OCOP tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế nông thôn
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) giai đọan 2018- 2020 đã đạt được những thành tựu đáng chú ý. Trong đó, một số kết quả nổi bật của chương trình đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, đặc biệt là những vùng khó khăn.
Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai sâu rộng trong cả nước.
Qua 3 năm triển khai, với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng được 4.469 sản phẩm của 2.439 chủ thể đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018 – 2020). Trong đó, 1,7% tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá có tiềm năng 5 sao.
Chương trình OCOP đã nâng cao giá trị cho các loại nông sản, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của các địa phương.
Sau khi triển khai thực hiện chương trình OCOP, những kết quả nổi bật của chương trình đã tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực nông thôn. Cụ thể, chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.
Trong đó, phải kể đến một số địa phương như: các làng nghề truyền thống ở Đồng bằng sông Hồng; trái cây và dược liệu ở Miền núi phía Bắc, cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên, lúa gạo và thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long… Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…
Video đang HOT
Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy: 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20-40%.
Chương trình OCOP cũng từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình đã hình thành được 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của hợp tác xã và doanh nghiệp (66,4% chủ thể OCOP ở miền núi phía Bắc là hợp tác xã, 54,2% chủ thể OCOP ở Đông Nam Bộ là doanh nghiệp…).
Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như các chủ thể OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã tạo việc làm cho trên 3.800 lao động trực tiếp; các chủ thể OCOP của tỉnh Hà Tĩnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.196 lao động…
Nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nên các sản phẩm OCOP ngày càng nhận được sự yêu thích của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, đã tiếp cận thị trường xuất khẩu như: miến dong Tài Hoan của tỉnh Bắc Kạn, cà phê Bích Thao của tỉnh Sơn La, đường thốt nốt Palmania của tỉnh An Giang…
Không thể phủ nhận những tác động tích cực từ chương trình OCOP mang đến cho các địa phương. Để chương trình ngày càng đi vào thực chất, các địa phương cần xác định đây là Chương trình phát triển kinh tế nông thôn, chỉ đạo các sở, ngành tổ chức rà soát, nghiên cứu và xây dựng Đề án/Kế hoạch Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025 để tập trung các giải pháp, pháy huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương về nguyên liệu, lao động và ngành nghề truyền thống nông thôn.
Hiệu quả từ chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' ở Bến Tre
Mang lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn... là hiệu quả rõ nhất của chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tại tỉnh Bến Tre chỉ sau 3 năm triển khai.
Chương trình OCOP đã thúc đẩy phát triển hàng nông sản của Bến Tre. Ảnh: Báo Đồng Khởi
Trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Trọng tâm của chương trình là phát triển sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả là từ năm 2018 đến nay, tỉnh có 89 sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý.
Lợi ích cộng đồng
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức, trong thực hiện chương trình OCOP thì sản phẩm OCOP cần bảo đảm các tiêu chí chung của hàng hóa như: Truy xuất nguồn gốc, bao bì, mẫu mã và tính cạnh tranh. Ngoài ra, sản phẩm OCOP còn có đặc điểm như sử dụng nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động tại địa phương nhằm mang lại lợi ích cộng đồng.
Thời gian qua, OCOP đã tạo động lực mới trong phát triển sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Bến Tre. Thông qua chương trình, những hộ sản xuất nhỏ, tổ hợp tác, HTX không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới. OCOP còn góp phần thu hút, phát triển du lịch, qua đó nâng cao thu nhập và giá trị địa phương một cách thiết thực, hiệu quả, ông Huỳnh Quang Đức cho biết.
Sau 3 năm triển khai (2018-2020), chương trình OCOP đã giúp những sản phẩm khu vực nông thôn có bước chuyển về chất và lượng, tạo lực đẩy mới cho kinh tế nông thôn.
Trước đó vào tháng 6/2019, tỉnh đã đăng cai tổ chức Hội chợ Nông nghiệp và Sản phẩm OCOP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hội chợ thu hút sự tham gia của 25 tỉnh, thành phố trong khu vực cùng các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc tham gia, với 355 gian hàng, trên 500 mặt hàng của 1.500 chủng loại. Lượng khách tham quan, mua sắm đạt 55.000 lượt; doanh thu của Hội chợ đạt trên 15 tỷ đồng.
Các hoạt động tại hội chợ đã góp phần tăng cường, mở rộng giao lưu kinh tế giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh bạn; đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ; mở ra nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ mới, thị trường mới để doanh nghiệp tỉnh ngày càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Thay đổi tư duy kinh tế nông thôn
Chị Trần Thị Xuân, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, người có sản phẩm được địa phương chọn là sản phẩm OCOP chia sẻ: "OCOP là chương trình đi vào chiều sâu. Dù là cá thể hay cơ sở sản xuất đều cần có quy chế, điều lệ giống như hợp tác để phát triển sản phẩm đạt chuẩn. Vì vậy, ngành chức năng cần hỗ trợ về kết nối cung - cầu, thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tư vấn, hỗ trợ xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu".
Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức, tỉnh rất quan tâm việc nâng cấp, phát triển sản phẩm OCOP với nhiều giải pháp. Trong đó, hỗ trợ các chủ thể có tiềm năng hình thành những sản phẩm hoàn chỉnh, nâng cấp những sản phẩm đã đạt được trong thời gian qua từ cấp sao thấp lên cấp sao cao, cấp quốc gia.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản phẩm OCOP. Tập trung huấn luyện, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, HTX, sản xuất nông hộ biết để tạo ra những sản phẩm OCOP. Hướng dẫn cách tiếp cận thị trường thông qua kênh tổ chức giới thiệu sản phẩm tại các chuỗi sự kiện, kênh thương mại điện tử... Tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP tại các hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
"Hiện nay, các nghiên cứu khoa học về OCOP Bến Tre đã được tỉnh đặt hàng và thực hiện. Mục đích nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo ra sản phẩm OCOP bền vững, ngày càng đi vào thực chất", ông Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.
Nhìn lại 3 năm thực hiện chương trình OCOP (2018-2020), tỉnh Bến Tre cho rằng khi thực hiện chương trình, các địa phương cần tập trung vào thế mạnh bản địa, hướng đến toàn cầu, người dân tự tin sáng tạo để có một sản phẩm OCOP thành công, có nghĩa là sản phẩm đó phải được làm mới, luôn tốt hơn, vươn xa hơn theo thời gian.
Như vậy, OCOP không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân mà còn là hành trình thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn.
OCOP thúc đẩy kinh tế nông thôn Thái Nguyên Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang từng bước tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn tại tỉnh Thái Nguyên. Chỉ mới cách đây khoảng 4 năm, khi còn là Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Trung Thành 2, thuộc xóm Trung Thành, xã Vô Tranh, huyện...