Ông Chấn đừng mong được bồi thường 100% án oan
Án oan không ít và việc bồi thường đa phần cũng chỉ mang tính tượng trưng, góp phần nhỏ nào đó để khắc phục và cùng chia sẻ với người bị oan
Chỉ bồi thường thu nhập chính đáng
Ông Nguyễn Thanh Chấn vừa có đơn gửi TAND Tối cao đòi bồi thường hơn 1 tỷ đồng thu nhập bị mất trong khoảng thời gian 10 năm ngồi tù oan. Theo đó thì trước khi bị bắt, công việc của ông là “vận chuyển bằng xe ngựa, nấu rượu, xát gạo, nuôi lợn, bán quán… Tổng thu nhập một ngày là 280.000đ. Tính từ khi bị bắt do tình nghi giết người đến khi được thả tự do thì ông Chấn bị giam gần 3.700 ngày. Đòi hỏi này dưới góc nhìn của một luật sư thì ông thấy có chính đáng, thưa TS.LS Nguyễn Vĩnh Oánh?
Thực ra đã có nhiều vụ án oan sai và được bồi thường. Trong sự việc ông Nguyễn Thanh Chấn thì cũng nằm trong những quy định đã có của pháp luật. Trước khi bị bắt người đó làm công việc gì, công việc đó có được nhà nước cho phép hay không. Nếu đó là nguồn thu nhập chính đáng và chứng minh được thì nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Theo quy định thì những tổn thất về vật chất, tinh thần, sức khoẻ đều được bồi thường. Bởi khi bị bắt thì tất cả các hoạt động làm ăn sinh lời của người đó là không còn nữa. Vấn đề là phải chứng minh được những thiệt thòi đó thì tòa án có trách nhiệm bồi thường.
Việc chứng minh này là trách nhiệm của ai?
Người oan sai phải làm giải trình, sau đó các cơ quan nhà nước sẽ kiểm chứng xem nó có đúng không. Những thu nhập chính đáng bị mất thì phải được bồi thường. Theo danh mục các công việc nêu trên thì rõ ràng là những công việc chính đáng. Tuy nhiên, mức độ bồi thường như thế nào thì phải xem xét trên rất nhiều yếu tố khác nhau nữa. Oan sai đương nhiên là được bồi thường, tùy theo tính chất, mức độ, phạm vi. Đây chỉ là mức mà ông Chấn đề nghị thôi.
Vậy số tiền bồi thường cho người bị kết án oan sai lấy từ đâu?
Đương nhiên là lấy từ ngân sách nhà nước, do chính cơ quan điều tra gây nên oan sai thực hiện. Việc làm sai của cá nhân nào thì cá nhân đó phải chịu, còn việc xét xử, thi hành án thì các cơ quan này đều nhân danh nhà nước. Nếu có sai sót thì phải lấy từ ngân sách để mà sửa sai thôi.
Mức đòi bồi thường hơn 1 tỷ đồng của ông Chấn, theo ông có thỏa đáng?
Những tính toán để đưa ra mức bồi thường này hẳn là cũng đã được tư vấn, nghiên cứu kỹ dựa trên thực tế. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì ông Chấn khó mà nhận được đủ số tiền đề xuất ấy. Thông thường số bồi thường cho những vụ án oán vốn đã không nhiều. Cho dù có quy định phải bồi thường những tổn hại về sức khỏe, tinh thần, nhưng liệu có ai bị oan sai mà nhận được bồi thường một cách thỏa đáng những điều đó?
Ông Chấn ngày trở về sau 10 năm.
Cốc nước đổ đi khó mà lấy lại được
Không bồi thường được hết là vì không có quy định hay vì ngân sách không có để bồi thường?
Video đang HOT
Việc bồi thường án oán là vấn đề phức tạp, người đứng ra xem xét bồi thường cũng phải là người công minh và có cái tâm thì mới giải quyết sự việc đúng và sát với thực tế nhất. Các quy định trong luật đã có các điều khoản về bồi thường nhưng nó không thể điều chỉnh được hết các tình tiết có trong từng vụ được.
Ông Nguyễn Thanh Chấn có đề xuất được bồi thường 50 triệu đồng tiền vợ ông trong lúc đi kêu oan cho ông đã đổ bệnh và phải chữa trị, điều này theo quy định có hợp lý?
Sẽ không có điều khoản nào quy định nhà nước phải bồi thường về những thiệt hại do người thân của người bị oan sai phải gánh chịu.Vợ ông ấy là một người không liên quan đến vụ việc ông ấy bị oan sai. Nếu trước khi ông bị bắt, bà ấy sống dựa vào kinh tế của ông ấy, không có khả năng lao động thì sẽ được xem xét bồi thường. Còn sức khỏe bình thường thì khó có cơ sở để bồi thường. Người này không phải là đối tượng, mà chỉ là người liên đới.
Có người cho rằng những thiệt thòi mà ông Chấn phải chịu so với số tiền hơn 1 tỷ đồng kia chẳng là gì, không đền bù được?
Tôi nghĩ để định lượng thế nào là thỏa đáng thì rất khó. Bát nước hất xuống đất rồi có ai lấy lại được đầy bát nữa không? Như tôi đã nói, số tiền bồi thường trong án oán sai vốn đã không nhiều, đa số chỉ mang tính chia sẻ, an ủi, về hình thức là họ đã đền bù cho những oan sai đó. Vật chất thì rồi cũng qua đi thôi, quan trọng là cái danh dự được phục hồi. Đừng đòi hỏi sự tuyệt đối trong bồi thường án oan. Danh dự, nhân phẩm đã được phục hồi là vấn đề lớn nhất. Tôi nghĩ người như ông Chấn cũng nên nghĩ như vậy để dừng lại ở cái ngưỡng hợp lý nhất.
Vì không tiền nào đủ để bồi thường danh dự hay nhân phẩm?
Đúng thế, cái đó thì đơn vị xét xử hay điều tra thay mặt nhà nước xin lỗi và chia sẻ với người bị oan sai. Việc xin lỗi công khai đó đã thể hiện một phần việc khắc phục danh dự cho người bị oan. Hàng xóm láng giềng, dư luận nói chung cũng sẽ thông cảm chia sẻ với họ để họ tiếp tục cuộc sống bình thường. Còn bảo phải bồi thường 100% những thiệt hại thì không có đâu. Được minh oan đã là may mắn rồi.
Án oan sai không ít
Nỗi ấm ức về những thiệt hại phải chịu đựng của ông Chấn rõ ràng là dễ thông cảm, nên đòi hỏi của ông ấy về số tiền bồi thường cũng dễ hiểu?
Tất nhiên là nó ám ảnh, nhưng có những thứ không thể lấy lại được. Dĩ vãng đã đi qua, thời gian đã đi qua, cuộc đời cũng đã qua rồi, làm sao lấy lại, làm sao để phục hồi? Trong án oán, người làm sai thì đương nhiên bị xử lý, nhưng người bị oan cũng phải chịu những thiệt thòi dù có được đền bù. Tôi nhấn mạnh người thiệt thòi luôn luôn là người bị xử sai, thế nhưng rõ ràng không ai muốn điều này cả.
Án oan sai ở Việt Nam có nhiều không thưa ông?
Thực ra chưa có thống kê nào, đa phần các vụ án là xử đúng, nhưng cũng không ít vụ án xử sai đâu. Oan sai có rất nhiều nguyên nhân như trình độ cán bộ kém, ý thức trách nhiệm không cao, làm đại khái cho xong. Thiếu những điều tra quan sát sâu. Cả kỹ năng nghiệp vụ và trách nhiệm đều kém mới dẫn đến những oan sai. Người ta nghĩ làm kỹ hay làm sơ sài thì người ta cũng thế thôi, chả được thêm cái gì cả, mà làm kỹ thì chỉ mệt mình, mất thời gian, nên người ta mới làm sơ sài. Rồi chế độ lương bổng quá thấp, đạo đức công vụ kém dẫn đến những tiêu cực. Mà tiêu cực, “chạy án” cũng không ít.
Án oan vì tiêu cực cũng có?
Có chứ, nhưng mà không bắt được tận tay. Bởi người tiêu cực đó thường là người thân của người vi phạm, mà họ phải giữ kín việc họ “chạy án” đó chứ. Qua cầu nọ cầu kia để chi tiền, khi sự việc xảy ra thì người ta phủi tay không biết, chẳng có bằng chứng gì và chẳng ai làm gì được.
Và trong một vụ án oan, cán bộ điều tra xét xử bị xử lý là đúng, nhưng người thiệt thòi nhất vẫn là người dân?
Chắc chắn là như thế rồi. Nên tôi mới bảo bồi thường là cần thiết, nhưng có ai lấy lại được thời gian, lấy lại được quá khứ đã mất? Nên người bị xét xử oan cũng đừng cầu toàn quá. Ngay cả việc xin lỗi người ta cũng chỉ xin lỗi bằng miệng thôi chứ không có chuyện bằng văn bản đâu. Thế nên mỗi người phải tự lo cho mình để cẩn trọng trong từng hành động thôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Giờ người ta dùng nhiều thủ đoạn để chạy án lắm, dùng tiền để chạy, dùng mỹ nhân kế, hiến thân hiến xác cũng có. Nhiều thứ không thành văn nhưng lại tác động lớn đến những vụ việc xảy ra. Án oan sai thì ở đâu cũng có, nhưng nơi nhiều nơi ít, nơi nghiêm thì sẽ ít. Còn nơi không nghiêm, ý thức trách nhiệm của cán bộ yếu, cứ một bên ra tội, một bên ra giá, thì án oan vẫn cứ nhiều.
Theo Kiến thức
Án oan 10 năm: Những chữ "nếu" đầy "trăn trở"....
Sau khi hung thủ thật sự xuống tay với chị Nguyễn Thị Hoan ở tỉnh Bắc Giang 10 năm trước ra đầu thú thì bức màn bí mật về vụ án dần dần hé mở.
Lúc ấy, nhiều người mới ngộ ra rằng, vụ án oan tày trời này sẽ không xảy ra nếu như, nếu như và nếu như...
Nếu những tình tiết trong vụ án được xem xét khách quan
Ngày 15-8-2003, chị Nguyễn Thị H bị chết tức tưởi bởi nhiều nhát dao chí mạng. Ngay sau đó cơ quan cảnh sát điều tra CA tỉnh Bắc Giang đã tiến hành thủ tục khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường. Theo mô tả thì dưới chân nạn nhân có mảnh chai vỡ và một lưỡi dao mất chuôi. Trên nền nhà có nhiều vết chân trần dính máu, vết chân trái có chiều dài 23cm, chỗ rộng nhất 8,6cm. Tiến hành rà soát các đối tượng tình nghi, CQĐT đã triệu tập ông Nguyễn Thanh Chấn để xác minh. Qua kiểm tra, bàn chân trái của Chấn tính từ đầu ngón chân cái đến gót dài 22cm; chỗ bàn chân rộng bè nhất 8,8cm. Kích thước cơ học gần đúng kích thước những dấu vết để lại hiện trường của vụ án mạng. Tại phiên phúc thẩm, luật sư đã chỉ ra rằng, hai dấu chân chỉ gần trùng nhau về kích thước có nghĩa là không đúng nhưng HĐXX đã "bỏ ngoài tai" chi tiết này.
Về chứng cứ ngoại phạm, ngay từ giai đoạn điều tra, nhân chứng là bà Phạm Thị Nhâm trình bày: "Khoảng 7g20 tối 15-8-2003, tôi ra quán của ông Chấn mua kẹo thì gặp ông Nguyễn Văn Thực vào gọi điện ở quán nhà ông Chấn và chính ông Chấn là người bấm máy cho ông Thực gọi". Ông Thực cũng xác nhận, đúng là ông có gọi điện nhờ tại quán nhà ông Chấn vào khoảng 7g30 tối xảy ra vụ án. Ông Chấn đã bấm máy cho ông gọi số 5660... Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư đã đưa bảng kê thanh toán tiền điện thoại do bưu điện cung cấp. Cụ thể, trong ngày 15-8-2003 từ số máy thuê bao nhà ông Chấn có cuộc gọi đến số 5660... , trùng với lời khai của 2 nhân chứng là bà Nhâm và ông Thực. Dù vậy, HĐXX vẫn cho rằng, cho dù tính khách quan của bảng kê điện tử kể trên là chính xác thì tài liệu này không thể là bằng chứng khẳng định vào thời điểm thực hiện cuộc gọi, ông Nguyễn Thanh Chấn là người bấm máy. Lời khai của bà Nhâm và ông Thực về việc ông Chấn bấm máy cũng không có tài liệu nào khác... để làm chứng?!
Một chi tiết quan trong khác cũng bị các cơ quan tiến hành tố tụng bỏ qua một cách khó hiểu. Dù biên bản ghi lời khai ghi rõ, ông Chấn nhận tội đã dùng dao đâm chị H nhưng CQĐT đã không thể thu hồi được chiếc chuôi dao tang vật theo lời khai của ông. Nếu thực sự ông Chấn đã giết chị H, lời khai nhận tội là đúng nhưng lời khai về con dao tang vật lại được miễn nhiêm coi là... sai?
Ông Chấn bên người vợ đau yếu nhưng can đảm. Ảnh: TL
Nếu ông Chấn không bị ép cung
Trong nhiều đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng ông Nguyễn Thanh Chấn đều khẳng định mình bị ép cung, ép nhận tội. Theo ông Chấn, các điều tra viên Nguyễn H.T., Trần N.L., Ngô Đ.D. đã đánh ông nhiều lần trong quá trình lấy lời khai, có điều tra viên đã cầm dao, búa bắt ép ông phải nhận tội. Ông viết: "Ngày 20-9-2003, tôi nhận được giấy triệu tập lần 2. Tôi lên để gặp làm việc và tiếp tục lấy dấu vân tay, dấu chân nhiều lần. Tôi vẫn trả lời không biết gì về cái chết của cô H. Sáng hôm sau, tôi đến theo hẹn thì cán bộ Nguyễn H.T. lại lấy dấu chân, dấu tay của tôi nhiều lần rồi tra hỏi, đánh tôi rất đau. Điều tra viên Trần N.L. tay cầm dao, lăm lăm đe doạ: "Mày có khai không, tao cho mày chết". Các cán bộ: Nguyễn V.D, Ngô Đ.D, Đào V.B, Nguyễn T.T, T, Trần N.L thay nhau túc trực suốt ngày này sang đêm khác không cho tôi về và không cho tôi ngủ, dọa nạt ép buộc tôi... Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt ép tôi viết đơn tự thú ngày 28-9-2003". Ông Chấn còn viết: "Cũng trong trại Kế, tôi phải tập đâm bên nọ, đâm bên kia. Họ cho 1 tù nhân giả làm cô H. Cán bộ còn đưa cho cái thìa, cái lược để làm hung khí. Tập nhiều lần cho thành thạo. Làm đi làm lại để cho đúng ý của họ. Sau đó, họ mượn nhà dân, bắt tôi diễn lại và quay phim"....
Dù vậy, trả lời báo chí ngày 6-11-2013, Đại tá Nguyễn Văn Chức, Chánh Văn phòng và là người phát ngôn của CA tỉnh Bắc Giang cho biết, đã triệu tập và làm việc với các điều tra viên trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn. Theo ông Chức, CA tỉnh Bắc Giang đã rà soát hồ sơ về vụ án, đọc lại các lời khai của ông Chấn. "Qua đó chúng tôi kết luận hồ sơ không có gì bất thường", ông Chức nói?!
Có việc điều tra viên CA tỉnh bức cung hay không phải đợi kết luận cuối cùng của Bộ Công an. Tuy nhiên, bất cứ ai theo dõi vụ việc cũng đều đặt câu hỏi: Nếu ông Chấn không bị đánh, bị bức cung thì tại sao ông Chấn phải làm đơn xin tự thú, phải khai nhận mình đã giết cô H? Nếu không bị ép cung thì tại sao trong các bản cung của CA ông Chấn đều nhận tội nhưng khi ra tòa, khi đã bị kết án lại liên tục kêu oan?
Nếu đơn kêu oan được xem xét thấu đáo
Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn cho biết, trong thời gian chồng bà bị vướng vào vòng lao lý bà đã rất nhiều lần xuống Hà Nội gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng nhưng không được xem xét thấu đáo, thậm chí không nhận được hồi âm. Cùng lắm bà Chiến chỉ nhận được vài công văn trả lời với nội dung: "Cơ quan XY đã nhận được đơn của ông, bà... và đã gửi đến CA tỉnh Bắc Giang đề nghị xem xét, giải quyết". Như vậy có thể khẳng định rằng, lãnh đạo CA tỉnh Bắc Giang đã nhận được đơn kêu oan của bà Chiến nhưng đã không có bất cứ động thái nào để điều tra, xác minh những lời kêu cứu từ người phụ nữ nhỏ bé này.
Từ trong tù, ông Chấn cũng đã gửi đơn kêu oan đến Thanh tra Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Văn phòng Chính phủ... Theo ông Chấn, những lá đơn kêu oan của ông đều nói rõ việc ông bị các điều tra viên đánh đập, ép cung, mớm cung, dạy làm thực nghiệm điều tra... Trong hầu hết các lá đơn kêu oan, ông Chấn cũng trình bày việc bị các điều tra viên sử dụng nhiều biện pháp như thay nhau lấy cung, chuyển phòng giam nhiều lần để ông không được ngủ từ ngày 20 đến ngày 28-9-2003. Ông Chấn viết: "Do sợ hãi hoảng loạn bị tra tấn đánh đập nên tôi đã phải nhận và làm những gì mà cán bộ CA bắt tôi phải làm theo mà thực tế không phải như vậy".
Vì gửi đơn kêu oan đi nhiều nơi mà không được xem xét nên ông Chấn rất tuyệt vọng, đã hai lần tìm đến cái chết để giải thoát nhưng đều không thành. Và khi kẻ giết chị H tự thú không ít người đã phải trăn trở: Nếu như đơn kêu oan của vợ chồng ông Chấn được xem xét thấu đáo thì có lẽ ở Bắc Giang đã không có vụ án oan gây chấn động cả nước như những hôm vừa rồi ...
Nếu hung thủ không tự thú
10 năm trước, vào đêm xảy ra vụ án mạng tại thôn Me, bà Nguyễn Thị Lành, mẹ kế của nghi phạm Lý Nguyễn Chung phát hiện Chung là thủ phạm giết chị H nhưng bị chồng là ông Lý Văn Chúc đe dọa tước đoạt mạng sống nếu để lộ chuyện nên bà không dám hé lời.
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra, do liên tục bị chồng chửi bới, đe dọa, lương tâm bị cắn rứt nên sau nhiều năm cất giấu sự thật về hung thủ của vụ án, bà Lành đã kể toàn bộ sự việc với bố đẻ là ông Nguyễn Quang Hiền. Ông Hiền đã kể lại cho anh trai mình là ông Nguyễn Văn Khánh. Sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, ông Khánh đã quyết định hé lộ hung thủ thật sự trong vụ án 10 năm về trước cho vợ ông Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến. Từ đầu mối đó, bà Chiến đã bí mật điều tra, nhờ sự giúp sức của ông Khánh trong quá trình làm chứng với cơ quan CA, bà Chiến đã có những căn cứ để cung cấp cho CQĐT lật lại vụ án sau 10 năm.
Và cuối cùng, được sự động viên của các kiểm sát viên, của gia đình, kẻ giết người đã ra đầu thú cho dù trước đó y đã thay hàng trăm số điện thoại, đi hàng chục miền đất khác nhau...
Vụ án có thể sẽ kết thúc có hậu với ông Chấn. Nhưng, nếu hung thủ không bị những người hàng xóm phát hiện; nếu không may ông Chấn đã bị tuyên tử hình. Và đặc biệt, nếu hung thủ không đầu thú thì có lẽ ông Chấn khó có ngày về...
Còn một chữ nếu nữa, đó là nếu những người gây ra oan sai cho ông Chấn vẫn "lên là lên" ở những vị trí quan trọng và coi vụ này chỉ là "tai nạn nghề nghiệp" mà không bị xử lý hình sự, thì...
Theo Pháp luật Xã hội
Hình ảnh xúc động 10 năm đi tìm công lý của gia đình ông Chấn Ngày 25/1 vừa qua, Bộ Công an đã chính thức trao quyết định minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn - người từng nhận án chung thân với tội danh "giết người". Xin điểm lại những mốc thời gian đáng nhớ trong hành trình đi tìm công lý của gia đình ông Chấn. Ngày 15/8/2003: Tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt...