Ôi hàng Fake…
Hàng nhái đang làm đau đầu những thương hiệu thời trang danh tiếng. Điều đặc biệt, dân kinh doanh hàng này đều ngang nhiên vỗ ngực: “ Hàng Fake đấy ạ! Giống thật không?”
Chị biết không, chị em xách giỏ này vào cửa hàng Louis Vuitton, nhân viên ở đó còn hỏi chị em: “Chị dùng giỏ này có thấy hài lòng không ạ?”, Hoàng, một chủ shop online có lượng truy cập khổng lồ trên mạng, cho biết.
Nhìn kệ hàng hóa của Hoàng, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì mức độ tinh vi và đa dạng của chủng loại “hàng fake”, tên thường gọi đối với hàng nhái các dòng sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton (LV), Gucci…
Với sự hỗ trợ của Internet, hàng nhái đang làm đau đầu những hàng thời trang danh tiếng. Điểm đặc biệt là tất cả những cửa hàng shop online nay đều ngang nhiên vỗ ngực “Hàng Fake đấy ạ! Giống thật không?”
Chúng tôi đã lần theo dấu vết của hàng nhái, hàng giả và phát hiện những điều bất ngờ.
Bảo đảm giống hàng thật đến 95%
Đảm bảo hàng Fake loại cao cấp (best quality) và giống hàng authentic nhất (có đủ code, certificate card, túi vải bọc bảo vệ, túi giấy…), các chị đừng vì những chỗ khác rẻ hơn mà mua phải hàng rởm. Khách ở Sài Gòn, em khuyến khích đến tận nơi để xem hàng, tránh được những sai sót về sản phẩm. Nhớ confirm YIM cho em trước khi đến là được. Các chị có thể đi tham khảo nhiều chỗ rồi đến chỗ em xem hàng cũng được. Chỗ nào ok hơn em chịu…
Khó lòng phân biệt đâu là hàng giả, hàng thật trong mấy mẫu túi xách trên của Louis Vuitton
Đó là những lời quảng cáo trên trang web mua bán trên mạng của Hoàng.
Vừa click vào trang web này, chúng tôi thấy số lượt người truy cập để xem hàng fake trong cửa hàng của Hoàng đã lên đến gần 2000. Qua đó đủ thấy tính hấp dẫn của loại hàng này với một số người. Thậm chí Hoàng đã trở thành thương hiệu “Hàng fake có uy tín” trên các mạng mua sắm. Cô còn có một số đại lý trên mạng.
Video đang HOT
Dựa theo địa chỉ được cung cấp trên website này, chúng tôi tìm đến nhà, cũng là cửa hàng của cô gái trẻ này trên tầng 221 một chung cư bên bờ kênh Nhiêu Lộc, Q3, TP. HCM.
Trên kệ đặt giữa nhà có vô số sản phẩm nhái của các nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci, Burberry, Chanel, Herme’s…
“Chị muốn mua dòng sản phẩm nào cũng có. Bảo đảm hàng chị ở đây giống hàng thật 95%, chị muốn xem mã code em cho chị xem. Chị cứ mặc đồ thật hoành tráng, xách giỏ fake này ra đường, đố ai biết được đó là hàng nhái. Nếu không giống hàng thật, chị mang lại đây em bồi thường tiền ạ”. Hoàng vừa nói vừa chỉ tôi phần mã code in trên quai da bên trong túi
Tôi hỏi Hoàng: “Nếu chị đặt số lượng lớn hơn hoặc theo những sản phẩm trong bộ sưu tập mới vừa ra mắt, em có hàng không? Làm sao biết hàng của em chất lượng hơn những hàng khác?”.
“Chị cứ đặt thoải mái, trong vòng khoảng 4 – 5 ngày sẽ có hàng về. Phần phí vận chuyển chị sẽ chịu. Chị chỉ việc vào trang web chính của các hãng chị thích, chọn mẫu rồi gửi cho em. Hàng của em là hàng của công ty ở Hong Kong. Họ làm là để xuất đi châu Âu nên kỹ từng chi tiết. Cái nào không giống sẽ bị bỏ ngay. Vì thế, giá hàng em cao hơn hàng người khác vài trăm nghìn đồng nhưng chất lượng. Chị biết không, loại túi Herme’s giá cao cấp em không dám bán vì giá đến mười triệu đồng. Em nói thật chất lượng, đường may của mấy loại fake số một này cũng không thua gì hàng thật, trừ việc không phải chính hãng thôi…”. Hoàng liến thoắng.
Quảng cáo hàng nhái lan tràn trên mạng
Nếu như việc bán các sản phẩm cao cấp giả diễn ra tại các cửa hàng có phần dè dặt, vì có thể bị các cơ quan chức năng “chụp mũ” bất cứ lúc nào thì “chợ” mạng lại sôi nổi hơn.
Hiện nay, chỉ cần gõ “hàng Loiuis Vuitton fake” trên Google, bạn có thể nhận được trên 50.000 kết quả tìm thấy.
Trên các website enbac.com.muare.vn.chodientu.vn, kenhmuaban.vn, raovat.xalo.vn, 123mua.com, click.vn…đầy rẫy những lời mời chào mới, giới thiệu một cách lộ liễu hàng fake của những tên tuổi lớn như LV, Gucci, Chanel, Salvatore, Ferragamo…
Không chỉ thế, hàng nhái, hàng giả còn tấn công vào các hệ thống mạng xã hội phổ biến như blog, multiply, Facebook…
Một trong những người bán hàng giả, hàng nhái nổi tiếng trên Facebook hiện nay có nickname là Lan Túi. Nếu như Hoàng mạnh về dòng sản phẩm Louis Vuitton nhái cao cấp, Lan lại mạnh mẽ về hàng Chanel, Herme’s…
Trò chuyện với tôi qua điện thoại, Lan bảo: “Từ khi mở trang bán hàng fake trên Facebook, em buôn bán đắt hơn”.
Chủng loại hàng fake cũng đa dạng. Theo Hoàng có đến 6 dòng sản phẩm, chia từ A1 đến A6. Hàng A1 là hàng cao cấp nhất, mức độ nhái hàng tinh vi và cẩn thận đến từng chi tiết.
Ngoài chuyện có mã số hàng hóa đóng dấu trên sản phẩm, đường may sắc sảo, dây kéo mềm mại, sắc nét, certificate card, túi vải bọc bảo vệ…một số tay bán hàng nhái còn quảng cáo sản phẩm Louis Vuitton của mình “lên màu” như hàng thật sau khi sử dụng một thời gian.
Với hàng LV thật sau một thời gian sử dụng, quai xách sẽ ngả màu đậm hơn và lớp da thân túi sẽ bóng lên rất đẹp. Hàng giả khó lòng được như thế.
Tuy nhiên, gần đây, một số website còn quảng cáo về loại hàng nhái xách tay từ Hàn Quốc và châu Âu, làm bằng da dê thật nên có thể lên màu không khác gì hàng thật.
Ví dụ shop online tên LVhouse trên website www.vatgia.com quảng cáo: “Bạn muốn bước vào thế giới hàng hiệu? Bạn muốn được như những ngôi sao thần tượng của mình? LVhouse chuyên phân phối các dòng sản phẩm VIP fake túi xách, dây lưng, bóp hiệu hàng xách tay từ Korea và France, đảm bảo uy tín về kiểu dáng cũng như chất lượng với giá cả vô cùng hợp lý, hoàn toàn không giống với những sản phẩm được quảng cáo là fake 1 vì hầu hết các hàng có xuất sứ Trung Quốc, chất liệu cũng như đường may rất kém. Các sản phẩm của LV được làm từ da dê thật (không fải simili), sẽ đem lại cho các bạn cảm giắc thoải mái như đang sử dụng chính hàng thật và quan trọng là KHÔNG AI NHẬN RA LÀ BẠN ĐANG DÙNG HÀNG FAKE!
Còn một điều đặc biệt quan trọng nữa đó là: Những bạn nào đã từng sử dụng Louis Vuitton hàng thật 100% thì đều biết được rằng các sản phẩm hàng thật sau một thời gian sử dụng sẽ lên màu vì là da thật. Đó cũng chính là nỗi lo của hàng fake madde in China. LVhouse đã biến điều không thể đó thành có thể và giờ đây bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng.
Tất cả những điều này tạo nên một thế giới chợ hàng nhái “trùng trùng, điệp điệp” trên mạng. Điều đáng nói là đa số các mục rao vặt hàng nhái, hàng giả đều xuất hiện trên các website mua bán được cấp phép hẳn hoi. Mọi người tự do mua bán trên các website này.Về sản phẩm, chất lượng hàng hóa do người bán và người mua tự mặc cả, trao đổi với nhau. Điều này càng tiếp tay cho những người mua bán hàng giả, hàng nhái.
Đau đầu với việc chống và dẹp hàng nhái
Hệ thống bán hàng nhái, hàng giả trên thế giới này khiến các tập đoàn, công ty kinh doanh thời trang như Louis Vuitton, Gucci bị ảnh hưởng cả về doanh số lẫn hình ảnh.
Trước tình hình đó, các hãng thời trang đã liên kết với chính quyền nước sở tại để dẹp bỏ những kẻ sản xuất, mua bán mặt hàng này.
Tại Ý, Pháp, không chỉ người sản xuất, người bán mà người mua hàng nhái, giá hiệu cũng bị phạt, kể cả khách du lịch. Người mua quần áo, kính mắt, túi xách, đồng hồ, thắt lưng nhái hiệu sẽ bị phạt nặng. Hình phạt cao nhất áp dụng cho người mua hàng nhái tại Pháp là 300.000 euro hoặc phạt tù giam 3 năm.
Một đại diện của hãng Louis Vuitton tại Việt Nam cho biết, vừa qua, họ đã phối hợp với luật sư và chính quyền để kiện một số nơi buôn bán hàng nhái, hàng giả hiệu. Sắp tới đây, họ sẽ mạnh tay hơn nữa.
Vào ngày 30.10.2009, hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã diễn ra tại TP.HCM với sự hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, do Cục Sở hữu Trí tuệ chủ trì.
Tại hội thảo, các cơ quan chức năng có trách nhiệm chống hàng giả, hàng nhái trình bày những khó khăn, vướng mắc trong việc chống hàng nhái, hàng giả, một phần quan trọng trong Luật Sở hữu Trí tuệ.
Được biết ngày 1.1.2010, Luật Sở hữu Trí tuệ sẽ bắt đầu có hiệu lực, các cơ quan chức năng sẽ mạnh tay đối với những ai bán hàng nhái.
Hội thảo còn đưa ra vấn đề, Luật pháp Việt Nam chưa có ranh giới rõ ràng để biệt được hàng nhái và hàng giả, hai quan niệm này vẫn còn rất mông lung. Tất cả các sản phẩm nhái các thương hiệu đều vi phạm Luật Sở hữu Trí tuệ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể kiểm soát được vì thiếu cơ chế.
Người tiêu dùng tự vỗ mặt mình
Có thể thấy trong khi các hãng thời trang, chính quyền đang cố gắng chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng lại tiếp tay cho những người sản xuất, bán hàng loại hàng này.
Dù là hàng nhái có xuất sứ từ Quảng Châu, Hong Kong hay châu Âu… đều có chung một mục đích “Bảo đảm sẽ không ai phát hiện ra bạn dùng hàng fake”. Đó cũng là mong muốn của những người dùng hàng giả cao cấp.
Quy luật tất yếu, có cầu ắt có cung. Tâm lý sinh hàng hiệu đã biến nhiều người thành con mồi béo bở cho những kẻ bán hàng nhái.Một điều khá đặc biệt nữa là đa số những người đến mua hàng giả đều có nghề nghiệp, thu nhập ổn định và sẵn sàng chịu chi. Họ ăn mặc đẹp, có học thức và thừa sức để hiểu việc mua hàng nhái, hàng giả là sai trái. Tuy nhiên, với suy nghĩ: “Tại sao lại phải bỏ ra số tiền vài nghìn đô la để mua trong khi cũng cái túi ấy mình chỉ phải trả có vài triệu đồng mà chẳng khác gì thật?”, nên họ vẫn mua.
Có câu “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, nếu tất cả mọi người đều không cần tìm một sản phẩm giả để thể hiện mình, chẳng có ai bán cả. Ý thức của cộng đồng chính là yếu tố chủ yếu giúp dẹp các sản phẩm giả này.
Nên nhớ, đẳng cấp của mỗi người không đến từ chiếc áo đắt tiền hay chiếc túi hàng hiệu mà đến từ cách hành xử của bạn với những người xung quanh.
Theo Tiếp Thị Gia Đình