Ông bà “cấm” chích sởi, bé 2 tuổi viêm não nguy kịch
Cô bé 2 tuổi đang trong tình trạng hôn mê, nguy kịch tính mạng vì mắc sởi, biến chứng viêm não. Mẹ bệnh nhi đau đớn cho biết, ông bà của bé không cho cháu chích ngừa vì “tao nuôi cả bầy con, có cần chích đâu”.
Ngày 6/12, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cho hay, tại đây đang điều trị cho một trường hợp mắc sởi trong tình trạng rất nặng. Bệnh nhi là cô bé 2 tuổi, ngụ tại TPHCM, nhập viện với biểu hiện lơ mơ, hôn mê. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ xác định cháu bị biến chứng viêm não do sởi gây ra.
BS Hữu Khanh thăm khám cho bệnh nhi điều trị tại khoa Nhiễm – Thần kinh
“Đây là trường hợp nặng, bệnh nhi đang phải thở máy, nếu qua được giai đoạn nặng cháu có thể phục hồi nhưng ngược lại thì nguy cơ tử vong. Rất ít bệnh nhi bị biến chứng viêm não sau mắc sởi có thể trở lại với cuộc sống bình thường, nếu qua được nguy kịch, đa số trẻ phải đối mặt với các di chứng thần kinh, ảnh hưởng đến trí não, tinh thần, thể chất” – BS Hữu Khanh cho biết.
Cũng theo BS Hữu Khanh: “Qua khai thác bệnh sử, người mẹ của bệnh nhi đau đớn cho biết, sau khi sinh bé chị có đưa đi chích ngừa. Tuy nhiên, chích mấy mũi đầu bé bị hành với biểu hiện sốt, mệt nên ông bà của bé nói khỏi chích với lý do “tao nuôi cả bầy con có cần chích đâu”. Cả 2 mũi ngừa sởi khi 9 tháng và 18 tháng bệnh nhi đều chưa được chủng ngừa. Không có kháng thể bảo vệ là nguyên nhân khiến cháu bị nhiễm bệnh khi dịch sởi xuất hiện trong cộng đồng”.
Ngoài biến chứng viêm não, bác sĩ cảnh báo trẻ mắc sởi có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, biến chứng đường tiêu hóa. Tất cả các biến chứng nêu trên đều rất nguy hiểm, đe dọa sinh mạng bệnh nhi. Mặt khác, trẻ mắc bệnh sởi có nguy cơ thiếu vitamin A trầm trọng dẫn tới mù lòa.
Chích ngừa là giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ trước bệnh sởi
Bệnh nhi kém may mắn trên có thể chỉ ca điển hình trong số rất nhiều trẻ chưa được chích ngừa trong cộng đồng phụ huynh quay lưng với vắc xin phòng bệnh. BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM chia sẻ: “Khổ tâm nhất là nhân viên trạm y tế, đến tận nhà mời trẻ ra tiêm còn bị mắng chửi te tát, xua như xua tà nữa”.
Hiện, nhiều quốc gia đã quy định trẻ đến tuổi đi học phải được chích ngừa đầy đủ, những trường hợp chưa chích ngừa hoặc chích chưa đủ các mũi vắc xin theo quy định sẽ không được nhận vào trường học. Đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, thành phố cũng mong muốn áp dụng giải pháp trên để tăng hiệu quả phòng bênh trong cộng đồng, nhưng luật chưa quy định nên không thể triển khai.
Dù đã thực hiện những giải pháp tuyên truyền phòng bệnh, tiêm bổ sung vắc xin ngừa sởi nhưng số ca mắc bệnh trên địa bàn thành phố hiện vẫn ở mức cao. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng cho thấy, tuần qua tiếp tục có 68 trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị, tổng số trẻ bị sởi tấn công từ đâu năm đến ngày 3/12/2018 đã lên tới 600 ca.
Các Trạm Y tế tại TPHCM đang tổ chức tiêm bổ sung sởi cho trẻ dưới 5 tuổi
Để tránh nguy cơ mắc sởi, trẻ dưới 5 tuổi cần tiêm chủng vắc xin, mũi thứ nhất tiêm khi tròn 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 tiêm khi được 18 tháng. Hiện thành phố đang tổ chức tiêm bù vắc xin sởi, phụ huynh có con dưới 5 tuổi cần tự kiểm tra lại tiền sử tiêm vắc xin sởi của trẻ và liên hệ trạm y tế phường xã gần nhất để được tư vấn tiêm chủng trong trường hợp trẻ chưa được tiêm đủ hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa.
Bên cạnh nhóm trẻ chích vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, rất nhiều trẻ được phụ huynh cho đi chích ngừa vắc xin dịch vụ, mũi đầu chích khi trẻ được 12 tháng, mũi thứ hai chích khi trẻ được 4 đến 5 tuổi. BS Trương Hữu Khanh cảnh báo: “Với tình hình dịch tễ tại Việt Nam thì vắc xin sởi cần tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi, nhóm trẻ sử dụng vắc xin dịch vụ thời gian chích muộn hơn, thời gian chờ giữa mũi thứ nhất và mũi thứ hai cũng dài hơn nên có nguy cơ bị nhiễm bệnh trước khi chích mũi thứ nhất hoặc bỏ quên mũi chích thứ hai tạo ra lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng.
Để ngăn chặn nguy cơ trên, bác sĩ khuyến cáo những phụ huynh muốn con sử dụng vắc xin dịch vụ cần cho trẻ chích mũi sởi đơn giá khi được 9 tháng tuổi hoặc đưa trẻ đến chương trình tiêm chủng mở rộng để chích mũi sởi lúc 9 tháng sau đó mới theo chích dịch vụ.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Y bác sĩ kiệt sức giữa điểm nóng dịch bệnh
Dịch bệnh tăng với tốc độ "chóng mặt" nhưng nhân sự, trang thiết bị có hạn y bác sĩ phải quay cuồng quên ăn, mất ngủ điều trị cho bệnh nhi. "Chúng tôi cố gắng bằng tất cả sức lực của mình, chỉ mong giúp các bé vượt qua bệnh tật" - BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Dịch chồng dịch, trẻ ùn ùn nhập viện
Thêm một ca bệnh tay chân miệng buộc phải chuyển đến khu bệnh nặng vì nhịp thở yếu, mạch rời rạc không đếm được. Vừa chỉ định cho chuyển bệnh xong bác sĩ phải tiếp tục quay sang thăm khám cho bệnh nhi giường kế bên. "Chúng tôi đang cố gắng chạy đua với thời gian để thăm khám, theo dõi liên tục và sớm nhất có thể cho các bé" - nữ bác sĩ chỉ kịp nói vài lời rồi tập trung kiểm tra cho bé trai đang lơ mơ trên giường bệnh.
Trẻ điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa của bệnh sởi và bệnh tay chân miệng. Từ năm 2013 đến nay bệnh ở mức trung bình, số ca bệnh không nhiều. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần cuối của tháng 9/2018 bệnh tăng nhanh và tăng rất cao. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: "Tuần đầu của tháng 9, trong khoa chỉ có 20 đến 30 bé phải điều trị thì 2 tuần cuối tháng 9 đến nay bệnh đã tăng vọt".
Ngày 3/10, số bệnh nhân tay chân miệng đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 khoảng 230 trẻ (cao điểm của năm 2011 là 270 trẻ). "Bệnh tay chân miệng nếu không có biến chứng trẻ chỉ cần theo dõi điều trị từ 3 đến 5 ngày là được xuất viện. Bệnh luân chuyển nhanh nhưng số lượng bệnh nhập viện mỗi ngày ở mức cao (từ 70 đến 90 trẻ). Tốc độ tăng nhanh những ca nặng phải nhập viện điều trị chứng tỏ ngoài cộng đồng số trẻ mắc bệnh rất cao" - BS Hữu Khanh nhận định.
Bệnh nhân đông, nhiều ca bệnh nặng phải theo dõi liên tục
Khi tay chân miệng bùng phát thì dịch sởi "tát nước theo mưa", có thời điểm số trẻ mắc sởi nhập viện giao động từ 20 đến 30 bệnh nhi. "Tay chân miệng lây theo đường tiêu hóa còn sởi lây theo đường hô hấp. Những loại bệnh lây truyền theo đường hô hấp nếu không có giải pháp cách li, xử lý tốt nguy cơ lây cho cả bệnh viện vì vậy, hai loại bệnh trên không thể cho các bé nằm chung phòng bệnh. Việc sắp xếp chỗ nằm cho bệnh nhi để cách li đường lây nhiễm trong bối cảnh phòng bệnh, giường bệnh có giới hạn là một thách thức lớn. Bệnh sởi phải nằm ở khu cách li riêng, phải có người ở trong chăm sóc trẻ, nhưng bệnh tay chân miệng cũng cần phải có nhân sự theo dõi, điều trị liên tục" - BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Y bác sĩ quay cuồng, kiệt sức
Phân tích của BS Hữu Khanh chỉ ra: "Không giống như bệnh khác, tay chân miệng một giờ phải khám cho bệnh nhi 1 lần. Bác sĩ có nhiệm vụ thăm khám, theo dõi liên tục để đánh giá và đưa ra nhận định về mức độ nặng của bệnh, các công đoạn này phụ thuộc hoàn toàn vào sức người chưa có phương tiện máy móc hỗ trợ, thay thế".
Những kiểm tra, chẩn đoán mức độ bệnh ở trẻ hiện chưa có phương tiện hỗ trợ tối ưu cho bác sĩ
Dẫn chứng cho sự vất vả của nhân viên y tế, BS Hữu Khanh cho hay: "Mỗi tua trực có 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng nhưng phải chăm sóc cho cả trăm bệnh nhân. Trường hợp 1 trẻ nhỏ khi bệnh trở nặng, mạch mất, phải thở máy, xét nghiệm... cần 5 người mới có thể xử lý được". "
Có thời điểm 30 đến 40 bệnh nhi trong tình trạng phải theo dõi liên tục thì toàn bộ nhân viên y tế phải liên tục di chuyển, liên tục ghi chép, liên tục thực hiện các bước theo dõi sát cho bệnh nhi. Y bác sĩ, điều dưỡng gần như kiệt sức. Để có thể duy trì cường độ làm việc, chúng tôi buộc phải chia tua thay nhau nghỉ ngơi, bác sĩ, nhân viên y tế đa phần ngồi ngủ gục tại chỗ, hiếm khi được nghỉ lưng".
Nhân viên y tế quay cuồng, không có thời gian để nghỉ lưng
Trước sự căng thẳng của dịch bệnh, bệnh viện đã phải thông báo cho tất cả nhân sự đề nghị không nghỉ phép, những người đang đi học phải quay về, người bắt đầu học phải chia ngày học, xin phép bộ môn để sắp xếp lịch trực. Ngoài ra, bệnh viện còn huy động sinh viên y khoa trực sớm hơn và về trễ hơn để phụ giúp bác sĩ; mua thêm máy cầm tay để theo dõi nồng độ ô xy trong máu cho bệnh nhân...
Bệnh viện đang phải căng mình tiếp nhận, điều trị cho những trẻ bệnh nặng
BS Hữu Khanh tâm sự: "Bệnh nhân đông, bệnh nặng nhiều, để cứu trẻ chuyện y bác sĩ quên ăn uống là việc rất bình thường. Bệnh viện đang cố gắng để duy trì sức khỏe cho nhân viên bằng cách tăng cường cho nhân sự trực các loại thức ăn nhanh như mì gói, xúc xích, sữa... vào tua trực đêm để mỗi lúc được rảnh, họ có thể tranh thủ ăn lấy sức mà tiếp tục chiến đấu".
Vân Sơn - Nguyễn Quang
Theo Dân trí
TPHCM: "Ngộp, te tua, tơi tả" vì... bệnh tay chân miệng Số ca mắc tay chân miệng nhập viện tăng dồn dập, bệnh nặng ngày càng nhiều khiến các bác sĩ phải căng mình ứng cứu. Nguy cơ đại dịch tay chân miệng bùng phát như thời điểm năm 2011 đang đe dọa cộng đồng. Ngày 25/9, trên trang facebook cá nhân BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi...