“Ớn lạnh” trước con sán dây dài 5,2m trong cơ thể cô gái
Bỗng nhiên phát hiện đốt sán rơi ra khỏi cơ thể, cô gái Ph.Th. đi kiểm tra thì được bác sĩ xổ ra một con sán dây dài 5,2m. Đây là trường hợp điển hình về những ca bệnh nhiễm sán dây trưởng thành đã “chung sống hòa bình” với cơ thể người trong thời gian dài.
Con sán dây dài 5,2m được xổ ra từ cơ thể cô gái
Ngày 20/3, PGS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng, TPHCM cho hay, tại đây vừa phát hiện một ca bệnh nhiễm sán dây trưởng thành với chiều dài “khủng”. Ngày 19/3, nữ bệnh nhân là L.Ph.Th. (27 tuổi, ngụ tại TPHCM hiện là giáo viên) đến phòng khám của Viện kiểm tra sau khi bất ngờ phát hiện một đốt sán đột nhiên rơi ra khỏi cơ thể.
Con sán được bác sĩ dùng thuốc xổ ra ngoài và lưu mẫu ở Viện
Khai thác bệnh sử không ghi nhận những bất thường có nguy cơ cao bị nhiễm giun sán trong ăn uống, sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Tuy nhiên, qua các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm sán dây nên tiến hành phương pháp xổ sán bằng thuốc.
Sau 3 giờ chờ đợi, ở lần đi cầu thứ nhất đốt sán đầu tiên có chiều dài khoảng 20cm được tống ra khỏi cơ thể, sau đó bệnh nhân đi cầu lần 2 thì toàn bộ phần còn lại dài khoảng 5m được đẩy ra ngoài qua.
Đây là con sán dây có chiều dài khoảng 5,2m
Từ trước đến nay tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng, TPHCM đã từng xổ được một con sán có chiều dài khoảng 6m trong cơ thể bệnh nhân nam. Đây là con sán dây có chiều dài “khủng” đứng thứ hai được xổ ra ngoài thành công. Một trường hợp khác sau khi xổ bắt được 2 con, mỗi con có chiều dài hơn 2m.
Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng, TPHCM là nơi tiếp nhận khám và điều trị cho những trường hợp bị nhiễm giun sán nói riêng và các loại ký sinh trùng nói chung cho người bệnh. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày Viện phát hiện khoảng 3 đến 5 trường hợp nhiễm sán cần điều trị.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Cảnh báo bệnh lợn gạo lây sang người qua ăn uống
Nam bệnh nhân tìm đến bác sĩ khi tá hỏa phát hiện những đốt sán rơi ra từ hậu môn, bác sĩ đã xổ con sán dài 3m ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Bệnh sán dây lợn thường lây sang người qua đường ăn uống, cộng đồng cần chủ động các biện pháp phòng ngừa.
Nhiều ca nhiễm sán lợn
Thông tin từ BS Hồ Ngọc Quý, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng, TPHCM cho biết, thời gian gần đây Viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị vì nhiễm ký sinh trùng sán dây lợn. Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam 53 tuổi đến Viện trong tình trạng có những đốt sán tự động rụng ra từ hậu môn hoặc đi cầu ra những đốt sán có hình dạng như xơ mít.
Con sán dài 3m được xổ ra khỏi cơ thể người bệnh
Các bác sĩ xác định đây là đốt sán dây lợn bị rụng nên tiến hành dùng thuốc xổ cho bệnh nhân. Con sán dây lợn dài 3m đã theo ngã tự nhiên đi ra khỏi cơ thể trong sự ngỡ ngàng của người bệnh. Sau xổ sán, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi, điều trị để xử lý triệt để nguy cơ nang sán có thể ký sinh trên người bệnh.
Trước đó, một bệnh nhân nữ 64 tuổi (ngụ tại Bình Phước) đến Viện với biểu hiện có nhiều nang sán nổi thành u ở các vùng da lỏng (phía dưới da có các tổ chức mỡ). Bệnh nhân bị ngứa kéo dài nên dùng tay gãi, gây ra nhiều vết lở loét trên da. Qua phân tích, xét nghiệm, bác sĩ xác định, bệnh nhân bị nhiễm ấu trùng sán lợn, chỉ định cho dùng thuốc điều trị. Sau 2 tháng sử dụng thuốc, tình trạng sức khỏe bệnh nhân có cải thiện, bệnh nhân giảm ngứa, sức khỏe bình phục.
Những nang sán ký sinh trong não của lợn thả rông được phát hiện tại Bình Phước
Bác sĩ cảnh báo, khi ăn phải trứng sán lợn, trứng sẽ đi vào dạ dày nở thành ấu trùng di chuyển đến ruột non, ấu trùng có thể xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu ký sinh tại các cơ vân, não, mắt... hóa nang. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2cm. Trường hợp ấu trùng khi đến dạ dày sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non, phát triển thành con sán dây trưởng thành trong đường ruột.
Sử dụng thịt rõ nguồn gốc, ăn chín để tránh nhiễm bệnh
Hiện ổ dịch lợn gạo đang xảy ra trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, nguy cơ lan rộng trong cộng đồng nếu không có giải pháp khoanh vùng, xử lý dịch triệt để. TPHCM là nơi tiêu thụ nguồn thịt rất lớn từ các tỉnh thành, trong đó có tỉnh Bình Phước, nguy cơ nguồn thịt nhiễm sán dây qua hoạt động kinh doanh, buôn bán hoặc vận chuyển lén lút qua đường tiểu ngạch có thể xảy ra.
Rau sạch được sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc hạn chế được nguy cơ nhiễm sán
Ban Quản lý An toàn Thực phẩm thành phố nhận định, một bộ phận người dân trên địa bàn vẫn duy trì tập quán ăn tiết canh, gỏi sống, rau sống, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ là nhóm nguy cơ dễ bị nhiễm bệnh sán lợn.
Bệnh lợn gạo gây ra bởi ấu trùng của sán dây lợn, loại sán này trưởng thành, gây bệnh luôn ký sinh tại ruột non của người. Tuy nhiên, quá trình phát triển trong cơ thể người có thể diễn ra thành một chu kỳ hoàn chỉnh từ trứng sán đến ấu trùng và phát triển thành sán dây. Ngoài ký sinh trong đường tiêu hóa, trên cơ vân, nang sán có thể theo máu di chuyển đến não khiến người bị động kinh, liệt tay chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ, đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Cộng đồng cần sử dụng nguồn thịt rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh
Ban An toàn Thực phẩm cảnh báo, người bệnh thường nhiễm sán lợn gạo do ăn phải thịt có ấu trùng nhưng chưa nấu chín. Một số người có thể nhiễm sán do vô tình nuốt trứng sán có trong thức ăn, rau sống, nước uống hay tay bị dính trứng sán trước khi đưa vào miệng. Để phòng bệnh sán nói chung và sán lợn gạo nói riêng cộng đồng cần bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh; tuyệt đối không sử dụng thịt bị bệnh lợn gạo làm thức ăn, không nên ăn tiết canh, sản phẩm thịt chưa được nấu chín kỹ; cần rửa sạch các loại rau ăn sống;
Lựa chọn và sử dụng các sản phẩm thịt đã được chứng nhận thuộc chuỗi thực phẩm an toàn có quy trình kiểm soát từ khâu nuôi, mổ thịt và kinh doanh có tem truy xuất nguồn gốc là một trong những giải pháp để tránh dùng phải nguồn thịt mang mầm bệnh. Với những hộ chăn nuôi cần quản lý và xử lý tốt nguồn chất thải của cả người và vật nuôi.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Sán ngọ nguậy ở ngực của cô gái mà nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống cũng rất nhiều người mắc phải Cô gái đến từ Sơn La (30 tuổi) phát hiện vùng ngực phải có nốt đỏ, đau nhói và ngứa, khi nặn ra thấy một sinh vật sống đang ngọ nguậy. Thói quen ăn đồ tái sống là nguyên nhân dẫn đến bệnh tình của cô. Tưởng mọc mụn ở ngực, cô gái phát hoảng khi biết đó là con sán ngọ nguậy...