Ông Abe tạo ra tương lai châu Á và những di sản còn ngổn ngang
Shinzo Abe là kiến trúc sư của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng song hành với tầm nhìn đó của ông là sự biện minh cho quá khứ của nước Nhật.
“Không hề phóng đại khi nói rằng Shinzo Abe chính là người đã khai sinh ra khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tác giả Mihir Sharma, nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát tại New Delhi, viết trong bài bình luận trên Bloomberg.
Cách đây 20 năm, “khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là khái niệm không tồn tại. Nhưng giờ đây, khi đọc sách trắng quốc phòng của các cường quốc, hay lắng nghe phát biểu của lãnh đạo các quốc gia, khái niệm gắn liền với khu vực có sự hiện diện của các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới xuất hiện với tần suất dày đặc.
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là tầm nhìn gắn kết địa chính trị, địa kinh tế, và quân sự giữa các quốc gia nằm ở hai đại dương lớn và quan trọng bậc nhất thế giới, một chiến lược ngày càng được nhiều quốc gia hưởng ứng. Kiến trúc sư của chiến lược này, không ai khác, là Shinzo Abe.
Nhưng tầm nhìn của ông Abe về một châu Á mới được thúc đẩy cùng sự phủ nhận tội ác của phát xít Nhật ở nhiều nước láng giềng, cụ thể là Hàn Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc. Và làm sao để tái quân sự hóa Nhật Bản trong khi không phải bảo vệ quá khứ quân phiệt là một câu hỏi mà ông Abe chưa trả lời được.
Di sản của ông sẽ được định đoạt bằng hành động của chính phủ Nhật Bản trong những năm tới. Hoặc có thể, làn sóng dân túy đang làm chao đảo các nền dân chủ trên thế giới vài năm qua có thể khiến chủ nghĩa dân tộc của ông Abe trong có vẻ ít nguy hiểm hơn, ông Sharma bình luận.
Cha đẻ của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Vào tháng 8/2007, trong bài phát biểu mang tính bước ngoặt trước quốc hội Ấn Độ trong lần đầu tiên làm thủ tướng, ông Abe kêu gọi hai quốc gia tạo ra “một châu Á rộng lớn hơn” tại “nơi hợp lưu” của hai đại dương, một châu Á cần có sự tham gia của các nền dân chủ hướng biển lớn như Mỹ, Australia hay Indonesia.
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không phải chỉ là một câu khẩu hiệu sáo rỗng. Tầm nhìn về một châu Á bao trùm, rộng mở đã trở thành khát vọng của Tokyo, cũng như cảm hứng trong quyết sách của Mỹ cùng các đồng minh.
Một thập niên sau đó, trong bối cảnh nước Mỹ thu mình dưới thời Donald Trump, các chính sách của cố Thủ tướng Abe đã định hình nên một kiến trúc an ninh, kinh tế tại khu vực, đến nay mở ra cơ hội bảo vệ dòng chảy tự do thương mại và tư tưởng ở châu Á, Thái Bình Dương, thậm chí xa hơn.
Cố Thủ tướng Abe cùng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka năm 2019. Ảnh: AP.
“Chỉ riêng bởi điều ấy thôi, ông Abe xứng đáng được nhớ đến là một trong những nhà lãnh đạo để lại nhiều ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 21 cho đến nay”, Bloomberg bình luận.
Ấn Độ, quốc gia từ lâu định hướng chính sách an ninh quanh lục địa Á – Âu, giờ đây đã bắt đầu coi mình là một quốc gia hàng hải, một phần nhờ công Thủ tướng Abe và những nỗ lực không ngừng nghỉ thúc đẩy tạo ra các liên minh dựa trên lợi ích biển khơi.
Với các quốc gia ven biển ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cảm thấy sức ép từ một thế giới đơn cực nơi Bắc Kinh chính là cực đơn nhất ấy, các sáng kiến của ông Abe, trong đó có nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ – Nhật – Ấn – Australia, mở ra cơ hội tạo ra thế cân bằng.
Phủ nhận quá khứ
Tại những nơi phát xít Nhật Bản từng chiếm đóng và gây ra tội ác chiến tranh, ký ức về Thế chiến II vẫn còn tươi mới. Quan điểm “tẩy trắng quá khứ phát xít” cũng như nỗ lực tái quân sự hóa Nhật Bản của ông không được hoan nghênh.
Cố thủ tướng thậm chí cho rằng một số điều khoản trong hiến pháp Nhật Bản hiện nay, như điều 9 về hòa bình, là di sản mà người Mỹ đã áp đặt. Trong mắt những người theo chủ nghĩa tự do ở trong nước, nỗ lực của ông Abe đưa Nhật Bản thoát khỏi mặc cảm hậu chiến là điều nguy hiểm.
Trung Quốc, Triều Tiên và phần nào là Hàn Quốc, ba láng giềng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ quá khứ quân phiệt của Tokyo, là những nước phản ứng mạnh mẽ nhất với lập trường tái quân sự hóa Nhật Bản của ông Abe.
Tác giả Sharma lưu ý rằng ông viết bài bình luận về ông Abe từ Berlin (Đức), thủ đô một đất nước vừa quyết định tái vũ trang (sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine) nhưng đồng thời là nơi mà ít ai có thể chỉ trích một chính trị gia là người biện minh cho chủ nghĩa quân phiệt như cách mà ông Abe thường bị chỉ trích.
Nhưng ở những quốc gia châu Á khác, người ta xem ông trước hết là một chiến binh bảo vệ cho tự do và dân chủ. Khi ông Abe viết khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” cần được đưa vào các tuyên bố và chiến lược chung, có lẽ nhà lãnh đạo nước Nhật muốn gửi đi thông điệp về bảo vệ tự do thương mại trên một trong những tuyến vận tải hàng hải bận rộn và cũng nhiều tranh chấp nhất thế giới.
Chính sách về quốc phòng của ông Abe gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Reuters.
Nhưng ông cũng muốn người ta nhìn thấy sự cần thiết có một nền tảng quốc phòng chung, các giá trị quyền con người phổ quát chung trong thời đại chủ nghĩa bá quyền ngày càng trỗi dậy. Đó có lẽ là những gì các đối tác nhìn thấy từ nỗ lực quốc tế của ông Abe.
“Chắc chắn các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, châu Âu hay Australia muốn một Nhật Bản hướng về bên ngoài, đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn về an ninh. Đó cũng là Nhật Bản mà ông Shinzo Abe hứa hẹn tạo ra”, bài viết trên Bloomberg bình luận.
Nhưng làm thế nào để tái quân sự hóa Nhật Bản mà không bị coi là tẩy trắng cho quá khứ quân phiệt là câu hỏi khó mà bản thân ông Abe cũng chưa đủ khả năng trả lời rốt ráo.
Có lẽ, sau khi ông Abe qua đời, một chính khách bước tiếp theo tư tưởng của ông có cơ hội thuận lợi hơn để giải được bài toán học búa nói trên. Xét cho cùng, khi nhìn vào làn sóng dân túy bùng lên khắp thế giới trong những năm gần đây, ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa mà ông Abe thổi vào Nhật Bản xem ra vẫn còn hiền dịu.
“Shinzo Abe là một trong những người theo chủ nghĩa quốc tế lỗi lạc nhất trong thời kỳ của ông, kiến trúc sư của hệ thống an ninh tập thể tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, David Frum, cố vấn cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, nhận định.
Ông Abe cuối cùng được lịch sử nhìn nhận thế nào sẽ phụ thuộc, một phần, vào hành động trong những thập kỷ tới của Nhật Bản – đất nước mà ông đã tái định hình sau 9 năm cầm quyền.
Trong một bài viết công bố ngày ông trở lại ghế thủ tướng Nhật Bản năm 2012, Abe cho biết ưu tiên hàng đầu của ông là “mở rộng tầm nhìn chiến lược của Nhật Bản”. Ông đồng thời nhấn mạnh nền ngoại giao của Nhật Bản “phải luôn dựa vào dân chủ, thượng tôn pháp luật và tôn trọng nhân quyền”.
“Một Nhật Bản đóng vai trò nền tảng cho kiến trúc kinh tế, chính trị mở, bao trùm ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ giúp thế giới nhận rõ nên tưởng nhớ Shinzo Abe theo cách nào”, Bloomberg nhận định.
Nước Nhật sẽ rất nhớ Shinzo Abe
Trao đổi với Zing, chuyên gia quốc tế nói ông Shinzo Abe thuộc nhóm chính trị gia thế giới kiệt xuất hiếm hoi. Sự ra đi của ông để lại khoảng trống trong chính trường Nhật Bản.
"Shinzo Abe thực sự là chính trị gia chỉ có một trên đời", ông Nicholas Chapman, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế và chính trị các nước châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản, nói với Zing vào ngày 9/7, một ngày sau vụ ám sát ông Abe gây chấn động cả Nhật Bản và thế giới.
Như những học giả khác, ông Chapman cho rằng vị cựu thủ tướng đã để lại di sản sâu đậm. Giai đoạn ông Abe làm thủ tướng đã đưa đến sự ổn định tương đối cho chính trị - kinh tế Nhật Bản, xứ sở mặt trời mọc cũng đã tham gia tích cực hơn trên quốc tế.
Đồng thời, ông Chapman chỉ ra rằng vị cựu thủ tướng là nhân vật gây tranh cãi trên một số vấn đề, đặc biệt là quan điểm của ông về vai trò của Nhật Bản trong Thế chiến II.
Nhưng dù thế nào đi nữa, sự qua đời của ông Abe "chắc chắn sẽ khiến mọi người có cái nhìn tổng quát hơn đối với những đóng góp của ông", ông Chapman nói.
Người dân xếp hàng vào ngày 9/7 tại nơi ông Abe bị ám sát, ở Nara, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Chính trường không thay đổi lớn nhưng sẽ có khoảng trống
- Dù đã từ chức, ông Abe vẫn có ảnh hưởng lớn tại hậu trường. Sự qua đời đột ngột của ông ấy sẽ tác động thế nào tới chính trường Nhật Bản?
- Bi kịch này để lại một khoảng trống lớn. Nhưng tôi không nghĩ khoảng trống ấy sẽ tạo ra sự tranh đấu nội bộ mạnh mẽ mà mọi việc sẽ vẫn duy trì trạng thái như cũ.
Những người như Thủ tướng Kishida nhiều khả năng sẽ có được tầm ảnh hưởng lớn hơn trong LDP. Và những người trước đó được ông Abe hậu thuẫn cũng có thể sẽ nổi trội hơn một chút. Nhưng tôi cho rằng chính trường Nhật Bản sẽ không thay đổi quá nhiều và sẽ là sự tiếp diễn của hiện trạng.
Tôi không cho rằng sẽ xuất hiện một nhân vật nào đó có sự lôi cuốn và tầm ảnh hưởng như ông Abe.
Nicholas Chapman, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản
Tôi không cho rằng sẽ xuất hiện một nhân vật nào đó có sự lôi cuốn và tầm ảnh hưởng như ông Abe. Ông Kishida chắc chắn có tiềm năng thay thế ông Abe, nhưng ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông Kishida, tôi không cho rằng đương kim thủ tướng Nhật Bản sẽ bước vào con đường tiếp quản di sản ông Abe để lại.
Shinzo Abe thực sự là người chính trị gia chỉ có một trên đời. Ông đã xuất hiện tại thời điểm then chốt, khi mà việc thay đổi thủ tướng Nhật Bản diễn ra hàng năm.
Bên cạnh việc xuất hiện trong hoàn cảnh Nhật Bản vừa trải qua thảm họa động đất và sóng thần, ông Abe cũng có mặt khi nền kinh tế đất nước đang trì trệ. Ông ấy đã có thể đảo ngược một phần tình trạng trì trệ ấy và tạo ra một số thay đổi tích cực.
Trên đây cũng là nguyên nhân ông Abe lại là chính trị gia có ảnh hưởng như thế. Tôi không cho rằng sẽ có người nào có thể lặp lại điều đó trong thời gian tương đối dài.
Ông Abe vận động tranh cử vào ngày 6/7, hai ngày trước khi ông bị ám sát. Ảnh: AFP.
- Ngày 10/7, Nhật Bản tổ chức bầu cử thượng viện. Liệu vụ ám sát ông Abe sẽ có tác động thế nào tới cuộc bầu cử này?
- Tỷ lệ cử tri đi bầu ở Nhật Bản thường rất thấp, đặc biệt là cuộc bầu cử mà ông Abe tham gia vận động tranh cử khi bị bắn. Nhưng sự kiện này sẽ thôi thúc cử tri Nhật Bản hành động. Ngay từ lúc này trên Twitter đã nổi lên những hashtag như "không bạo lực" hoặc "hãy đi bầu".
Sự kiện này thật sự chấn động người dân Nhật Bản vì hành động bạo lực như thế là điều không thể tưởng tượng nổi ở đất nước này. Nếu nói là ông Abe bị đâm, tôi có thể dễ tin điều đó hơn là khi nghe tin ông ấy bị bắn.
Ở các nước khác, chẳng hạn như khi chính khách Jo Cox bị bắn ở Anh trước thềm cuộc trưng cầu dân ý Brexit vào 5 năm trước, họ sẽ ngừng vận động tranh cử trong một thời gian. Nhưng ngay từ bây giờ, ông Kishida đã lên tiếng cho biết sẽ tiếp tục chiến dịch tranh cử vì sự kiện này không thể phá hoại cuộc bầu cử.
Vì thế, tôi cho rằng việc này sẽ tạo ra cú hích đối với tỷ lệ cử tri đi bầu và làm tăng sự ủng hộ cho LDP. Sẽ có nhiều người cảm thông với điều đã xảy ra với ông Abe, cho dù họ có đồng ý với các chính khách cùng đảng với ông hay không.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nghẹn ngào khi phát biểu ngày 8/7, sau khi ông Abe bị ám sát. Ảnh: Reuters.
- Một số người so sánh biến cố xảy ra với ông Abe với vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy vào năm 1963. Cái chết của ông Kennedy khiến nước Mỹ đoàn kết trong thời gian ngắn, giúp tân tổng thống thông qua đạo luật quyền dân sự có tính cột mốc.
Liệu điều tương tự có xảy ra ở Nhật Bản hay không, khi ông Abe có giấc mơ dang dở là sửa đổi hiến pháp?
- Về vấn đề hiến pháp, tôi không nghĩ là sẽ có thay đổi vì đây là chủ đề rất gây tranh cãi. Ngay cả ông Abe - một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc sửa đổi hiến pháp - cũng đã thất bại về mặt này.
Giấc mơ ấy của ông Abe thực sự đã tắt cùng với việc ông từ chức. Và tôi cho rằng không có chính khách nào sẽ có đủ vốn liếng chính trị để thúc đẩy thông qua sửa đổi hiến pháp.
Việc so sánh hai vụ ám sát khá là thú vị. Ông Kennedy bị ám sát khi còn ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống, thời điểm ông chưa hoàn thành nhiều điều mà ông muốn thực hiện. Và nhiều điều ông muốn làm nói chung nhận được sự ủng hộ của công chúng.
Nhưng ở Nhật Bản lại khác. Việc sửa đổi hiến pháp luôn là điều gây tranh cãi cao độ.
Tôi cho rằng không có chính khách nào sẽ có đủ vốn liếng chính trị để thúc đẩy thông qua sửa đổi hiến pháp.
Nicholas Chapman, nhà nghiên cứu người Anh thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản
Trong số chính khách Nhật Bản, kể cả lớp người trẻ cũng phản đối sửa đổi hiến pháp. Vì thế tôi không cho rằng sẽ có chính khách có thể nhân sự kiện này để thúc đẩy thông qua sửa đổi hiến pháp.
- Ngoài vấn đề sửa đổi hiến pháp, liệu có những chính sách nào khác có thể nhận được sự ủng hộ nhiều hơn sau vụ ám sát này?
- Bạn sẽ thấy vấn đề an ninh được nhấn mạnh hơn, đặc biệt là an ninh của chính khách đi vận động tranh cử.
Điều thú vị ở Nhật Bản là khi đi tranh cử, các chính khách sẽ đứng ngay tại đường phố để vận động và bắt tay với người dân. An ninh khi ấy sẽ ít hoặc thậm chí là không có. Nếu xem video ông Abe bị bắn, bạn sẽ thấy tay súng đã có thể bước đến đằng sau ông ấy dễ dàng ra sao.
Nhưng bạn không thể tưởng tượng được điều ấy sẽ xảy ra ở châu Âu hay tại Anh và Mỹ, đặc biệt là với một cựu lãnh đạo. Sẽ có nhiều nhân viên an ninh để ngăn chặn điều tương tự xảy ra. Vì thế, tôi cho rằng vấn đề đảm bảo an ninh cho chính khách khi đi vận động sẽ được nêu bật.
Ta cũng có thể chứng kiến luật kiểm soát súng đạn được thắt chặt hơn nữa. Nhật Bản từ trước đã có luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt bậc nhất thế giới nên ta khó có thể hình dung ra họ sẽ củng cố đạo luật ấy như thế nào.
Vì khẩu súng gây án là do nghi phạm tự chế tại nhà, tôi cho rằng sẽ có thêm một số quy định để điều chỉnh vấn đề súng được chế tạo bằng công nghệ in 3D. Luật hiện hành chưa cân nhắc tới loại súng được chế bằng công nghệ này.
Ông Abe cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima vào năm 2016. Là lãnh đạo Nhật Bản, ông Abe đã tìm cách củng cố quan hệ với lãnh đạo các nước khắp thế giới. Ảnh: New York Times.
Ngoài ra, vì ông Abe khá ủng hộ việc củng cố các đạo luật phòng chống rò rỉ bí mật và bí mật nhà nước, chúng ta có thể sẽ thấy được những đạo luật giới hạn quyền tự do dân sự hơn, cũng như các hình phạt nghiêm hơn đối với người vi phạm trên mạng trực tuyến.
Chúng ta có thể thấy thêm nhiều chính sách trao cho nhà nước quyền trừng phạt không chỉ những người có hành vi bắt nạt trên mạng mà còn là những người phát tán thông tin sai lệch và tư tưởng nguy hiểm, như tư tưởng cực hữu.
Tầm nhìn Abe định hình nước Nhật
- Vụ ám sát một nhà cựu lãnh đạo quốc gia này sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới cảm giác an toàn tương đối của người Nhật?
- Sự kiện này là cú sốc lớn đối với cả hệ thống. Trước đó cũng có một số trường hợp chính khách Nhật Bản bị bắn, nhưng hầu hết vụ việc này nói chung có dính dáng tới băng đảng bạo lực.
Vì thế, việc một công dân bình thường tấn công một chính trị gia nổi tiếng như thế sẽ để lại vết sẹo lớn trong tâm thức người dân Nhật Bản. Như tôi nói ở trên, chúng ta sẽ thấy thái độ cẩn trọng hơn trong công tác đảm bảo an ninh của những chính khách quan trọng xuất hiện trước công chúng.
Nhưng tôi cũng cho rằng người dân Nhật Bản sẽ không có phản ứng tự phát như khi một người nào đó ở nước khác bị ám sát, như Mỹ chẳng hạn. Người Nhật vẫn sẽ tự hào với thực tế là họ sống ở một đất nước mà những sự việc như vậy rất hiếm khi xảy ra.
Ông Abe vào năm 2007 khi ông ở trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên chỉ kéo dài một năm. Ảnh: AP.
- Tầm nhìn của ông Abe - vị thủ tướng tại vị lâu năm nhất Nhật Bản - đã định hình xứ sở mặt trời mọc như thế nào?
- Nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của Thủ tướng Abe giai đoạn 2012-2020 đã mang lại sự ổn định tương đối về chính trị - kinh tế cho Nhật Bản, đặc biệt là trong giai đoạn trứng nước.
Trước khi ông Abe trở lại, chiếc ghế thủ tướng của Nhật Bản như một "cánh cửa xoay vòng", tức là gần như mỗi năm lại có một thủ tướng mới. Hơn nữa, nền kinh tế Nhật Bản khi ấy đang trì trệ và vẫn đang phục hồi sau tác động của trận động đất, sóng thần năm 2011 tàn phá miền Đông Bắc.
Sau khi ngồi vào nhiệm sở, ông Abe đã thi hành chính sách kinh tế Abenomics mang tên ông, bao gồm 3 mũi tên là nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu.
Ông Abe đã cải cách Nhật Bản cả bên trong và bên ngoài.
Nicholas Chapman, nhà nghiên cứu người Anh thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản
Tuy vẫn có hạn chế, những cải cách rất cần thiết này đã kích thích nền kinh tế vốn đã tăng trưởng thấp kể từ đầu những năm 1990. Tăng trưởng GDP danh nghĩa của Nhật Bản đã được cải thiện, tỷ lệ nợ chính phủ so với thu nhập quốc dân lần đầu tiên trở nên ổn định sau nhiều thập kỷ.
Ông Abe có công trong việc sửa đổi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, ủng hộ thương mại tự do, đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác với ông Trump, cũng như cố tích cực tiếp cận Iran trong thời gian nước này căng thẳng với phương Tây.
Chính sách đối ngoại của ông rất tự tin và cũng giúp khôi phục niềm tin rằng Nhật Bản thực sự cần đóng góp vai trò trong các vấn đề thế giới. Ông cũng phát huy thế mạnh của Nhật Bản và đã dùng sức mạnh mềm để thúc đẩy du lịch.
Tóm lại, ông đã cải cách Nhật Bản cả bên trong và bên ngoài, khiến nước này từ nền kinh tế trì trệ trở thành nền kinh tế cải cách, trở thành quốc gia chủ động hơn trên trường quốc tế.
Ông Abe, với tư cách là Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào năm 2003, đang ăn mừng chiến thắng bầu cử với Thủ tướng Junichiro Koizumi khi đó. Ảnh: Bloomberg.
Nhưng trong những năm cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ ủng hộ của ông Abe đã giảm. Đeo bám ông Abe là những vụ bê bối, là sự suy yếu của Abenomics và cách xử lý đại dịch. Một phần lợi nhuận doanh nghiệp và sự bùng nổ thị trường chứng khoán có được trong những năm đầu nhiệm kỳ lần hai của vị cựu thủ tướng đã bị đảo ngược.
Ngoài ra, ông Abe còn buộc phải hoãn Thế vận hội Tokyo dù là người có công đưa sự kiện này tới Nhật Bản.
Nhưng như đã đề cập ở trên, ông Abe đã có công trong việc mang lại sự ổn định phần nào cho chính trường Nhật Bản và khôi phục hình ảnh quốc gia trên quốc tế. Nên vụ ám sát chắc chắn sẽ khiến mọi người có cái nhìn tổng quát hơn đối với những đóng góp của ông.
Người Việt ở Nhật sốc khi điều kỳ diệu không xảy ra với ông Abe.Anh Lê Hùng, sang Nhật từ 2008 và đang sinh sống ở Tokyo, nói anh và đồng nghiệp hụt hẫng và sốc khi nghe tin cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã không qua khỏi sau vụ ám sát.
Campuchia tuyên bố quốc tang một ngày để tưởng nhớ cố Thủ tướng Abe Campuchia sẽ tổ chức quốc tang một ngày vào ngày mai 10.7 nhằm thể hiện sự kính trọng sâu sắc nhất dành cho cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã qua đời vào ngày 8.7 sau khi bị ám sát, theo tờ Khmer Times. Trong thông điệp đặc biệt đưa ra sáng nay, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ đạo...