Ông Donald Trump tiến thoái lưỡng nan trong vụ lộ tài liệu trốn thuế
Để đâm đơn kiện tờ New York Times, ông Trump buộc phải công nhận các tờ khai thuế đó là của mình.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Business Insider
New York Times vừa công bố ba trang tờ khai thuế của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump từ năm 1995.
Tờ báo tiết lộ thông tin chấn động rằng ông Trump đã báo lỗ tới hơn 900 triệu USD khi khai thuế thu nhập liên bang. Khoản lỗ này có thể đã giúp vị tỷ phú tránh trả thuế hợp pháp trong 18 năm.
Được biết, những tài liệu này được một địa chỉ email nặc danh gửi đến phóng viên Susanne Craig của tờ báo vào tháng trước.
Đáp lại, đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump đã cáo buộc tờ New York Times trở thành “một phần mở rộng của chiến dịch Clinton”. Luật sư của ông đã đe dọa sẽ kiện tờ báo vì công bố tài liệu trên mà chưa được ông Trump cho phép.
Nhưng điều bất lợi cho vụ tỷ phú là để đâm đơn kiện tờ báo như luật sư đe dọa, thì ông Trump buộc phải công nhận các tờ khai đó là của mình. Điều này sẽ hủy hoại hình ảnh của ông trong mắt các cử tri khi vị Tổng thống mới thậm chí không hoàn thành nghĩa vụ công dân đối với “Chú Sam”, bất chấp nghiệp vụ giúp ông né thuế là hợp pháp.
Trong bức thư gửi tới New York Times, ban vận động tranh cử của ông Trump không thừa nhận nhưng cũng không phủ nhận thông tin mà tài liệu tiết lộ.
Tuy nhiên, bức thư phần nào công nhận tính xác thực của chúng khi nói “thông tin mới duy nhất ở đây là bộ tài liệu thuế hơn 20 năm được cho là của ông Trump đã bị thu thập một cách bất hợp pháp”.
Tài liệu cho thấy ông Trump báo khoản lỗ 916 triệu USD sau sự sụp đổ của đế chế casino tại New Jersey và các mảng kinh doanh khác như hàng không và mua khách sạn Plaza ở Manhattan sai thời điểm.
Mặc dù thu nhập chịu thuế của vị tỷ phú trong những năm sau đó vẫn là một ẩn số, con số 916 triệu USD được cho là đủ lớn để “xóa sạch” khoản thuế thu nhập 50 triệu USD/năm trong suốt 18 năm liên tiếp.
Video đang HOT
Một chi tiết nhỏ nữa trong tài liệu cho thấy ông Trump đã từ chối đóng góp cho Quỹ tưởng niệm cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam tại New Jersey, Quỹ bảo tồn thiên nhiên New Jersey và Quỹ nhi đồng Children’s Trust.
Ngoài ra, ông cũng từ chối đóng góp 1USD vào chiến dịch gây quỹ công cộng cho đợt bầu cử thống đốc New Jersey.
Không giống đối thủ của mình, ông Trump không công khai chứng từ thuế, còn bà Clinton đã công bố tờ khai thuế trong giai đoạn gần 40 năm, ứng viên đảng Cộng hòa khác là Mike Pence cũng công bố bằng chứng khai thuế 10 năm.
Ông Trump khẳng định tờ khai thuế của ông đã được Sở thuế vụ Mỹ (IRS) kiểm toán, và ông chỉ công bố chúng sau khi chiến dịch vận động kết thúc.
Tuy nhiên, IRS cho biết ông Trump không bị cấm công bố chứng từ thuế trong giai đoạn tranh cử.
Trong cuộc tranh luận lần đầu tiên giữa bà Hillary Clinton và ông Trump, bà Clinton đã tấn công ông Trump bằng một loạt các nghi vấn hóc hiểm liên quan đến việc ông giấu giếm chứng từ khai thuế.
Bà đặt ra hai câu hỏi: “Tại sao ông ấy không công bố chứng từ thuế? Có thể có hai lý do. Một là ông ấy không giàu như lời ông ấy nói. Hai là ông ấy cũng không làm từ thiện nhiều như ông ấy rêu rao”. Bà chỉ ra ông Trump đang nợ các ngân hàng 650 triệu USD và không nộp thuế liên bang trong nhiều năm.
Đáp lại, ông Trump chỉ nói: “Điều này chứng tỏ tôi thông minh”.
Tờ Washington Post cũng từng nghi ông Trump không nộp thuế liên bang trong 2 năm 1978 và 1979 nhờ báo lỗ. Còn ông này thì nói: “Khi bạn kinh doanh bất động sản, bạn có một số lợi thế về thuế”, ám chỉ hoạt động ghi khống giảm giá giá trị bất động sản.
Tháng trước, tổng biên tập tờ New York Times Dean Baquet cho biết ông sẽ “đấu tranh đến cùng” để xuất bản chứng từ thuế của ông Trump nếu tờ báo có được chúng, kể cả khi luật sư của ông ngăn cản.
Nguyên nhân là vì “cả chiến dịch tranh cử của ông Trump được dựng lên từ nền móng là sự thành công và của cải mà ông ấy có được từ việc kinh doanh”.
Theo Bizlive
Ireland chê 14,5 tỉ USD của Apple!
Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Ireland phải truy thu 13 tỉ euro tiền thuế của Hãng Apple trong hơn 10 năm được hưởng ưu đãi. Nhưng Ireland lại đứng về phía Apple đòi kháng án.
Cách Apple né thuế ở Ireland - Nguồn: Uỷ ban Châu Âu - Đồ họa: V.Cường
Ngày 30-8, EC đã ra phán quyết được cho là "lời tuyên chiến" với việc cho rằng chính quyền Dublin đã tạo ra nhiều thuận lợi về thuế cho Hãng Apple của Mỹ. Cơ quan của châu Âu yêu cầu chính quyền Ireland phải truy thu thuế lên đến 13 tỉ euro (14,5 tỉ USD) trong giai đoạn kinh doanh 2003-2014 của Apple ở Ireland.
Súng lệnh đã nổ
Thông cáo của EC nêu rõ: "Việc Ireland cho Apple hưởng ưu đãi thuế là bất hợp pháp xét theo các quy định của Liên minh châu Âu (EU), vì cách này đã giúp Apple trả thuế ít hơn các doanh nghiệp khác. Ireland nay phải truy thu số tiền hỗ trợ bất hợp pháp đó".
Bà Margrethe Vestager, ủy viên châu Âu phụ trách chính sách cạnh tranh, trong cuộc họp báo tại Brussels đã chỉ rõ rằng "kiểu chính sách tài chính có chọn lọc dành riêng cho Apple" của chính quyền Dublin đã giúp tập đoàn Mỹ "chỉ phải đóng thuế 1% trên lợi nhuận thu được vào năm 2003 và thậm chí còn giảm, chỉ còn 0,005% vào năm 2014".
EC đã tính toán doanh thu của Apple trong giai đoạn đó để đưa ra con số 13 tỉ euro - số tiền truy thu thuế được cho là lớn nhất đến hiện nay áp dụng đối với một công ty.
Với phán quyết này, Brussels mong muốn tạo ra sự công bằng trong kinh doanh giữa tập đoàn của Mỹ với các doanh nghiệp của Ireland vốn tuân thủ theo luật của châu Âu là phải đóng thuế đến 12,5%.
Đây không phải là một phán quyết nghe qua rồi bỏ, nên Apple đã phản ứng tức khắc. Trong lá thư gửi EC của tổng giám đốc Apple, ông Tim Cook viết: "EC đã muốn viết lại lịch sử của Apple ở châu Âu mà không tính đến luật tài chính của Ireland và như thế làm đảo lộn cả hệ thống tài chính quốc tế".
Phía Apple cáo buộc: "Phán quyết của EC không có cơ sở gì cả trong thực tế lẫn trong luật định. Hãng chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu cũng như nhận được sự ưu ái đặc biệt về thuế. Chúng tôi hiện đang trong tình cảnh chưa từng có về chuyện phải trả thêm phần thuế bổ sung cho một chính phủ vốn không đòi hỏi chúng tôi phải trả thêm gì ngoài phần chúng tôi đã trả cho họ".
Chính quyền Washington dù vẫn luôn cho rằng tìm giải pháp cứng rắn với nạn né thuế ở nước mình (tức tìm cách thu hồi tài chính từ những tập đoàn tìm cách đặt trụ sở vào các "thiên đường thuế") lần này lại nhảy ra bênh vực cho Apple. Washington nhắn nhe châu Âu rằng nếu thực thi phán quyết kiểu "đơn phương" như thế này sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của nước ngoài vào châu Âu.
Ireland chẳng muốn truy thu
Vấn đề rất lạ là chiếu theo phán quyết của EC thì chính quyền Dublin có lợi vì thu về được 13 tỉ euro, nhưng họ lại chấp nhận bỏ tiền ngân sách ra đến 667.000 euro cho phí thuê luật sư để cãi, không tuân thủ phán quyết của EC! Nói một cách khác là Dublin không muốn thu hồi số tiền to từ Apple.
Ông Michael Noonan, bộ trưởng tài chính của Ireland, đã tuyên bố đang chờ đợi sự chấp thuận của chính phủ để tiến hành kháng án. Khi đó vụ việc "từ chối truy thu thuế" này sẽ được đưa lên Tòa tư pháp của EU (CJUE).
Có ý kiến cho rằng Ireland không muốn đòi tiền Apple vì những thỏa thuận đã có trước kia và thực tế thì trong phán quyết lần này, EC cũng đồng thời khuyến khích các quốc gia thành viên EU có cho phép Apple kinh doanh truy thu thuế từ số doanh thu của Apple trên lãnh thổ mình (số này trước đây bị dồn về cho Ireland). Như thế thì Ireland sẽ khó lòng đút túi đủ 13 tỉ euro.
Chưa kể nếu Ireland đứng ra tính sổ với Apple thì cũng dễ mất đi sức hút "môi trường kinh doanh tuyệt hảo" với các công ty, tập đoàn quốc tế khác.
Vấn đề này cũng đã được ông Tim Cook nhắc lại rằng hồi năm 1980, tức "rất lâu trước khi có iPhone, iPad hay máy Mac", Apple đã mở văn phòng tại Cork ở Ireland trong bối cảnh "tỉ lệ thất nghiệp cao và rất ít nhà đầu tư có mặt tại đây". Ông giám đốc điều hành của Apple nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi đã là người đóng thuế lớn nhất ở Ireland, ở Mỹ và cả ở toàn thế giới".
Trong vụ việc này, tất cả các thành viên của EU đều bị Apple xỏ mũi thời gian qua. Bởi lẽ Apple đã không công bố cụ thể doanh thu bán các sản phẩm và dịch vụ của mình ở các nước thành viên EU, mà gom về một mối tại Ireland như thể tất cả đã được bán tại Ireland.
Theo điều tra của EC, Apple lợi dụng kẽ hở để thỏa thuận riêng với Ireland. Apple mở một đơn vị có tên gọi Apple Sales International chuyên trách bán các sản phẩm của tập đoàn ở châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ. Đơn vị này kiếm hàng tỉ USD lợi nhuận. Đơn vị thứ hai là Apple Operations Europe chỉ sản xuất một số dòng máy tính của Apple để bán ở châu Âu. Hai đơn vị này đóng ngược về cho công ty mẹ ở Mỹ 2 tỉ euro mỗi năm cho cái gọi là "đầu tư vào nghiên cứu và phát triển".
Sự dính líu mang tính ưu ái của chính quyền Dublin ở chỗ từ năm 1991, Ireland đã cho phép Apple đóng thuế đúng mức 12,5% chỉ với một phần nhỏ doanh thu bán được ở châu Âu. Phần lớn còn lại được phù phép chuyển ra một công ty chỉ nằm trên giấy và quan trọng là nằm ngoài lãnh thổ của Ireland, để chính quyền Dublin có thể vô tư phủi tay trách nhiệm.
Báo cáo của EC chỉ rõ vào năm 2011, chi nhánh của Apple ở Ireland từng lãi đến 16 tỉ euro, nhưng đã phù phép với sự trợ giúp của Dublin để chỉ phải đưa doanh số 50 triệu euro vào diện chịu thuế.
Mãi đến năm 2015, trước sức ép của châu Âu, Ireland mới điều chỉnh thuế với Apple, nhưng lúc đó Apple cũng đã điều chỉnh cơ cấu hoạt động tại đất nước này!
"Chưa phải đã có chiến thắng hoàn toàn trong cuộc chiến chống trốn thuế, nhưng rõ ràng nó đã được phát động"
Ông Olivier Petitjean (phụ trách Tổ chức Quan sát tập đoàn đa quốc gia)
Theo Tuổi Trẻ
Sếp ngân hàng vén màn bí ẩn về tài sản của Tổng thống Nga Putin Andrei Kostin, lãnh đạo ngân hàng VTB của Nga, vừa có những tuyên bố thẳng thắn xoay quanh các tin đồn về tài khoản chìm của Tổng thống Putin. Ông Kostin khẳng định, người đứng đầu Kremlin không có tài sản bí mật nào và việc tìm kiếm những thông tin như vậy chỉ là vô ích. Ông cho hay, hồ sơ Panama...