Obama, Merkel gạt bất hòa, tăng áp lực với Nga
Chào bà Angela Merkel với một cái ôm và nụ hôn trên hai má tại thị trấn đẹp như tranh vẽ ở chân dãy Alps, Tổng thống Obama ca ngợi mối quan hệ Mỹ – Đức trước thềm hội nghị G7, bất chấp hai nước từng có rắc rối về tình báo.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Obama thưởng thức bia tại làng Kruen, Đức. Ảnh: Reuters
Cùng với bia, xúc xích và màn biểu diễn từ những người đàn ông trong chiếc quần yếm truyền thống, Tổng thống Obama nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ thủ tướng Đức tại làng Kruen ở vùng Bavaria, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của nhóm 7 cường quốc hàng đầu thế giới (G7).
“Việc chúng ta tập hợp tại đây là bằng chứng cho thấy các cuộc xung đột có thể kết thúc, quan hệ hai bên có thể đạt được tiến bộ mạnh mẽ”, Obama nói với khoảng 800 người dân thị trấn Kruen. “Chúng ta đứng cùng nhau với tư cách là những đồng minh không thể tách rời, tại châu Âu và trên toàn thế giới.”
Theo NYTimes, Tổng thống Obama đang tìm cách xoa dịu căng thẳng với đồng minh quan trọng là Đức trong chuyến giao lưu với Thủ tướng Angela Merkel. Ông muốn hướng hai nước về quyết tâm chung là đối đầu với Nga vì khủng hoảng Ukraine, khi ông tuyên bố bà là “người bạn và đối tác tuyệt vời” trong hội nghị G7.
Gạt bỏ bất hòa
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Đức diễn ra sau một thời gian sau căng thẳng giữa Obama và Merkel. Mặc dù hai người có mối quan hệ bền chặt trong công việc và hòa hợp về cá nhân, sợi dây liên kết giữa hai lãnh đạo từng nhiều lần bị lung lay vì các vụ bê bối tình báo.
Bà Merkel đang đối mặt với những lời chỉ trích mạnh mẽ rằng bà đã dung túng cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), sau khi có cáo buộc hồi tháng 4 rằng tình báo Đức theo dõi các công ty và có thể là cả các cá nhân châu Âu, theo chỉ thị của tình báo Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên có vấn đề gián điệp giữa Mỹ và Đức. Năm 2013, Edward J. Snowden công bố tài liệu cho thấy NSA nghe lén di động của Thủ tướng Merkel trong một thập kỷ. Mùa hè năm ngoái, quan hệ hai nước gia tăng căng thẳng khi Berlin trục xuất lãnh đạo CIA hàng đầu tại Đức. Berlin tuyên bố họ tìm thấy bằng chứng cho thấy các điệp viên Mỹ đã tuyển mộ ít nhất một quan chức Đức.
Tuy nhiên, những căng thẳng này không ngăn Merkel mời Obama đến tham quan ngôi làng lịch sử Kruen trước khi khai mạc hội nghị G7. Cuộc viếng thăm được chuẩn bị cẩn thận để thể hiện tình bạn của họ. Ông Obama chào người dân bằng nghi thức truyền thống tại đây và không tiếc lời khen ngợi màn biểu diễn kèn sừng. Hai lãnh đạo cùng nhau thưởng thức xúc xích, bánh ngọt và bia địa phương.
“Mặc dù đúng là đôi khi chúng ta có sự khác biệt về quan điểm”, bà Merkel nói, “Mỹ vẫn luôn là người bạn và đối tác quan trọng với chúng tôi”.
Bê bối tình báo “rõ ràng đã phủ bóng lên mối quan hệ của họ”, Julianne Smith, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden, và hiện là giám đốc một viện tại Trung tâm An ninh Mỹ ở Washington, nhận định.
Video đang HOT
Tuy nhiên, rõ ràng Obama cần Merkel giống như bà cần ông ấy. Thủ tướng Đức đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp châu Âu để đối phó với Nga về khủng hoảng Ukraine, ngay cả khi các biện pháp trừng phạt kinh tế đánh vào Nga có thể ảnh hưởng xấu đến Đức, do Berlin có nhiều trao đổi thương mại, nhất là về năng lượng với Moscow.
Trong cuộc họp gần 45 phút, Obama và Merkel không bàn bạc về việc giám sát của NSA. Hai nhà lãnh đạo dành một nửa thời gian để nói về Nga và Ukraine.
“Họ nhận ra rằng họ tiếp tục có cái nhìn chung về Nga trên nhiều mặt”, bà Smith nói. Obama “vẫn tiếp tục tìm kiếm giúp đỡ từ bà Merkel”, Smith nói thêm. “Tôi nghĩ rằng họ vẫn tin tưởng lẫn nhau”.
Tổng thống Obama vui vẻ nâng ly. Ảnh: Reuters
Tăng áp lực với Nga
Tổng thống Mỹ và bà Merkel đã đồng ý rằng không nên dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga cho đến khi lệnh ngừng bắn tại Ukraine được thực hiện nghiêm chỉnh. Liên minh châu Âu (EU) tháng này sẽ bỏ phiếu quyết định có nên tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga hay không. Obama kêu gọi các nước giữ quan điểm cứng rắn và sẽ trừng phạt Nga nặng hơn nếu tình hình Ukraine tiếp tục leo thang.
Phe ly khai ở miền đông Ukraine vẫn đụng độ dữ dội với quân chính phủ và chuyển vũ khí hạng nặng đến gần ranh giới hai bên. Nhà Trắng liên tục nói rằng lệnh ngừng bắn tại Ukraine đã bị vi phạm. Sự leo thang dường như đã mở rộng ra vùng biển khi một tàu cao tốc tuần duyên Ukraine hôm qua phát nổ ở biển Azov, sau khi đụng phải một quả ngư lôi gần cảng Mariupol.
Một năm sau khi 7 cường quốc thế giới liên kết với nhau để loại Nga ra khỏi nhóm, Nhà Trắng dường như quyết tâm sử dụng hội nghị G7 để cô lập Putin.
“Nga coi thường những điều họ đã cam kết” trong thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói và tiếp tục cáo buộc Moscow cung cấp, dẫn dắt và đào tạo cho phiến quân ở Ukraine, điều Nga luôn bác bỏ. “Nga không thực hiện được cam kết. Điều này khiến họ ngày càng bị cô lập và càng phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt kinh tế”, Earnest nói.
Bất hòa nào dường như cũng được xóa nhòa khi Obama và Merkel hôm qua cùng nhau đi dạo qua thị trấn và chào hỏi người dân địa phương. Tổng thống hỏi đùa bà Merkel rằng thay vì họp bàn tại một lâu đài và khu nghỉ mát sang trọng gần đó, liệu có thể tổ chức cuộc họp tại thị trấn dân dã này, bên các cốc bia được hay không.
“Bia ở đây rất ngon”, ông Obama nói trên đường rời khỏi làng. “Ước gì tôi được tiếp tục ở đây”.
Phương Vũ
Theo VNE
Bên trong khu nghỉ dưỡng sang trọng diễn ra hội nghị G7
Schloss Elmau, nơi tiếp đón lãnh đạo của 7 cường quốc thế giới, vốn là lâu đài có tuổi đời 100 năm được cải tạo thành khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và phu quân Joachim Sauer hôm qua chào đón lãnh đạo 6 nước còn lại trong nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới đến tham dự hội nghị thường niên tại khu nghỉ dưỡng Schloss Elmau. Đây là lần thứ 6 Đức đăng cai hội nghị G7.
Ngoài Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Italy và Nhật Bản, sự kiện còn có các lãnh đạo của Liên minh châu Âu. Ảnh: AP
Khu nghỉ dưỡng Schloss Elmau nằm ẩn mình trong một rừng quốc gia ở thị trấn Krun, bang Bavaria, dưới chân núi Alps.
"Thật là một vinh dự lớn", ông Nikolai Bloyd, tổng giám đốc của Schloss Elmau từ năm 2010, nói. "Thế giới đang hướng mắt về đây để chiêm ngưỡng địa điểm tuyệt đẹp này của Đức, thung lũng đẹp như tranh vẽ ở dãy núi Alps Bavaria".Ảnh: EPA
Sảnh khách sạn Schloss Elmau. Đây là nơi từng tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của Đức và châu Âu. Ảnh: EPA
Chính phủ Đức đã thuê toàn bộ toàn bộ khách sạn để phục vụ cho đoàn đại biểu các nước. Các lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron sẽ ở trong 162 phòng ngủ hướng ra núi và thung lũng nên thơ. Ảnh: Schloss Elmau
Toàn bộ các cuộc họp và sự kiện trong hội nghị lần này cũng sẽ diễn ra ở Schloss Elmau, trong đó có một buổi hòa nhạc được tổ chức tại hội trường lớn của khu nghỉ dưỡng. Trong ảnh là phiên họp đầu tiên của G7 hôm qua. Ảnh:Reuters
Khách sạn có 9 nhà hàng để thực khách tùy ý chọn lựa, trong đó có Luce d'Oro, nhà hàng được đánh giá mang đẳng cấp thế giới.
Các nhà lãnh đạo sẽ ăn tối với một thực đơn được chính phủ Đức và đầu bếp của Luce d'Oro, ông Mario Corti, lên kế hoạch kỹ lưỡng. Ông Corti từng phục vụ hàng chục quan khách cấp cao và người nổi tiếng, trong đó Thái tử Anh Charles, nữ ca sĩ Madonna và tỷ phú Bill Gates.
Thực đơn được giữ bí mật hoàn toàn nhưng sẽ bao gồm các món ăn được chế biến từ nguyên liệu địa phương. Ảnh:Schloss Elmau
Ông Obama, một người đam mê thể dục, thể thao, có thể lựa chọn hai trung tâm thể thao tại Schloss Elmau. Khu nghỉ dưỡng cũng có một spa rộng hơn 6.500 m2, bao gồm 5 bể bơi nước nóng ngoài trời, 20 phòng tắm và xông hơi. Ảnh: Schloss Elmau
Địa điểm diễn ra hội nghị hai ngày của G7 nhìn từ trên cao. Nó cũng nằm gần một khu trượt tuyết. Ảnh: Reuters
An ninh đã được thắt chặt tại Krun từ cuối tháng 5. Cảnh sát kiểm tra từng người và hàng hóa ra vào vùng này, trong đó có trái cây và rau phục vụ cho các bữa ăn của G7. Ảnh: Reuters
Anh Ngọc
Theo VNE
G7 quyết không muốn Nga quay trở lại Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nước thành viên G7 đều phản đối Nga quay trở lại khối vì phản đối lập trường của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters. "Với quan điểm hiện tại của chúng tôi, việc Nga quay trở lại là phi thực tế", Thủ tướng Angela Merkel cho biết trong...