòn”.
Những ngày đấy tài bắn súng của ông Du “cò” là cứu cánh cho những buổi cải thiện bữa ăn gia đình nhà ông Lê Nghĩa. Có những lần ông Lê Nghĩa hẹn trước để mời bạn bè. Ông Lê Nghĩa đi mượn chiếc Xít-đờ-ca, cho người mang đến nhà ông Du “cò” ở Hàng Cháo để ông Du “cò” có xe đi bắn chim ở vùng xa Hà Nội. Đúng hẹn, ông Du “cò” mang về đầy cái thuyền Xít-đờ-ca vịt trời, le le, chim ngói và cả những con chim cuốc lọt vào tầm súng của ông.
Video đang HOT
Ông Du “cò” cùng với ông Thọ “gáo”, Tô Hiền, Đức “khựa” là những người sáng lập Hội cựu cầu thủ CAHN, trực thuộc CLB sĩ quan hưu trí CAHN ngày nay.
Ông Trần Đình Du sinh năm 1940, vừa tạ thế sáng 6/9/2020 tại nhà riêng, thọ 81 tuổi. Tang lễ cử hành tại Nhà tang lễ Thành phố 125 Phùng Hưng, từ 8h15 đến 9h15 ngày 9/9/2020.
Chân dung 5 danh thủ bóng đá Việt Nam trưởng thành từ ngành Công an
Bóng đá Việt Nam ghi nhận nhiều danh thủ từng xuất thân từ các đội bóng Công an.
"Đệ nhất hậu vệ" Lưu Đình Tòng
Cố danh thủ Lưu Đình Tòng sinh năm 1930 tại Yên Mỹ, Hưng Yên. Ông đam mê bóng đá từ nhỏ và khi có cơ hội lên Hà Nội học nghề ông thường xuyên thi đấu cho các đội bóng học sinh tại thủ đô.
Năm 1956, ông gia nhập CLB Công An Hà Nội và từ đây, tên tuổi vang danh.
Trong cuộc bầu chọn cầu thủ tiêu biểu lần đầu tiên tháng 1 năm 1960 của thể thao nước nhà do báo Thời mới tổ chức, ông được vinh danh số 1.
Danh thủ Lưu Đình Tòng (phải) và người bạn vong niên Vũ Quang Minh (thân phụ tiền vệ tài hoa một thời của Công An Hà Nội Vũ Minh Hiếu).
Tại Giải bóng đá Việt - Trung - Triều - Mông năm 1960, trong trận gặp Trung Quốc, ông là người ghi bàn cho tuyển Việt Nam ở phút 86 với một quả đá phạt ngoài vòng 16m50.
Không chỉ nổi tiếng với những pha đá phạt, những tình huống tung người móc bóng cứu thua ngay vạch cầu môn của ông cũng trở thành thương hiệu, và được mọi người suy tôn là quái kiệt.
Ông được mọi người trong giới thể thao tôn vinh là "Đệ nhất hậu vệ" mọi thời đại của bóng đá Việt Nam và Hà Nội.
Danh thủ Từ Như Hiển
Cao 1m71, nặng 65kg, có gương mặt và dáng chạy giống "Tây" nên ông Từ Như Hiển được gán cho biệt danh Hiển "cooc".
Ông sinh ra trong gia đình Việt kiều sống ở New Caledonia về nước năm 1963, mang theo niềm đam mê bóng đá cuồng nhiệt.
Khi về nước, ông được nhiều đội bóng danh tiếng đến mời chào, nhưng cuối cùng nhận lời về Công an Hà Nội.
Danh thủ Từ Như Hiển (bên trái) cùng các danh thủ Xuân "gôn" va Hà Bôn
Trong 3 giải mà Công an Hà Nội vô địch vào năm 1964 là Giải Tổng Công đoàn, Giải chào mừng 10 năm giải phóng Thủ đô và Giải toàn miền Bắc, Hiển "cooc" đều là "Vua phá lưới".
Một năm sau, khi mới 19 tuổi, Hiển "cooc" đã được chọn vào đội tuyển quốc gia, sát cánh cùng với những cầu thủ xuất sắc thời đó như Lê Thế Thọ, Trần Duy Long, Hoàng Tiến Nghị, Lê Đình Chính...
Từ Như Hiển được đánh giá là tiền đạo hay nhất Việt Nam thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước.
Năm 1982, khi đã ở tuổi 38, tiền đạo Từ Như Hiển rời sân cỏ. Anh làm huấn luyện viên U16 của Công an Hà Nội trong 2 năm rồi giã từ nghiệp bóng đá
Lê Văn Đặng
Lê Văn Đặng sinh năm 1947, hơn 10 tuổi đã mê đá bóng quên ăn, 17 tuổi được chọn vào Trường huấn luyện, sau đó được tuyển vào Đội tuyển quốc gia. Năm 1968, khi đội giải thể, ông chuyển sang thi đấu cho Công an Hà Nội.
Đương thời, tiền đạo Lê Văn Đặng chuyên đá cánh phải, có thể so sánh với Ba Đẻn (đội Thể Công) đều là người tuy không cao to nhưng có tố chất cực kỳ khéo léo.
Tiền đạo Lê Văn Đặng có 7 lần đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài, lần lâu nhất là năm 1971 đi Cuba tập huấn 1 tháng rưỡi. Năm 1980, anh là Đội trưởng đội tập huấn A1 dự giải giữa 2 miền Bắc - Nam lần đầu tiên tổ chức. Tại giải này, Đội Công an Hà Nội đoạt giải nhì và ông được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất.
Lê Văn Đặng còn được nhiều người nhắc đến bởi ông chính là cầu thủ "dội bom số 1" của giải vô địch quốc gia đầu tiên.
Năm 1984, Đội Công an Hà Nội thắng Đội Thể Công để đoạt chức vô địch toàn quốc, lúc đó ông là cầu thủ lớn tuổi nhất (37 tuổi). Ông vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng Bằng khen vì có nhiều cống hiến cho nền thể thao CAND.
Năm 1986, ông từ giã sự nghiệp cầu thủ rồi đi học cao học Đại học TDTT. Ra trường năm 1980, ông về làm HLV Công an Hà Nội.
Lê Huỳnh Đức
Lê Huỳnh Đức trong màu áo ĐT Việt Nam.
Lê Huỳnh Đức sinh 1972 tại Sài Gòn, là người gốc Huế. Thân phụ anh là Lê Văn Tâm, một cựu danh thủ bóng đá lừng danh tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Sự nghiệp bóng đá của anh bắt đầu vào năm 1994 khi gia nhập Đội bóng đá Quân khu 7, sau đó chuyển sang Đội Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Lê Huỳnh Đức sớm được đánh giá là một cầu thủ tài năng và trở thành một tuyển thủ của đội tuyển Việt Nam. Anh là cầu thủ đầu tiên của Việt Nam chơi bóng cho một CLB nước ngoài, Lifan Trùng Khánh theo một hợp đồng cho mượn vào năm 2001. Anh cũng là cầu thủ đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu Quả bóng Vàng năm 1995. Sau này anh còn 2 lần nhận danh hiệu Quả bóng Vàng nữa vào các năm 1997, 2002 và 3 lần giành danh hiệu Quả bóng Bạc.
Ngoài ra, anh còn 2 lần giành danh hiệu Vua phá lưới giải vô địch quốc gia, và là cầu thủ giữ kỷ lục dự đủ 5 kỳ Tiger Cup liên tiếp (1996, 1998, 2000, 2002, 2004).
Sau khi dừng thi đấu, anh trở thành HLV và có 2 chức vô địch Quốc gia cùng với SHB Đà Nẵng vào các năm 2009 và 2012.
Vũ Minh Hiếu
Vũ Minh Hiếu giành HCĐ SEA Games 1997 cùng tuyển Việt Nam.
Vũ Minh Hiếu sinh năm 1972, là cựu cầu thủ của Công an Hà Nội và đội tuyển quốc gia Việt Nam. Anh được đánh giá là một trong những tiền vệ có lối chơi sáng tạo nhất trong lịch sử CLB Công an Hà Nội.
Ngoài kỹ thuật cá nhân điêu luyện, lối chơi sáng tạo với những đường chuyền "chết người" cùng những bàn thắng đẹp được tạo ra từ cái chân vòng kiềng, Minh Hiếu còn sở hữu khả năng đá phạt "thần sầu".
Giải đấu thành công nhất trong sự nghiệp của Vũ Minh Hiếu có lẽ là giải bóng đá tập huấn mùa xuân 1999 khi anh cùng Công an Hà Nội lọt vào tới trận chung kết và chỉ chịu thua Sông Lam Nghệ An 3-4 trong loạt sút luân lưu 11m. Ở giải đấu đó, dù là 1 tiền vệ nhưng Minh Hiếu đã trở thành Vua phá lưới với thành tích ghi được 8 bàn thắng.
Trong màu áo ĐT Việt Nam, anh có 22 lần được ra sân, ghi được 7 bàn thắng) Anh từng giành HCĐ SEA Games 1997.
Kết thúc V-League 2005, tiền vệ Vũ Minh Hiếu chia tay bóng đá sau 16 năm gắn bó với sân cỏ để trở về làm cảnh sát giao thông.
Sân Hàng Đẫy siết chặt an ninh trước trận Hà Nội- Hải Phòng Sân Hàng Đẫy thắt chặt an ninh trước trận cầu tâm điểm giữa Hà Nội FC và Hải Phòng ở vòng 10 V-League 2020. Trận đấu giữa Hà Nội FC - Hải Phòng trong khuôn khổ vòng 10 V-League 2020 sẽ diễn ra lúc 19h15 hôm nay trên sân vận động Hàng Đẫy. Trận đấu giữa Hà Nội FC và Hải Phòng thường...