Ông chủ của AirAsia là ai ?
Tony Fernandes là người giàu thứ 28 tại Malaysia, là chủ tịch đội bóng đá Queens Park Rangers tại Giải Ngoại hạng Anh, và mơ ước sở hữu một hãng hàng không từ thuở bé…
Ông Fernandes cầu nguyện cho hành khách – Ảnh: Twitter của Fernandes
Trên Twitter, ông Tony Fernandes đã liên tục cầu nguyện, chúc phúc cho phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay của AirAsia vừa bị mất tích hôm 28.12. Ông cho biết sự cố của chuyến bay này là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” của mình, theo Business Insider.
Vị chủ tịch nổi tiếng
Không giống như MH370 hay MH17 – những vụ thảm họa hàng không trước đó của Malaysia, chuyến bay của AirAsia từ Indonesia sang Singapore lần này còn nhận được sự chú ý hơn, khi ông chủ của nó là một người có danh tiếng không chỉ ở lĩnh vực hàng không.
Ông Tony Fernandes – Ảnh: Reuters
Sinh ngày 30.4.1964 tại Kualar Lumpur, ông Tony Fernandes là đương kim chủ tịch của AirAsia, nhưng cũng là nhân vật rất quen thuộc của giới truyền thông.
Cũng như Roman Abramovich hay Sheik Mansour, ông Tony Fernandes là một tỉ phú mê thể thao. Ngoài kinh doanh, ông Tony Fernandes cũng là chủ sở hữu đội bóng Queens Park Rangers đang chơi ở Giải Ngoại hạng Anh, là chủ đội đua Công thức 1 Caterham trước lúc bán nó hồi tháng 6.
Video đang HOT
Tên tuổi của Tony Fernandes cũng lấn sang lĩnh vực âm nhạc khi ông từng là giám đốc điều hành của Warner Music, và là bạn của tỉ phú nổi tiếng Richard Branson.
Tạp chí tài chính Forbes ước tính tài sản của Fernandes vào khoảng 650 triệu USD, giàu thứ 28 tại Malaysia. Mặc dù vậy, doanh nhân được đào tạo tại Anh được mệnh danh là “Richard Branson của châu Á” vì sự phóng khoáng và cá tính rất đặc trưng của mình.
Trên tất cả, có thể nói Tony Fernandes thực sự nổi bật cùng AirAsia, vì đã đưa giấc mơ hàng không đến với rất nhiều người bằng mô hình máy bay giá rẻ mang tính đột phá.
Mơ mộng và ác mộng
“Now Everyone Can Fly” (tạm dịch: Giờ thì mọi người ai cũng có thể bay) là khẩu hiệu của AirAsia. Nó bắt nguồn từ câu chuyện của cậu bé Tony Fernandes.
The Washington Post ngày 28.12 dẫn lại câu chuyện khởi nghiệp của ông Tony Fernandes. Theo đó, từ lúc còn theo học tại Anh, Fernandes đã nuôi ý tưởng về các chuyến bay giá rẻ, vì ông không có nhiều tiền để về Malaysia thăm nhà thường xuyên.
Thời cơ đến với Tony Fernandes vào năm 2001, khi ông mua lại AirAsia từ tay tập đoàn DRB-Hitcom của Malaysia, vào lúc công ty hàng không này rơi vào cảnh làm ăn thất bát, Reuters cho biết.
Ông Tony Fernandes hiện thực hóa ước mơ cùng AirAsia – Ảnh: AFP
Ông bắt đầu biến AirAsia thành hãng hàng không giá rẻ hàng đầu thế giới, theo The Washington Post. Từ chỗ chỉ có 2 máy bay khi mới về tay ông Tony Fernandes, nay AirAsia đã phát triển lên đến 160 chiếc Airbus A320.
Ở thời điểm chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines mất tích hồi tháng 3 năm nay, The Washington Post nhắc lại câu chuyện Tony Fernandes nói rằng AirAsia của ông chẳng bao giờ lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Tony Fernandes nói các phi công của AirAsia luôn “được đào tạo liên tục và kỹ lưỡng” và “hãy yên tâm rằng cơ trưởng luôn là người được chuẩn bị tốt nhất để đảm bảo máy bay không bao giờ mất tích”, theo AP.
Bài báo ấy bị chỉ trích dữ dội vì lợi dụng cơ hội quảng cáo không phù hợp với tình hình lo lắng bao trùm thân nhân các hành khách chuyến bay MH370. Và bây giờ, đã đến lúc AirAsia đối mặt với cơn ác mộng tương tự.
Từ ước mơ máy bay giá rẻ được thực hiện đến “cơn ác mộng tồi tệ nhất”, xem ra đường đi của Tony Fernandes không hề bằng phẳng và cũng chẳng dễ dàng.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Chuyên gia hàng không: Máy bay AirAsia mất tích đã bay quá chậm
Chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không AirAsia có thể đã bay quá chậm khi gặp phải thời tiết xấu và điều này khiến máy bay bị nạn, theo nhận định của nhiều chuyên gia hàng không.
Máy bay của hãng hàng không AirAsia - Anh: Reuters
Kênh truyền hình 9 News (Úc) đưa tin trong lúc Indonesia tái khởi động hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay vào đầu ngày 29.12, nhiều chuyên gia hàng không đã nghĩ đến các yếu tố như thời tiết, vận tốc và hệ thống radar trên máy bay khi đánh giá và phỏng đoán những gì có thể đã xảy ra cho chuyến bay QZ8501.
Geoffrey Thomas, một chuyên gia hàng không và là biên tập viên của trang tin về hàng không Airlineratings.com, đã thảo luận với một số cơ trưởng máy bay và đưa ra nhận định cho rằng chuyến bay QZ8501 đã gặp thời tiết xấu, nhưng phi công đã để máy bay bay quá chậm khi cố tránh thời tiết xấu.
"Nhiều phi công cho rằng phi hành đoàn trong lúc tăng độ cao để cố tránh cơn bão đã bay quá chậm và do đó máy bay bị chết máy trên không, giống với trường hợp chuyến bay AF447 của Air France bị rơi hồi năm 2009", ông Thomas cho biết.
Chiếc Airbus mang số hiệu AF447 của hãng hàng không Air France đã rơi ở Đại Tây Dương hồi năm 2009 khi đang trên đường đi từ Brazil sang Pháp.
"Máy bay đã bay quá chậm, với tốc độ chỉ khoảng 100 knot, tức khoảng 185 km/giờ và đây là tốc độ rất chậm. Bay chậm ở độ cao như vậy là cực kỳ nguy hiểm", chuyên gia hàng không này nói, đồng thời khẳng định có trong tay dữ liệu đo đạc cho thấy điều này.
Reuters dẫn lời một quan chức giao thông Indonesia cho hay trước khi mất tích, phi công trên máy bay đã đề nghị đổi hướng sang một "lộ trình bay bất thường" trước khi mất liên lạc với mặt đất.
Máy bay đang bay ở độ cao 32.000 feet (9.753,6 m) và đã đề nghị được bay lên mức 38.000 feet (11.582,4) với lý do tránh mây.
"Máy bay có thể đã bị cuốn vào một luồng gió cực lớn thổi lên hoặc thứ gì đó như vậy. Có sự cố nghiêm trọng gì đó đã xảy ra", ông Thomas phỏng đoán.
"Chiếc máy bay cơ bản đã bay quá chậm khi bay lên độ cao đó và cánh máy bay sẽ không nâng được nó ở vận tốc như vậy, rồi thì bạn sẽ bị chết máy", chuyên gia này giải thích.
Ngoài ra, ông Thomas còn cho rằng chiếc Airbus A320 của AirAsia đã không được trang bị hệ thống radar hiện đại.
Radar của A320 đôi khi có thể gặp sự cố khi máy bay bay trong bão, theo ông Thomas. Hệ thống radar mới nhất, vốn đã được hãng hàng không Qantas (Úc) sử dụng đầu tiên năm 2002, có thể cung cấp các số liệu chính xác và hoàn chỉnh về một cơn bão, nhưng hệ thống này chỉ được trang bị cho A320 vào năm 2015.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Các nguyên nhân có thể khiến máy bay AirAsia biến mất Cách các phi công đối phó với điều kiện thời tiết bất ổn có thể là một trong số những nguyên nhân khiến chiếc máy bay QZ8501 của AirAsia biến mất sáng qua. Nhân viên sân bay Changi cầm tấm biển chỉ dẫn thân nhân của các hành khách trên chuyến bay số hiệu QZ8501 của hãng hàng không AirAsia. Ảnh: Reuters Chiếc...