Ốc đảo xanh lọt giữa sa mạc
Huacachina là một ốc đảo nhỏ xinh đẹp nằm giữa sa mạc chỉ có 100 dân nhưng đón tới hàng chục nghìn du khách mỗi năm.
Theo VnExpress
Tháng Ramadan ở Rabat
Giữa trưa nắng gay gắt của xứ sở châu Phi, những tấm bia mộ trong nghĩa địa cổ dường như còn lặng lẽ hơn nữa.
Biển thậm chí không buồn đụng đậy và pháo đài cổ Oudayas phía bên kia đường đứng im lìm dưới trời mây ngăn ngắt. Rabat không có mấy cây xanh, nếu có thì cũng chỉ là cọ, một loài thực vật nhiệt đới chẳng có bóng mát, nhìn còn thấy nóng nực hơn.
Bên trong lòng pháo đài có khu dân cư cổ với các ngôi nhà sơn 2 màu xanh trắng, kiểu dáng của những ngôi làng trên đảo Santorini. Tôi đi sâu vào những ngõ nhỏ quanh co, kết cấu đô thị của người Maroc giống như một mê cung. Họ thích thế, cứ như thể đánh đố người ngoài đi vào sẽ lạc lối vậy. Cảnh báo chung trên các trang du lịch đều nói rằng, du khách cần cẩn thận khi đi vào các khu chợ ma trận ở Maroc, kẻo một là bị lạc, hai là bị... tấn công trong một ngõ cụt không bóng người.
Bất đồng... ẩm thực
Tôi sợ chết khiếp, hệt như lần đến Ấn Độ, luôn lấm lét cảnh giác như thể mình đang rơi vào một trường quay có thật của bộ phim phiêu lưu mạo hiểm ở Hollywood.
Cảnh giác thì không thừa, dù bạn có ở Paris hay New York chăng nữa, nhưng Maroc khá an toàn. Chúng tôi đi xuyên đất nước từ phía Bắc xuống phương Nam, từ đại dương tiến sâu vào đất liền rồi tới sa mạc, băng qua bao núi non hiểm trở mà cũng chẳng gặp bất kỳ mối đe dọa nào.
Tháng Ramadan, dường như cả ngôi làng đều đang ngủ, thảng hoặc chỉ một vài cửa hàng lưu niệm mở cho vui, vì khách ra vào đều không có. Mãi đến khi xin xong visa tôi mới biết mình sang Maroc đúng những tuần lễ linh thiêng nhất.
Tháng ăn chay tuân theo theo lịch người Hồi giáo, vì thế mỗi năm nó sẽ xuất hiện ở một ngày khác nhau theo dương lịch. Năm nay tháng chay kéo dài từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6. Ramadan cũng nhác như tháng Tết của người Việt hay tháng Giáng sinh của người châu Âu. Những tuần này người ta sẽ nhộn nhịp chuẩn bị, rồi nghỉ làm nhiều ngày để đi chơi, các gia đình ăn uống quần tụ và thịnh soạn.
Đặc biệt là vào ngày Eid al-Fitr (ngày đầu tiên trong tháng thứ 10 của lịch Hồi giáo), ngày lễ đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan, mọi hoạt động của đất nước Maroc sẽ bị đình lại, hàng quán, nhà băng, siêu thị đều đóng cửa. Cha mẹ con cái dù ở xa mấy cũng phải về bên nhau để quần tụ bên bàn ăn với đủ món ngon linh đình.
Mặc dù anh Boukourizia - hướng dẫn viên của chúng tôi nói rằng, may mắn mới được đi đúng Ramadan vì sẽ có rất nhiều trải nghiệm, nhưng tôi chẳng thấy báu bở gì với sự trải nghiệm ăn chay trường này.
Suốt tuần lễ ở Maroc, rất khó khăn để tìm thấy một quán ăn. Không nhà hàng nào mở cửa trước 19h. Trước khi lên đường, sợ bị Ramadan bỏ đói, chúng tôi đã mua nào gạo, nào mì cất trong vali. Và ít nhất đã có sự hiện diện quý hóa của 2 chiếc nồi cơm điện, 3 ấm siêu tốc và rất nhiều bát đũa. Vì thế mà bữa sáng thường là mì tôm ăn với bột rau và thịt bò khô, bữa trưa là xôi lạp xường, bữa tối là cơm gạo tẻ với ruốc và xúc xích.
Cả ngày hôm ấy, đi khắp Rabat tôi không nhìn thấy một nhà hàng nào. Muốn đi khắp thế giới, ngoài tự do tài chính ở một mức độ nhất định, bạn còn phải tự do thời gian, tự do sức khỏe để chịu đựng mọi khí hậu khắc nghiệt, lịch trình gấp gáp và những đồ ăn rất khó nuốt. Đi chơi, đôi khi chỉ được sướng về tinh thần, còn về thể chất có khi khổ hơn đi đày là vậy.
Cuộc sống về đêm
Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo không được ăn uống khi mặt trời xuất hiện. Nghĩa là họ vẫn ăn ngày 2 lần, nhưng lần thứ nhất vào lúc 3h30 - 4h và phải kết thúc bữa trước khi mặt trời mọc. Lần thứ hai là 19h sau khi mặt trời đã bị Đại Tây Dương nuốt gọn. Họ cũng linh hoạt cho phép người ốm, phụ nữ có thai và trẻ em được ăn thoải mái mà không phải tuân theo Luật Ramadan.
Ngoài việc kiêng ăn uống thì kinh Coran cũng cấm không được hút thuốc, nói tục chửi bậy và sinh hoạt vợ chồng từ 4h30 - 19h. Vì thế, tối đến cả thành phố thực sự hồi sinh. Có lẽ vì ban ngày bị cấm đoán nhiều quá và chẳng được ăn uống nên cơ thể mệt nhọc, khéo hạ đường huyết cũng nên, không ai thiết tha làm gì và đành hạn chế các sinh hoạt ở mức tối thiểu.
Nhưng khi màn đêm buông xuống, được ăn uống đủ đầy rồi, tất cả bắt đầu vui chơi thỏa thích và mọi hoạt động đường phố bắt đầu. Ramadan có nhiều ý nghĩa về tôn giáo, nhưng xét trên phương diện sức khỏe, nó như một phương pháp Detox để tẩy sạch cả cơ thể lẫn tinh thần.
Đô thị cổ bên trong pháo đài giống một ngôi làng nhỏ, đi loáng cái đã hết đường, chưa kể nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm để tránh nắng. Tận cùng "ngôi làng" có một ngách nhỏ, rẽ vào hẻm ấy, đại dương sẽ hiện ra trước mắt, xanh ngọc trắng ngà trời mây nước.
Tôi đứng trên một pháo đài, từ vị trí này những chiến binh Berber cổ xưa có thể mang ống nhòm mà quan sát những con tàu lạ. Tôi không thể tin được rằng Đại Tây Dương đang ở trước mặt, cái địa danh mỹ miều và vĩ đại vẫn xuất hiện trong sách địa lý lớp 7 khiến đứa trẻ 12 tuổi ngẩn ngơ trước trang sách giáo khoa có những hình vẽ sơ sài.
Cả chiều dài của Vương quốc Maroc men theo Đại Tây Dương. Đường bờ biển lần lượt chạy qua Tangier, Rabat, Casablanca, Safi, Essaouira... tạo thành những điểm nhấn tuyệt vời làm phong phú cho các tờ tạp chí du lịch đắt khách.
Phía Bắc Maroc là biển Địa Trung Hải, còn phần lục địa phía Đông chung biên giới với Algeria và Mauritania. Vì thế mà địa hình của Maroc đủ cả đại dương, sa mạc, núi non, cùng với các nước Nam Âu và Bắc Phi như Ai Cập, Lybia, Tunisia, Algeria, Maroc đã tạo nên một vành đai bao quanh Địa Trung Hải, qua hàng ngàn năm kiến thành nền văn minh Địa Trung Hải cường thịnh.
Tháp Hassan - biểu tượng của Rabat cổ kính
Vấn vương Rabat
Pháo đài Oudayas không chỉ gối đầu lên Đại Tây Dương, nó còn nằm ngay bên cửa sông Bou Regreg, có lẽ cũng là một vị trí chiến lược đắc địa từ thế kỷ XII, kể từ khi các Sultan ra lệnh đổ móng cho công trình quân sự này. Đi theo lối khác vào pháo đài, qua những bậc thang dích dắc, sẽ bắt gặp một quán cà phê tuyệt vời.
Cụm từ "Moorish Café" (quán cà phê kiểu Maroc) được bắt gặp ở bất cứ đâu trong các chỉ dẫn du lịch về Maroc. Nghĩa là người ta mặc định, đã đến Maroc là phải đi cà phê, bởi quán xá ở đây rất đặc biệt với những ghế băng dài hẹp kê sát tường, nệm ngồi luôn được dệt hoa văn rực rỡ. Quán cà phê Maroc thuộc khu vực pháo đài Oudayas có lẽ là nổi tiếng nhất nước vì có tầm nhìn ra sông Bou Regreg và bờ Salé. Cần phải nói thêm rằng Thủ đô Rabat bao gồm 2 thành phố Rabat và Salé nằm bên 2 bờ sông, và khách sạn xinh đẹp của tôi nằm bên Rabat.
Quán cà phê Maroc này nằm ngoài trời với những dãy ghế chạy dài trên hàng hiên đua ra mặt sông. Ghế không có nệm mà ốp đá, nhưng cũng là đá nhiều họa tiết, màu sắc chủ đạo là lam, tím than, nâu vàng và lục thẫm. Các hình chữ nhật li ti kết vào nhau thành một miếng hoa văn khổng lồ như kính vạn hoa. Người đứng đầu này nhìn thấy người ngồi góc kia trong quán, chỉ cách có chục mét thôi mà phải vòng vo qua mấy con hẻm tí hon mới gặp được nhau.
Rõ ràng là một phần của thành cổ được cải tạo lại thành quán xá, mà thuở xưa có lẽ nó chỉ được dùng để hóng mát. Vừa ngồi xuống ghế, người ta đã tíu tít mời chúng tôi đủ ba món điển hình: Trà bạc hà, bánh ngọt truyền thống và hình xăm. Xăm hình tạm thời bằng cách vẽ mực màu trên mu bàn tay là một dịch vụ phổ biến ở Maroc và các quốc gia có nhiều cư dân theo đạo Hồi như Singapore, Malaysia, Indonesia...
Nhưng người phụ nữ Maroc xăm dạo ấy mãi chẳng mời được ai bởi tất cả còn mải tíu tít với khay bánh ngọt đẹp mắt trên tay người đàn ông đội mũ lưỡi trai.
Nhìn các bạn cùng đoàn hứng khởi ăn bánh, uống trà lại thấy thương cho mấy chàng phục vụ Maroc. Rõ khổ, khay bánh trên tay, trà thì thơm nức mũi mà lại nhịn đói nhịn khát chẳng được ăn uống trong khi vẫn phải bưng bê phục vụ thực khách. Quả là một màn ăn kiêng vĩ đại, thể hiện rõ năm trụ cột của kinh Coran và tinh thần đức tiên tri Mohamed.
Lúc ấy tôi cho rằng tất cả những phụ nữ Việt Nam luôn vật vã vì ăn kiêng và giảm cân nên đến Maroc để học tập tinh thần của họ. Dẫu sao, tôi vẫn nhớ mãi vị trà bạc hà trong quán cà phê Maroc bên bờ Đại Tây Dương, nó khác hẳn những ly trà lần đầu tiên thưởng thức ở Trung tâm văn hóa Pháp L'espace.
Các nước Hồi giáo nổi tiếng là những xứ sở uống trà, vì thế người Maroc không chỉ uống trà bạc hà mà còn chế thêm nhiều loại lá thơm khác vào như húng tây, ngải tây, xô thơm, cỏ roi ngựa, lá phong lữ. Lúc viết những dòng này mới thấy tiếc, biết thế lúc ấy vào chợ cổ, tôi mua luôn một bộ bình trà, về nhà tắt bớt điện cho mờ ảo rồi bật bản "Night at the Casbah" lên, thế nào cũng ra chút không khí của "trà đạo" Maroc.
Theo anninhthudo.vn
Kì lạ sa mạc có nhiều hồ nước nhất thế giới Thay vì chỉ toàn cát như bình thường, sa mạc nhỏ này lại được tạo thành bởi hành trăm hồ nước với nhiều sinh vật phong phú. Nhắc tới sa mạc, nhiều người nghĩ rằng nơi đó chỉ toàn là cát, nóng bức quanh năm. Thế nhưng có một sa mạc trái ngược như vậy, bên trong có hàng trăm hồ nước nhỏ,...