Ông chủ gốc Việt sụp đổ ‘giấc mơ Mỹ’ vì Covid-19
Sau 14 năm hoạt động, nhà hàng Việt được nhiều người yêu thích của ông Tuan Nguyen ở Chicago phải đóng cửa vì không trụ nổi qua đại dịch Covid-19.
Tuan Nguyen mở Simply It ở khu Lincoln Park, Chicago, bang Illinois vào tháng 5/2006. Ông mô tả những năm đầu tiên là “thời điểm vàng” khi công việc kinh doanh bùng nổ.
“Đam mê của tôi là nhà hàng. Tôi yêu ẩm thực và thích nấu nướng”, ông nói. Nhưng trên tất cả, ông yêu mến những thực khách tới đây và họ cũng quý ông. “Họ gọi tôi là chú Tuan nhỏ. Tôi là một người thấp bé”.
Tuy nhiên, từ năm 2012, doanh thu của nhà hàng sụt giảm dần, do một bệnh viện trẻ em cùng nhiều khách hàng của ông Tuan rời khỏi Lincoln Park đến quận Gold Coast. Khi Covid-19 bùng phát và khiến các nhà hàng ở Illinois sụt giảm tới 80% doanh thu, ông Tuan không còn lựa chọn nào khác ngoài đóng cửa Simply It.
Ông hy vọng được trợ giúp bằng cách nộp đơn lên Chương trình Bảo vệ Tiền lương của chính phủ Mỹ, nhưng giấc mơ đã tiêu tan khi chương trình hỗ trợ vay gần 350 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ đã cạn kiệt chỉ trong hai tuần.
“Thậm chí nếu Simply It vượt qua được đại dịch, tương lai cũng rất đáng sợ”, ông nói. “Người Mỹ sẽ vật lộn để trả tiền thế chấp và chăm sóc cho gia đình họ, chẳng còn tiền đâu đi ăn nhà hàng. Ngành công nghiệp nhà hàng sẽ không còn như trước”.
Ông Tuan Nguyen đứng bên ngoài nhà hàng Simply It, với biển thông báo đóng cửa. Block Club Chicago
Ông Tuan đóng cửa Simply It vào ngày 30/4. “Rất buồn. Nó giống như một đứa con của tôi 14 năm qua”, ông nói.
Ông Tuan bước vào ngành công nghiệp nhà hàng bằng chân rửa bát trong 10 năm, trước khi chuyển tới Chicago và cùng các em mở Pasteur, một trong những nhà hàng Việt Nam đầu tiên ở thành phố này. Sau khoảng 20 năm, ông mới tách riêng ra mở Simply It.
Nhà hàng này là nơi giấc mơ Mỹ của ông trở thành hiện thực.
“Tôi rời Việt Nam tới Mỹ không một xu dính túi”, ông nói. “Nhưng bây giờ, 45 năm sau khi ra đi, tôi rời khỏi Simply It và quay lại với cảnh không một xu dính túi”.
Khi Simply It tạm thời đóng cửa vào tháng trước do lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn nCoV lây lan, Bi Nguyen, một khách hàng lâu năm cảm thấy như “mất đi một mái nhà nhỏ”.
Anh tình cờ biết nhà hàng ấm cúng này khi đến Chicago công tác và trở thành khách hàng quen mỗi lần có dịp tới thành phố. Tuy nhiên, chính ông Tuan Nguyen, chủ của Simply It, mới là điều níu chân Bi.
“Chú Tuan gọi món cho tôi và nhận ra tôi cũng là người Việt Nam, vì thế chú đã ngồi xuống cùng. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện bằng tiếng Việt và chú đã cho tôi một cốc đồ uống miễn phí để mang về khách sạn”, anh kể. “Năm ngoái, tôi chuyển tới Chicago và Simply It trở thành một ngôi nhà xa xứ đối với tôi”.
Câu chuyện của ông Tuan không phải là cá biệt trong ngành dịch vụ ăn uống, khi lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh nhiều tuần qua vì đại dịch trở thành giọt nước tràn ly. Hiệp hội Nhà hàng Illinois ước tính 20% trong tổng số nhà hàng trên toàn bang có thể không bao giờ mở cửa trở lại do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Doanh thu toàn bang giảm 80% và trong số gần 600.000 nhân viên nhà hàng ở Illinois, gần một nửa đã bị sa thải hoặc cho nghỉ phép.
“Covid-19 đã hủy hoại giấc mơ của tôi”, ông Tuan nói.
Trong một lá thư gửi đến khách hàng được chia sẻ lên mạng, ông cho biết nhà hàng sẽ không bao giờ mở cửa lại và viết: “Cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn hơn, nhưng những kỷ niệm đẹp sẽ cho tôi sức mạnh và can đảm để tiến về phía trước”.
Ông ký tên là “Chú Tuan nhỏ”, cái tên thân thuộc mà các khách hàng quen đã gọi ông nhiều năm qua.
Bi Nguyen (trái) và ông Tuan Nguyen. Ảnh: Block Club Chicago
“Giống như tạm biệt một người bạn thân yêu”, anh Bi nói. “Chú Tuan giống như một người cha ở thành phố này. Tôi vẫn sẽ gặp chú, nhưng không phải ở đây nếu không có Simply It”.
Video đang HOT
Simon Hyun, một khách hàng quen, đã quyên được 1.000 USD ủng hộ ông Tuan.
“Mọi người đều biết chú ấy và biết chú thân thiện thế nào”, Hyun nói. “Tất cả chúng tôi ngưỡng mộ đạo đức làm việc và cách chú ấy nở nụ cười thật tươi khiến mọi người vui vẻ. Ít nhất đây là những gì chúng tôi có thể làm”.
Bà Ald. Michele Smith, ủy viên Hội đồng thành phố Chicago, một thực khách thường xuyên lui tới Simply It, cho hay nhà hàng là nơi tụ họp của cộng đồng Lincoln Park.
“Chúng tôi thực sự sẽ nhớ ông ấy và muốn động viên mọi người đặt hàng từ các nhà hàng địa phương vì họ thực sự đang gặp khó khăn vào lúc này”, bà nói.
Đã hai tuần kể từ ngày đóng cửa Simply It, ông Tuan vẫn khóc khi nhìn đống bàn ghế xếp gọn trong nhà hàng. Ông dự tính quay lại làm việc ở Pasteur, giúp em dâu chèo lái nhà hàng qua đại dịch. Ông sẽ làm không lương vì Pasteur cũng đang gặp khó khăn tài chính.
Ông đang dựa vào khoản trợ cấp thất nghiệp để thanh toán các hóa đơn và nuôi vợ cùng 3 con. Bà làm chủ một tiệm nail nhưng cũng đang đóng cửa do Covid-19.
“Tôi đã mất khoản tiền đầu tư vào Simply It, nhưng ít nhất tôi cũng chia tay nhà hàng với những kỷ niệm đẹp và tình bạn tuyệt vời”, ông nói.
Xưởng may khẩu trang, nhà hàng Việt tại Pháp bận rộn vì... người lạ
Mùa dịch Covid-19, "ngồi yên" là từ không dành cho những người Việt "lạ lùng" tại Pháp. Các xưởng may được mở ra tại nhà chỉ để may khẩu trang, quần áo bác sĩ còn các nhà hàng Việt vẫn "nổi lửa" dù bên ngoài đóng cửa.
Cô chú Hoàng Hội tỉ mỉ may áo blouse trắng tặng bác sĩ . Ảnh NVCC
Chỉ được tặng một chiếc khẩu trang vải thôi, sao nét mặt người nhận rạng ngời niềm vui? Chỉ là những phần ăn tiếp sức, cổ vũ tinh thần các bác sĩ - y tá, sao họ "chịu khó" gửi lại lời cảm ơn kèm hình ảnh nụ cười tươi tắn như quên hết bao mệt mỏi, căng thẳng vì dịch Covid-19? Phải chăng sự sẻ chia nồng ấm giữa người với người là "liều thuốc" không thể thiếu trong hoàn cảnh khó khăn này, để cùng nhau đẩy lùi dịch Covid-19.
Những xưởng may tại gia ra đời
Nước Pháp vẫn đang trong tình trạng phong tỏa ngăn dịch Covid-19 đến ngày 11.5.2020. Đứng thứ 5 thế giới về số ca nhiễm bệnh, Pháp đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh, trang thiết bị y tế, bảo hộ... Mấy ngày qua, áp lực lên các bệnh viện Pháp tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khối lượng công việc của các bác sĩ, y tá vẫn chưa nhẹ bớt. Trang bị khẩu trang cho người dân là thực sự rất cần thiết nhưng khẩu trang lại... khan hiếm vô cùng.
Trước tình cảnh đó, những người Việt xa xứ đã không ngồi yên. Nhiều xưởng may khẩu trang tại gia nhộn nhịp ra đời chỉ với mục đích duy nhất: sản xuất thật nhiều khẩu trang tặng cộng đồng.
Trường học đóng cửa vì dịch Covid-19, hai con gái của chị Diễm Thư Anba có dịp giúp mẹ may khẩu trang . Ảnh NVCC
Nhóm "Trái tim Việt" tiếp tục là nhịp cầu, kết nối tấm lòng người Việt ở Pháp với các bác sĩ, y tá, cảnh sát, nhà dưỡng lão và người dân địa phương.
Họ rộn ràng lên kế hoạch, phân bổ công việc nhịp nhàng cho nhau. Vải, thun may khẩu trang được các bạn trong nhóm đặt mua và mang tới tận nhà những ai đang thiếu nguyên liệu. Nhiều phần quà, suất ăn trưa cứ thế được đưa tới các bệnh viện.
Truyền thống nghĩa tình, "nhường cơm sẻ áo" khi hoạn nạn được người Việt phát huy dù sống ở đâu trên thế giới này.
Chị Nguyễn Hợp - đại diện nhóm "Trái tim Việt" trực tiếp đến các bệnh viện, kể: "Dù đã hẹn trước ngày giờ với bác sĩ bệnh viện. Khi tới nơi, chúng tôi điện thoại cho họ nhưng không ai nghe máy. Tôi đánh liều đi vào trong khoa cấp cứu. Các bác sĩ, y tá thực sự là những chiến binh lúc này. Họ đang bận rộn, hối hả bên bệnh nhân. Không làm phiền họ, tôi bước ra ngoài, may sao gặp một bác sĩ đang đi tới. Những món quà rốt cuộc đã tới tay vị bác sĩ ấy đại diện nhận".
Chị Kim Hân chọn máy may "làm bạn" trong mùa dịch . Ảnh NVCC
Là sinh viên du học tại Pháp, bạn Nguyễn Đình Trường không về nước tránh dịch. Trường đọc thông tin trên mạng xã hội, biết nhóm "Trái tim Việt" đang có những hoạt động hỗ trợ các bác sĩ, y tá và san sẻ khó khăn với cộng đồng. Trường không ngần ngại tìm cách liên hệ, tham gia ngay. 19 tuổi, Trường năng động, nhiệt huyết, không ngại khó khăn thử thách.
Đặt chân đến Pháp mới vỏn vẹn 5 tháng, Trường hòa nhập xã hội bằng cách tham gia công tác thiện nguyện mùa dịch. Trường hào hứng nói: "Các anh chị nhóm "Trái tim Việt" không nhận tiền sinh viên, vậy thì em góp công. Em vận chuyển vải, thun cho các chị may. Em đến bệnh viện, nhà dưỡng lão trao quà. khẩu trang. Em hạnh phúc vì được làm những việc này thay vì chỉ biết ngồi yên trong nhà".
Thợ may bất đắc dĩ giữa mùa dịch Covid-19
Trước nhu cầu khẩn thiết về khẩu trang phòng dịch, người Việt tại Pháp ở yên trong nhà "làm bạn" với máy may. Ai chưa biết thì tự mày mò học. Người may vá giỏi đương nhiên ngồi suốt ngày bên máy.
Cô chú Hoàng Hội, sống tại Paris, đã nghỉ hưu nhưng dịch bệnh xảy ra khiến cô chú bận rộn trở lại. Hai vợ chồng cô chú sở hữu hãng may nhỏ tại Pháp suốt 30 năm. Giữa lúc dịch Covid-19 căng thẳng, họ không chần chừ, bắt tay ngay vào việc cắt may y phục, gửi đến những chiến binh áo trắng đang tất bật nơi tuyến đầu. Chú nói: "Các con cháu đang làm việc rất ý nghĩa. Chúng tôi biết may nên giúp bọn trẻ một tay. Vui vì được góp chút sức chia sẻ với cộng đồng".
Niềm vui nhận áo blouse của các bác sĩ bệnh viện Bichat, Paris . Ảnh CHÍ THANH
Cô chú đã tỉ mẩn hoàn thành 30 chiếc áo trắng tinh, giặt ủi thơm tho, gấp phẳng phiu chờ nhóm "Trái tim Việt" trao đến tay các lương y để cổ vũ tinh thần họ.
Bên cạnh y phục bác sĩ, những "thợ may" bất đắc dĩ mùa dịch sau khi may khẩu trang 3 lớp xong, họ cẩn thận giặt ủi, xếp từng chiếc vào bao nilon bấm lại.
Khẩu trang vải nhóm "Trái tim Việt" tặng người dân Pháp . Ảnh NGUYỄN HỢP
Mỗi ngày, chị Veronique Duyen Ly miệt mài may khẩu trang từ trưa đến đêm khuya. Chị tâm sự: "Khi mình gửi đến ai đó một điều tốt đẹp, chỉ nụ cười của họ thôi cũng đủ làm mình hạnh phúc".
Từ ngày nước Pháp thực hiện lệnh phong tỏa đến nay, chị Vân Anh ở nhà may khẩu trang. Chị lên mạng xem hướng dẫn cách cắt và may, sau đó tự làm tự rút kinh nghiệm. Tất cả sản phẩm của chị đều được nhóm "Trái tim Việt" phân phát đến các tài xế taxi, nhà dưỡng lão... Chị nói: "Có hôm mình mải mê may, quên luôn giờ học online của trường".
Khẩu trang y tế không dễ tìm tại Pháp vào thời điểm này. Giải pháp thay thế hữu hiệu là khẩu trang vải tự may. Nhưng đâu phải ai cũng biết may và có thể tự may cho mình một chiếc khẩu trang.
Niềm vui khi được tặng khẩu trang mùa dịch Covid-19 . Ảnh BÍCH HẢO HAMANN
Chị Diễm Thư Anba tuy có mẹ làm nghề may chuyên nghiệp nhưng chị chưa từng cầm cây kim, cũng chẳng thích may vá. Mùa dịch, mọi người đều cần khẩu trang. Chị bèn mày mò thử sức. Chị kể: "Đến khổ, luồn chỉ trên máy mình còn không biết. Mình gọi cho mẹ cầu cứu. Mẹ dạy qua điện thoại mình đâu hiểu gì. Mình làm hư con suốt, gãy kim rồi kết luận tại cái máy cổ lỗ sĩ của mẹ không còn xài được nữa".
Thế là chị đành khâu khẩu trang bằng tay. Khâu được một, hai chiếc, phấn chấn tinh thần, chị đi mượn máy may. Thử thách mới đặt ra, làm cách nào sử dụng? "Đêm khuya, chồng con đã ngủ hết, mình lấy máy may ra, quyết tâm chinh phục nó. Không hề đơn giản với đứa chưa từng may vá như mình. Đã có lúc mình định bỏ cuộc, nhưng đi ngang hiệu thuốc gần nhà, thấy họ quyên góp khẩu trang. Mình nghĩ: nước Pháp đang phong tỏa, mình ở nhà rảnh, sao không cố gắng may khẩu trang tặng mọi người," chị tâm sự.
Bác sĩ, y tá bệnh viện Arpajon thưởng thức món cơm bò lúc lắc từ nhà hàng Như Ý. Ảnh NVCC
Chị quay về, tháo tung cái máy may ra, làm gãy 5 cây kim. Mất 5 ngày, cuối cùng chị cũng tự tay cho ra đời những sản phẩm khẩu trang đầu tiên. Sau khi giặt ủi thẳng thớm, chị dành tặng khẩu trang cho bất cứ ai đang cần. Người già neo đơn trong thành phố chị sống không có khẩu trang, chị sẵn sàng mang đến tận nhà cho họ.
Mọi người đồng loạt tăng tốc may khẩu trang tặng cộng đồng, chị Kim Hân cũng không ngoại lệ. Cứ rảnh là chị may, cho gia đình rồi đến bạn bè, hàng xóm. Sau đó, chị góp tới hiệu thuốc, phòng khám gia đình. Chị nói: "Đóng góp nhỏ mình có thể làm cho xã hội lúc này. Cùng nhau mỗi người một chút, chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh".
Nhà hàng Việt chung tay phục vụ những vị khách đặc biệt
Mùa dịch Covid-19, các cantine bệnh viện tại Pháp tạm ngưng hoạt động. Bác sĩ, y tá dồn hết sức cứu chữa bệnh nhân. Nhiều nhà hàng Việt Nam tại Pháp chung tay phục vụ những phần ăn ngon tiếp sức y tá, bác sĩ. Mỗi nhà hàng góp từ 30 đến hơn 100 phần ăn. Tất nhiên đều là món ăn Việt: bò bún, mì xào, cơm bò lúc lắc...
Nhà hàng Như Ý chuẩn bị món cơm bò lúc lắc . Ảnh THANH HUYỀN CHAREUNPHOL
Cô Lê Vũ Minh Châu - chủ nhà hàng Như Ý (Torcy) không chỉ đóng góp những phần ăn do nhà hàng chế biến mà còn động viên con cháu, kêu gọi bạn bè ủng hộ. Cô nói: "Khi chúng ta khó khăn, nếu được ai đó dang tay giúp đỡ, chúng ta sẽ hạnh phúc vô cùng. Nước Pháp đang trong tình thế "dầu sôi lửa bỏng", tôi không thể làm ngơ được. Tôi biết việc mình làm rất nhỏ bé, chỉ như muối bỏ biển. Nhưng hy vọng có thể san sẻ một chút ấm lòng no bụng cho những thiên thần áo trắng trong lúc họ quá vất vả chiến đấu với dịch bệnh".
Chị Quỳnh Hoa (Nhà hàng Phố Cổ) chế biến bò bún, bún chả Hà Nội và cơm thịt kho trứng. Ảnh THANH HUYỀN CHAREUNPHOL
Chị Quỳnh Hoa, chủ nhà hàng Phố Cổ (Paris) cho biết: "Tôi nấu ăn cho bác sĩ, y tá với suy nghĩ mình đang chế biến món ngon Việt Nam mời những vị khách đặc biệt". Vậy nên không chỉ làm việc theo thói quen, chị đặt hết tình cảm, tấm lòng của mình vào món ăn. Với chị, được góp một chút công sức cùng các bác sĩ, y tá đẩy lùi dịch bệnh, đó là niềm vinh hạnh.
Nhà hàng Đất Việt và 60 phần bò bún sắp được chuyển đến các bác sĩ, y tá . Ảnh THANH HUYỀN CHAREUNPHOL
Không có sự cạnh tranh hơn thua, các nhà hàng Việt còn san sẻ việc nấu nướng, cùng nhau đảm đương tổng phần ăn bác sĩ, y tá một bệnh viện. Lúc này, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng được đặt lên trên hết.
Từ khi có lệnh phong tỏa, tiệm ăn Au Vietnam (Ivry-sur-Seine) của chị Kim Phượng đóng cửa. Nhưng việc nấu ăn phục vụ các bác sĩ, y tá lại khiến chị hăng hái, háo hức chờ đợi. Chị tâm sự: "Tôi sống ở đây 15 năm rồi. Nước Pháp đã trở thành quê hương thứ hai. Dịch Covid-19 xảy ra đến nỗi phải phong tỏa đất nước, tôi không có lý do ngần ngại, suy tính khi mình có thể đóng góp một chút cho xã hội".
Chị Kim Phượng, chủ tiệm ăn Au Vietnam đóng hộp xong món mì xào . Ảnh ĐÌNH TRƯỜNG
Chị Trần Diệu Linh, chủ nhà hàng Đất Việt (Paris) cho rằng việc chị làm rất đỗi bình thường nên chị không có gì để kể. Chị vui vẻ khẳng định: "Chúng tôi có thể đồng hành cùng các bác sĩ, y tá đến hết thời gian phong tỏa".
Niềm vui nhận lại
Hoạt động sôi nổi, tận tụy nên nhóm "Trái tim Việt" thu hút sự đóng góp nhiệt tình, cả công sức lẫn vật chất của nhiều cá nhân người Việt xa xứ. Chị Quỳnh Hoa, tổ chức kết nối, trao quà tới các bệnh viện cho biết: "Sau 4 tuần, các chị em đã may được khoảng 1.000 khẩu trang vải cho cộng đồng. Tặng quà và hỗ trợ hơn 400 phần ăn (từ nhà hàng Như Ý, Đất Việt, Phố Cổ, Au Vietnam, Chopsticks) đến 13 bệnh viện, một nhà dưỡng lão, một đội cảnh sát, một đội cứu hỏa. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động đến khi kết thúc phong tỏa đất nước ngày 11.5 tới".
Bác sĩ bệnh viện Rives De Seine vui vẻ đón nhận áo Blouse, quà và những phần ăn trưa . Ảnh CHÍ THANH
Sau áo blouse trắng, khẩu trang vải tự may, phần ăn trưa, quà gồm nước uống, trái cây, cà phê, trà, bánh... được trao đi. Hồi âm là những gương mặt tươi vui rạng rỡ, những lời cảm ơn chất chứa niềm xúc động của bác sĩ, y tá và cả người dân bình thường: "Cảm ơn sự lưu tâm, động viên của các bạn. Chúng tôi vô cùng xúc động", "Cảm ơn các bạn vì món bò bún ngon tuyệt", "Lời cảm ơn lớn cho lòng tốt của bạn. Chúng tôi rất cảm động. Tôi sẽ liên lạc với bạn khi chúng ta có thể ra ngoài an toàn để cảm ơn lần nữa nghĩa cử đoàn kết này. Hãy bảo trọng!"...
Trao quà và suất ăn trưa đến các bác sĩ bệnh viện Saint Antoine (Paris) . Ảnh CHÍ THANH
Vậy thôi đã đủ cho những người Việt xa xứ lâng lâng niềm hạnh phúc. Truyền thống nghĩa tình, "nhường cơm sẻ áo" khi hoạn nạn được người Việt phát huy dù sống ở đâu trên thế giới này.
Dịch Covid-19 rồi sẽ qua đi, chắc chắn. Song niềm vui, hạnh phúc sẻ chia, dấu ấn tốt đẹp về người Việt Nam sẽ mãi đọng lại.
Những hình ảnh nổi bật nhất thế giới trong tháng Tư Tháng Tư vừa qua đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành tại nhiều quốc gia, khiến cuộc sống của người dân thế giới chưa thể quay trở lại bình thường. Một số nơi đã qua đỉnh dịch, trong khi số khác vẫn vật lộn với nhiều khó khăn. Một số hình ảnh ấn tượng nhất trong tháng Tư trên khắp thế giới do...