Ốc phóng sinh đội giá gấp 8 trong ngày rằm tháng Giêng
Lợi dụng tâm lý đầu năm thả vật phóng sinh cầu may của người dân, các tiểu thương thừa cơ tăng giá. Từ 10.000 đồng/kg, giá ốc đội lên 80.000 đồng/kg, rùa cốm 30.000 đồng.
Rằm tháng giêng (Tết Nguyên tiêu) được xem là ngày lễ rất quan trọng trong tín ngưỡng của người Việt. Trong ngày này, ngoài việc cúng thần linh, gia tiên, người Việt còn thả vật phóng sinh với mong muốn được một năm nhiều sức khỏe, an lành và may mắn.
Theo quan sát của PV, ngay từ sáng sớm, một số tiểu thương đã tấp nập bày bán đồ phóng sinh tại các chùa trên địa bàn Hà Nội. Ốc, cá vàng, rùa cốm, lươn, chim được bày bán với nhiều mức giá khác nhau song phần lớn cao hơn bình thường.
Ở chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội), một số người bán ốc phóng sinh với gấp 8 lần giá bán lẻ ở chợ đầu mối. Tại đây, một chậu ốc 1 kg có giá 80.000 đồng, chậu lớn hơn 150.000 đồng/kg, cá vàng loại nhỏ từ 7.000 đến 10.000 đồng một con, rùa cốm giá 25.000 đến 30.000 đồng một con.
Ngoài ốc, nhiều loại dùng để phóng sinh như lươn, cá, rùa cũng có giá tương đối cao. Ảnh: Cường Ngô.
Chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương bán hàng hàng phóng sinh cho biết, trong buổi sáng chị bán được gần 200 con cá vàng, 50 kg ốc. Những mặt hàng này được chị nhập chủ yếu ở chợ Đồng Xuân, Thanh Hà. “Mấy năm gần đây, vàng mã ít người mua vì đắt và sợ cháy nổ. Cho nên, tôi chủ yếu buôn cá và ốc phóng sinh. Năm nay, giá có đắt hơn nhưng rất nhiều người mua”, chị Lan chia sẻ.
Tại chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), giá của những mặt hàng phóng sinh khá rẻ. Ôc đá có giá 8.000-10.000 đồng/kg, cá vàng loại nhỏ 2.000 đồng một con, rùa cốm giá 10.000 đồng. Thế nhưng, các tiểu thương bán rong tại chùa lại bán với giá khá “chát”, gấp 3-8 lần so với giá ở chợ đầu mối. Như vậy, 1 kg ốc, họ lãi 70.000 đồng. Nếu tính trung bình trong ngày rằm tháng riêng như thế này, tiểu thương có thể kiếm tiền triệu.
Mặc dù giá đắt, nhưng người mua hàng phóng sinh vẫn rất đông, thậm chí, có khách hàng chi vài triệu đồng để mua hàng chục kg ốc, lươn, rùa thả xuống sông, hồ.
Video đang HOT
Anh Nam (Quán Thánh, Hà Nội) vừa thả xuống hồ Tây hai tải ốc, một thùng lươn và 1 xô cá vàng cho biết, tổng số tiền chi mua cá để phóng sinh lên tới gần 3 triệu đồng. “Phóng sinh mang ý nghĩa cứu vớt chúng sinh khỏi giam cầm hoặc cái chết. Với ý nghĩa này, nên cứ vào rằm tháng Giêng và rằm tháng 7, gia đình tôi đều mua số lượng lớn vật phóng sinh”, anh Nam tâm sự.
Giá ốc phóng sinh ngày rằm tháng Giêng đắt rất nhiều so với bình thường. Ảnh: Cường Ngô.
Còn bà Hoa (đường Phạm Văn Đồng, Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Cứ vào dịp đầu năm là giá cả lại bị đẩy lên cao, nên tôi cũng quen rồi. Chỉ có điều, mặt hàng phóng sinh năm nay so với năm ngoái chênh lệch hơn quá khiến cho gia đình mua nhiều như chúng tôi cũng phải suy nghĩ, đắn đo. Mọi năm, gia đình tôi thường mua khoảng 100-150 con cá vàng, giá chỉ khoảng 300.000-500.000 đồng nhưng năm nay chắc chỉ mua bằng nửa năm ngoái thôi vì giá cao”.
Mặc dù phóng sinh là một hành động ý nghĩa với ước muốn có một năm thuận lợi, bình an nhưng vài năm gần đây, hoạt động này bị biến tướng. Những ngày người dân chuộng phóng sinh cũng là thời điểm cho các chủ buôn hay tiểu thương chặt chém.
Theo Đại đức Thích Giác Tính (chùa Khai Nguyên), hiện nay có nhiều người dùng kích điện săn những con cá vừa thả phóng sinh để bắt lại và bán cho người khác, làm xa rời và mất đi ý nghĩa ban đầu của tục phóng sinh.
Chân lý của việc phóng sinh chân chính Theo Đại đức Thích Giác Tính, mỗi con người sinh ra đều có một số phận, có người giàu sang, phú quý, công danh sự nghiệp tốt nhưng sức khỏe kém, hay xảy ra những tai ương, chính vì vậy, với tinh thần thương xót, khởi phát lòng từ bi và hóa giải sát nghiệp. Ở góc độ đạo Phật, việc phóng sinh giúp tăng lòng từ bi đối với muôn loài và thiên nhiên. Với góc độ xã hội, những con vật còn thường xót thì giữa người với người rất cần sự yêu thương, đùm bọc nhau. Đối với góc độ tâm linh, việc phóng sinh giúp hóa giải sát nghiệp. Sách cổ có câu: “Trời đất có đức hiếu sinh, vạn vật đều yêu sự sống”. Cho nên, đầu xuân, ai cũng muốn là một việc phúc, hạn chế vấn đề ăn uống, giết mổ để tích phúc, hóa giải sát nghiệp.
Theo Zing News
'Chặt chém' tại Quảng Ninh: Đĩa thịt luộc giá 200 nghìn đồng
Đĩa thịt luộc giá 200.000 đồng, cá xốt cà chua 120.000 đồng/đĩa, 2 đĩa dưa chua muối 100.000 đồng, một đĩa bò xào 400.000 đồng.... tại một quán cơm bình dân gần khu du lịch Yên Tử (Quảng Ninh) khiến khách hàng giật mình.
Thông tin trên báo Tri thức Trực tuyến, trưa 14/2, sau khi tham quan khu du lịch Yên Tử trên đường Thanh Sơn (Uông Bí, Quảng Ninh), gia đình chị T. vào một nhà hàng bình dân dùng bữa trưa. Khi thanh toán, cả đoàn giật mình khi thấy hóa đơn lên tới gần 1 triệu đồng.
Trong đó, một đĩa thịt luộc giá 200.000 đồng, cá xốt cà chua 120.000 đồng/đĩa, 2 đĩa dưa chua muối 100.000 đồng, một đĩa bò xào 400.000 đồng....
Bức xúc khi bị chặt chém, chị T. đăng hình ảnh hóa đơn và nhà hàng trên một nhóm trên mạng xã hội. Chỉ sau một thời gian ngắn chia sẻ, câu chuyện về tờ hóa đơn này được nhiều người quan tâm và thể hiện sự bức xúc về tình trạng chặt chém của chủ quán.
Hóa đơn chị T phản ánh đến báo chí về việc chặt chém của chủ hàng. (Ảnh: Tri thức Trực tuyến).
Trao đổi trên báo Tri thức Trực tuyến, chị T. cho biết, do quán ghi "cơm bình dân", bên trong bàn ghế cũng đơn giản nên cả đoàn quyết định dừng lại nghỉ chân. Cả đoàn có 10 người cả lớn và nhỏ, song chỉ khoảng 5 người ăn nên chị quyết định gọi theo đĩa để ăn chung.
Quán không có menu kèm giá tiền nên chị T. gọi mấy món đơn giản cho tiết kiệm. Song khi trả tiền, nhìn hóa đơn, cả đoàn mới giật mình vì đồ ăn quá đắt. "Một đĩa thịt bò được 2 gắp giá lên tới 400.000 đồng, bát canh lõng bõng 60.000 đồng. Chưa kể 2 tô cơm trắng mà chủ quán tính giá 90.000 đồng", chị T. cho hay.
Đề phòng chủ quán tính nhầm nên chị T. hỏi lại. Song chủ quán khẳng định hóa đơn là chính xác. Khi thắc mắc về mức giá một vài món khá đắt như thịt bò, dưa muối, cơm... thì chủ quán lý giải do ngày lễ, Tết nên đắt đỏ, khách phải chấp nhận.
"Cơm đã ăn vào bụng, tôi chỉ đăng lên diễn đàn để mọi người biết mà tránh. Hơn nữa, tôi cũng là người ở địa phương nên chỉ muốn phản ánh để mọi người tránh và chủ quán điều chỉnh lại, không làm ảnh hưởng đến tỉnh nhà", chị T chia sẻ.
Vụ việc của chị T cũng được một thành viên có tên Gau Con Buon chia sẻ trên một diễn đàn với nội dung như sau: "Các cụ các mợ nào về Quảng Ninh quê em đi lễ chùa Ba Vàng Yên Tử thì tránh xa cái quán này ra nhé. Bữa cơm bị chém quá thể luôn. Cơm thì sống nữa chứ... Mang tiếng dân Quảng Ninh quê em".
Kèm theo lời cảnh báo trên, thành viên Gau Con Buon cũng đăng thêm vài bức ảnh về quán ăn, trong đó có bức ảnh chụp lại tờ hóa đơn tính tiền bữa cơm bình dân gồm: Thịt luộc giá 200.000 đồng, bò xào 400.000 đồng/2 đĩa, cá xốt 120.000 đồng, cơm 90.000 đồng, bò húc 15.000 đồng, canh 60.000 đồng, đặc biệt, đĩa dưa chua muối được tính giá 100.000 đồng. Theo đó, tổng hóa đơn bữa cơm hết 985.000 đồng khiến khách hàng choáng váng.
Trên diễn đàn mạng xã hội khác, cư dân mạng cũng tố quán ăn này chặt chém không thương tiếc. (Ảnh: Vietnamnet).
Thành viên Gau Con Buon cũng cho biết thêm, hai đĩa thịt bò xào chỉ lèo tèo vài miếng, gắp hai đũa thì hết đĩa.
"Mình dân Quảng Ninh đi biển xe 14 vào quán ăn mà còn bị thế này, thảo nào mọi người cứ bảo bị chặt chém. Hôm nay mới biết mùi", thành viên Gau Con Buon bức xúc.
Ngay sau khi hình ảnh hóa đơn bị chặt chém được đăng tải, một du khách ở Hà Nội cũng bức xúc chia sẻ hình ảnh hóa đơn khi ăn tại quán cơm này cách đây không lâu. Theo chị này, mức giá nhà hàng đưa ra quá đắt khi một đĩa thịt bò xào có giá 200.000 đồng, đậu xốt 100.000 đồng, rau xào 50.000 đồng/đĩa...
Anh Doanh, một hướng dẫn viên du lịch từng dẫn khách vào ăn tại đây cho biết, nếu so với các quán ăn quanh khu vực, nhà hàng trên có giá tương đối cao, song không quá đắt hay đến mức chặt chém.
Việc các quán ăn đẩy giá lên cao một chút vào các thời điểm lễ, Tết, mùa hội, theo anh, là tình trạng chung. Đặc biệt, trong mùa Tết năm nay, giá cả hàng hóa, đặc biệt là rau xanh và một số thực phẩm tươi sống tăng tương đối cao.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện khu du lịch Yên Tử cho biết, địa phận Thanh Sơn không nằm trong khu du lịch Yên Tử. Do đó, cơ quản quản lý khác sẽ chịu trách nhiệm và sẽ có giải pháp với các đơn vị không tuân thủ đúng quy định.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Cặp tình nhân chết trong ngày Valentine: Chăn gối đè phủ kín Người chung xóm trọ nhìn qua khe cửa phòng chị Xuân phát hiện người này chết với nhiều vết đâm. Người đàn ông sống chung chết trong tư thế treo cổ. Nạn nhân là chị Trần Thị Mỹ Xuân (35 tuổi) và anh Phan Huy Kế (36 tuổi) cùng quê Quảng Bình. Theo thông tin ban đầu, chị Xuân và người đàn ông...