Ông Đinh La Thăng liên quan thế nào đến dự án Ethanol Phú Thọ?
Liên quan đến dự án Ethanol Phú Thọ, Bộ Công an đã xác định ông Đinh La Thăng có nhiều hành vi sai phạm, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 20.1 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và khởi tố bị can, khám xét nơi ở và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trần Thị Bình – nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN về tội danh “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 224 Bộ luật Hình sự.
Ông Đinh La Thăng trong phiên toà ngày 20.3. Ảnh: TTXVN
Theo Tiền Phong: Quá trình điều tra, CQĐT xác định, tháng 10.2007, ông Đinh La Thăng với tư cách là Chủ tịch HĐQT PVN đã ký Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Ethanol Phú Thọ khu vực phía Bắc. Sau đó, Ban chỉ đạo triển khai các dự án Nhiên liệu sinh học được thành lập do ông Đinh La Thăng làm Trưởng ban, hai Phó tổng giám đốc PVN là Vũ Quang Nam và Trần Thị Bình làm Phó ban.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT PVN và bà Trần Thị Bình – nguyên Phó TGĐ PVN về tội “Vi phạm các quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí.
Tại dự án Ethanol Phú Thọ, Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đã tiến hành sơ tuyển nhà thầu thực hiện gói thầu TK05 “Thiết kế, mua sắm, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng công trình Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu sinh học phía Bắc”.
Qua chấm thầu, tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của cả 6 nhà thầu đều không đạt yêu cầu, trong đó có liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng, bà Trần Thị Bình và ông Vũ Quang Nam vẫn kết luận cuộc họp, ký các văn bản chỉ đạo thực hiện chỉ định thầu cho liên danh PVC/Alfa Laval Delta-T thực hiện gói thầu TK05.
Thực hiện quy trình về chỉ định thầu, PVB đã thẩm định đánh giá hồ sơ của liên danh này, xác định không đáp ứng được yêu cầu và có báo cáo PVN. Mặc dù vậy, ông Đinh La Thăng cùng hai vị Phó tổng PVN vẫn tiếp tục ký văn bản chỉ đạo ra quyết định đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu TK05 theo hình thức chỉ định thầu. Theo đó, ngày 8.6.2009, PVB đã ra quyết định chỉ định thầu cho liên danh PVC và ký hợp đồng EPC vào ngày 12.8.2009.
Do liên danh PVC/Alfa không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án nên đã dừng thi công. Tính đến khi vụ án được khởi tố điều tra, PVB đã chi cho dự án số tiền lên tới 1.467 tỷ đồng. Qua giám định, xác định thiệt hại bước đầu là 125 tỷ đồng.
Video đang HOT
Dự án Ethanol Phú Thọ bị tạm dừng từ năm 2011 đến nay. Nguồn: Thanh Niên
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của ông Đinh La Thăng, Vũ Quang Nam và Trần Thị Bình đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, ông Vũ Quang Nam hiện đang mắc bệnh hiểm nghèo nên cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý sau.
Trước đó, từ tháng 6 đến tháng 11.2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở hàng loạt lãnh đạo Công ty PVB như: Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng giám đốc; Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Phó Trưởng phòng Đầu tư dự án; Khương Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Thương mại và Hoàng Đình Tâm, nguyên Trưởng phòng Tài chính – Kế toán. Đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thanh Thái, Trưởng phòng Thương mại.
Trước khi bị khởi tố về tội danh trong vụ án mới, ông Đinh La Thăng là bị án trong 2 vụ án cố ý làm trái xảy ra tại PVN và phải bồi thường cho Nhà nước hơn 600 tỷ đồng.
Theo Danviet
Ông Đinh La Thăng đang ở tù, sao lại bị tạm giam?
Vấn đề đặt ra là hiện ông Đinh La Thăng đang chấp hành án phạt tù trong trại giam, giờ ông lại bị ra lệnh tạm giam thì thực hiện thế nào, pháp luật quy định việc này ra sao?
Như Dân Việt đã đưa tin: Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) để điều tra về các sai phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (vụ án Ethanol Phú Thọ).
Các quyết định tố tụng đã được VKSND Tối cao phê chuẩn.
Ông Đinh La Thăng trong phiên toà ngày 20.3. Ảnh: TTXVN
Vấn đề đặt ra là hiện ông Thăng đang chấp hành án phạt tù trong trại giam, giờ ông lại bị ra lệnh tạm giam thì thực hiện thế nào, pháp luật quy định việc này ra sao?
Theo Pháp luật TP.HCM: Ông Vũ Phi Long - nguyên Phó Chánh toà Hình sự TAND TP.HCM - thì việc bắt tạm giam này là trình tự tố tụng bình thường.
Khi khởi tố vụ án mới, các cơ quan tố tụng phải phối hợp với nhau để thực hiện việc bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra vụ án mới. Chế độ tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử khác với chế độ giam để thi hành án phạt tù.
Về căn cứ bắt tạm giam, Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định rõ tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
Khi tổng hợp hình phạt, toà án sẽ tính thời hạn tù từ ngày bắt tạm giam ông Thăng ở hai bản án trước. Như vậy, thời hạn tù của bản án mới gần như không có vì tổng hợp hình phạt của hai bản án trước đã là 30 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Hồng - Đoàn Luật sư TP.HCM - cũng cho biết, Công an TP.HCM cũng đã có công văn hướng dẫn, khi bị án đang chấp hành án mà bị bắt giam để điều tra trong vụ án khác thì thông qua cơ quan thi hành án hình sự. Thủ tục gồm lệnh bắt tạm giam, mục đích trích xuất, thời gian trích xuất...
Ngoài ra, Điều 35 Luật Thi hành án hình sự 2010 quy định Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh nơi cơ quan, người tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất có nhiệm vụ tiếp nhận, áp giải và quản lý phạm nhân được trích xuất trong thời gian trích xuất. Trường hợp đưa phạm nhân được trích xuất ra khỏi nơi chấp hành án thì căn cứ lệnh trích xuất, trại tạm giam hoặc nhà tạm giữ nơi cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có yêu cầu phải quản lý phạm nhân được trích xuất.
Hết thời hạn trích xuất, cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất phải gửi thông báo cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự và bàn giao phạm nhân được trích xuất cho trại giam để tiếp tục thi hành án; nếu có nhu cầu tiếp tục trích xuất thì đề nghị gia hạn trích xuất; thời hạn trích xuất và gia hạn trích xuất không được kéo dài hơn thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại của phạm nhân được trích xuất...
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác băn khoăn về việc ông Thăng đang là bị án thì không thuộc các trường hợp để phải bắt tạm giam như: Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội...
Hơn nữa, về nguyên tắc, bản án hình sự có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành thì phải thi hành theo Luật Thi hành án hình sự.
Ông Thăng là phạm nhân đang chấp hành án phạt tù có thời hạn 30 năm. Thời hạn chấp hành án là xuyên suốt, không bị đình chỉ. Do đó, thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử vụ án mới này sẽ được tính toán trừ vào thời hạn chấp hành án như thế nào?
Chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, gặp gỡ người thân giữa người bị tạm giam cũng khắt khe hơn người đang chấp hành án, như vậy có ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Thăng không. Trong khi đó, trại giam cũng có buồng hỏi cung phục vụ công tác điều tra. Khi cần lấy lời khai, cơ quan tiến hành tố tụng có thể gửi công văn để trại giam bố trí lưc lượng dẫn giải, bảo vệ tại nơi hỏi cung...
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an: Bộ Công an vừa có thông báo về quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Đinh La Thăng, sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Thông báo ghi rõ: Mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (vụ án Ethanol Phú Thọ), ngày 20.01.2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thực hiện các quyết định tố tụng đã được Viện kiểm sát tối cao phê chuẩn.
1. Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Đinh La Thăng, sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
2. Quyết định Khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trần Thị Bình, sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Các bị can bị khởi tố, điều tra về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự.
Vụ án đang được tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Danviet
Ông Đinh La Thăng lần thứ 3 bị khởi tố trong một vụ án khác Liên quan đến việc mở rộng điều tra vụ án tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (Ethanol Phú Thọ). Bộ Công an vừa có thông báo về Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với ông Đinh La Thăng, sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu...