Ông chủ Lầu Năm Góc có thể muốn ‘câu giờ’ khi mềm giọng về Biển Đông
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Washington chưa cần có hành động quân sự ở Biển Đông có thể là động thái “câu giờ”.
Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: CNN
“Ông Mattis nói như vậy có thể vì câu giờ, để chính quyền của Tổng thống Donald Trump hoàn thiện nhân sự hoặc lập chiến lược giữa Washington và các đồng minh”, ông Robert Eldridge, cựu quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện làm việc tại Nhật Bản, trao đổi với VnExpress về phát ngôn của ông Mattis tại Nhật cuối tuần qua.
Bộ trưởng Mattis hôm 4/2 cho biết Mỹ hiện không cần thiết phải thực hiện các động thái quân sự lớn ở Biển Đông nhằm đối phó với những hành vi quyết đoán từ phía Trung Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp ngoại giao.
Dù miêu tả phát ngôn của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là “lạ”, chuyên gia Eldridge cho rằng chính quyền của Trump có thể thực sự muốn tránh xung đột quân sự ở Biển Đông, điều mà Bắc Kinh cũng mong muốn.
Là người lâu năm theo dõi diễn biến ở Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho hay việc bộ trưởng Mattis đề cao biện pháp ngoại giao, tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải là điều Nhật Bản muốn nghe.
Video đang HOT
“Nhật Bản coi an ninh ở Hoa Đông và Biển Đông kết nối với nhau, Tokyo muốn Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc nhưng lại không muốn Washington có hành động khiêu khích khiến Nhật rơi vào xung đột với Trung Quốc”, ông Thayer nói.
Giáo sư người Australia lưu ý vấn đề Biển Đông có thể trở thành “thứ yếu” trong ưu tiên chính sách của chính quyền Trump. Việc ông Mattis tuyên bố sẽ bảo vệ các đảo tranh chấp ở Hoa Đông do Nhật Bản quản lý thể hiện ý định muốn ổn định vùng biển này. Washington muốn gây áp lực với Trung Quốc để khiến Triều Tiên ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ cũng muốn có thương mại cân bằng với Trung Quốc và dùng con bài Đài Loan để làm đòn bẩy.
“Biển Đông dường như trở thành ưu tiên thứ ba của chính quyền Trump”, ông Thayer nói.
Tuy nhiên, trong dài hạn, ông Thayer tin rằng bộ trưởng quốc phòng Mattis sẽ thể hiện sự cứng rắn hơn. Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson nêu đề nghị cần cấm Trung Quốc lên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, ông Mattis trong lễ nhậm chức của mình đã tuyên bố ủng hộ Mỹ tăng cường xây dựng lực lượng hải quân và tăng hợp tác với các đồng minh.
“Chúng ta có thể sẽ chứng kiến thêm các chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải quyết đoán hơn của Mỹ, làm tăng khả năng các đồng minh của Washington tham gia”, ông Thayer nói.
Cựu quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Eldridge cho rằng Bộ trưởng Mattis được Tổng thống Trump rất tin cậy và đề cao, do đó việc ông Mattis có chuyến công du đầu tiên đến châu Á đã gửi ra tín hiệu rõ ràng là Mỹ coi trọng khu vực, cam kết bảo vệ hoà bình và an ninh cùng với các đồng minh.
Giáo sư Thayer lưu ý các nước châu Á cần thận trọng vì đây mới là trong giai đoạn đầu của chính quyền Trump.
“Nội các của ông Trump chưa được Quốc hội phê chuẩn đầy đủ. Có những ưu tiên khác như là Nhà nước Hồi giáo tự xưng và Iran. Hiện chiến lược của chính quyền mới vẫn chưa rõ”, ông Thayer nhấn mạnh.
Việt Anh
Theo VNE
Mỹ chưa xem xét khả năng hành động quân sự lớn ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm nay cho biết Washington hiện không cần thiết phải thực hiện các động thái quân sự lớn ở Biển Đông nhằm đối phó với những hành vi quyết đoán từ phía Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Reuters
"Vào lúc này, chúng tôi chưa nhìn thấy bất kỳ nhu cầu hành động quân sự quy mô nào", Reuters dẫn lời ông Mattis nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, nhấn mạnh sự quan trọng của các biện pháp ngoại giao.
Trong một phiên điều trần trước Thượng viện, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng ngỏ ý muốn cấm Trung Quốc tới các đảo mà nước này xây dựng tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ bảo vệ "lãnh thổ quốc tế" tại các vùng biển chiến lược.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ Mỹ sẽ làm như thế nào để thực hiện cam kết trên. Giới phân tích nhận định các phát ngôn mà ông Tillerson và Nhà Trắng đưa ra gợi ý khả năng Mỹ có thể thực hiện một động thái quân sự nào đó trong tương lai, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc.
Song theo ông Mattis, Mỹ hiện không xem xét đến việc thực thi các hành động quân sự. "Những gì chúng tôi đang làm là vận dụng mọi nỗ lực, những nỗ lực ngoại giao, để cố gắng giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, duy trì các kênh liên lạc mở", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.
Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông với các nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Những năm gần đây, Trung Quốc bị cáo buộc ngày càng quyết đoán trong cách hành xử ở Biển Đông.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Trump có thể coi châu Á là nơi gây thách thức nghiêm trọng nhất Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chọn châu Á là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức được đánh giá là thể hiện mối quan tâm lớn của Tổng thống Donald Trump với khu vực này. Tổng thống Mỹ Donald Trump, trái, và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Ảnh: Washington Post "Thông điệp rõ ràng của Mỹ là...