Ông Đinh La Thăng yêu cầu khẩn cấp chống ngập cho Tân Sơn Nhất
Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu thành phố khẩn trương có kế hoạch điều hành tổng thể để chống ngập cho sân bay, đồng thời phân trách nhiệm cho từng cơ quan.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu tại cuộc họp sáng nay. Ảnh: T.N
Sáng 19/9, làm việc với với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng cùng các sở ngành của TP HCM về nguyên nhân và các giải pháp chống ngập ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị UBND phải khẩn trương xây dựng kế hoạch điều hành tổng thể để chống ngập. Trong đó bao gồm cả việc phân cấp, phân quyền, đầu tư hạ tầng, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị cụ thể.
“Một số dự án Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo thì cần triển khai nhanh hơn. Cái gì cần cơ chế đột phá báo cáo Chính phủ để thực hiện sớm, giải quyết những vấn đề cấp bách nhằm phục vụ người dân”, người đứng đầu Thành ủy TP HCM nói về các dự án chống ngập và ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Đối với giải pháp xây hồ điều tiết cho sân bay, ông Thăng cho rằng cần nghiên cứu, tính toán dự án cần bao nhiêu đất, kế hoạch khai thác như thế nào để đảm bảo sử dụng lâu dài.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm chống ngập TP HCM Nguyễn Ngọc Công cho biết, trong hai ngày 26/8 và 11/9 lượng mưa ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất khá lớn dẫn đến tình tràng ngập cục bộ ở một số vị trí sân đỗ. Đặc biệt trận mưa lớn kỷ lục hôm 26/8 khiến ít nhất 4 vị trí sân đỗ tàu bay bị ngập.
“Sau khi khảo sát thực tế các đơn vị đã nêu nguyên nhân tình trạng ngập chủ yếu là do tuyến kênh A41 bị tắc nghẽn. Con kênh dài 2 km này bị lấn chiếm, lòng kênh bị hẹp lại, không đảm bảo thoát nước”, ông Công nói và cho biết giải pháp được đưa ra là nạo vét, mở rộng lòng kênh. Trước mắt sẽ xây hồ điều tiết để thu gom nước khi có mưa lớn.
Video đang HOT
Lãnh đạo Trung tâm chống ngập cho rằng, về lâu dài sẽ đầu tư, mở rộng tuyến kênh này để đảm bảo thoát nước. Quận Tân Bình được giao làm chủ đầu tư toàn bộ dự án, từ công tác giải phóng, xây dựng và cả quản lý sau này. Nếu để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm thì phải chịu trách nhiệm
Kênh A41 trước đây rộng 8 m, nhưng do bị lấn chiếm nên có đoạn chỉ còn rộng 1 m. Ảnh: H.C
Ba hôm trước, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các sở ngành cũng xuống thị sát những đoạn kênh bị lấn chiếm khiến sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) rơi vào cảnh ngập mỗi khi mưa lớn. Đối với tình trạng của kênh A41, ông Phong đề nghị quận Tân Bình sớm báo cáo UBND thành phố về đơn giá bồi thường cho người dân khi mở rộng, cải tạo; còn đối với những hộ lấn chiếm trái phép thì có phương an hỗ trợ.
“Để cho người dân lấn chiếm, giờ hỗ trợ bồi thường cũng tốn rất nhiều tiền. Đó là do công tác quản lý của chúng ta chưa tốt”, ông Phong nói và yêu cầu Sở Tài chính tạm ứng kinh phí để dự án sớm được triển khai.
Thời gian gần đây, nhiều trận mưa lớn đã nhấn chìm bãi đỗ máy bay của Tân Sơn Nhất đến 30 cm, hàng loạt chuyến bay buộc hạ cánh nơi khác, nghiêm trọng nhất có thể phải đóng cửa sân bay nếu nước tràn vào làm nổ biến thế trong trạm điện.
Thiên Ngôn
Theo VNE
Ông Đinh La Thăng: 'Có tiền làm đường, không cần Giám đốc Sở GTVT'
Giọng từ tốn, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng phải huy động mọi nguồn lực để có tiền đầu tư hạ tầng , chứ có sẵn tiền thì ai làm cũng được, không cần đến Giám đốc Sở GTVT.
Tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với tỉnh Long An giai đoạn 2007-2015 sáng 16/7, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nói, mấu chốt giữa 2 địa phương là nằm trong hợp tác vùng, muốn tốt cần xử lý quy hoạch về không gian. Tuy nhiên, việc này hiện làm chưa tốt do cơ chế phát triển liên kết vùng còn hạn chế.
"Long An có lợi thế rất gần đầu tàu kinh tế TP HCM. Trung tâm của 2 địa phương chỉ cách nhau 45 phút di chuyển nhưng vẫn chưa phát triển được là vì liên kết vùng chưa tốt. Long An phát triển cũng sẽ thúc đẩy TP HCM phát triển", ông Thăng nhận định.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần ký kết hợp tác giữa 2 địa phương. Ảnh: Hữu Công
Người đứng đầu Thành ủy TP HCM cho hay, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thành phố đề nghị phải có cơ chế điều phối, liên kết vùng cụ thể cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giao cho một Phó thủ tướng phụ trách. "Bởi thực tế không thể nào ông Chủ tịch TP HCM chỉ đạo được Long An, hay ngược lại".
Theo ông Thăng, 5 năm tới, liên kết giữa hai địa phương phải cụ thể, không thể nói chung chung. Lĩnh vực giao thông đã có sẵn chủ trương, cần bắt tay vào làm ngay. Nếu thiếu vốn thành phố phải tìm mọi cách để huy động. Lấy dẫn chứng về quyết tâm thực hiện dự án Quốc lộ 50, ông Thăng nói thành phố "phải cố làm cho xong".
Giọng từ tốn, ông Thăng quay sang Giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Xuân Cường: "Giờ giao cho cho anh Cường 5 tỷ USD để làm công trình này công trình kia thì cần gì Giám đốc Sở GTVT nữa. Có tiền sẵn thì ai làm chẳng được. Chính vì vậy, khó cái gì mình tập trung tháo gỡ cái đó. Khó vốn thì phải tìm ta nguồn lực để huy động", ông Thăng nói về đề nghị UBND TP HCM rà soát mọi nguồn lực để huy động vốn.
Trước đó, nói về sự kết nối giao thông giữa hai địa phương, ông Bùi Xuân Cường cho biết, so với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long khác, Long An là tỉnh có chung địa bàn giáp ranh với thành phố nhiều nhất. Năm huyện ở TP HCM đều có đường kết nối với Long An. Nhiều tuyến đường, trục kết nối tốt hai địa phương như cao tốc Trung Lương, Quốc lộ 1, Tỉnh lộ 10.
"Tuy nhiên, một số dự án kết nối giữa 2 nơi đang triển khai nhưng gặp khó khăn như Quốc lộ 50, cầu Rạch Dơi... Đây là những dự án đã được quy hoạch nhiều năm nhưng chưa đầu tư được, có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là thiếu vốn", ông Cường nói.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh cũng cho rằng lợi thế của Long An là gần TP HCM, thành phố phát triển mạnh thì cũng kéo Long An phát triển theo. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ 10 của tỉnh đã đặt ra 2 chương trình đột phá lớn là phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tham gia vào thị trường TP HCM và xuất khẩu; thứ hai là huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông.
"Vì vậy, chúng ta phải làm sao để kết nối hạ tầng giao thông giữa Long An và TP HCM. Theo quy hoạch phát triển đô thị, Long An muốn phát triển vùng Cần Giuộc để có thể sau này là vệ tinh của TP HCM. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện về hành chính, thủ tục để doanh nghiệp TP HCM đến Long An đầu tư", ông Rạnh cam kết.
Hôm 15/7, trong hội nghị tổng kết chương trình hợp tác với tỉnh Lâm Đồng, ông Đinh La Thăng bày tỏ mong muốn có đường cao tốc nối giữa TP HCM và Lâm Đồng "để nông dân ở Đà Lạt sáng thu hoạch thì buổi trưa người dân thành phố đã được thưởng thức rau sạch, trái cây tươi".
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến cho rằng, hiện Lâm Đồng cung cấp 60% lượng rau và 30% lượng hoa quả tiêu thụ trên địa bàn TP HCM. Vì vậy, ông Tiến mong muốn trong thời gian tới được TP HCM hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ quảng bá về thương hiệu sản phẩm.
Hữu Công
Theo VNE
TP HCM nạo vét 18 kênh ô nhiễm Theo chỉ đạo của UBND TP HCM, muộn nhất vào cuối năm sau phải hoàn thành việc nạo vét tất cả 18 tuyến kênh, rạch ô nhiễm ở quận 12 và huyện Hóc Môn. Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa vừa có văn bản yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan thực hiện chỉ đạo của Bí thư...