“Ôm đồm” quá nhiều, Diablo III tiếp tục lỡ hẹn
Tổng số quái vật hay thậm chí là lượng nhiệm vụ của Diablo I lẫn Diablo II cộng lại vẫn chưa là gì so với Diablo III.
Vẫn biết rằng Diablo III đã tốn tới hơn 7 năm trời phát triển vì phải chú trọng quá nhiều vấn đề nhưng thật khó cho các fan có thể chấp nhận việc chờ đợi lâu đến như thế. Theo như trưởng quản lý cộng đồng Bashiok thì thực chất, Diablo II cũng tốn tới gần 5 năm trời để phát triển rồi. Sở dĩ phiên bản III ngồn nhiều thời gian đến vậy vì đây là sản phẩm dạng game offline “rộng lớn” nhất – theo nghĩa đen – mà Blizzard từng phát triển. Tính riêng số lượng quái vật thôi, Bashiok đã phải thừa nhận:
“Bạn sẽ đụng độ vô số kẻ thù. Tôi nghĩ rằng chỉ riêng số lượng và loại quái vật khác nhau trong 2 màn đầu game đã vượt xa tổng số quái vật trong Diablo II rồi, đó là còn chưa tính đến các con trùm hay những con quái vật chỉ thay đổi đôi chút chi tiết”.
Trung thành theo lối cũ, “đã đa dạng càng đa dạng hơn”, Blizzard thiết kế mỗi loại quái vật thành nhiều dạng khác nhau. Ví dụ xác sống ở vùng đất rừng thiêng nước độc sẽ có màu da, kỹ năng thiên về môi trường chúng sinh sống, khác hoàn toàn với lũ xác sống trong hầm mộ hay sa mạc:
“Chúng tôi đã tạo ra rất nhiều chi tiết,hình dạng khác nhau cho mỗi loại quái vật, chủ yếu là để chúng phù hợp với nơi sinh sống. Thậm chí trong cùng một màn chơi một con quái vật cũng có thể có nhiều chi tiết hình dạng khác nhau, phù hợp với địa điểm chúng xuất hiện. Điều này giúp cho người chơi cảm thấy rằng mình đang đi đúng hướng và đang gặp phải những kẻ thù mới. Đôi lúc, lũ quái vật sẽ lì lợm hơn hay đôi lúc những đòn tấn công và loại hình tấn công của chúng sẽ thay đổi”.
Video đang HOT
Hiện giờ, những thay đổi dạng như vậy còn chưa được đưa vào phiên bản demo tại BlizzCon vừa qua nên các fan hiện thời chỉ có thể tạm hài lòng ở mức “ý tưởng”. Cho đến nay, số lượng quái vật trong Diablo III được biết đã lên tới con số 35 và chắc chắn đây mới chỉ là một phần rất nhỏ so với khi game chính thức hoàn thành.
Một lý do nữa khiến Diablo III chậm trễ vì số lượng nhiệm vụ cũng như độ rộng của màn chơi được bổ sung thêm rất nhiều, ít nhất là so với 2 người anh đi trước của nó. Các fan hoàn toàn có thể trông đợi vào những màn chơi kéo dài nhưng không hề nhàm chán với các sự kiện được thay đổi, biến chuyển một cách ngẫu nhiên, đi kèm với số lượng quái vật mới khổng lồ như đã hứa ở trên.
Rất chú trọng vào yếu tố PvE (người chơi chống lại quái vật do máy điều khiển) nhưng Diablo III không quên đi PvP (người chơi chống lại người chơi). Khi một fan đặt ra câu hỏi liệu Blizzard có chịu “hy sinh” yếu tố này để có thể đưa game ra mắt sớm hơn được không, phía D3 Team đã khẳng định chắc nịch rằng:
“Không. Yếu tố PvP được phát triển song hành với tất cả những thứ khác. Vì thế không có chuyện khi đã xong xuôi tất cả, chúng tôi phải dừng lại vài tháng để cân bằng lại các lớp nhân vật hay vũ khí. Hãy tin rằng khi game ra mắt, sẽ không cần cân bằng lại bất kỳ thứ gì nữa”.
Theo Gamek
Diablo II vẫn còn "nóng" lắm!
Bằng chứng là tựa game huyền thoại này vẫn đem lại không ít lợi nhuận cho những game thủ "buôn đồ".
Không phải bỗng dưng Blizzard liên tục cập nhật các bản update cho Diablo II, một tựa game tưởng chừng như đã biến mất khỏi "bản đồ thế giới game". Rõ ràng Diablo II vẫn đang mang lại cho họ một lượng fan vô cùng lớn cùng cộng đồng game thủ rất gắn kết và bền chặt trên khắp thế giới. Bản thân các game thủ Diablo II không phải ai cũng là những người chơi game "cho vui". Thực tế rằng rất nhiều người chơi Diablo II vì mục đích khác: tiền.
Francis Charles, 19 tuổi, du học sinh người Myanmar tại Singapore cho biết cậu đã hết niềm đam mê với Diablo II từ cách đây nhiều năm nhưng cho đến giờ, chơi tựa game "ông lão" này mỗi ngày vẫn là điều "bắt buộc" với cậu.
Không thiếu những lời rao bán vật phẩm Diablo II.
Sở dĩ như vậy vì Diablo II mang đến cho cậu sinh viên này một khoản thu nhập mỗi tháng lên tới hơn 1 nghìn SGD (đôla Singapore). Francis cho biết, việc bán vật dụng, đồ đạc quý giá và những món vũ khí khó tìm trong Diablo II mỗi ngày có thể kiếm được tới 50 SGD.
Hệ thống buôn bán tiền thật - đồ ảo trong Diablo II được quy ra một đơn vị tiền tệ chung gọi là Stone of Jordan (SoJ - tên một chiếc nhẫn cực kỳ quý trong game). Ví dụ một mảnh trong bộ Immortal Kings của Barbarian được định giá là 3 SoJ và người chơi có thể bỏ ra khoảng 30 đến 40 SGD để sở hữu một món vật phẩm này. Giá vũ khí, vòng cổ và nhẫn có thể cao hơn tùy thuộc vào độ hiếm của nó. Chỉ cần người chơi trả giá, món vật phẩm sẽ thuộc về họ. Trên trang web bán đồ trực tuyến Ebay.com, không ít các chủ để liên quan đến việc mua đồ trong Diablo II.
Một món trong set Immortal Kings có giá hàng trăm nghìn VNĐ.
Để kiếm được những món đồ cực kỳ quý hiếm này cũng không phải là dễ. Francis cho biết cậu đang sở hữu một Paladin đẳng cấp 98, có khả năng kiểm soát quái số lượng đông và hạ gục trùm rất nhanh. Mỗi khi đánh trùm, Francis sẽ thay vật phẩm trên người mình bằng một bộ đồ khác có cộng rất nhiều điểm Magic items finding (tăng khả năng nhặt được đồ hiếm). Mephisto, con trùm ở màn III là "nạn nhân" ưa thích mỗi ngày vì chất lượng đồ rơi ra từ người hắn cũng như độ khó không cao.
Không phải ai cũng mong chờ Diablo III.
Cộng đồng Diablo II hiện nay vẫn được xem là một trong những cộng đồng game đông đảo nhất thế giới, khoảng 3 triệu người chơi, chỉ sau có World of WarCraft, StarCraft, Simsvà Call of Duty. Rất nhiều người chơi Diablo II là thuộc thành phần đã có công ăn việc làm và với họ, việc bỏ ra từ 30 đến 50 SGD cho một món vật phẩm mình thích không phải là chuyện lớn.
Đây chính là lý do vì sao việc buôn bán trong Diablo II vẫn "thịnh hành" đến vậy. Francis còn cho biết thêm cậu rất lo vì Diablo III sắp ra mắt và có thể nguồn thu nhập hiện tại từ Diablo II của cậu sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Đó cũng có thể là nỗi lo chung của rất nhiều game thủ Diablo II hiện tại chơi vì kiếm tiền.
Theo Gamek