Ơi ới gọi nhau ra biển Phước Thể săn, bắt “của trời cho”
Những ngày này, biển Phước Thể, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) trở nên nhộn nhịp người từ khắp nơi lui tới bắt ốc- của trời cho. Những con ốc bé xíu, sau khi trụng nước sôi, được trộn thêm gia vị gồm: mắm, muối, dầu, ớt, lá sả, lá chanh… thành món ăn vừa bắt mắt vừa lôi cuốn, thơm ngon đến lạ lùng.
Xách xô ốc, chị Nguyễn Thị Thủy, 45 tuổi, ở xã Phước Thể nói: “Ốc bám trên đá, di chuyển chậm chạp, nhưng sinh sản rất nhanh nên chỉ sau một đêm triều lên là chúng xuất hiện ở khắp nơi, tha hồ bắt”. Chị Thủy cho biết, trừ những ngày đi làm, khi rảnh rỗi, chị tranh thủ xách xô ra biển bắt ốc đem về ăn, có lúc làm quà cho bà con ở xa. “Số ốc này ngày mai tui gửi xe vô cho mấy đứa cháu ở Sài Gòn, tụi nó mê thứ này lắm” – Chị Thủy cười, chỉ xô ốc.
Cảnh nhộn nhịp ơi ới nhau đi bắt ốc bờ biển Phước Thể. Mùa này ốc là quà biển, là của trời ban…
Mùa ốc kéo dài đến hết tháng 8 âm lịch. Chờ lúc con nước rọt, bờ biển Phước Thể lộ ra bãi rạng dài hơn cây số cũng là lúc mọi người gọi nhau ơi ới ra biển bắt ốc.
Khác với những sản vật biển khác đang dần khan hiếm hay cạn kiệt, ốc biển vẫn khá dồi dào, thậm chí sinh sôi nảy nở khắp bãi rạn biển. Vô số các loại ốc với đủ kích cỡ, màu sắc, hình dạng khác nhau, được đặt nhiều tên riêng rất lạ lẫm, theo cách gọi của người dân, như: ốc quắn, ốc gai, ốc mặt trăng, ốc ngựa…
Ốc biển săn bắt ở biển Phước Thể có nhiều loài với nhiều hình thù khác nhau.
Ngoài ra, còn có khá nhiều chem chép, tôm, đồn đột, cua, cá…Từ khoảng trưa đến xế chiều, ốc nổi lên trên đá san hô, người đi bắt chỉ việc nhặt bỏ vào thùng, cũng có khi phải mò vào các khe đá để bắt. Loài sinh vật biển này to nhỏ đủ kích cỡ, vỏ láng hoặc xù xì, óng ánh sắc màu; có con màu ruốc, con lấm chấm màu gạch, con rằn ri xám tro, con đen tựa hòn than…
Trong vô số loài ốc biển, thì ốc quắn chỉ to bằng mút đũa, nhưng người ta ưa nhất vì thịt chắc, béo và thơm. Ngày nào, bãi rạn cũng đông người. Ai đến đây đều tự nhiên chọn món quà biển mà mình thích.
Các bà, các ông thì lom khom đào bắt những con chem chép, còn số nam nữ thanh niên, đám trẻ con thì thích thú tìm bắt những con ốc đen trụi hay mấy chú tôm tích, cua, cá…đang kẹt lại trong các hốc đá khi nước triều xuống nhanh.
Video đang HOT
Tay lật dỡ từng hòn đá cuội, lôi ra những con ốc nhỏ bỏ vào bịch, Dương Văn Hà ở Phước Thể cười: “Tụi cháu thích ra biển bắt ốc vui lắm, lại có ăn nữa. Con ốc quắn này béo nục, thèm ghê…”. Nhìn trong cái bịch của Hà mang theo, ngoài ốc, có cả cua và những chú tôm tích đen bóng búng tanh tách.
Lão ngư Trần Văn Hiếu, 77 tuổi ở Phước Thể cho biết từ lúc còn nhỏ, ông đã theo cha mẹ mình ra bãi rạn này bắt ốc, cua về làm thức ăn. Lạ lắm, từ xa xưa đến nay, bãi rạn này vẫn luôn có nhiều sản vật, bắt bao nhiêu cũng được, cứ như của trời ban không bao giờ cạn.
Ốc biển xào dừa có mặt ở nhiều quán ốc ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong. Ảnh: Phan Rí.
Theo cụ Hiếu, do thủy triều lên xuống liên tục, mùa nam cạn vào buổi chiều, mùa bấc cạn vào buổi sáng. Khu vực biển ít có sự tác động của con người, ít tàu thuyền neo đậu. Không chỉ thế, nước biển ở đây sạch, vì thế mà các sản vật như: cua, ốc, chem chép, tôm… ngon nức tiếng…
Đậm đà… món ốc
Dọc theo bờ kè Phước Thể dễ dàng bắt gặp người dân mang “quà biển” trở về. Ai bắt ít cũng được rổ, bịch, người bắt nhiều thì xô, thùng… Mặc dù giá trị không cao nhưng với số lượng nhiều lại dễ dàng săn bắt, ốc biển và các sản vật khác được cho là niềm vui, sinh kế của nhiều người kéo dài suốt mấy tháng theo con nước của biển. Với họ, tất cả những gì biển mang đến đều là quà tặng của trời đất, thiên nhiên, xứ sở nên đều được đón nhận một cách trân trọng.
Ốc ngựa chấm mắm gừng bán ở nhiều quán tại thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong. Ảnh: Phan Rí.
Thời điểm này, Tuy Phong đang vào mùa ốc biển. Ốc được bán khắp nơi, nhưng ngon nhất vẫn là ốc bắt được ở vùng biển Phước Thể. Ốc trở thành món ăn vặt hấp dẫn của nhiều người.
Các bà, các chị quê biển bảo, hồi xưa, ốc quắn… là món ăn dân dã ở quê. Người ta chỉ cần trụng nước sôi lên là có thể dùng ngon lành. Bây giờ, ốc quắn trở thành một món ăn khá sành điệu ở phố. Vì thế, trong cách chế biến ốc lại có thêm gia vị như: ớt, tiêu, sả… Ốc từ biển khi bắt lên chỉ bán với giá vài ngàn đồng 1 lạng, nhưng khi lên phố, giá mỗi lạng ốc đã lên đến mươi, mười lăm ngàn đồng 1 lạng.
Mùa ốc ở xứ biển đã tạo nên sự hấp dẫn, không chỉ với người vùng biển mà còn với người ở xa đến thăm Phước Thể vào thời gian này.
Theo Minh Chiến (Báo Bình Thuận)
Miền Tây lũ tràn đồng: Cá tôm ồ ạt đổ về, của trời cho, có cả rắn to
Những ngày này, vùng Đồng Tháp Mười ở miền Tây nước lũ đã tràn đồng. Cá, tôm ồ ạt đổ về, người dân nơi đây chuẩn bị đồ nghề đánh bắt để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cá đồng, cua, lươn, có cả rắn to...của trời cho - nguồn lợi thủy sản mang lại thu nhập đáng kể cho người dân vùng lũ.
"Của trời cho"
Lũ về, người dân vùng Đồng Tháp Mười lại tất bật chuẩn bị đồ nghề: Lọp, dớn, cần câu, ghe, xuồng,... đánh bắt "của trời cho". Từ lâu, đặc sản mùa lũ được thị trường ưa chuộng, người tiêu dùng mua với giá cao nên đây được xem là mùa "ăn nên làm ra" của người dân vùng lũ.
Lũ về, nước tràn đồng, không chỉ bắt cá đồng, chuột đồng, ếch đồng...người dân vùng lũ Long An còn bắt được cả những con rắn to theo nước tràn về...
Mùa nước nổi ở miền Tây có hàng chục loại lọp dùng để đánh bắt cá đồng, trong đó có loại lọp dùng để bắt cua.
Theo anh Nguyễn Văn Vẹn (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), cá linh, lươn, chuột, rùa, rắn,... là những sản vật "trời phú" đặc trưng của vùng lũ. Đặc biệt, cá linh là loại cá chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong năm vào mùa lũ. Hiện loài cá này bắt đầu xuất hiện trên các cánh đồng ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu,... cá linh thịt ngọt, xương mềm, nhiều người ưa chuộng nên mỗi khi mùa lũ đến, người dân ở đây lại rủ nhau đi đánh bắt cá linh...
"Cứ đầu mùa lũ là cả gia đình tôi chuẩn bị đặt lú bắt cá linh. Trung bình vài ngày, 10 miệng lú có thể bắt được vài chục ký cá linh nếu trúng mùa. Với giá bán cá linh trên 100.000 đồng/kg như hiện nay, đến hết mùa lũ, kiếm được vài chục triệu đồng là chuyện bình thường. Không chỉ có cá linh, các loại cá khác: Rô, trê, lóc, bống, chạch hay ếch, lươn, chuột, rắn,... cũng được nhiều người đánh bắt bán cho các thương lái" - anh Vẹn cho biết.
Anh Ngô Bá Tòng (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) chia sẻ: "Mấy ngày nay, nước ở đầu nguồn đổ về và cao hơn bình thường. Với người dân ở đây, mùa nước về như tín hiệu ấm no, vì vậy nhiều gia đình đang hối hả chuẩn bị ghe, lưới đi đánh bắt cá, tôm,...Các loại cá nước, chim trời phía thượng nguồn thường theo nước lũ tràn về, nước càng nhiều, sản vật sẽ càng phong phú, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người dân. Mùa lũ năm nay, ngoài giăng lưới bắt cá, tôi còn đặt cua để bán. Với 200 lọp, trung bình mỗi ngày tôi kiếm được 300.000 đồng...".
Lũ sớm, nước lên nhanh, trượt mẻ cá đầu nguồn
"Lũ năm nay về nhanh, không kịp trở tay nên mất đứt mẻ dớn đón cá đầu nguồn" - ông Trần Văn Nghĩa (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) nói trong tiếc nuối.
Nông dân chuẩn bị dụng cụ để đánh bắt cá trong mùa lũ
Ông Nghĩa là người có thâm niên trong nghề đặt lọp hơn chục năm. Theo ông, mọi năm, cá, tôm đầy đồng, con nước lớn nên chỉ cần một đêm thả lọp là sáng hôm sau phải gánh từng rổ về. Cá, tôm tươi ngon đem ra chợ bán một chút là hết, nhiều khi chưa kịp mang ra chợ đã bán sạch ở đầu ngõ. Trung bình 1 đêm, ông kiếm được vài triệu đồng.
Tuy nhiên, năm nay lũ về sớm lại lên rất nhanh khiến cho việc đánh bắt cũng không thuận lợi. Bây giờ, cả gia đình ông với hơn 1.000 cái lọp giăng khắp từ đồng gần đến đồng xa nhưng thu nhập chỉ khoảng 1 triệu đồng/ngày. Ngoài làm lọp bắt cá, ông còn làm để bán cho người dân trong vùng. Trước đây, trung bình mỗi mùa lũ, ông bán được vài trăm cái lọp nhưng năm nay số lượng bán ra ít hơn nên thu nhập giảm.
Nguồn lợi thủy sản cá tôm mùa nước nổi mang lại thu nhập đáng kể cho người dân vùng lũ ở miền Tây.
Theo anh Đỗ Văn Thiện (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa), nghề đánh bắt cá mùa lũ thu nhập rất bấp bênh. Anh Thiện trầm ngâm: "Làm nghề này, mấy ai giàu có. Sau khi thu hoạch xong lúa Hè Thu, lũ về, nông dân không thể canh tác thì đành kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá. Hễ đến mùa lũ, cha con tôi đặt lú, giăng lưới bắt cá. Được năm lũ lớn, chỉ vài con nước là kiếm cả chục triệu đồng. Còn năm nào lũ nhỏ, cá chạy ít thì kiếm cũng được dăm ba triệu đồng".
"Những ngày qua, do đầu vụ nên giá cá, tôm mùa nước nổi đang ở mức cao. Trung bình mỗi ngày, cha con tôi kiếm được 500.000 đồng, đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình" - anh Thiện tâm sự.
Theo Danviet
Cơ quan chức năng vào cuộc vụ dùng giấy viết vé xe Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết, đã nắm được thông tin phản ánh của báo chí, đồng thời khẳng định lực lượng chức năng sẽ cố gắng không để xảy ra tình trạng sử dụng vé giả hoành hành trên địa bàn. Tờ "vé xe" mà Công ty Đông Hưng bán ra cho hành khách: Nguồn Dân trí...