Ông cựu chiến binh hăng say làm khuyến học
Cả cuộc đời cống hiến sức lực trong quân đội, ông Võ Duy Liên tiếp tục miệt mài làm việc có ích cho xã hội, đặc biệt ông là người xây dựng công tác khuyến học-khuyến tài ở địa phương trở nên mạnh mẽ hơn, góp phần giúp đỡ nhiều thế hệ học sinh được đến trường.
Sinh ra và lớn lên trên miền đất anh hùng thuộc xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), ông Võ Duy Liên (SN 1949, ngụ thôn Liên Hiệp II, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Với lời thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, ông bắt đầu gia nhập vào hàng ngũ quân đội khi vừa tròn 16 tuổi.
Rời tay súng là cầm viên phấn
Trong những năm chiến đấu ác liệt, chàng thanh niên Võ Duy Liên bắt đầu đi thoát ly vào ngày 2/3/1965, mang theo lời thề xương máu và niềm tin giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ngày đầu gia nhập quân đội ở Sư đoàn 2 Bộ binh (đóng quân tại tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng lúc bấy giờ), Võ Duy Liên hăng say học hỏi các kỹ năng chiến đấu và trao dồi bản lĩnh chính trị vững vàng. Sau thời gian dài nỗ lực, ông được đơn vị tin tưởng cho đi học tại trường Sỹ quan Lục quân I (tỉnh Hà Tây cũ) vào năm 1974, mang theo cầu vai với cấp bậc Chuẩn úy.
“Tôi còn nhớ như in, vào năm 1975, trong chiến dịch mùa xuân đại thắng tôi tham gia đánh địch ở Tam Kỳ (Quảng Nam), đạn của địch bay xuyên qua vùng chân của tôi, lúc này không thể di chuyển được, tôi vừa cắn răng chịu đựng sự đau đớn, vừa tiếp tục chiến đấu. Trong lúc giao chiến, tôi lại bị đạn địch bắn xuyên ngang làm cháy da ở sóng mũi, may mắn tôi còn sống để tiếp tục cống hiến sức lực cho đất nước”, ông Liên nhớ lại.
Đến năm 1977, ông Liên tốt nghiệp ra trường và được phong quân hàm Thiếu úy. Trải qua nhiều vị trí công tác, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí Võ Duy Liên thực hiện nhiệm vụ giảng dạy ở các trường chính trị (Quân khu V), trường Tổng hợp Đà Lạt (Lâm Đồng), trợ lý huấn luyện sỹ quan dự bị ở Lâm Đồng…
Video đang HOT
Với bản tính cương trực, ngày đầu làm thầy giáo, ông trở nên lúng túng với nghiệp vụ Sư phạm mà ông không ôn lại trong thời gian dài chiến đấu. Vừa ngắm nhìn thành tích cống hiến, ông vừa tâm sự: “Khi học ở các trường quân sự, tôi được đào tạo nhiều về phương pháp giảng dạy, trong thời gian ngắn đầu tư ôn lại, tôi dần tự tin hơn mỗi giờ lên lớp, nhờ đó tôi được giao nhiệm vụ giảng dạy môn Quân sự, Tâm lý học và Chính trị trong suốt hơn 10 năm”.
Từ năm 1989 đến 1998, ông Liên được điều về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi làm “nhà giáo áo lính” với cương vị trợ lý huấn luyện cho đến khi nghỉ hưu với hàm Thiếu tá.
Tiếp sức học sinh đến trường
“Dù đã nghỉ hưu, tôi vẫn luôn hứa rằng Đến khi nào không thể ăn, đi lại và nói thì tôi sẽ nghỉ ngơi“, nhờ tiếp tục hoạt động trong hơn 14 năm qua, tôi thấy khỏe hơn nhiều so với tuổi 63 này”, ông Liên khẳng định.
Sau khi nghỉ hưu, người cựu chiến binh với 40 năm tuổi Đảng tích cực góp sức mình cho công tác khuyến học tại địa phương.
Mang trên mình vết đạn quân thù (thương binh ), mỗi khi thời tiết trở gió, cơ thể ông lại tê tái, thế nhưng nỗi đau thể xác vẫn không ngăn tinh thần cống hiến cho quê hương.
Cho đến năm 2012, ông làm Chi hội trưởng Hội Khuyến học thôn Liên Hiệp II (thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh) và phát triển gần 500 hội viên cùng 8 phân hội khuyến học. Bên cạnh đó, ông thường xuyên vận động sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, nguồn lực xã hội khác hỗ trợ học sinh trong địa phương. Trong năm Nhâm Thìn, chi hội đã hỗ trợ trên 200 em đến trường.
“Tuy sự hỗ trợ có lúc là tập vở, khi thì tiền hoặc cây viết nhưng đã tiếp sức, động viên các em học khá, giỏi. Cả thôn bé nhỏ có 5 gia đình, 1 khu dân cư số 8 và 1 dòng họ Võ hiếu học”, vị Chi hội trưởng cho biết.
Hơn 10 năm làm công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương, ông Liên được người dân, chính quyền địa phương tin yêu. Qua đó, cá nhân ông được Hội Khuyến học cấp huyện, Chủ tịch UBND thị trấn và huyện Sơn Tịnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen với nhiều thành tích trong công tác khuyến học và bảo vệ an ninh tổ quốc.
Ngoài công tác làm khuyến học trong nhiều năm qua, ông Liên đang hoạt động với các tổ chức gồm Trưởng Khu dân cư thôn, thành viên ban chấp hành Hội khuyến học thị trấn Sơn Tịnh, mặt trận, tổ hòa giải, ban an toàn giao thông, chi bộ Đảng…
Hiện ông Liên là Phó Ban quản lý các chợ ở thị trấn Sơn Tịnh (3 chợ) gồm chợ nông sản thực phẩm, chợ gia súc và chợ chiều. Mặc dù hoạt động nhiều tổ chức nhưng ông vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Khi PV Dân trí hỏi về cơ duyên nào ông từ người lính chuyển sang quản lý chợ khi tuổi đã cao, ông Liên khẽ cười và chỉ tay lên tường nơi treo “tấm bằng” tốt nghiệp ngành “Nghiệp vụ quản lý chợ”, tốt nghiệp năm 2009 do trường Cao đẳng Thương mại cấp với kết quả học tập đạt loại Giỏi, khi đó ông đã tròn 60 tuổi.
“Đến lớp tôi chú tâm vào học tập và nghiên cứu, khi kết quả đạt loại Giỏi, trong lớp ai cũng ngỡ ngàng về lão già này”, ông Liên mỉm cười tâm sự.
Được biết, ông Liên có 3 người con đều học giỏi và có công ăn việc làm ổn định, bởi hình ảnh ông chính là tấm gương sáng để các con học tập. Trong năm 2012, gia đình ông được vinh danh đón nhận danh hiệu “Gia đình hiếu học”.
Hồng Long
Theo dân trí
Hà Nội biểu dương nhiều mô hình khuyến học sáng tạo
Ngày 5-12, Hội Khuyến học Hà Nội phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức Đại hội biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học tiêu biểu.
Đây là dịp để các địa phương trao đổi kinh nghiệm trong công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập với nhiều cách làm sáng tạo. Quận Long Biên, huyện Mê Linh có phong trào "Mâm cỗ khuyến học" vận động các đôi trai gái mới kết hôn ủng hộ số tiền tương đương một mâm cỗ góp cho quỹ khuyến học. Xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn phát động phong trào "Tiếng loa khuyến học" báo thức học sinh ngồi vào bàn học, giúp các em hình thành nền nếp tác phong và thói quen học tập... Hội khuyến học Hà Nội có quy mô hoạt động rộng khắp ở tất cả 577 xã, phường, thị trấn của 29 quận huyện với 8.788 cơ sở hội và 540 nghìn hội viên. Tổng số quỹ khuyến học lên tới 60 tỷ đồng, mỗi năm động viên, khen thưởng cho hàng chục nghìn học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, giáo viên giỏi.
Theo ANTD
Quả ngọt từ "Gia đình hiếu học" Mấy năm qua, phong trào thi đua học tập trong nhân dân đã được huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) triển khai triệt để, đạt hiệu quả cao, thiết thực. Nhiều phụ huynh là nông dân nghèo thà bán đất chứ không để con em mình nghỉ học. Tinh thần đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi gia đình...