Obama đọc Thông điệp Liên bang
Tổng thống Barack Obama tuyên bố nước Mỹ đã sẵn sàng để bước sang một thời đại mới sau nhiều năm chiến tranh, suy thoái kinh tế và đối mặt với khủng bố, trong Thông điệp Liên bang.
Tổng thống Obama đọc Thông điệp Liên bang tại Đồi Capitol. Phía sau ông là phó tổng thống Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Ảnh: Reuters
Theo BBC, Thông điệp Liên bang thứ 6 và áp chót được tổng thống Mỹ đọc vào 21h (giờ địa phương). Những người có mặt tại sự kiện này ở Đồi Capitol, tòa quốc hội Mỹ, có Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama, tù nhân vừa được Cuba trả tự do Alan Gross và nhiều người từng viết thư đến Nhà Trắng năm ngoái.
Theo video giới thiệu trước được Nhà Trắng công bố, ông Obama cho hay nước Mỹ hiện đã vực dậy từ suy thoái và đây là thời điểm để người dân Mỹ chia đều cổ tức của nền kinh tế đang phát triển.
“Thông điệp Liên bang cho tôi cơ hội để nói với người dân Mỹ rằng hiện tại chúng ta đã chiến đấu qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta làm thế nào để đảm bảo rằng mọi người trong nước đều san sẻ nền kinh tế đang phát triển”, ông nói.
Ông cũng sẽ đưa ra những đề xuất về “nền kinh tế trung lưu”. Theo kế hoạch này, mức thuế đối với người giàu của Mỹ sẽ tăng từ 23,8% lên 28%. Việc tăng thuế đối với nhóm những người có thu nhập đứng đầu sẽ giúp giảm thuế cho những người Mỹ có thu nhập bậc trung.
“Nền kinh tế trung lưu là ý tưởng tốt nhất cho quốc gia khi mọi người đóng góp như nhau, chia sẻ như nhau, và mọi người cùng tuân theo những bộ quy tắc như nhau”, một trích đoạn trong thông điệp dài 6.000 từ mà ông Obama dự kiến đọc.
Theo AFP, lần đầu tiên Nhà Trắng công bố trước bản sao Thông điệp Liên bang của tổng thống trên mạng, thay vì chỉ chia sẻ hạn chế với các phóng viên như trước.
Các đề xuất khác mà tổng thống sẽ đưa ra là trả lương nhiều hơn cho những người nghỉ ốm, miễn học phí đại học sinh viên giỏi.
Ngoài ra, ông cũng sẽ đề nghị quốc hội giải quyết mối đe dọa về tấn công mạng và chính thức cấp quyền sử dụng vũ lực chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Video đang HOT
“Thay vì sa vào một cuộc chiến tranh trên bộ khác ở Trung Đông, chúng ta đang dẫn đầu một liên minh lớn, trong đó có các nước Arab, nhằm làm suy yếu và cuối cùng là xóa sổ nhóm khủng bố này”, ông dự kiến phát biểu. “Chúng ta cũng đang hỗ trợ cho phe đối lập ôn hòa ở Syria để họ có thể giúp chúng ta trong nỗ lực này và giúp người dân ở khắp nơi có tư tưởng đứng lên phá bỏ chủ nghĩa cực đoan bạo lực”.
Thông điệp Liên bang của ông Obama được đưa ra trong bối cảnh khá lạc quan cho đảng Dân chủ, bất chấp thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm ngoái.
Theo cuộc thăm do do NBC News/ Wall Street Journal thực hiện, 45% người Mỹ bày tỏ sự hài lòng với kinh tế Mỹ, tỷ lệ cao nhất từ tháng 1/2004. 49% số người được hỏi cũng đồng tình với cách điều hành nền kinh tế của ông Obama, cao nhất kể từ năm đầu tiên ông tại nhiệm.
Anh Ngọc
Theo VNE
Putin mong muốn gì từ Thông điệp Liên bang
Giữ lập trường cứng rắn trước những mối bất đồng với phương Tây nhưng trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin vẫn để ngỏ một cánh cửa hợp tác.
Tổng thống Putin phát biểu Thông điệp Liên bang. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4/12 đưa ra Thông điệp Liên bang hàng năm trước quốc hội, nội các cùng nhiều quan chức khác của Nga.
Phóng viên Sarah Rainsford của BBC ở Moscow cho biết ông Putin đã đích thân viết bản thảo cuối cùng của Thông điệp Liên bang năm nay, nhằm thể hiện quan điểm về tình hình nước Nga và vạch ra những ưu tiên cho năm tới.
Theo Rainsford, Thông điệp Liên bang cho thấy "Putin nhấn mạnh quan điểm không thay đổi của mình về tình hình Ukaine, rằng những gì xảy ra ở Kiev là một 'cuộc đảo chính bất hợp pháp'" trong khi Crimea, bán đảo Moscow cho sáp nhập vào tháng ba, là "vùng đất thiêng" của Nga và sẽ giữ vững quan điểm này.
Ông Putin một lần nữa cáo buộc phương Tây can dự vào tình hình nội bộ của Moscow, dùng các lệnh trừng phạt để "phong tỏa" Nga, khi Nga phát triển ngày một mạnh mẽ và độc lập hơn. "Putin kêu gọi người Nga cùng đoàn kết vì một nước Nga tốt đẹp", Rainsford nhận định.
Sẵn sàng hợp tác
Tuy nhiên, tổng thống cũng cho biết Nga sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ cùng châu Âu, bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine. "Mục tiêu là loại bỏ các rào chắn chứ không phải là dựng chúng lên", ông phát biểu.
"Bài phát biểu không hề có chiều hướng đối đầu hay chống lại phương Tây", Sputnick dẫn lời Dusan Kerny, nhà báo, phóng viên chính trị Slovakia, nhận định. "Nói một cách khác, dường như tổng thống Nga vẫn để mở cánh cửa trong mối quan hệ với các đối thủ ở châu Âu và Mỹ", ông cho biết thêm.
Theo giáo sư Adam Bobryk, nhà khoa học chính trị Ba Lan, bài phát biểu không chỉ gửi tín hiệu tới người dân Nga mà còn hướng đến các lãnh đạo phương Tây, nó như một lời mời gọi Mỹ và các nước châu Âu hàn gắn mối quan hệ với Nga sau những bế tắc gặp phải ở Ukraine.
"Tôi nghĩ thông điệp được gửi tới cả người Nga cũng như cộng đồng quốc tế và các chính trị gia, những người đang rất chờ đợi để xem nước đi tiếp theo của Nga là gì", nhà bình luận người Ba Lan nói. "Điều quan trọng lúc này là phương Tây sẽ phản ứng ra sao trước những tuyên bố của ông Putin".
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 3/12, tại hội nghị bàn tròn doanh nghiệp ở Washington, cho biết ông không đặt lòng tin vào việc lãnh đạo nước Nga sẽ thay đổi quan điểm về khủng hoảng ở Ukraine đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục gây áp lực trừng phạt lên Moscow.
Dường như để đáp lại những ý kiến này, Tổng thống Putin tuyên bố quyết không để phương Tây phủ "bức màn sắt" lên nước Nga và Moscow không chọn con đường bị cô lập.
Theo Kerny, bên cạnh việc thể hiện quyết tâm muốn duy trì quan hệ hợp tác với phương Tây, Tổng thống Putin vẫn tái khẳng định mối quan tâm cũng như cam kết của mình với các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi ông miêu tả những quốc gia này là sức mạnh chính yếu trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu.
Khôi phục kinh tế
Những biện pháp nhằm tăng cường sự tự do cho giới kinh doanh Nga mà ông Putin đề xuất trong Thông điệp Liên bang rõ ràng là một tín hiệu mang tính xây dựng mà các nhà kinh doanh trên cả nước đều chờ đợi từ chính quyền, Itar- Tass dẫn thông tin từ một cuộc thăm dò ý kiến các đại diện kinh doanh cho hay.
Theo Tổng thống Putin, mối quan hệ giữa chính phủ và giới kinh doanh nên dựa trên tinh thần hợp tác và tin tưởng, vì thế ông cho rằng các doanh nghiệp nên được tháo gỡ một vài sự kiểm soát và giám sát quá mức.
Ông đề xuất nhiều biện pháp gỡ bỏ xiềng xích cho doanh nghiệp trong đó có đóng băng thuế suất trong 4 năm, đồng thời miễn thuế hoàn toàn với các dòng vốn quay trở lại Nga. Dòng vốn nước ngoài chảy vào Nga trong năm nay ước tính đạt hơn 100 tỷ USD.
"Các doanh nghiệp ít nhất nên nhận được những tín hiệu rõ ràng rằng nhà nước luôn sẵn sàng đón tiếp họ. Nếu không có sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp thì nỗ lực thoát khỏi tình thế kinh tế phức tạp hiện tại là bất khả thi", Itar-Tass dẫn lời ông Nikolay Ostarkov, phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Nga, nhận xét.
"Quan trọng hơn cả là việc thông điệp của ông Putin được các ban ngành và cơ quan chính phủ đón nhận như thế nào. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy những ý định tốt đẹp của chính quyền thường nhận được sự hưởng ứng yếu ớt từ các quan chức điều hành", ông Ostarkov nói thêm.
"Bàn về những động lực để phát triển doanh nghiệp, ông Putin đã đưa ra một vài ý tưởng rất đáng chú ý. Điều đặc biệt quan trọng là việc ông kêu gọi giảm bớt những rào cản hành chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ", Yaroslav Lisovolik, nhà kinh tế trưởng thuộc chi nhánh ngân hàng Deutsche tại Nga, bình luận.
"Ở Đức và các nước thuộc Liên minh châu Âu khác, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp đến 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và cung cấp hơn 50% lượng việc làm. Xét trên góc độ này, Nga còn rất nhiều không gian để phát triển. Đến nay, nguồn lực đó vẫn chưa được tận dụng tối đa. Ông Putin nhấn mạnh sự cần thiết của việc trao thêm tự do cho doanh nghiệp là hoàn toàn hợp lý", ông Lisovolik nói.
Theo Garegin Tosunian, Chủ tịch Hiệp hội các Ngân hàng Nga, bài phát biểu của ông Putin gửi đi nhiều tín hiệu tích cực đối với thị trường. Việc tổng thống đề nghị đóng băng thuế suất trong 4 năm là rất đáng hoàn nghênh khi "tất cả mọi người đều đã phát mệt vì những chính sách thuế khóa không thể đoán trước" của chính phủ.
"Có thể đó không phải là một môi trường lý tưởng nhưng rõ ràng điều kiện kinh doanh ở Nga đang thay đổi theo hướng tích cực nhất", Kim Hyun Taek, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nga tại Đại học Hankuk, Hàn Quốc bình luận.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Timothy Ash từ ngân hàng Standard, ông không nhìn thấy "ý tưởng nào từ bài phát biểu của Putin giúp giảm bớt áp lực lên thị trường Nga".
Bài phát biểu được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Nga gặp rất nhiều khó khăn. Giá dầu sắp chạm mức 63 USD một thùng, đồng rúp mất 40% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay, tỷ lệ lạm phát chạm mức 9%, đồng thời dự báo mới nhất cho thấy Moscow có thể rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế vào năm 2015.
"Đối với những người đặt niềm tin hoàn toàn vào chính phủ, tôi nghĩ ông ấy có thể trấn an họ, dù sao thì họ cũng đã bình tĩnh sẵn rồi", New York Timesdẫn lời Aleksei V. Makarkin, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Khoa học Chính trị Moscow, đánh giá. Tuy nhiên, mỗi người dân sẽ phải đối mặt với những thực tế rất khác nhau và bài diễn văn không thể giải đáp tất cả các khúc mắc, ông cho biết thêm.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Thông điệp liên bang 2014 đem lại niềm tin cho người dân Nga Khác với mọi năm, Tổng thống Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang năm 2014 trong bối cảnh nước Nga đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ. Đây cũng chính là lý do mà dư luận đặc biệt trông đợi bản thông điệp thứ 21 trong...