Ông Đoàn Văn Vươn bồi hồi trở lại khu đầm tôm
Được đặc xá, trở về với gia đình, với khu đầm, chứng kiến sự tiêu điều của vùng nước sau nhiều năm vắng bàn tay mình, ông Đoàn Văn Vươn không khỏi xót xa. Tuy nhiên với ông có tự do là có tất cả. Ông sẽ gây dựng và khôi phục lại mọi thứ!
Ông Đoàn Văn Vươn: Tôi sẽ làm lại từ đầu!
Xúc động ngày về
Khoảnh khắc đoàn tụ bên ngoài trại giam của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Người thân, xóm làng tặng hoa, mở tiệc đón chào anh em ông Đoàn Văn Vươn – Đoàn Văn Quý.
Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý, 2 phạm nhân đặc biệt của đợt đặc xác 2015, đã trở lại khu Đầm Ruộc với biết bao xúc động sau đúng 3 năm 7 tháng 21 ngày thi hành án tù.
Hai ông đã cùng gia đình vượt chặng đường gần 100 km từ trại giam Hoàng Tiến về tới Quang Vinh, Tiên Lãng vào lúc 14h chiều hôm qua, 31/8. Việc đầu tiên người đàn ông này làm là cùng người thân ghé đình Đông để thắp hương báo cáo việc ông đã được tha tù.
Đón ông từ đầu con đê dẫn xuống khu đầm là những người nông dân, những người bạn trong liên chi hội nuôi trồng thủy sản. Tất cả đều giang rộng vòng tay ôm lấy ông, nhiều người không cầm được nước mắt.
Ông Vươn bên bạn bè hàng xóm sau khi trở về cuộc sống đời thường.
Nghe tin ông được hưởng đặc xá của Chủ tịch nước, người nhà và bà con lối xóm đã dựng rạp, nấu cỗ để “mở tiệc” ăn mừng. Trong giây phút hội ngộ, ông Vươn đã kể cho mọi người nghe những vất vả mà gần 4 năm qua anh em ông đã trải qua. Ông cũng nói nhiều đến tình người phía sau song sắt nhà tù. Ông kể từ quản giáo đến bạn tù không ai khinh nhường hay gây khó cho ông mà ngược lại anh em ông được giúp đỡ hướng dẫn cải tạo tốt để hôm nay hưởng khoan hồng của nhà nước.
Có lẽ vui mừng nhất là hai người vợ của ông Vươn và ông Quý, đó là bà Hiền và bà Thương. Hôm nay hai bà liên tục nói cười, đon đả chào đón bạn bè xa gần tới chơi. Trong bữa cơm liên hoan ngày 2 ông chồng trở về 2 bà vợ cũng được dân làng phục vụ như khách. Hai bà chỉ việc tiếp khách, còn việc làm cỗ, thu dọn đã có đội quân “tình nguyện” là những nông dân trong họ, trong làng đảm nhận.
Bà Hiền vợ ông Quý tâm sự: “Những năm qua vắng chồng, tôi đã phải làm những công việc của chồng mà trước đây tôi chưa bao giờ làm. Giờ anh trở về rồi mẹ con tôi hạnh phúc lắm”.
Còn bà Thương vợ ông Vươn thì không rời chân chồng nửa bước, chia sẻ: “Anh Vươn về rồi tôi lại trở lại người đàn bà phía sau đầm áng, nuôi con, cơm nước cho chồng. Anh ấy giỏi lắm, tôi tin anh ấy sẽ kiến tạo lại mọi thứ”.
Video đang HOT
Vì ông Vươn, Quý là 2 phạm nhân đặc biệt nên ngày đón ông về cũng vô cùng đặc biệt. Những bó hoa rực rỡ của người dân mang đến tặng ông như vừa biết ơn, như vừa để chúc mừng người nông dân chịu nhiều thiệt thòi trong việc đi tìm công lý. Dòng họ cũng giành cả một lẵng hoa rực rỡ trân trọng ghi lên dòng chữ “Mừng ngày trở về” để gửi đến anh em ông.
Ngày về – trong vui mừng hân hoan và nước mắt, trong lòng anh em ông Vươn và toàn thể gia đình ông đều pha lẫn những cảm xúc lâng lâng khó tả.
Sẽ làm sáng lại vùng đầm Ruộc
Sau phút chào đón của bà con làng xóm và người thân, ông Vươn trở đã đi thăm lại khu đầm của mình, nơi gần 4 năm về trước ông và gia đình đã tuyệt vọng bảo vệ để đến mức phải vi phạm pháp luật. Trao đổi với PV Dân trí, ông chia sẻ: “Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc dâng trào cảm xúc sau bao tháng ngày phải sống trong trại giam, nay được trở lại với cuộc sống đời thường thật sự không có niềm vui nào lớn hơn.
Hôm nay được đoàn tụ với gia đình tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước và các phóng viên báo chí – những người đã trực tiếp tham gia đưa tin bài. Đặc biệt tôi gửi lời cảm ơn đến những người đã trực tiếp lên tiếng để bảo vệ cũng như giúp đỡ tôi lấy lại công lý.
Đầm ruộng tiêu điều khiến ông Vươn không khỏi xót xa.
Sau khi trở về với gia đình và xã hội, tôi sẽ tiếp tục sống và làm lại những gì đã mất, tiếp tục đầu tư vào nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi vịt và mở rộng sản xuất hơn nữa để ổn định cuộc sống. Tôi sẽ làm bù cho cả những tháng năm mình đã không làm được khi phải thi hành án tù”.
Hỏi về cảm nghĩ khi ngày đầu trở lại khu đầm sau nhiều năm xa cách, ông nghẹn ngào: “Từ ngày tôi đi trại, đầm gần như bỏ không, giờ về nhìn cánh đầm hoang sơ tiêu điều mà thấy buồn, thấy xót. Nhưng không sao tôi sẽ làm lại, được trở về với cuộc sống đời thường đó là niềm vui vô bờ bến rồi. Có tự do tôi tin anh em tôi bằng sự đoàn kết của huyết thống, nông dân chúng tôi bằng sự chịu thương chịu khó sẽ làm lại và xây lại to lớn hơn”.
Hai vợ chồng ông Vươn đi thăm khu đầm, họ dự định làm lại những gì đã mất trong thời gian tới
Vùng đầm này đã trở thành xương, thành máu của anh em ông Vươn, vì thế hôm nay trở về, từng bước đi trên bờ đê nhỏ cũng khiến người nông dân ấy bồi hồi. Từng con nước dưới ánh đầm kia ông là người thấu hiểu hơn ai hết, ông sẽ biến chúng thành cơm gạo, thành tương lai để làm giàu cho gia đình và xây dựng quê hương.
Thu Hằng – Trọng Trinh
Theo Dantri
Anh em ông Đoàn Văn Vươn ra cải tạo đầm thủy sản sau ngày đặc xá, tự do
Ngày đầu sau khi được đặc xá trở về, anh em ông Đoàn Văn Vươn lai bắt tay làm những công việc quen thuộc với mong muốn sớm kiến thiết lại khu đầm nuôi trồng thủy sản.
Ông Vươn (phải) và ông Quý sắp xếp lại đống lưới bên khu nhà cũ bị phá dỡ trong vụ cưỡng chế đầu năm 2012.
Ngay từ sáng sớm nay (1.9), ông Vươn và em trai Đoàn Văn Quý đã đón tiếp nhiều hàng xóm tới thăm hỏi, động viên. Trở về sau hơn 3 năm 7 tháng trong tù, anh em ông Vươn quên cách dùng điện thoại, đi xe máy không vững và không nhớ tên nhiều người quen biết.
Tranh thủ buổi sáng 2 anh em ông Vươn đi thăm một vòng khu đầm ngoài đê. Đi trên con đường bê tông bé xíu, mọc đầy cỏ dại, ông Vươn cho biết phải mất nhiều ngày mới làm xong để tiện đi lại, nhất là khi chạy bão.
Bà Hiền, vợ ông Quý dậy sớm nấu ăn cho cả nhà
Trên nền nhà cũ, giờ chỉ còn lại căn nhà nhỏ được các thành viên trong Chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng góp sức dựng nên trước Tết năm 2012. Căn nhà cạnh vạt rừng ngập mặn, phía ngoài kia là biển khơi, vợ con của ông Vươn vẫn đang ở đây. Dường như họ muốn sống gần với biển, với rừng sú, vẹt và cả vườn chuối mật xác xơ.
Mặc dù chỉ là những tấm bờ rô xi măng ghép tạm nhưng nó đã giúp vợ con ông Vươn, Quý tránh sương gió, bão bùng suốt hơn 3 năm qua ở nơi cửa biển heo hút.
Ông Vươn không khỏi xúc động khi nhìn vào một số mảng tường đổ, vẫn còn sót lại một vài dòng chữ của người dân ở Thanh Hà, Kim Thành (Hải Dương), Móng Cái, Tây Ka Long (Quảng Ninh)... ghi lại lúc về thăm, chia sẻ với gia đình ông.
Ngay từ sáng sớm đã có nhiều người tới thăm hỏi và uống chén rượu mừng với anh em ông Vươn
Nhìn vườn chuối tiêu điều cạnh đầm tôm, anh em ông Vươn không khỏi xót xa "nhưng đành phải chấp nhận vì nhà thiếu đi người đàn ông, mọi lo toan đè nặng lên 2 người phụ nữ thì giữ được nhà cửa đã là tốt rồi".
Ông Quý cho biết, vườn chuối mật trước đây đã từng mang lại cho gia đình khoản thu nhập để "lấy ngắn nuôi dài". Những ngày sắp tới sẽ tập trung chăm sóc cho vườn chuối trù phú trở lại. Còn ông Vươn đã có ý tưởng nuôi lại đàn vịt đẻ và kiểm tra bờ đầm, dọn dẹp để phát triển thủy sản.
Ông Vươn gắp thức ăn cho mẹ trong bữa ăn tối đầu tiên tại gia đình ngay sau khi đặc xá
Ngày anh em ông Vươn trở về, những đứa trẻ trong nhà không rời bố nửa bước. Bé Đoàn Hải Long, con ông Quý cười nụ: "Đêm qua được nằm bên cạnh bố ngủ thấy khác hơn".
Ngay từ sáng sớm, bà Phạm Thị Hiền, vợ ông Quý đã dậy nấu bữa sáng cho mọi người. Bà cho biết thật sự hạnh phúc khi những sóng gió đã đi qua. "Suốt hơn 3 năm qua, chị em tôi không ngừng cố gắng, sống tốt hơn để cho người ta thấy rằng mình không gục ngã", bà Hiền tâm sự.
Ông Vươn thắp hương cho con gái xấu số trong căn nhà cấp 4 ở ngoài đầm
Cuộc sống ngày đầu sau vụ cưỡng chế, bà Hiền cùng bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Vươn lần mò trong vườn chuối rậm rạp để tìm những buồng chuối già cắt bán lấy tiền trang trải từng ngày. Bà Thương cho biết, những công việc nặng nhọc mà anh em ông Vươn trước đây vẫn hay làm giờ trở nên đơn giản với chị em bà.
"Thời gian đầu, lưới đánh cá loại lớn bị mất nên chị em tôi mua mấy tay lưới loại nhỏ bắt cá, tôm. Cứ hôm nào mưa bão đổ về là phải mặc áo phao đi kiểm tra một loạt bờ đầm xem có bị vỡ không, hay cống có bị nước cuốn trôi không. Nhiều lúc gió quật ngã nhưng lại lóp ngóp đứng lên đi tiếp", bà Thương kể.
Ông Quý thắp hương cho bố.
Tối qua ở nhà công vụ của Tổng đội TNXP, cách nhà cũ chừng 500m gia đình ông Vươn, ông Quý cùng họ hàng và một số bạn bè quây quần bên mâm cơm. Họ kể cho nhau nghe về những câu chuyện trong thời gian ở tù, ở nhà và dự định làm ăn.
Ông Vươn thi thoảng gắp thức ăn cho mẹ là bà Trần Thị Mạp, 84 tuổi ngồi cạnh. Bà Mạp chia sẻ: "Suốt hơn 3 năm 7 tháng qua bà mong ngóng tin con từng ngày. Từ hôm nghe tin 2 con trai được ra tù, tôi cảm thấy phấn chấn, khỏe hơn rất nhiều".
Đứng nhìn khu chuồng lợn bị phá, ông Vươn xót xa cho biết nếu không có cưỡng chế thì đã xuất chuồng bao đàn lợn
Anh em ông Vươn đi thuyền thăm nom một vòng đầm nuôi tôm
Kiểm tra săm hứng cá ở cửa cống
Vườn chuối trở nên tiêu điều trong thời gian anh em ông Vươn đi tù
Ông Quý cho biết sẽ tập trung chăm sóc cho vườn chuối trù phú trở lại
Bài, ảnh: Vũ Ngọc Khánh
Theo Thanhnien
Hình ảnh sau 3 năm nơi đầm bãi Đoàn Văn Vươn Con trai lớn của Đoàn Văn Vươn đã là sinh viên năm thứ 3; cháu út đã học lớp 5; hai con trai của Đoàn Văn Quý cũng đã học lớp 7 và lớp 3. Khu đầm bãi rộng mênh mông, cỏ dại mọc kín đường đi, nhưng sẽ được cắt bỏ trong thời gian tới. Đó là những việc đang tiếp diễn...