Obama truyền lửa trong thông điệp liên bang
Tổng thống Barack Obama đưa ra nghị trình đầy tham vọng trong Thông điệp Liên bang, bất chấp việc đảng Cộng hòa khống chế quốc hội và ông đã nhận được phản ứng tích cực từ cử tri Mỹ.
Tổng thống Barack Obama được cho là đã truyền lửa trong Thông điệp Liên bang. Ảnh: Reuters
Trong những phút cuối của Thông điệp Liên bang, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Tôi không còn phải tham gia cuộc vận động tranh cử nào nữa”. Bất chấp tiếng vỗ tay tỏ ý mỉa mai của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông mỉm cười và nói thêm rằng: “Tôi biết, bởi tôi đã thắng cử hai lần”.
Mặc dù đảng Dân chủ của Tổng thống Obama thất bại tại lưỡng viện trong cuộc bầu kỳ giữa nhiệm kỳ cuối năm 2014, giới phân tích vẫn cho rằng ông đã làm chủ hoàn toàn diễn đàn chính trị lớn nhất trong năm.
“Không khuất phục và rất tự tin, ông ấy đã đưa ra một nghị trình rộng lớn, như thể mình là người chiến thắng”, bình luận viên Peter Baker của tờ New York Times nhận định. “Chương trình mà ông ấy vạch ra cứ như tại Đại hội của đảng Dân chủ vậy”.
Không đề cập đến cuộc bầu cử giữa kỳ, không đưa ra nhượng bộ hay thỏa hiệp chính trị nào, ông chủ Nhà Trắng yêu cầu Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát cần phải tăng thuế với người giàu, để giúp giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và tăng cường hỗ trợ cho giáo dục cộng đồng.
Trên lĩnh vực đối ngoại, Tổng thống Obama cho rằng chính sách ngoại giao hiện nay đã đem lại lợi ích cho Mỹ, bởi ngăn cản được sự khuếch trương của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và Iraq. Ông cũng nhấn mạnh đến quyết định chấm dứt chính sách lỗi thời bấy lâu của Washington đối với Cuba và yêu cầu Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận suốt hơn 50 năm qua với đảo quốc này.
“Nếu như các bạn chia sẻ với viễn cảnh rộng lớn mà tôi vạch ra tối nay, thì hãy nắm tay cùng làm việc với tôi. Nếu các bạn không đồng ý với phần nào của điều ấy, thì ít nhất hãy làm việc với tôi trên những phần đồng thuận”, ông chủ Nhà Trắng nói.
Theo kết quả điều tra của CNN/ ORC, Thông điệp Liên bang lần này của Tổng thống Obama nhận được phản ứng tích cực từ người dân Mỹ. 51% người xem đánh giá tốt về bài phát biểu, tăng hơn so với mức 44% của năm 2014.
“Ông Obama không bị đánh gục bởi hiện thực đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2014. Ngược lại, ông ấy đang ở thế tấn công, có những hành động mạnh bạo, bất ngờ trên một loạt vấn đề then chốt”, bà Megan Murphy, trưởng phân xã Financial Times tại Washington, bình luận.
Bà cho rằng với sách lược chủ động tấn công, Nhà Trắng dường như đang dồn Quốc hội vào thế thủ, khi buộc các nghị sĩ đảng Cộng hòa phải tìm cách đối đầu với vị tổng thống đang muốn vận dụng tối đa quyền hành pháp để thúc đẩy các chính sách gây tranh cãi. “Họ (đảng Cộng hòa) nhận ra rằng mình không còn nhiều sự lựa chọn, có thể phải thông qua các dự luật mà công chúng rất hoan nghênh”, bà Murphy bình luận.
Sự tự tin của Tổng thống Obama được cho là nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và xu thế này được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2015. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay có thể đạt mức 3,1%, cao hơn mức 2,2% của hai năm trước đó.
Bộ Lao động Mỹ gần đây công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã hạ xuống mức 5,6%, thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Trong khi, mức tăng số lượng việc làm năm 2014 là cao nhất kể từ năm 1999.
Video đang HOT
Obama cũng nêu rõ những thành công này ngay từ đầu bài phát biểu của mình. “Tối nay, sau một năm đột phá của nước Mỹ, nền kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng và đã tạo ra việc làm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1999. Tỷ lệ thất nghiệp nay đã thấp hơn từ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra. Nhiều trẻ em sắp tốt nghiệp hơn, nhiều người dân được đảm bảo hơn. Chúng ta được giải thoát khỏi sự kìm kẹp của nguồn dầu mỏ nước ngoài trong suốt 30 năm qua.”
Khả năng thực hiện nghị trình của Tổng thống Obama là không cao khi đảng Cộng hòa khống chế Quốc hội. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn đặt câu hỏi về khả năng thực hiện chương trình nghị sự trên của Tổng thống Obama, trong bối cảnh cơ quan lập pháp do đảng đối lập khống chế. Trước bài phát biểu, các lãnh đạo Cộng hòa đã tuyên bố rằng các đề xuất của ông Obama sẽ “chết” ngay từ trong trứng nước.
“Mỗi một vị tổng thống đều đưa ra các ý tưởng trong Thông điệp Liên bang, dù biết rằng họ sẽ không thể thành công ngay lập tức”, ông Peter Baker cho biết. “Nhưng hiếm khi sự cách biệt giữa tổng thống và Quốc hội là lớn như hiện nay”.
Ông Steve Schmidt, người từng quản lý chiến dịch tranh cử tổng thống của Thượng nghị sĩ John McCain năm 2008, cho rằng đề xuất miễn phí tiền học cho sinh viên của khối đại học cộng đồng và tăng trợ cấp nghỉ phép cho phụ huynh là không thực tế.
Mặc dù có thể không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, bài diễn văn của Tổng thống Obama có thể sẽ nhận được sự hưởng ứng từ các lực lượng khác trong hệ thống chính trị Mỹ. Ông từng thất bại trong việc thuyết phục các nhà lập pháp thông qua dự luật tăng mức lương tối thiểu, nhưng một số bang đã ủng hộ Nhà Trắng và điểu chỉnh trong phạm vi quản lý của mình.
“Với hơn 30 triệu người xem, Thông điệp Liên bang là một siêu sự kiện chính trị”, ông Josh Gottheimer, người chấp bút cho cựu Tổng thống Bill Clinton, cho biết. “Đây là cơ hội để một tổng thống công bố kế hoạch, bất kể là có thông qua được tại cơ quan lập pháp hay không. Nhưng điều này sẽ thay đổi các cuộc thảo luận theo cách bất ngờ”.
Cùng chung quan điểm trên, ông Michael Waldman, một cựu quan chức Nhà Trắng khác dưới thời Clinton, cho rằng sẽ là một sai lầm lớn nếu tổng thống không dám đưa ra nghị trình mà mình ủng hộ, chỉ vì lo ngại cơ quan lập pháp. “Có thể những ý tưởng của Obama sẽ không được thông qua. Nhưng các ý tưởng của đảng Cộng hòa cũng sẽ như vậy”, ông này nói.
Một số nhà quan sát cho rằng, nghị trình của Tổng thống Obama là nhằm đẩy đảng Cộng hòa vào thế phòng thủ, nhưng có thể sẽ phản tác dụng. “Điều này sẽ khiến người Cộng hòa trở nên đoàn kết hơn”, ông David Frum, cựu quan chức dưới thời tổng thống George W. Bush, cho biết. “Và cả hai đảng vẫn sẽ tiếp tục bất đồng”.
Tổng thống Obama bác bỏ mọi lời chỉ trích rằng ông phải chịu trách nhiệm cho sự bất đồng trên. Ông chủ Nhà Trắng cũng phản đối cách nhiều người gọi ông là “sai lầm và ngây thơ”, khi hứa sẽ xỏa bỏ khoảng cách giữa hai đảng.
“Tôi cam kết với tất cả thành viên đảng Cộng hòa có mặt tối nay rằng, tôi không chỉ tìm kiếm ý tưởng của các bạn, mà còn muốn cùng các bạn làm cho đất nước này hùng mạnh hơn”, Tổng thống Obama tuyên bố.
Đức Dương
Theo VNE
Những điểm then chốt trong thông điệp liên bang của ông Obama
Trong thông điệp liên bang ngày 20.1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra nhiều đề xuất đáng chú ý, từ chuyện tăng thuế người giàu ở Mỹ đến thông tin bỏ cấm vận Cuba... Ông Obama cũng đề cập đến các biện pháp trừng phạt Iran và cuộc chiến chống khủng bố.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước Quốc hội ngày 20.1 - Ảnh: AFP
Kinh tế
Tổng thống Obama kêu gọi Mỹ bước sang chương mới trong lịch sử với nền kinh tế công bằng hơn và phúc lợi nhiều hơn cho tầng lớp trung lưu, theo AFP.
"Chúng ta đi qua 15 năm trong thế kỷ mới này. 15 năm mở màn với khủng bố xâm nhập vào đất nước chúng ta; với một thế hệ tham gia những cuộc chiến lâu dài và tốn kém; chứng kiến suy thoái kinh tế rộng khắp đất nước chúng ta và thế giới. Nhưng tối nay (20.1), chúng ta bước sang giai đoạn mới", ông Obama nói trước Quốc hội tối ngày 20.1 (tức sáng 21.1 giờ Việt Nam).
Đau đầu vì bài toán nền kinh tế kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ cách đây 6 năm, Tổng thống Obama xuất hiện trước Quốc hội và hàng triệu người dân Mỹ xem truyền hình trực tiếp, tuyên bố các chính sách của ông đã giúp phục hồi nền kinh tế và cắt giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 5,6%, theo Reuters.
Trọng tâm kế hoạch bảo vệ tầng lớp trung lưu của ông Obama là tăng thuế đối với những người giàu nhất Mỹ từ mức 23,8% hiện hành lên 28% trong vòng 10 năm tới, để tăng phúc lợi giáo dục cho tầng lớp trung lưu, bao gồm 2 năm học đại học công miễn phí.
Tuy nhiên, đề xuất tăng thuế người giàu Mỹ đang đối mặt với sự phản đối của đảng Cộng hòa hiện đang nắm đa số ghế ở Quốc hội Mỹ.
Ông Obama tuyên bố phản đối bất kỳ nỗ lực nào của đảng Cộng hòa trong việc ngăn cản chính quyền của ông thông qua luật y tế và nới lỏng chính sách nhập cư gây tranh cãi.
Tổng thống Obama còn đề nghị Quốc hội Mỹ trao cho ông quyền xúc tiến thương mại để đàm phán các thỏa thuận tự do thương mại từ châu Á cho đến châu Âu.
Cảnh báo Trung Quốc "muốn tự làm luật trong khu vực châu Á có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới", ông Obama nói Quốc hội Mỹ nên giao quyền cho ông để bảo vệ người lao động Mỹ, để "mang nhà máy của công ty Mỹ ở Trung Quốc quay trở về nước", tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
Cảnh báo lệnh trừng phạt Iran
Tổng thống Obama cảnh báo lệnh trừng phạt mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua là phản tác dụng, không thể giúp Iran quay lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân tranh cãi của nước này.
Chấm dứt cấm vận Cuba
Tổng thống Obama kêu gọi các nhà làm luật chuẩn bị lộ trình chấm dứt lệnh cấm vận Cuba kéo dài nửa thế kỷ qua, theo AFP.
"Sự chuyển hướng trong chính sách Mỹ đối với Cuba bảo vệ giá trị dân chủ và mở rộng tình bằng hữu đối với người dân Cuba. Và trong năm nay, Quốc hội Mỹ nên bắt đầu việc chấm dứt lệnh cấm vận Cuba", Tổng thống Obama nói.
Cuộc chiến chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS)
Ông Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ cho phép dùng vũ lực để chống lại IS, tiếp tục kêu gọi thế giới chung tay chống IS, nỗ lực chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố toàn cầu.
IS, kể từ tháng 6.2014 đã chiếm được nhiều khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq, nổi lên trong thời gian đây với những vụ thảm sát, bắt cóc, chặt đầu con tin phương Tây. Mới đây, IS tung video đe dọa chặt đầu con tin người Nhật.
&'Nước lớn không thể bắt nạt nước bé'
"Chúng tôi luôn giữ vững nguyên tắc các nước lớn không thể bắt nạt nước bé bằng cách phản đối hành động gây hấn của Nga, ủng hộ dân chủ Ukraine và trấn an các đồng minh NATO", ông Obama cảnh báo Nga trước Quốc hội Mỹ.
Nhà tù Guantanamo
"Thật là điều vô nghĩa khi chi 3 triệu USD cho mỗi tù nhân để vận hành một nhà tù mà thế giới lên án... Tôi sẽ không thay đổi quyết tâm đóng cửa nhà tù này", ông Obama nói về nhà tù của Mỹ tại vịnh Guantanamo (Cuba).
Tổng thống Obama xem việc đóng cửa nhà tù ở vịnh Guantanamo là một trong những chính sách ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (2009 - 2012) sau những vụ bê bối tra tấn tù nhân tại đây. Nhưng đến nay, Mỹ vẫn còn giam giữ trên 160 người tại nhà tù này, theo AFP.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Tổng thống Mỹ chỉ trích Nga trong thông điệp liên bang 2015 Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong thông điệp liên bang 2015 phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 20.1, cảnh báo Nga rằng Mỹ ủng hộ Ukraine và 'các nước lớn không thể bắt nạt nước bé'. Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc thông điệp liên bang 2015 trước Quốc hội Mỹ ngày 20.1 - Ảnh: Reuters "Chúng tôi luôn giữ vững nguyên...