Ông Đinh La Thăng vẫn là Ủy viên Trung ương Đảng
Với mức kỉ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, ông Đinh La Thăng vẫn là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Ngày 7.5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã làm việc tại Hội trường để xem xét và thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng.
Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 7.5, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Câu chuyện của ông Đinh La Thăng là câu chuyện dài, theo báo cáo của Ủy ban kiểm tra trung ương thì sai phạm của ông là sai phạm trong thời kỳ còn làm lãnh đạo ở Tập đoàn dầu khí, từ 2009 đến 2011.
Trong quá trình công tác gần 35 năm, ông Thăng đã 3 lần được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII. Đến đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng, tháng 1/2016, ông Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Đinh La Thăng phát biểu tại Đại hội Đảng 12. Ảnh: TTXVN
Từ ngày 5.2.2016, ông Đinh La Thăng được Bộ chính trị phân công tham gia Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM và giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Video đang HOT
Như vậy, quyết định kỷ luật hiện tại là kỷ luật những sai phạm của thời kỳ cách đây 6 năm, cũng có khi là 10 năm về trước, kỷ luật những việc làm trong quá khứ.
Các hình thức kỷ luật của Đảng, cũng có những bậc khác nhau, đầu tiên là phê bình, sau đó nếu cứ tiếp tục sai thì sẽ tiến hành khiển trách, sai nặng hơn thì cảnh cáo, nếu nặng quá thì cách chức, khai trừ. Hình thức cao nhất trong đảng là khai trừ khỏi Đảng. Tuy nhiên, với quyết định cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, ông Đinh La Thăng vẫn là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng”.
“Tuy nhiên, với hình thức kỷ luật cảnh cáo sau 1 năm kiểm điểm, thực hiện tốt, có thể xoá kỷ luật, vì thế trong 1 năm, cũng có thể ông Thăng sẽ không được phân công nhiệm vụ gì. Sau khi đã xoá kỷ luật thì coi như chưa từng bị kỷ luật, từ đó có thể phân công bất cứ nhiệm vụ gì, thông thường kỷ luật cảnh cáo thì sẽ bị mất chức”, ông Thuận nói thêm.
Cũng đưa ra quan điểm về câu chuyện trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri – Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho biết:
“Hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp lấy phiếu của tất cả uỷ viên ban chấp hành để tiến hành xử lý kỷ luật ông Đinh La Thăng, với hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ chính trị khóa XII, đây là hình thức chưa đến mức khai trừ, như vậy, hiện tại ông Thăng vẫn là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng.
Sau này sẽ được bố trí làm việc tại một vị trí nào đó, vì vẫn còn là uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng”.
Trước đó, từng trao đổi với báo chí ngày 3.5, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, kết quả bỏ phiếu của Ban Chấp hành Trung ương là kết luận cuối cùng và có giá trị cao nhất. Kỷ luật đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.
Cũng có trường hợp Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu kỷ luật ở mức độ thấp hơn đề nghị của Bộ Chính trị vì lá phiếu của Trung ương là quyết định.
Trong việc cách chức đảng viên, khi Ban Chấp hành Trung ương xem xét có thể cách một hoặc tất cả các chức vụ mà đương sự đang nắm. Có những ủy viên Trung ương Đảng bị khai trừ ra khỏi đảng, ngay khi giải lao người bị kỷ luật phải ra khỏi cuộc họp của Trung ương luôn.
Theo Sơn Ca (Đất Việt)
Ông Đinh La Thăng với 2 lần lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011 -2016) ông Đinh La Thăng giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT, ông có hai lần lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội.
Ông Đinh La Thăng trả lời chất vấn trước khi Quốc hội khi còn là Bộ trưởng Bộ GTVT. Ảnh: VPQH.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII (tháng 6.2013), Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu, ông Đinh La Thăng được 186 phiếu tín nhiệm cao, 198 phiếu tín nhiệm, 99 phiếu tín nhiệm thấp.
Chỉ gần một năm rưỡi sau, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (tháng 11.2014) Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, ông Đinh La Thăng được số phiếu tín nhiệm cao là 362 phiếu (chiếm 72.84% tổng số đại biểu Quốc hội), số phiếu tín nhiệm 91 phiếu (chiếm 18.31% tổng số đại biểu Quốc hội), số phiếu tín nhiệm thấp: 28 phiếu (chiếm 5.63% tổng số đại biểu Quốc hội).
So sánh giữa hai lần lấy phiếu tín nhiệm trên, số phiếu tín nhiệm cao mà các đại biểu Quốc hội dành cho ông Đinh La Thăng đã tăng lên gần gấp đôi, số phiếu tín nhiệm thấp giảm đi hơn 3 lần.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng từng đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 2, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII.
Vào thời gian nửa cuối nhiệm kỳ trên cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao về những phát ngôn mạnh mẽ, thẳng thắn, hành động quyết liệt.
Trả lời trên báo chí, đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An nói: Cử tri ghi nhận có nhiều chuyển biến trong ngành GTVT, cách làm việc minh bạch, công khai. Chỉ ở Bộ GTVT mới dễ dàng tìm thấy việc đình chỉ dự án chậm tiến độ, đình chỉ công tác cán bộ lãnh đạo, công khai các vấn đề nội bộ. Cùng với đó, việc xử lý tình huống rất nhanh nhạy, ví dụ như vụ sập cầu Chu Va 6 (Lai Châu) được ông Đinh La Thăng chỉ đạo rốt ráo, nhanh chóng khắc phục hậu quả, tìm nguyên nhân, xử lý trách nhiệm.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), trong 3 năm qua theo dõi tinh thần làm việc các ngành GTVT, thấy ông Đinh La Thăng thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao của mình, trong đó có việc rà soát cắt giảm giá thành các dự toán công trình lên đến 35.000 tỷ.
Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, góp ý vào Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) trong bài phát biểu có đoạn: "...Nhân dân rất ủng hộ và theo dõi từng bước đi của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng vì hơn lúc nào hết nhân dân khao khát sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng.
Nhân dân và cán bộ đảng viên cần những Bí thư lăn vào cuộc sống, những Bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng có đủ những ràng buộc, công khai và minh bạch, được đảm bảo cho họ bằng pháp luật, để những hy sinh, cống hiến của họ được đến với nhân dân...".
Sáng 7.5, Ban Chấp hành T.Ư Đảng làm việc tại Hội trường để xem xét và thi hành kỷ luật cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, điều hành phiên họp. Sau khi nghe đồng chí Trần Quốc Vượng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, thay mặt Bộ Chính trị đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và nghe đồng chí Đinh La Thăng phát biểu ý kiến, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã thảo luận kỹ, thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị. Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Theo Danviet
Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị Ngày 7.5, Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 5 khóa XII bước vào ngày làm việc thứ ba. T.Ư đã tiến hành bỏ phiếu thi hành kỷ luật với ông Đinh La Thăng. Ông Đinh La Thăng không còn là Ủy viên Bộ Chính trị (ảnh VNN). Chiều tối ngày 7.5, Văn phòng T.Ư Đảng có thông cáo báo chí...