Obama: ‘Hỡi tất cả người dân Mỹ: Tôi xin lỗi’
Tổng thống Mỹ Barack Obama xin lỗi toàn dân Mỹ vì bế tắc tài khóa khiến chính phủ đóng cửa một phần, nhưng tiếp tục quy trách nhiệm cho phe Cộng hòa.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo hôm qua tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP
“Tôi biết người Mỹ đã mệt mỏi vì nó (việc chính phủ đóng cửa). Hỡi tất cả người dân Mỹ: Tôi xin lỗi vì dường như các bạn buộc phải trải qua những điều này mỗi ba tháng. Xin Chúa chứng giám, tôi cũng mệt mỏi vì chuyện này rồi”, Obama hôm qua phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Ông hối thúc người Cộng hòa trong Hạ viện ngay lập tức thông qua dự luật mở cửa chính phủ và tăng trần nợ quốc gia. “Trong các cuộc đàm phán không nên giữ mọi người làm con tin và đòi khoản tiền chuộc để nhận được 100% những gì các vị muốn”, ông Obama nói khi tình trạng bế tắc đã bước sang ngày thứ 8.
Tổng thống Mỹ cho biết bất cứ cuộc đàm phán nào về việc chính phủ đóng cửa hay trần nợ “không cần thiết phải treo những mối đe dọa về sự hỗn loạn kinh tế lên đầu người dân Mỹ”.
Theo Zee News, một giờ sau đó, Chủ tịch Hạ viện John Boehner từ chối đáp ứng yêu cầu của tổng thống. “Điều tổng thống nói hôm nay nghĩa là nếu có sự đầu hàng vô điều kiện của người Cộng hòa, ông ấy sẽ ngồi xuống và nói chuyện với chúng ta. Đó không phải là cách chính phủ ta hoạt động”. Nhắc lại lập trường, Boehner cho biết cuộc thảo luận phải bắt đầu “ngay từ hôm nay” chứ “không phải tuần tới, không phải tháng tới”.
Video đang HOT
Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew nói hạn chót để Quốc hội hành động là ngày 17/10. Đây là ngày chính phủ sẽ cạn kiệt khả năng vay nợ và sẽ phải dựa vào thuế thu hàng ngày và số thu khác để chi trả.
Một số người Cộng hòa đánh giá thấp ý nghĩa của hạn chót 17/10, cho rằng kể cả đến lúc đó, Mỹ vẫn sẽ có thể trả nợ cho Trung Quốc cùng những chủ nợ khác, và tránh được tình trạng nền kinh tế tiếp tục đi xuống.
Tuy nhiên, Obama nói những người thuộc đảng Cộng hòa đang lạc lối nghiêm trọng và cảnh báo rằng sự vỡ nợ sẽ làm hại nền kinh tế, khiến các tài khoản hưu trí bị thu hẹp và nhà mất giá. Trong khi đó, một số người Cộng hòa khác trong những ngày gần đây nhất trí với mối đe dọa của sự vỡ nợ và quyết tâm ngăn chặn nó.
Trọng Giáp
Theo VNE
Obama: 'Tôi rất phẫn nộ'
Cuộc thương lượng mới nhất giữa Tổng thống Barack Obama và những lãnh đạo đảng Cộng hòa đi vào ngõ cụt, và ông cho biết rất phẫn nộ vì việc một số nghị sĩ có thể đe dọa Nhà Trắng về ngân sách.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner phát biểu với giới truyền thông sau cuộc gặp với Tổng thống Obama hôm qua. Ảnh: AFP
Tổng thống Obama chiều qua có cuộc gặp dài hơn một tiếng với Chủ tịch Hạ viện John Boehner và một số quan chức khác của Quốc hội. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ của ông Obama đã đưa ra được giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng của chính phủ. Hai phe vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về bế tắc này.
"Tổng thống đã tái khẳng định một lần nữa rằng ông ấy sẽ không đàm phán gì hết",AFP dẫn lời ông Boehner.
Ngay sau đó một giờ, ông Harry Reid, lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện, lên tiếng chỉ trích thái độ của ông Boehner và thề sẽ không bao giờ cho phép phe Cộng hòa loại bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe của ông Obama (Obamacare) bằng cách lợi dụng cuộc khủng hoảng ngân sách.
"Chúng tôi sẽ theo đến cùng chương trình Obamacare", ông Reid nhấn mạnh.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với CNBC, Obama cũng tuyên bố ông sẽ không đàm phán về vấn đề ngân sách cho đến khi các nghị sĩ Cộng hòa thông qua một dự luật tạm thời để cung cấp ngân sách cho chính phủ và nâng trần nợ công đang ở mức 16,7 nghìn tỷ USD, để Washington tránh bị vỡ nợ trong vài tuần tới.
"Chỉ khi nào cuộc bỏ phiếu diễn ra và chính phủ hoạt động trở lại, và chỉ khi nào họ đảm bảo cho Quốc hội thanh toán các khoản chi của chúng tôi kịp thời, để nước Mỹ không phải vỡ nợ, thì khi đó tôi mới chuẩn bị cho một cuộc thương thuyết hợp lý về một loạt các vấn đề", ông nói.
Tổng thống cũng cảnh báo sự cố lần này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu khi cho phép các nghị sĩ của bất kỳ đảng nào "tống tiền" Nhà Trắng quanh vấn đề nâng trần nợ công.
"Tôi đang hết sức phẫn nộ, vì chuyện này hoàn toàn không cần thiết", ông Obama nói.
Trong bối cảnh chưa bên nào của lưỡng viện sẵn sàng nhượng bộ, hy vọng giải thoát khỏi bế tắc của chính phủ Mỹ đang đi vào ngõ cụt. Trong khi đó, giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cảnh báo, việc chính phủ Mỹ đóng cửa "là một mối nguy cơ nếu nó kéo dài". "Đó sẽ là nguy cơ không chỉ với nước Mỹ mà cả nền kinh tế thế giới", ông nói.
Chính phủ Mỹ bắt đầu ngừng hoạt động từ ngày 1/10 sau khi Thượng viện và Hạ viện không thể thống nhất về ngân sách cho các cơ quan của chính phủ. Tình trạng này đã diễn ra 17 lần kể từ năm 1977, trong đó thời gian ngắn nhất là một ngày và dài nhất là 21 ngày.
Anh Ngọc
Theo VNE
Nước Mỹ có nguy cơ vỡ nợ Nếu quốc hội Mỹ không nâng trân vay nơ trươc ngay 17/10, Washington se con khoảng 30 tỉ USD tiên măt. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch hạ viện John Boehner chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề ngân sách, trần nợ công Một bộ phận chính phủ liên bang Mỹ bị đóng cửa do thiếu kinh phí đã...