Obama và thách thức trong nhiệm kỳ hai
Nếu Tổng thống Obama tiếp tục chiến lược thực tế trong chính sách đối ngoại, hạn chế những cuộc can thiệp lớn ở nước ngoài, tập trung xác định những mục tiêu ưu tiên trong nước, thế giới sẽ đối diện với một nước Mỹ khác trước.
Ông Barack Obama phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ sáng 21/1. Ảnh: AFP
Nhiệm kỳ 2 các đời tổng thống Mỹ luôn được khởi đầu bằng những kỳ vọng to tát và những ngôn từ vĩ đại của tổng thống tái cử. Do không còn phải bận tâm về tái tranh cử, tổng thống được tự do theo đuổi các ý tưởng lớn và bảo vệ di sản của mình tại Nhà Trắng.
Tổng thống Barack Obama, vừa tuyên thệ nhậm chức, hiểu rất rõ những cơ hội cũng như hạn chế chính trị của ông trong nhiệm kỳ 4 năm tới tiếp theo ở Nhà Trắng. Obama sẽ thúc đẩy cái gọi là một quá trình chuyển đổi, tuy còn đang gây tranh luận, sang một nước Mỹ với đa số ủng hộ Dân chủ.
Chiến thắng thuyết phục của ông trước đối thủ của đảng Cộng hòa tháng 11 vừa qua được cho là bắt nguồn từ thực tế nhân khẩu học đang thay đổi ở Mỹ và sự xuất hiện của một liên minh giữa các tầng lớp trung lưu thành thị, người lao động, dân tộc thiểu số và phụ nữ. Một đa số của đảng Cộng hòa trước đó được xây dựng quanh các tầng lớp dân chúng ngoại ô, dân cư nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ, phe hữu tôn giáo dường như đang mai một.
Những người ủng hộ tổng thống đang gây sức ép đòi Obama làm hết mình để loại trừ triệt để liên minh Cộng hòa và củng cố đại đa số đang nổi lên của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, Obama nhận thấy những nguy hiểm trong việc với quá tầm trong nhiệm kỳ 2 cũng như những khó khăn của việc biến thế đa số thành độc quyền trong chính sách.
George W. Bush, tổng thống tiền nhiệm của ông đã không thể biến sự kiểm soát Nhà Trắng và đại đa số ở cả hai viện của quốc hội – giành được trong bầu cử năm 2004 – thành một sự ủng hộ cho việc cải cách hệ thống an sinh xã hội của Mỹ. Ý định thay đổi luật nhập cư của ông đã gây ra một phản ứng dữ dội trong đảng Công hòa.
Tồi tệ hơn, hầu hết các đời tổng thống nhiệm kỳ 2 thường nhanh chóng mất lực và bị vướng vào các vụ tranh cãi. Bush bị khập khiễng bởi thất bại do chiếm đóng Iraq Bill Clinton thì vướng vào vụ quan hệ với Monica Lewinsky, và Ronal Regal thì bị vụ bê bối Iran-Contra. Đây mới chỉ là những tổng thống tái đắc cử nhiệm kỳ hai gần đây nhất của Mỹ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự dũng cảm chính trị của Obama trong mấy tuần qua kể từ khi ông tái đắc cử. Ông đã buộc những người Cộng hòa từ bỏ giáo điều chống lại việc tăng thuế ông đã thách thức giới vận động hành lang hùng mạnh về sở hữu súng và bất chấp nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel trong việc đề cử cựu thượng nghị sĩ Chuck Hagel làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Video đang HOT
Các hành động này rất ấn tượng, nhưng Obama chắc chắn sẽ phải đối phó với nhiều sự phản đối, kể cả ngay trong nội bộ đảng của ông, trong việc thúc đẩy quốc hội chuẩn y những thay đổi xã hội và kinh tế đang được trông đợi từ lâu ở Mỹ.
Như thường lệ, vào năm 2014, khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông Obama rất có thể đã trở thành một “tổng thống vịt què”. Đến lúc đó chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016 sẽ thực sự bắt đầu. Sau sáu năm phục vụ tổng thống các nhân vật chủ chốt của chính quyền có khuynh hướng muốn ra đi và làm cạn kiệt khả năng lãnh đạo của tổng thống.
Tuy nhiên, một tổng thống vịt què ở trong nước không nhất thiết là một tổng thống không có hiệu lực ở nước ngoài. Trên thực tế, những tổng thống nhiệm kỳ hai thường được tự do về chính trị và có động lực để theo đuổi các sáng kiến lớn về chính sách đối ngoại hơn.
Bill Clinton đã thúc đẩy hiệp định hòa bình giữa Israel và Palestine cho đến ngày cuối cùng của ông tại Nhà Trắng. Ronald Regan đưa ra một chương trình kiểm soát vũ khí hạt nhân đầy tham vọng với Mikhail Gorbachev của Liên Xô. Tổng thống vịt què Bush thúc đẩy quốc hội Mỹ thông qua sáng kiến hạt nhân dân sự với Ấn Độ trong những tháng cuối cùng ông làm tổng thống năm 2008.
Tuy nhiên về lĩnh vực chính sách đối ngoại, Tổng thống Obama đang bị vướng vào tình huống trớ trêu: Ông nhấn mạnh về việc chấm dứt phiêu lưu quân sự của Mỹ ở nước ngoài và tiếp thêm chủ nghĩa hiện thực rất cần thiết vào thế giới quan của Mỹ. Nhưng khuôn mẫu đó lại không phù hợp với các động thái chính sách đối ngoại mạnh mẽ mới.
Obama đã khá thẳng thắn khi tuyên bố rằng nước Mỹ cần phải xoay trục về trong nước thay vì phung phí sức lực cho việc giải quyết những vấn đề của thế giới. Chấm dứt các cuộc chiến tranh tốn kém của Mỹ ở Iraq và Afghanistan nằm trong ưu tiên hàng đẩu của chương trình nghị sự của Obama.
Nếu như ông Bush sử dụng ngôn từ hùng biện về nghĩa vụ của Mỹ thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới trong bài phát biểu nhậm chức lần thứ hai của ông tháng 1 năm 2005, thì ông Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đất nước ở trong nước, một chủ đề mà ông thường đề cập trong suốt chiến dịch tái tranh cử vừa rồi.
Phe hữu, bao gồm cả các nhân vật tân bảo thủ, không phải là nguồn lực duy nhất của chủ nghĩa can thiệp Mỹ thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh. Những người tự do bên cánh tả, thường thống trị chính sách đối ngoại của Mỹ trong đảng Dân chủ, cũng không kém phần hăng hái về chủ trương sử dụng sức mạnh của Mỹ nhằm thay đổi thế giới.
Trong suốt nhiệm kỳ đầu của mình, ông Obama đã phải đối mặt với không ít sức ép từ phía tả đòi can thiệp mạnh hơn vào Trung Đông, nhưng ông Obama đã lựa chọn cách hạn chế bớt sự dính líu của Mỹ vào Libya và Syria trước đây cũng như ở Mali hiện nay. Ông cũng không quá mặn mà với những lời kêu gọi sử dụng sức mạnh để chống lại Iran.
Obama đã xác định rõ là Mỹ sẽ không phái quân tham gia vào các chiến dịch quân sự lớn ở nước ngoài. Chiến lược chống nổi dậy – phía trái của định nghĩa xây dựng quốc gia – rất có thể sẽ là điều đáng ghi nhớ sau khi Mỹ rút các lực lượng của mình khỏi Afghanistan.
Điều này không làm cho Obama trở thành một con bồ câu hòa bình, nó chỉ cho thấy sự thận trọng chính trị của ông. Chiến lược của Obama là chỉ triển khai một số lượng nhỏ binh sĩ đặc nhiệm và các máy bay không người lái để đạt được các mục tiêu an ninh của Mỹ ở nước ngoài. Trên hết là để cho các cường quốc khác, như Pháp và Anh, hành động nhiều hơn trong khu vực Bắc Phi lân cận của châu Âu. Obama tin rằng Mỹ không còn là giải pháp quân sự đầu tiên để hóa giải các thách thức về an ninh trên toàn thế giới.
Đối với Obama, chiến lược an ninh quốc gia là vấn đề xác định các ưu tiên chính sách, tránh phung phí nguồn lực quân sự của Mỹ, tập trung vào những lĩnh vực có lợi ích quốc gia sống còn. Chiến lược xoay trục từ Trung Đông sang Đông Á trong nhiệm kỳ một của Obama được nhìn nhận trong bối cảnh này.
Nếu Obama duy trì lộ trình theo chủ nghĩa hiện thực trong chính sách đối ngoại hiện hành, cưỡng lại những cám dỗ can thiệp ở nước ngoài, tiếp tục tập trung vào việc làm trẻ hóa nước Mỹ, cô đọng định nghĩa về lợi ích quốc gia của Mỹ, thì thế giới sẽ ứng xử với một nước Mỹ hoàn toàn khác. Lúc đó, di sản của Obama có lẽ là làm cho nước Mỹ thích nghi với logic thắt lưng buộc bụng ở trong nước và thừa nhận các hạn chế quyền lực của Mỹ trong một thế giới đang thay đổi.
Theo VNE
Obama có vượt qua lời nguyền nhiệm kỳ 2?
Những tổng thống tái cử nhiệm kỳ 2 ở Mỹ thường không suôn sẻ. Liệu Obama có vượt qua được "lời nguyền" từ giữa thế kỷ trước?
Sự yêu mến dành cho Tổng thống George W. Bush giảm sút đáng kể trong nhiệm kỳ 2 bởi cuộc chiến ở Iraq không được lòng dân, phản ứng không nhanh nhạy của chính phủ trước trận siêu bão Katrina và thất bại trong việc thúc đẩy tư nhân hóa hệ thống an sinh xã hội.
Mối quan hệ yêu đương giữa Tổng thống Bill Clinton và cô Monica Lewinsky bị phơi bày, khiến nhiệm kỳ 2 của ông bị chê trách. Chi tiết vụ bê bối tình ái với cô thực tập trong Nhà Trắng bị báo chí cả thế giới khai thác triệt để.
Ông Obama sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ 2
Tổng thống Ronalk Reagan đối mặt với vụ Iran-Contra, tức vụ Mỹ bán vũ khí cho Iran để tiếp tay cho lực lượng khủng bố, vỡ lở. Trước đó, Nixon vướng vụ Watergate. Điều này cứ lặp lại như một lời nguyền đối với những tổng thống 2 nhiệm kỳ.
Nhiệm kỳ 2 của ông Obama chính thức bắt đầu từ tuần sau, nhưng giờ ông đã đối mặt với hàng loạt vấn đề hóc búa, khiến nhiều người băn khoăn liệu vị Tổng thống da màu này có lặp lại lời nguyền trước?
"Tôi nghĩ ông ấy sẽ trải qua nhiệm kỳ 2 đầy trắc trở giống hầu hết các vị tổng thống của chúng ta", Ken Khachigian, cựu chuyên gia viết bài phát biểu cho Tổng thống Reagan, nói về ông Obama.
Ông Obama đang vất vả trên chính trường trong nước với vấn đề thâm hụt quá cao, bạo lực liên quan đến súng và tốc độ phục hồi chậm của nền kinh tế. Các vấn đề ở nước ngoài như chương trình hạt nhân của Iran, chương trình tên lửa của Triều Tiên và cuộc khủng hoảng nợ nần chồng chất ở châu Âu cũng khiến Tổng thống Mỹ đau đầu.
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai trong chuyến thăm tới Phòng Bầu dục hôm 11/1 đã nhấn mạnh những trở ngại trong kế hoạch của ông Obama để kết thúc cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ vào năm 2014.
Ông Obama từng nói rằng ông hiểu điều gì thường xảy đến đối với một tổng thống tái đắc cử. "Tôi đã đọc hết những bài viết về tổng thống ở nhiệm kỳ 2. Chúng tôi rất thận trọng với những điều gì như thế", ông Obama nói trong phiên họp báo đầu tiên sau khi đánh bại đối thủ Mitt Romney hôm 6/11/2012.
Một cựu quan chức Mỹ giấu tên nói rằng nhiệm kỳ 2 thường khó khăn hơn vì "bạn không có những người giỏi nhất, bạn đã rất mệt mỏi, bạn dễ cáu giận hơn, và nhiều vấn đề lại trở nên phức tạp hơn. Lực lượng, khả năng chịu đựng, tâm điểm và sức chiến đấu đều yếu hơn ở nhiệm kỳ 2".
Các quan chức Nhà Trắng là những người mở to mắt nhất trước cảnh báo như vậy, và rằng công lao của ông Obama đã được khẳng định trong nhiệm kỳ 1, như luật y tế liên bang, thắt chặt luật lệ phố Wall và kéo đất nước ra khỏi điều mà Tổng thống mô tả là bờ vực của một cuộc đại khủng hoảng tiếp theo.
Trong nhiệm kỳ 2, ông Obama đã chỉ ra một số ưu tiên, như thay đổi hệ thống kiểm soát nhập cư, kiểm soát súng sau khi xảy ra vụ giết hại trẻ em trong trường học. Ông cũng nói sẽ làm việc với các đảng viên Cộng hòa để viết lại luật thuế.
Dù chủ ý hay không, ông Obama cũng đã châm ngòi một cuộc chiến với Đảng Cộng hòa bằng việc tiến cử Thượng nghị sĩ Chuck Hagel làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Tuy nhiên, các đảng viên Dân chủ cho rằng vị trí của ông Obama được củng cố hơn nhờ những kết quả trong cuộc bầu cử năm 2012. Các đảng viên Dân Chủ được bổ sung vào Thượng viện và Hạ viện, ngay cả khi Đảng Cộng hòa đã giành lại quyền kiểm soát. Và quyết định của ông Obama có thể khiến các đảng viên Cộng hòa lép vế, khiến họ phải hợp tác với ông mạnh hơn so với nhiệm kỳ đầu.
Theo 24h
Đứng ngồi không yên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo đối ngoại Anh (MI6) đang "đứng ngồi không yên" khi hay tin nhiều thông tin mật, trong đó có những thông tin về khủng bố, của 2 cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ và Anh đã bị đánh cắp. Cùng với MI6 và RSC-CIA đang lo những thông tin...