Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị
Ngày 7.5, Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 5 khóa XII bước vào ngày làm việc thứ ba. T.Ư đã tiến hành bỏ phiếu thi hành kỷ luật với ông Đinh La Thăng.
Ông Đinh La Thăng không còn là Ủy viên Bộ Chính trị (ảnh VNN).
Chiều tối ngày 7.5, Văn phòng T.Ư Đảng có thông cáo báo chí nêu rõ: Sáng nay Ban Chấp hành T.Ư Đảng làm việc tại Hội trường để xem xét và thi hành kỷ luật cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, điều hành phiên họp.
Sau khi nghe đồng chí Trần Quốc Vượng- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, thay mặt Bộ Chính trị đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; và nghe đồng chí Đinh La Thăng phát biểu ý kiến, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã thảo luận kỹ, thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị.
Ban Chấp hành T.Ư Đảng nhận thấy: Đồng chí Đinh La Thăng, mặc dù có quá trình công tác gần 35 năm, có những đóng góp nhất định cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và những cơ quan, đơn vị Đồng chí giữ cương vị lãnh đạo nhưng trên cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 – 2011, Đồng chí đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, tổ chức đảng và cá nhân Đồng chí, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng.
Video đang HOT
Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Trước đó ngày 27.4, Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng có thông báo kết luận số 14 về những vi phạm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN.
Kết luận nêu rõ: Đồng chí Đinh La Thăng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.
Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành T.Ư Đảng thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền.
Ông Đinh La Thăng SN 1960, quê Nam Định, học vị tiến sĩ. Ông từng là kế toán trưởng Công ty cung ứng vật tư thuộc Tổng công ty xây dựng thuỷ điện Sông Đà trong giai đoạn 1983-1988. Từ 1989 đến 2001, ông Thăng giữ nhiều chức vụ khác nhau tại Tổng công ty xây dựng thuỷ điện Sông Đà. Từ 2001-2003, ông là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà. Ông được luân chuyển làm Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế từ tháng 11.2003 đến hết 2005. Đầu năm 2006, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tháng 8.2011, ông Đinh La Thăng được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Tháng 1.2016, tại Đại hội XII của Đảng, ông được bầu vào Ban chấp hành T.Ư Đảng và được Ban chấp hành T.Ư bầu vào Bộ Chính trị. Đến tháng 2.2016, ông được Bộ Chính trị điều động về làm Bí thư Thành ủy TP. HCM. Ông là đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII và XIV.
Theo Danviet
Cơ quan nào có thẩm quyền kỷ luật Uỷ viên Bộ Chính trị?
Theo PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM), đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị có những sai phạm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật thì Ban chấp hành TƯ Đảng là cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Như Dân Việt đã thông tin, trong thông báo kết luận kỳ họp thứ 14 Ủy Ban Kiểm tra TƯ Đảng đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM theo thẩm quyền.
Trong kết luận nêu rõ: Ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 - 2011.
Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, việc Ủy Ban Kiểm tra TƯ Đảng đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật với Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng không phải là trường hợp đầu tiên. Vào năm 1990 ông Trần Xuân Bách lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, do vi phạm kỷ luật ông đã bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị và các chức vụ trong Đảng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Ảnh: Zing
Trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Hà Phan, vào năm 1996. Ông Phan là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, do sai lầm trong thời gian làm công tác binh vận, nên tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa VII (4.1996), ông đã bị kỷ luật khai trừ Đảng và tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX (10.1996) đã quyết nghị bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội và đại biểu Quốc hội của ông.
Vẫn theo PGS Phúc, trường hợp một Ủy viên Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng có những vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì thẩm quyền quyết định thuộc về Ban chấp hành TƯ. Bộ Chính trị họp rồi bỏ phiếu, sau đó trình ra Ban chấp hành TƯ để Ban Chấp hành TƯ xem xét, quyết định bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Nhìn nhận về việc ông Đinh La Thăng bị đề nghị thi hành kỷ luật Đảng, PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc nói: "Kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước không có vùng cấm, không loại trừ bất kỳ ai. Dù anh ở cương vị nào được giao nếu vi phạm đều phải bị xử lý về kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Mọi đảng viên không kể chức vụ đều bình đẳng trước pháp luật, trước pháp luật của Nhà nước. Thậm chí dù anh đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác nhưng anh công tác ở nơi cũ mà vi phạm việc này, việc kia cũng vẫn bị xem xét, xử lý quy trách nhiệm".
Tại Hội nghị Ban Chấp hành TƯ 7 kỳ II khóa IX, Ban Chấp hành TƯ đã xem xét và biểu quyết thi hành kỷ luật ông Trương Tấn Sang lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương bằng hình thức khiển trách. Lý do là trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy TP.HCM (khóa VI) ông chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ.
Theo Danviet
Bí thư Đinh La Thăng hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen Thủ tướng Hun Sen cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Lãnh đạo và nhân dân TPHCM dành cho ông và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Campuchia. Thủ tướng Hun Sen khẳng định: "chuyến thăm Việt Nam và TPHCM tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 nước". Trưa 21/12, sau chuyến thăm Khu di tích Lịch...