Obama họp với chỉ huy quân đội 20 nước chống IS
Tổng thống Mỹ hôm qua bày tỏ lo ngại sâu sắc về thị trấn Kobani, Syria, đang bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo tấn công, trong cuộc họp với chỉ huy quân sự của 20 quốc gia trong liên minh chống cực đoan.
Tổng thống Barack Obama phát biểu trong cuộc họp với hơn 20 chỉ huy quân sự từ các nước trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình hình ở trong cũng như xung quanh thị trấn Kobani của Syria”, AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu sau cuộc họp với các chỉ huy quân sự từ hơn 20 nước trong liên minh quốc tế đang chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong số những người tham dự cuộc họp, có Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice và Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.
Tổng thống Obama cho biết chính phủ Mỹ cũng “chú ý đến giao tranh đang diễn ra ở tỉnh Anbar của Iraq”. Giao tranh tại Anbar và thị trấn Kobani thể hiện mối đe dọa của IS với Iraq cũng như Syria. “Các đợt không kích của liên minh sẽ tiếp tục diễn ra tại cả hai khu vực”, người đứng đầu Nhà Trắng nói.
Theo ông Obama, chiến dịch chống IS đã có một vài “thành công quan trọng”, như giúp giành lại quyền kiểm soát đập Mosul từ tay IS ở Iraq, cứu nhiều dân thường thoát khỏi thảm sát trên núi Sinjar và tiêu diệt nhiều mục tiêu của phiến quân. Ông cảnh báo “đây sẽ là một chiến dịch dài hạn, có những bước tiến và thất bại”. Nỗ lực tiêu diệt IS không chỉ là một hoạt động quân sự riêng lẻ, nó còn đòi hỏi xử lý tư tưởng cực đoan cũng như nguồn tài chính của nhóm khủng bố này, tổng thống Mỹ nói.
Cuộc họp quân sự tại căn cứ không quân Andrews, gần Washington, diễn ra trong bối cảnh các chiến đấu cơ của liên minh vừa thực hiện 21 đợt không kích trong hai ngày 13 và 14/10 quanh Kobani, thị trấn chiến lược của Syria nằm gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây còn là lần đầu tiên các quan chức cấp cao trong liên minh chống IS, gồm 60 nước, ngồi lại cùng nhau kể từ khi nó được thành lập hồi tháng trước.
Video đang HOT
Các đợt ném bom nhằm ngăn bước tiến của IS vào thị trấn và nguy cơ xảy ra thảm sát sau đó. Một nhóm nhân quyền Syria lưu vong cho biết đợt không kích ít nhất đã cứu Kobani “không rơi hoàn toàn vào tay phiến quân Hồi giáo”. IS hiện còn kiểm soát gần như hoàn toàn Anbar, tỉnh lớn nhất Iraq, tiến sát khu vực ngoại ô phía tây thủ đô Baghdad.
Như Tâm
Theo VNE
IS dội bom ở Iraq, thị trấn Kobani tiếp tục hứng pháo hạng nặng
Hôm 12.10, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tiến hành các vụ đánh bom chết người ở Iraq, sát hại nhiều người Kurd ở phía bắc và ám sát một chỉ huy cảnh sát ở khu vực phía tây. Bên cạnh đó, khu vực trung tâm thị trấn Kobani cũng bị tấn công bằng pháo hạng nặng và súng cối.
Ông Ocalan Iso, chỉ huy lực lượng người Kurd bảo vệ thị trấn Kobani cho biết, khu vực trung tâm thị trấn Kobani bị tấn công trong đêm ngày 12.10. Ông Iso cũng cho hay, các cuộc đụng độ còn nổ ra ở phía đông và đông nam, không có bên nào giành được vùng lãnh thổ tranh chấp.
Theo ông Idris Nassan, cấp phó phụ trách ngoại giao của người Kurd ở Kobani, các cuộc giao tranh ác liệt trên đường phố bắt đầu khoảng nửa đêm qua. Các chiến binh người Kurd đã bắt được những kẻ tấn công trong trận phục kích này.
Các trận đấu súng diễn ra trong ngày 12.10 gần các tòa nhà chính quyền mà IS đã chiếm giữ 2 ngày trước đó.
Trận chiến ở Kobani diễn ra rất gần khu vực các xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ triển khai gần biên giới. Tuy nhiên, nước này từ chối can thiệp giúp đỡ bảo vệ thị trấn chiến lược của người Kurd, dẫn đến các cuộc bạo động ủng hộ người Kurd bùng nổ trong tuần qua, làm 38 người thiệt mạng.
Lãnh đạo người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, thất bại của chính phủ nước này trong việc hỗ trợ bảo vệ thị trấn Kobani có thể phá hủy tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt các cuộc nổi dậy kéo dài nhiều thập niên đã giết chết gần 40.000 người.
Các chiến binh người Kurd ở Kobani nói rằng, họ muốn Thổ Nhĩ Kỳ cho phép những người anh em của họ đưa tiếp viện và vũ khí để chống lại phiến quân IS.
"Chúng tôi muốn họ mở hành lang để người của chúng tôi có thể đến đây và giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi cần rất nhiều thứ", Esmat Al-Sheikh, người đứng đầu Hội đồng phòng vệ thị trấn Kobani chia sẻ với Reuters qua điện thoại.
Khói bốc lên từ thị trấn chiến lược Kobani ở Syria hôm 12.10.
Tại Syria, mối quan tâm chủ đạo những ngày gần đây là thị trấn Kobani của người Kurd gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Những người Kurd ở đây đang nỗ lực ngăn chặn những bước tiến của lực lượng phiến quân IS, đã khiến khoảng 200.000 người tị nạn phải vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Phiến quân IS đã bao vây thị trấn này trong gần 4 tuần và giành quyền kiểm soát ít nhất 40% thị trấn. Một phái viên Liên Hợp Quốc cho hay, hàng ngàn người có thể bị tàn sát nếu Kobani thất thủ.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết, những chiến binh người Kurd ở Kobani đã nỗ lực để giữ vững lãnh thổ của mình. Cũng theo tổ chức này, 36 phiến quân IS, tất cả đều là người nước ngoài, đã bị tiêu diệt trong trận chiến trước đó, trong khi chỉ có 8 người Kurd thiệt mạng. Tuy nhiên, số liệu này chưa thể được xác minh độc lập.
Quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ cho biết, mặc dù Washington đã loại trừ khả năng triển khai bộ binh ở cả Iraq và Syria, tuy nhiên có thể nâng cao vai trò "tham mưu, hỗ trợ" cho các lực lượng bộ binh của Iraq trong tương lai.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, bà Susan Rice, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho phép liên minh thực hiện các hoạt động chống IS ở Iraq và Syria và huấn luyện có chừng mực cho quân đội Syria trong cuộc chiến chống lại IS.
Một liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, trong đó hầu hết các quốc gia Trung Đông đều tham gia, đã ném bom các vị trí của IS tại các vùng lãnh thổ chúng chiếm được ở cả Iraq và Syria.
Theo LDO
Chiến thuật đánh chiếm và giữ đất của Nhà nước Hồi giáo Áp dụng chiến thuật tấn công được đúc rút từ các cuộc chiến tranh trong quá khứ đồng thời cai trị dân chúng dưới quyền bằng cả biện pháp vũ lực và tư tưởng là những chiêu bài giúp Nhà nước Hồi giáo bành trướng. Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), với cuộc tấn công dữ dội vào thị trấn Kobani khi...