Ông Đinh La Thăng: Mục tiêu TP HCM có 500.000 doanh nghiệp không viển vông
Trước băn khoăn về khả năng tăng gấp đôi, gấp ba số doanh nghiệp trong vòng 4 năm tới, Bí thư TP HCM cho rằng việc này là khả thi với số lượng đơn vị hiện tại, khả năng thúc đẩy khởi nghiệp và chuyển đổi các hộ kinh doanh.
Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và doanh nghiệp về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ diễn ra sáng nay (3/7), Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố có số doanh nghiệp đăng ký là 270.000 nhưng thực chất hoạt động chỉ 170.000. Trong khi ở các quốc gia phát triển, cứ 15-20 dân là có một doanh nghiệp nên với 12 triệu dân hiện tại thì TP HCM phấn đấu đến năm 2020 phải có 500.000 doanh nghiệp.
“Bên cạnh việc mở rộng số lượng doanh nghiệp, thành phố cũng sẽ chú trọng phát triển chất lượng, xây dựng những tập đoàn lớn có sức cạnh tranh trong khu vực”, ông Phong nói.
Cho rằng mục tiêu đặt ra như trên là tốt nhưng phần lớn doanh nghiệp tham dự hội nghị nghi ngờ về tính khả thi. “Bởi thành phố có hơn 10 triệu dân, tức tương đương khoảng hơn 2 triệu gia đình mà cứ 4 gia đình sẽ có một gia đình kinh doanh là điều không hợp lý với thực tế”, ông Nguyễn Quốc Anh – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa – cao su TP HCM nhận xét.
Bí thư TP HCM – Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Hậu
Ông Quốc Anh cũng trích dẫn kết quả khảo sát mới đây của VCCI rằng, càng ngày doanh nghiệp Việt càng li ti chứ không còn là vừa và nhỏ nữa (bình quân vốn và doanh thu trên số lượng doanh nghiệp). “Mà theo quy luật kinh doanh thì doanh nghiệp phải ngày càng lớn lên để tăng tính cạnh tranh và tiềm lực tài chính”, ông nói.
Do đó, theo ông Quốc Anh, thành phố không cần thiết phải đặt mục tiêu đạt 500.000 doanh nghiệp đến 2020 mà phải làm sao để cho tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động này lớn mạnh lên.
Ngoài ra, ông cũng mong muốn lãnh đạo làm sao để tạo ra sự liên thông giữa các cơ quan, bộ ngành để giảm thiểu thời gian đi lại cho doanh nghiệp. Ông dẫn chứng đơn vị mình cần làm một văn bản và theo quy trình thì khoảng 5 ngày là xong. Thế nhưng khi triển khai thì Sở bảo cần có thêm ý kiến quận huyện (quy trình mất 5 ngày nữa nhưng thực tế mất cả tuần). Sau đó, doanh nghiệp lại phải quay về Sở và mất thêm một tuần nữa… Cuối cùng, thay vì 5 ngày xong thì công ty phải mất mấy tuần mới hoàn tất một văn bản chỉ vì không có sự liên thông giữa các cơ quan, bộ ngành.
Ông Nguyễn Lộc – Giám đốc Công ty Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) cũng bày tỏ sự ủng hộ mục tiêu của thành phố, phấn đấu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp, nhưng ông lo ngại việc này quá tham vọng vì chỉ còn có 4 năm nữa thôi nên muốn đạt được phải có những giải pháp hết sức quyết liệt. Chẳng hạn như có nhiều chương trình tạo ra làn sóng khởi nghiệp, bên cạnh những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn xây dựng thương hiệu.
Video đang HOT
Ông cho rằng, hiện nay Việt Nam đang ở một quá trình gia nhập sâu, rộng với nền kinh tế quốc tế nhưng các hiệp định có phần gây khó cho doanh nghiệp trong nước trong khi lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn.
Đại diện Tổng công ty Samco bày tỏ thêm, chủ trương này là động lực khuyến khích khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng trước khi doanh nghiệp muốn phát triển thì phải phát triển thị trường. Nhưng năm 2017-2018, Việt Nam bước vào các sân chơi lớn như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN… thì thuế suất sẽ về 0% nên đây là trăn trở lớn của các doanh nghiệp và cần có sự hỗ trợ từ chính quyền. Chẳng hạn như xuất xứ về nguyên vật liệu cũng cần thiết nhưng để doanh nghiệp làm được thì khó, Chính phủ, thành phố phải có sự hỗ trợ thì mới giải quyết được.
Về tiết kiệm nguồn lực, trong đó quan trọng là đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng thì trên địa bàn thành phố, các khu công nghiệp chưa lấp đầy nên có những sự hỗ trợ cho doanh nghiệp về cơ chế để họ thuê. Nếu tập trung các doanh nghiệp vào khu công nghiệp thì sẽ đảm bảo được vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ được môi trường tốt hơn…
Đáp lại những băn khoăn về mục tiêu 500.000 doanh nghiệp trong 4 năm tới, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng nhấn mạnh thành phố đưa ra mục tiêu trên là không mơ hồ. Đây là con số được đưa ra dựa trên các yếu tố nền tảng, căn bản, toàn diện của TP HCM.
Theo ông Thăng, hiện nay Thành phố có hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể, và trong môi trường hội nhập thì sắp sẽ tới tạo mọi điều kiện để các hộ cá thể này chuyển thành doanh nghiệp. “Nếu chúng ta có quyết tâm cao thì mục tiêu trên là không viển vông. Đây là con số rất rõ ràng và thành phố có khả năng thực hiện, bên cạnh việc đảm bảo tốt chất lượng doanh nghiệp”, ông Thăng chia sẻ.
Ông Thăng cũng nói thêm, nếu không có quyết tâm thì không thể phát triển, nên thành phố phải đưa ra mục tiêu, khát vọng thì mới phấn đấu làm được. Và khát vọng này không chỉ của lãnh đạo thành phố mà còn là khát vọng của doanh nghiệp và của toàn dân.
Tổng kết hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để hoàn thiện việc triển khai Nghị quyết 35, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực và sự hỗ trợ nhau, phải thay tư duy “ai thắng ai” thành tư duy “hai bên cùng thắng”.
Hoạt động thì phải minh bạch để tiếp cận quốc tế vì chúng ta đã bước vào sân chơi toàn cầu, đào tạo nhân lực cao, thu hút chuyên gia nước ngoài và đặc biệt là phải kết nối doanh nghiệp FDI để chuyển giao công nghệ.
Ông Phong cũng cho biết, thành phố đã đề nghị Sở Kế hoạch & Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM tập hợp và đánh giá để lựa chọn ngành nghề nào thuộc chủ lực nhằm xây dựng những sản phẩm có thương hiệu. “Từ năm 2020, cả nước đề ra mục tiêu xây dựng từ 5-10 tập đoàn kinh tế đứng trong top 300 tập đoàn lớn nhất châu Á. Vậy thì TP HCM cần làm gì? Đó là chúng ta cũng phải tính đến các doanh nghiệp đầu đàn”, ông Phong nói.
Lệ Chi
Theo VNE
Mục tiêu 500.000 doanh nghiệp, được không?
Bí thư Đinh La Thăng đánh giá mục tiêu này phù hợp xu hướng quốc tế: Ở các nước phát triển bình quân cứ 10 dân có một doanh nghiệp. Ở nước ta hiện là 200 người có một doanh nghiệp.
Sáng 3-7, lãnh đạo TP.HCM và đại diện của hơn 150 doanh nghiệp (DN), hội ngành nghề đã gặp gỡ, trao đổi kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN.
"Lãnh đạo rất mong nhận được sự góp ý thẳng thắn, chân tình của các DN, bởi kế hoạch này phục vụ cho sự phát triển của chính DN" - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bày tỏ.
Lo ngại doanh nghiệp li ti
Trong dự thảo kế hoạch, TP.HCM đặt ra mục tiêu có 500.000 DN hoạt động vào năm 2020. "Mục tiêu này dựa trên thống kê của nhiều nước, cứ 20 người dân là có một DN. Dự báo dân số TP.HCM năm 2020 là 12 triệu dân. Như vậy với mục tiêu này, tính ra 24 người dân sẽ có một DN, một giám đốc" - ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, lý giải.
Để đạt mục tiêu trên, Sở KH&ĐT TP cho hay sẽ cùng các UBND quận, huyện rà soát các hộ kinh doanh cá thể. Hộ nào đủ điều kiện sẽ khuyến khích, hỗ trợ họ chuyển đổi lên thành DN.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, góp ý ngay: "Mục tiêu 500.000 DN là rất khó thực hiện. Tính ra cứ bốn gia đình lại có một hộ kinh doanh và điều này cực kỳ không hợp lý".
Ông Anh phân tích thêm: Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), càng ngày các DN Việt càng li ti cả về vốn và doanh thu. "Li ti luôn chứ không chỉ nhỏ và vừa nữa. Trong khi lẽ ra các DN càng ngày càng phải lớn mạnh lên, càng phải hợp lực lại chứ. Theo quan điểm của tôi, không nên đặt mục tiêu thế này, mà đặt mục tiêu những DN đang hoạt động phải lớn mạnh lên" - ông Anh nói.
Tới đây, các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện sẽ khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi lên thành DN. Ảnh: HTD
Quyết tâm thì không viển vông
Tuy nhiên, Bí thư Đinh La Thăng đánh giá mục tiêu này phù hợp xu hướng quốc tế: "Đương nhiên chúng ta phải xây dựng DN mạnh, DN đầu tàu. Nhưng ở các nước phát triển bình quân cứ 10 dân có một DN. Ở nước ta hiện là 200 người có một DN".
Ông Thăng phân tích thêm: Muốn đạt mục tiêu 1 triệu DN trên cả nước, TP.HCM phải chiếm nửa số này, bởi hiện TP cũng đang chiếm nửa số DN của cả nước rồi. "Hiện tại TP có khoảng 250.000 hộ kinh doanh cá thể. Ta phải tạo mọi điều kiện để chuyển các hộ này thành DN. Phải là DN như nhau thì mới bình đẳng, công khai, minh bạch trong mọi vấn đề. Nếu ta quyết tâm thì mục tiêu này hoàn toàn không viển vông, không mơ hồ" - Bí thư Thăng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định thêm ngoài việc phát triển số lượng DN, mục tiêu xây dựng chất lượng DN lớn mạnh cũng được đặt ra. Đến năm 2020, cả nước phấn đấu có 15-20 tập đoàn, trong đó có năm tập đoàn hàng đầu châu Á.
Cải thiện thủ tục hành chính
Dự thảo kế hoạch cũng đặt ra nhiều mục tiêu khác về cải cách thủ tục hành chính. Như 100% quận, huyện và 80% sở, ngành ứng dụng công nghệ thông tin; 70% các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 30% các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4; phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà DN, người dân của cán bộ, công chức...
Nhiều DN đồng thuận với các mục tiêu cải cách này. Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết DN của ông từng mất năm tuần để chờ một văn bản trả lời. Lý do là sự liên thông giữa các sở với nhau và giữa các sở với các quận, huyện hiện rất yếu. "Tôi cần văn bản trả lời của một sở, theo quy trình thì chỉ năm ngày thôi nhưng sở cần lấy ý kiến huyện. Sở làm nhanh, mất năm ngày ra văn bản và gửi đi. Văn bản chạy từ sở về huyện mất tới một tuần lễ. Huyện cũng tích cực xử lý lắm, một tuần sau có văn bản hồi đáp. Nhưng văn bản này cũng mất một tuần đi theo đường công văn mới lên đến sở. Sở nhận xong, mất một tuần để ra văn bản nữa... Không ách tắc, vướng mắc gì cả nhưng chạy đi chạy về kiểu văn thư như thế, tôi mất năm tuần chờ đợi".
Tiếp thu các góp ý, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh sắp tới TP sẽ tổ chức khảo sát để DN tham gia đánh giá, góp ý tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, chất lượng ban hành văn bản...
Samco sản xuất được xe buýt dùng nhiên liệu sạch (CNG), tiết kiệm 30%-40% so với chạy bằng dầu. Nếu có chính sách chuyển đổi toàn bộ phương tiện công cộng sang dùng CNG thì TP sẽ xanh, sạch hơn, ngành công nghiệp hỗ trợ cho xe CNG cũng phát triển theo. Ông TRẦN QUỐC TOẢN, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco) Lãnh đạo TP nói "có tình trạng đưa hàng vào siêu thị thì phải "chạy". TP đã chỉ đạo Saigon Co.op tách riêng bộ phận chọn hàng và bộ phận quyết định mua hàng vì ông vừa chọn vừa quyết định luôn sẽ dễ sinh tiêu cực". Tôi thấy chỉ đạo này rất sát với nguyện vọng của DN. Cần tạo điều kiện cho hàng Việt vào siêu thị. Ông TRẦN ANH THUY, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Rượu Phú Lễ 200 DN ra đời mỗi ngày và không có DN giải thể, ngừng hoạt động thì TP.HCM mới đạt được mục tiêu có 500.000 DN hoạt động vào năm 2020. Hiện nay TP có khoảng 170.000 DN. Theo số liệu quý I-2016, mỗi ngày tại TP.HCM có khoảng 100 DN thành lập mới và 11 DN giải thể.
QUỲNH NHƯ
Theo Phapluat
Bí thư Thăng nói về lí do Sài Gòn mang tên Bác TP.HCM TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ dấu ấn lịch sử như 1 sự tất yếu: Sài Gòn đã nâng bước chân và hun đúc cho quyết tâm sắt đá của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Bí thư Thăng phát biểu như trên tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày TP Sài Gòn - Gia Định...