Ông Abe bị ám sát: Vệ sĩ bỏ lỡ 2,5 giây quý giá; bác sĩ kể khoảnh khắc cuối cùng
Các chuyên gia an ninh cho biết các vệ sĩ có thể đã cứu cố thủ tướng Nhật Abe Shinzo, nếu họ che chắn hoặc đưa ông khỏi làn đạn trong 2,5 giây giữa phát đạn trượt đầu tiên và phát súng thứ hai.
Những người đưa tang tập trung tại bàn thờ cố thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ở Tokyo – Ảnh: REUTERS
Hàng loạt lỗ hổng an ninh
Theo Hãng tin Reuters, sau khi xem lại các cảnh quay của vụ ám sát, nhóm chuyên gia Nhật Bản và quốc tế nhận định có một loạt lỗ hổng an ninh trong việc bảo vệ cựu thủ tướng Abe khỏi phát súng thứ hai.
Các nhà chức trách Nhật Bản – bao gồm cả Thủ tướng Kishida Fumio – đã thừa nhận những sơ hở về an ninh. Trong khi đó cảnh sát cho biết họ vẫn đang tiếp tục điều tra.
Bộ phận an ninh đã bỏ qua khoảng không phía sau ông Abe, khi ông đứng nói chuyện ở góc đường. Điều này đã cho phép kẻ tấn công đến cách ông Abe chỉ vài mét, mang theo súng mà không hề bị kiểm tra.
Ông John Soltys, cựu sĩ quan Navy SEAL và CIA, hiện là phó chủ tịch Công ty an ninh Prosegur, cho biết các vệ sĩ của ông Abe dường như không tạo ra “vòng an ninh đồng tâm” xung quanh ông.
Nỗ lực tuyệt vọng của bác sĩ
Trong khi đó, bác sĩ Shingo Nakaoka, người cấp cứu cho ông Abe tại hiện trường, kể rằng ông biết mọi nỗ lực cứu sống cố thủ tướng đều có thể vô ích khi nhìn thấy khuôn mặt nhợt nhạt của ông.
Video đang HOT
Vị bác sĩ 64 tuổi chạy đến hiện trường từ phòng khám gần đó trong vòng vài phút sau khi ông Abe bị ám sát vào ngày 8-7. Vào thời điểm đó, ông Nakaoka nhớ lại khuôn mặt của ông Abe đã tái nhợt vì đạn bắn sâu đến cổ.
Trả lời Reuters, ông Nakaoka kể lại: “Điều khiến tôi ngay lập tức bị ấn tượng là khuôn mặt của ông nhợt nhạt như thế nào. Khi chúng tôi xoa bóp tim, cơ thể ông ấy không hề phản ứng”.
Ông Nakaoka đã lao đi thật nhanh khi một người dân tại hiện trường hét lên gọi ông đến giúp đỡ. Cùng với các y tá, ông Nakaoka chạy một quãng đường ngắn đến hiện trường.
Theo bác sĩ Nakaoka, một người có vẻ là từ đoàn tùy tùng của ông Abe đã ngay lập tức đưa cho ông một máy khử rung tim tự động (AED), nhưng chiếc máy này không thể bật lên. Một trong ba y tá của ông đã chạy trở lại phòng khám để lấy một chiếc máy khác.
Thế nhưng khi ông kết nối máy với ông Abe, chiếc máy thông báo: “Không kết nối được”. Ông Nakaoka giải thích rằng điều đó có thể xảy ra khi tim đập bình thường hoặc… không có nhịp tim.
Không còn cách nào khác, ông Nakaoka cùng các y tá thay phiên nhau xoa bóp tim cho ông Abe bằng tay.
Nhưng vì cố thủ tướng Nhật mất quá nhiều máu, ông Nakaoka biết rằng ông ít có khả năng hồi sức tại chỗ. “Thời điểm đó, tôi vô cùng tuyệt vọng”, ông Nakaoka kể về việc ông Abe đã không có phản hồi trong suốt thời gian đó.
Cố thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo phát biểu trước khi bị một người đàn ông ở Nara bắn từ phía sau – Ảnh: REUTERS
Chết lâm sàng trước khi đến bệnh viện
Người phát ngôn của Sở Cứu hỏa thành phố Nara cho biết một chiếc xe cấp cứu có mặt lúc 11h41, khoảng 11 phút sau khi ông Abe bị ám sát.
“Thời gian dường như rất dài. Ông ấy cần nhanh chóng đến một trung tâm y tế lớn để cầm máu”, ông Nakaoka kể lại.
Máy bay trực thăng đã đưa ông Abe, khi đó đã chết lâm sàng, đến Bệnh viện Đại học Y Nara – cách đó khoảng 20km lúc 12h20.
“Có lúc tôi không nhớ nổi khi đó mình như thế nào”, bác sĩ Nakaoka nói.
“Điều tôi nhớ rất rõ là điên cuồng cầu nguyện một phép màu để, bằng cách nào đó, người đàn ông này – người không thể thay thế đối với Nhật Bản và thế giới – có thể được cứu”, vị bác sĩ người Nhật bộc bạch.
Vị thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản được tuyên bố qua đời lúc 5h03 chiều cùng ngày.
Hung thủ ám sát ông Abe Shinzo từng cố gắng tự tử
Nghi phạm vụ ám sát cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, từng cố gắng tự tử khi còn phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ trên biển, vào năm 2005, hãng thông tấn Kyodo đưa tin.
Dẫn lời một người chú của nghi phạm, Kyodo cho biết thêm, sau khi cha của Yamagami tự vẫn vào năm 1984, bà mẹ của Tetsuya Yamagami đã tham gia tổ chức tín ngưỡng Giáo hội Thống nhất và cung tiến cho giáo phái này 100 triệu yên (theo tỷ giá đương thời là gần 1 triệu USD) từ việc bán đất đai, bất động sản và tiền bảo hiểm sau cái chết của ông chồng. Đầu năm 2002, bà này tuyên bố phá sản.
Tetsuya Yamagami, nghi phạm sát hại ông Abe Shinzo
Theo người chú của Yamagami, nghi phạm cho rằng khoản cung tiến này và vụ phá sản tiếp theo đã hủy hoại gia đình và tương lai của cá nhân, anh ta không thể theo học tại trường đại học danh tiếng.
Sau đó, Yamagami gia nhập Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản và cố gắng tự sát khi đang làm nhiệm vụ vào năm 2005, muốn để em trai và em gái có thể nhận tiền bảo hiểm, người chú cho biết thêm.
Yamagami thú nhận với cảnh sát rằng hắn ta căm ghét Giáo hội Thống nhất suốt trong 20 năm ròng; từ trước khi thực hiện vụ ám sát ông Abe, hắn đã nổ súng vào tòa nhà ở thành phố Nara có liên quan đến tổ chức tôn giáo nói trên. Trên bức tường toà nhà đã phát hiện những lỗ đạn bắn.
Trước đó, Yamagami khai hắn tin rằng chính trị gia quá cố có liên hệ với Giáo hội Thống nhất, vì hồi năm ngoái, ông Abe đã gửi thông điệp chào mừng đến một tổ chức kết thân với giáo phái này.
Yamagami cũng nói rằng ông ngoại của ông Abe - cố Thủ tướng Nobusuke Kishi - dường như đã góp phần vào sự xuất hiện của tổ chức tôn giáo này ở Nhật Bản.
Cảnh sát cho biết, một ngày trước khi xảy ra vụ ám sát, Yamagami đã thử nghiệm khẩu súng của mình bằng cách bắn vào một cơ sở của Giáo hội Thống nhất ở Nara. Ít nhất 7 dấu vết bắn bằng súng đã được tìm thấy trong tòa nhà liền kề với tòa nhà đặt cơ sở của Giáo hội Thống nhất, theo báo Asahi.
Tổ chức Giáo hội Thống nhất cho biết họ không có ghi chép về Yamagami và ông Abe chưa từng tham gia hoặc đóng bất cứ vai trò nào với giáo hội này. Ông Tanaka Tomihiro, chủ tịch Giáo hội Thống nhất chi nhánh Nhật Bản từ chối bình luận về các khoản quyên góp của mẹ nghi phạm.
Ngày 12/7, lễ tưởng niệm được tổ chức tại nhiều tỉnh thành tại Nhật Bản, trong đó lễ tang có quy mô lớn hơn được tổ chức đồng thời tại Tokyo cũng như tại quê nhà của cố Thủ tướng Abe Shinzo. Trước đó, hôm 11/7, nghi lễ tưởng niệm và viếng cố Thủ tướng Abe đã bắt đầu được tổ chức từ 18h00 (theo giờ địa phương) tại đền Zojo, Tokyo.
Nhiều nước đã cử phái đoàn đến viếng, ngoài ra ban tổ chức cũng bố trí khu vực để người dân có thể thắp hương và dâng hoa chia buồn cùng gia đình ông.
Chính phủ Nhật Bản tặng Huân chương Hoa cúc - huân chương cao quý nhất của Nhật Bản cho cố Thủ tướng Abe Shinzo. Ông Abe là người thứ tư được nhận huân chương này kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Nhật Bản điều tra vấn đề an ninh trong vụ cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị sát hại Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 14/7, Nhật Bản đã thành lập một tổ công tác đặc biệt và cử đến thành phố Nara để điều tra các vấn đề an ninh liên quan đến vụ cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị sát hại. Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ nổ súng vào cựu Thủ tướng Abe Shinzo tại Nara,...