Ốc đảo ‘nguyên thủy’ nghèo nhất Việt Nam
Khoảng 100 hộ dân ở một xã của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nhiều năm qua phải sống trong cảnh đèn dầu, đi lại bằng thuyền và không có phương tiện thông tin liên lạc.
Thôn Đồng Mậm (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) có 100 hộ dân với gần 400 nhân khẩu. Từ hàng chục năm qua nơi đây trở thành ốc đảo, bị cô lập với thế giới bên ngoài. Người dân sống rải rác tại các ngọn núi, đồi quanh hồ Cấm Sơn (hồ thủy điện lớn thứ 4 miền Bắc). Từ UBND xã Sơn Hải đến Đồng Mậm dài gần 10km.
Không có đường bộ, người dân phải di chuyển chính bằng thuyền. Những người có điều kiện thì thuê xuồng máy. Sống chung cùng sông nước nên nhiều em nhỏ mới 6 tuổi đã biết bơi.
Trước 2013 nhiều người làm nghề trồng lúa, sau đó nước ngày càng lên cao khiến cánh đồng bị ngập hết. Từ đó đến nay, nguồn thu nhập chính là công việc trồng vải thiều và sắn. Vào mỗi buổi sáng, sương mù dày đặc khiến việc đi lại khó khăn. Hồ Cấm Sơn có nơi sâu nhất trên 80m.
Học sinh trường Tiểu học Cấm Sơn khu Đồng Mậm phải đi học bằng thuyền. Nhiều em nhà xa trường, phải chèo thuyền 2 giờ đồng hồ mới đến nơi. Hơn thế nữa, cuộc sống lại thiếu thông tin truyền thông nên nhiều hôm gió bão, rét dưới 10 độ C không biết được nghỉ vẫn lặn lội đi học.
Có những lúc vào mùa đông, thời tiết 5 độ c, các em phải băng qua đồi núi trong giá lạnh để đến trường. Hầu hết quần áo các em mặc là do được các tổ chức từ thiện hỗ trợ.
Nơi trồng vải thiều và sắn là tại các quả đồi. Một phụ nữ tâm sự, nhiều ngày chèo thuyền đến chợ bán vài thiểu, vải dập hết do di chuyển xa và bị thương lái ép giá bán với giá rẻ.
Cuộc sống tại đây bình yên, không ồn ào. Ngày qua ngày họ chỉ quanh quẩn xung quanh ngôi nhà và mấy nhà hàng xóm bên cạnh.
Nhiều gia đình nuôi thêm lợn và chim bồ câu để tăng gia, kiếm thêm thu nhập. “Lợn nuôi nhiều nhưng cũng chỉ bán cho anh em quanh làng, có ngày thiếu thức ăn thì mấy nhà mổ chung một con để ăn”, anh Phú, bí thư chi bộ Đồng Mậm chia sẻ.
Đồng Mậm không có sóng viễn thông. Chức năng chính của điện thoại di động chủ yếu để nghe nhạc và đài FM.
Video đang HOT
Trạm y tế cũng không có. Khi có người bệnh tật, ốm đau đều phải chèo thuyền hoặc thuê xuồng máy ra trung tâm xã hoặc ngược mấy quả đồi để sang Sông Hóa (Lạng Sơn) để khám.
Cả thôn chỉ có 2 cửa hàng tạp hóa cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết.
Tối tối, sau bữa cơm cánh đàn ông ngồi đàm đạo dăm ba câu chuyện trong ánh đèn mờ ảo rồi lên giường đi ngủ sớm.
Nguồn ánh sáng chủ yếu là những ngọn đèn dầu. Cảnh trẻ em ngồi chơi ngoài sân nhà tại xóm Thùng Thình, Đồng Mậm.
Ngày giá rét, phụ nữ phải dùng bếp củi để sưởi ấm. Nơi đây là vùng cao nên không khí luôn lạnh hơn so với dưới đồng bằng.
Tại nhà anh Vi Văn Quảng, khi cần chiếu sáng ngoài sân phải dùng đèn xe máy.
Nấu cơm tối thì soi đèn pin.
Bữa cơm trong ánh đèn dầu leo lét tại nhà anh Quảng ở xóm Suối Khoan, thôn Đồng Mậm.
Góc học tập của bé Huy, một học sinh lớp 5.
Nhà anh Công, xóm Suối Khoan, do có điều kiện sắm thêm chiếc máy phát điện chạy bằng hơi nước, nhưng cũng chỉ đủ chiếu sáng một góc. Mọi hoạt động đều phải cần sự hỗ trợ của chiếc đèn pin.
… tuy nhiên chiếc máy phát điện hơi nước đó cũng rất phập phù vì phụ thuộc vào mực nước. Mỗi đêm người dân nơi đây dùng máy phát điện chỉ trong khoảng 2 tiếng.
Theo Tri thức
Người cha cắn ngón tay lấy máu viết đơn kêu oan cho con trai
Chỉ có niềm tin mãnh liệt vào sự vô tội của đứa con trai mình, người cha già mới làm được một điều không tưởng như thế... Gần 5 năm trời long đong hết cơ quan này đến cơ quan khác kêu oan nhưng đứa con yêu thương vẫn chịu cảnh tù đày. Nuốt đau đớn vào lòng, cha tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã lấy máu tươi của mình viết bức huyết thư cầu cứu Chủ tịch nước.
Nỗi đau của người cha già nhân lên gấp bội khi cùng lúc, cả hai đứa con trai đều rơi vào vòng lao lý. Chỉ ít ngày sau khi đứa con trai lớn là Nguyễn Văn Chưởng bị bắt vì tội giết người, cướp của, thằng con trai út cũng bị bắt khẩn cấp trong khi đang đi kêu oan cho anh trai vì tội "không tố giác tội phạm". Điều an ủi duy nhất là cậu con út của ông đã ra tù sau hai năm thụ án, giờ thỉnh thoảng lại phụ giúp bố đi kêu oan cho anh.
Huyết thư của ông Chinh.
Sáng 25.11, chúng tôi gặp ông Nguyễn Trường Chinh, bố tử tù Nguyễn Văn Chưởng (trong vụ án gây ra cái chết cho thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, Công an phường Đông Hải 2, Hải An, TP.Hải Phòng) tại cửa trại giam Trần Phú (125 đường Nguyễn Đức Cảnh, Cát Dài, Lê Chân, Hải Phòng). Mái tóc bạc phơ, ông già bảy mươi tuổi nửa mừng nửa lo bởi cuộc hẹn bất thường với nhà báo.
Ông Chinh thổ lộ: "Bình thường cứ thứ 2 của tuần đầu tiên trong tháng là chúng tôi được gặp cháu. Tháng này đã gặp rồi, không biết có chuyện gì mà họ lại cho gặp bất thường nữa. Tôi sợ có chuyện chẳng lành".
Hơn sáu năm trước, tại khu vực cảng Đình Vũ (TP.Hải Phòng) đã xảy ra vụ trọng án gây nhiều căm phẫn lẫn lo sợ trong dư luận thành phố biển này. Trong khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, một thiếu tá cảnh sát đã bị bọn tội phạm lao vào chém giết một cách man rợ.
Rất nhanh chóng, người ta đã tóm được cả băng phạm tội, cầm đầu là Nguyễn Văn Chưởng. Theo cáo trạng của VKSND TP.Hải Phòng tại phiên sơ thẩm năm 2008, khoảng 16h ngày 14.7.2007 Vũ Toàn Trung và Đỗ Văn Hoàng (trú ở huyện Kiến Thụy) đến quán cà phê "Thiên Thần" ở phường Đông Hải gặp Nguyễn Văn Chưởng là chủ quán để vay tiền mua heroin. Chưởng nói không có rồi rủ hai đối tượng này tối đó đi cướp.
Khoảng 20h tối hôm đó, Hoàng và Trung phóng xe quay lại chỗ Chưởng. Mỗi tên đều chuẩn bị sẵn dao nhọn, đoản kiếm làm hung khí gây án. Đến gần 21h, bọn chúng "kẹp ba" đi xuống khu vực cảng nước sâu Đình Vũ với mục đích cướp tài sản của người đi đường hoặc của các đôi trai gái ngồi tâm sự. Lúc này trời đổ mưa rất to kèm theo sấm chớp, khi đến khu vực gần cổng Nhà máy thép Đình Vũ thì cả bọn phát hiện thấy một người mặc áo mưa trùm kín đầu đỗ xe máy gần tim đường, chân chống xuống mặt đường để nghe điện thoại di động.
Hoàng nhảy xuống rút dao chém liên tiếp 2 nhát vào thái dương người đàn ông này. Người đàn ông bị mất đà, xe đổ, bỏ chạy sang phía bên kia đường thì bị Trung nhảy xuống theo Hoàng chém 2-3 nhát nữa vào người. Nạn nhân vừa chạy vừa hô: "Cướp! Cướp!" và rút súng ngắn bắn về phía bọn Chưởng. Nghe tiếng súng nổ, Hoàng, Trung, Chưởng không kịp lấy xe máy của nạn nhân, cầm theo dao, kiếm phóng xe máy bỏ chạy...
Người bị chém được xác định là anh Nguyễn Văn Sinh, cán bộ Công an phường Đông Hải 2, quần chúng nhân dân đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng đã tử vong.
Sau khi gây án, cả bọn về quán gội đầu Ánh Dương ở đường xuyên đảo Đình Vũ để đón người yêu của Trung là Nguyễn Thị Lan Phương đi mua heroin mang về nhà Chưởng hút hít. Tại đây Trung kể với Phương về vụ cướp còn Hoàng thì đe "việc này chỉ có 4 đứa biết thôi, mày gặp công an khai báo linh tinh thì tao vặn răng". Sáng hôm sau Chưởng bỏ trốn về quê ở Kim Thành, Hải Dương, còn Trung và Phương về quê của Trung ở Đoàn Xá, Kiến Thụy, Hải Phòng. Em trai Chưởng là Nguyễn Trọng Đoàn biết việc phạm tội của anh mình nên cũng về quê gặp một số người bạn của Chưởng nhờ xác nhận đêm 14.7.2007 có gặp Chưởng ở thôn Bình Dân, xã Kim Thành, Hải Dương nhằm tạo bằng chứng ngoại phạm.
Tại phiên tòa năm 2008, chỉ có Trung và Phương thành khẩn khai báo, còn các bị cáo khác đều quanh co chối tội. Tuy nhiên, trước những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, Hội đồng xét xử tuyên phạt tử hình Nguyễn Văn Chưởng; Đỗ Văn Hoàng tù chung thân; Vũ Toàn Trung 23 năm tù về tội giết người, cướp tài sản; Nguyễn Trọng Đoàn 2 năm tù về tội che giấu tội phạm; Nguyễn Thị Lan Phương 12 tháng tù treo về tội không tố giác tội phạm.
Vụ xét xử đã khiến dư luận được giải tỏa. Kẻ thủ ác bị trừng trị. Niềm tin vào cơ quan bảo vệ pháp luật được củng cố. Chỉ duy nhất gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng là đau đớn vì họ cho rằng con mình không thể phạm tội.
Khi được hỏi vì sao ông có thể chịu được sự đau đớn về thể xác khi viết bức thư dài như vậy, ông Chinh khẽ mỉm cười cho biết: "Đơn viết bằng tay tôi đã gửi các cơ quan chức năng chắc chất lên thành núi, nhưng đến nay vẫn chưa có ai đứng ra giải quyết. Hôm đó tôi ốm, tôi sợ tôi chết sẽ không có ai kêu nỗi oan ức này cho con, nên tôi đã cắn ngón tay lấy máu tươi ra viết. Nhưng lạ kỳ lúc đó tôi không cảm thấy chút đau đớn nào, đầu óc lại rất thanh thản".
5 năm tiếp tục trôi qua, trái với quy luật thông thường, niềm tin mong manh ấy được nhen nhóm dần lên cùng những thông tin họ thu thập được dày thêm lên. Nhưng cùng với đó là sự dằn vặt trong tâm trí người cha già khi bất lực, không thể có cơ hội chứng minh sự trong sạch của con mình.
Vụ án xảy ra giữa đêm tối và trời mưa to nên hầu như mọi dấu vết phạm tội đều bị xóa sạch. Một trong những yếu tố khép tội Chưởng chính là lời khai của anh Trần Quang Tuất (SN 1982, thôn 3, Tân Tạo, Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương).
Sau này, khi trao đổi với báo chí, anh Tuất một mực khẳng định và xin sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai lại của mình: "Tôi bị ép chứ chắc chắn Chưởng không có mặt tại hiện trường vụ án vào đêm 14.7.2007 vì lúc đó đang ở nhà tôi, ở xã Bình Dân này. Việc này có vợ tôi làm chứng. Dù họ (Cơ quan điều tra - PV) có ép tôi nói sai sự thật đi chẳng nữa, thì xác minh bảng chấm công của anh Khoa, người nhận công trình và trực tiếp thuê tôi và Sơn lăn sơn ở ngôi nhà trên đường Văn Cao (Hải Phòng) đã nói lên tất cả".
"Hôm đó là ngày 14.7.2007, có ghi rõ trong bảng chấm công và đó cũng là ngày duy nhất tôi và Sơn làm việc tại Hải Phòng. Hôm đó trời mưa, 21 giờ 15 phút đêm hôm đó, tôi còn về che bạt cho đám dưa của vợ chờ người tới cân và Chưởng đến chơi. Không có chuyện tôi nhớ nhầm sang ngày khác", anh Tuất cho biết thêm. Cũng theo anh Tuất, sau hôm đó, Công an Hải Phòng có xuống gặp anh Khoa xác minh bảng chấm công này, nên đó có thể coi là bằng chứng rất rõ ràng cho việc Chưởng không có mặt tại hiện trường. Để cam kết, anh Tuất còn viết bản cam kết, ký tên đầy đủ và nói mình sẵn sàng chịu trách nhiệm về lời khai này.
Anh Tuất kể, sau nhiều ngày liên tục phải làm việc tại cơ quan công an, trở về nhà, anh luôn bị lương tâm cắn rứt, đặc biệt là sau khi Chưởng bị tuyên án tử hình. Sau nhiều đêm nằm không thể chợp mắt, cuối cùng anh đã đến nhà Chưởng xin lỗi bố mẹ Chưởng và viết đơn trình bày toàn bộ sự việc mình bị ép cung như nào và xác minh chính xác 21h ngày 14.7.2007, Chưởng có qua nhà mình chơi.
Vừa quỵ xuống vì tin thằng con trai lớn đang chí thú làm ăn bị bắt vì giết người, vợ chồng ông Chinh chết nửa người vì sau đó, cậu con Nguyễn Trọng Đoàn (SN 1987, em trai Chưởng) tiếp tục bị bắt.
Bà Nguyễn Thị Bích (SN 1959, mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng) cho biết: Khoảng 20h ngày 14.7.2007, Chưởng đi xe máy cùng một người bạn tên Trường về nhà, sau đó còn đèo bạn đến nhà một số người trong xóm chơi. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, Chưởng và bạn về nhà ngủ.
Bà Bích cũng cho biết thêm, tối hôm 14.7, trong lúc đi chơi, Chưởng và Trường còn gặp nhiều người trong làng như bà Nhiễu bán nước, cô Mến (bạn của em trai Chưởng) và có đến nhà Tuất chơi. Và việc này được mọi người xác nhận.
Ngoài ra còn trình bày của chị Đồng Thị Mai, vợ của anh Trần Quang Tuất, người có mặt cùng Tuất ở nhà tiếp đón tử tù Chưởng và bạn của Chưởng. Tất cả đều khẳng định, vào thời điểm đó, Chưởng chứ không phải ai khác đang có mặt tại địa bàn.
Rồi đến chị Nguyễn Thị Bảy, vợ của phạm nhân Chưởng. Chị Bảy vừa khóc vừa khẳng định, tối 14.7, Chưởng và anh bạn tên Trường ăn cơm tại quán cà phê cùng chị Bảy, sau đó sửa xe ở hàng bên cạnh, rồi cùng nhau đi về Hải Dương. Mãi 23h đêm hôm sau (15.7) mới cùng nhau quay lại quán cà phê Thiên Thần.
Trong khi hai con trai đang ngồi tù, người cha già một thân một mình đến khắp nơi gõ cửa kêu oan cho con. Suốt 5 năm trời, hầu như tuần nào ông cũng phi xe máy mang đơn lên các cơ quan có thẩm quyền trên Trung ương. Hơn một năm gần đây, sức khỏe tuột dốc một cách trông thấy, mắt mờ, chân chậm và có biểu hiện của đột quỵ, mỗi lần đi, ông phải bắt tàu hoặc nhờ con cháu đưa lên.
ông Nguyễn Trường Chinh, bố tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Mặc dù tuổi tác đã đè nặng trên đôi vai người cha hiền từ, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ sẽ dừng lại. Ông chia sẻ, dù phải bán hết nhà cửa, đất đai, có đi ăn mày, ông cũng sẽ cố gắng kêu nỗi oan ức của con đến cùng. Bởi không chỉ có ông Chinh mà hàng trăm người dân trong xóm ông ở đều biết Chưởng bị oan.
Ông Chinh cho biết: "Suốt 5 năm trời, tôi đã gửi hàng nghìn lá đơn kêu cứu, cầu mong cơ quan công an điều tra lại vụ án, tìm ra kẻ giết người thực sự để trả lại sự trong sạch cho con tôi".
Giống như nhiều nhân chứng của vụ án, ông Chinh khẳng định: "Tối 14.7.2007 con tôi về nhà, nó ăn cơm ở nhà và ngủ ở nhà. Tôi không tiếc sức lực đi kêu oan cho con tôi vì tôi biết nó bị oan. Và tôi tin vào chính nghĩa và sự công bằng của pháp luật".
Khi được hỏi về bức huyết thư được viết bằng máu tươi của mình gửi Chủ tịch nước, ông Chinh cho biết: "2 tuần đó tôi ốm, không thể đi gửi đơn kêu oan cho con được. Nằm tại nhà, tôi chỉ sợ họ bắn cháu mất, nên tôi cắn ngón tay lấy máu viết thành bức thư này để gửi lên Chủ tịch nước. Chắc chỉ có Chủ tịch nước mới thấu hiểu được nỗi đau của người cha khi bất lực nhìn con chịu cảnh khổ ải trong tù vì bị oan ức".
Kể đến đây, hai dòng nước mắt lại lã chã chảy xuống trên đôi gò má đen sạm vì nắng gió suốt thời gian đằng đẵng đi kêu oan cho con, hay cũng vì nỗi đau, sự tuyệt vọng đã in hằn trên khuôn mặt ông.
Có mặt tại cửa trại giam, bà Nguyễn Thị Bích cho hay: "Hôm đó tôi đi chợ về, thấy ông ấy nằm bất tỉnh, máu chảy lênh láng, xung quanh có mấy tờ giấy được viết nguệch ngoạc, sợ quá tôi gọi hàng xóm sang cầm máu giúp và đưa ông đi cấp cứu...".
Nhìn kỹ những tờ giấy, bà Bích và hàng xóm mới biết, ông Chinh đã dùng máu tươi của mình để viết thành một bức thư dài 3 trang gửi Chủ tịch nước để kêu oan cho con. Ông Nguyễn Trường Chinh cũng cho hay, ông chỉ gửi bức thư đó cho Chủ tịch nước vì ông có một niềm tin sắt son Chủ tịch nước sẽ giải được nỗi oan ức cho con ông.
"Lúc đó ai cũng khóc thương cho ông ấy. Chỉ có tình yêu thương bát ngát của người cha và sự tin tưởng son sắt vào người đứng đầu đất nước mới cho ông sức mạnh để làm được điều đó", bà Thu, một người dân trong xóm cho hay.
Theo Dân Việt
Vụ ông Chấn: Nạn nhân để lại vết sẹo cho nghi phạm Một trong những dấu vết sót lại liên quan đến vụ giết người cách đây hơn 10 năm chính là vết sẹo trên tay của Lý Nguyễn Chung, và nghi phạm này đã khẳng định rằng đó là hậu quả của việc giằng co, đâm nhiều nhát vào nạn nhân, vết dao trượt vào tay dẫn đến thương tích nhẹ. Luật sư Hoàng...