Obama đang đau đầu với những vấn đề gì?
Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 28/5, đã bảo vệ chính sách ngoại giao của mình trong một bài phát biểu ở Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, trong đó ông trình bày một chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa can thiệp, nhưng không quá mức.
CNN đưa tin, bài phát biểu được Obama đưa ra trong bối cảnh chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ chịu nhiều chỉ trích gay gắt, sau khi ông công du tới châu Á tháng trước.
Obama người đã thận trọng tránh bất kỳ một kiểu đối đầu quân sự khi phản ứng trước những thách thức ở Syria và Ukraina – phản hồi rằng mục tiêu của ông là tránh mắc phải “những sai lầm” đắt giá trên trường quốc tế.
Tổng thống Barack Obama khi phát biểu tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point. (Ảnh: AP)
Nhưng thế giới không chờ đợi ai. Obama có thể chủ trương một chính sách ngoại giao né tránh rủi ro, nhưng ông lại đối mặt với hàng loạt thử thách cấp bách trên toàn cầu mà nhiều khả năng sẽ chi phối phần còn lại trong nhiệm kỳ của ông.
Nga
Khủng hoảng chính trị ở Ukraina và việc Tổng thống Putin sáp nhập bán đảo Crưm đã đẩy Nga và Mỹ vào căng thẳng. Điều này đã nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn của chính quyền Obama, thử thách sự can đảm của Mỹ và liên minh của nước này với châu Âu.
Mỹ và các đồng minh cáo buộc Moscow ủng hộ phe li khai và gây bất ổn ở miền đông Ukraina. Và trong khi khen ngợi cuộc bầu cử ở Ukraina hồi cuối tuần trước, phương Tây cáo buộc Nga tìm cách phá vỡ cuộc bỏ phiếu.
Nga còn bị loại khỏi nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới G8. Mỹ và Liên minh châu Âu cũng áp đặt một loạt đòn cấm vận lên các quan chức và công ty Nga.
Mỹ cho rằng, Nga đang cảm thấy sức nóng kinh tế từ cấm vận, nhưng trong tháng này ở Thượng Hải, ông Puntin đã ký thỏa thuận bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD cho Trung Quốc trong vòng 30 năm.
Không chỉ có thế, Nga còn chứng minh nước này có thể trả đũa. Mặc dù Washington và Moscow đã cùng làm việc về một thỏa thuận nằm loại bỏ vũ khí hóa học ở Syria, việc Nga ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad và cam kết cung cấp vũ khí cho các chính phủ ở Trung Đông tiếp tục khiến Mỹ “đau đầu”.
Với quyền phủ quyết trong vai trò thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an, Nga có thể vô hiệu hóa hành động về các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Mỹ cần phải hợp tác với Nga về một thỏa thuận hạt nhân với Iran và ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Syria
Ba năm lao vào nội chiến đẫm máu, phe đối lập ở Syria vẫn non yếu trong khi các nhóm cực đoan ngày càng lớn về số lượng và ảnh hưởng, còn Tổng thống al-Assad vẫn giữ vững quyền lực.
Video đang HOT
Nỗ lực kéo dài nhằm đưa phe đối lập và chính phủ vào bàn đàm phán hòa bình đã thất bại. Thương lượng chính trị dường như càng xa vời hơn bao giờ hết và thảm họa nhân đạo ngày càng trầm trọng.
Obama phải chịu áp lực rất lớn từ nhiều cố vấn cấp cao cho rằng, Mỹ phải tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột này. Nếu không có một sự thay đổi quyết định về cán cân sức mạnh quân sự thì ít có khả năng Tổng thống Assad sẽ cảm thấy buộc phải nhượng bộ.
Iran
Các cường quốc thế giới chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến thời hạn chót 20/7 phải đạt một thỏa thuận toàn diện với Iran về chương trình hạt nhân của nước này.
Thỏa thuận tạm thời đạt được với Tehran hồi tháng 11 năm ngoái đã nới lỏng một số lệnh cấm vận kinh tế để đổi lấy việc Iran phải cắt giảm nhiều phần trong chương trình hạt nhân của nước này.
Trong khi Mỹ và một số nước nghi ngờ Iran đang nỗ lực chế tạo vũ khí nguyên tử, Tehran khẳng định các ý định hạt nhân của nước này chỉ phục vụ mục đích hòa bình.
Nhóm đàm phán Mỹ cho rằng, tiến bộ đã đạt được ở một số vòng đàm phán và nhóm P5 1 – gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Đức – và Iran đã bắt đầu soạn thảo một thỏa thuận.
Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều trở ngại lớn, trong đó có tương lai của lò phản ứng nước nặng ở Arak, cơ sở ngầm ở Fordo và liệu Iran có tiếp tục giữ quyền làm giàu một số lượng nhỏ hạt nhân cấp độ thấp ở trong nước để phục vụ nghiên cứu và y học hay không.
Iran tuyên bố đó là những điểm bất biến nhưng chúng lại bị Israel và Mỹ phản đối.
Một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo Iran tiếp tục theo đuổi khả năng về tên lửa đạn đạo, và Tehran dường như không muốn thảo luận về công nghệ hạt nhân như một phần đàm phán hạt nhân, khiến Mỹ và các đồng minh châu Âu không hài lòng.
Đe dọa khủng bố
Mỹ đã tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden và làm giảm sức mạnh của ban lãnh đạo al-Qaeda ở Pakistan. Tuy nhiên, một báo cáo của Bộ Ngoại giao ở Washington nói rằng các tổ chức chi nhánh của mạng lưới này đang ngày càng tàn ác hơn.
Một loạt đe dọa tấn công các mục tiêu Mỹ và phương Tây đang gây quan ngại bên trong cộng đồng tình báo Mỹ. Báo cáo của Bộ Ngoại giao cho thấy, chi nhánh al-Qaeda ở Yemen đang tiếp tục gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ.
Châu Á
Các cuộc khủng hoảng ở Ukraina và Syria đã phân tán sự tập trung của chính quyền Obama vào chủ trương “xoay trục tới châu Á” vốn đã được hoạch định để tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và đối trọng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, châu lục này cũng đang chứng kiến nhiều bất ổn, và việc kiềm chế Trung Quốc tỏ ra là một thách thức rất lớn.
Trong khi giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang leo thang căng thẳng về một chuỗi đảo ở Biển Hoa Đông thì Bắc Kinh còn gia tăng các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Hai đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực – Nhật Bản và Hàn Quốc – đang bất hòa bởi những gì Seoul coi là thiếu ăn năn về quá khứ cai trị thuộc địa tàn ác của Nhật.
Ở Đông Nam Á, Thái Lan tiếp tục bế tắc chính trị, với việc quân đội đã tiến hành đảo chính hồi tuần trước.
Tham vọng của Washington nhằm tăng cường thương mại với khu vực dường như cũng bị cản trở. Obama công du tới Nhật Bản hồi tháng trước, để tiến tới một thỏa thuận với Nhật Bản nhằm thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng đã phải rời Tokyo “với hai bàn tay trắng”.
Đó là chưa kể những khó khăn của Mỹ trong quan hệ với Ai Cập sau bầu cử và nỗ lực cứu vãn tiến trình hòa bình Trung Đông sau khi các cuộc hội đàm đổ vỡ hồi tháng trước.
Tìm cách vận hành một chính sách ngoại giao tránh né rủi ro trong khi đối mặt với những ý kiến kêu gọi Mỹ phải xốc vác hơn nữa, rõ ràng ông Obama đang phải đối mặt với rất nhiều bài toán nan giải.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Choáng với cảnh chen chúc lên tàu ở TQ
Mạng lưới tàu điện ngầm ở Trung Quốc là nhộn nhịp nhất thế giới, với khoảng 10 triệu lượt đi lại một ngày ở gần 200 nhà ga.
Khách đi tàu, đã phải đối mặt với tình trạng kẹt xe khủng khiếp, quá tải trên các phương tiện giao thông, không khí ô nhiễm tới mức đi làm bằng xe đạp hoặc đi bộ cũng không phải là một lựa chọn, hiện lại phải đối mặt với một trở ngại mới: kiểm soát an ninh kiểu sân bay tại các ga tàu điện ngầm.
Hôm 24/5, Bắc Kinh đã siết chặt kiểm soát an ninh tại các ga tàu điện ngầm sau khi một vụ tấn công xảy ra ở vùng Tân Cương, làm 31 người thiệt mạng.
Dưới đây là các bức ảnh của Reuters cho thấy đoàn người xếp hàng rồng rắn trong giờ cao điểm tại ga tàu điện ngầm Bắc Kinh
Cảnh xếp hàng rồng rắn xuất hiện khi thành phố quyết dịnh áp dụng biện pháp an ninh chống khủng bố tại các ga lớn. Một nhân viên an ninh đứng gác trong khi các hành khách xếp hàng và chờ tới lượt kiểm tra trong giờ cao điểm buổi sáng tại ga Bắc Tiantongyuan.
Cư dân Bắc Kinh đối mặt với việc xếp hàng chưa từng có
Một hành khách giơ tay trong khi xếp hàng chờ tới lượt qua cửa an ninh
Hành khách xếp hàng chờ tới lượt kiểm tra an ninh trước khi lên tàu
Các hành khách phải đi qua cửa kiểm tra kim loại và bị nhân viên an ninh soát người trước khi được cho vào trong
Sau khi xếp hàng qua cửa an ninh, hành khách lao vào một trong những mạng lưới ga tàu ngầm đông đúc nhất thế giới
Một nhân viên nhà ga cố gắng giữ gìn trật tự khi dòng người ùn ùn kéo lên tàu
Hoài Linh
Theo_VietNamNet
Tân Tổng thống Ukraine thề dẹp tan nổi loạn tại khu vực miền đông Tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 28/5 khẳng định quân đội nước này sẽ nhanh chóng dẹp tan cuộc nổi loạn đẫm máu tại khu vực miền đông bất chấp việc Ukraine đối mặt với khả năng bị Nga cắt nguồn cung khí đốt. Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đã biến thành thị trấn ma sau 2 ngày, hơn 100...